Những lãng tử cuối cùng của Hà thành xưa:

Họa sĩ Trần Lưu Hậu - Kẻ độc hành trong cõi nhân gian

Thứ Bảy, 19/02/2011, 18:57
Thật khó khăn khi đi tìm lại những lãng tử cuối cùng của đất Hà thành xưa. Họ, những người đàn ông tài hoa, sống trong cõi đời bằng niềm đam mê của chính mình, không màng danh lợi, tiền bạc hay những thứ phù hoa, nhưng nếu thiếu họ, sẽ thiếu đi cái hồn vía của Thăng Long xưa. Họ, giờ đây, người còn người mất…

Một ngôi nhà rộng 200m2, bảy tầng, có thang máy và đầy ánh sáng được treo đầy tranh, hiện đại và sang trọng như một bảo tàng thu nhỏ, nhưng không phải dành cho khách thưởng lãm, mà chỉ để lưu giữ lại một không gian cho riêng mình giữa lòng Hà Nội, trưng bày những tác phẩm ông vừa vẽ. Nhiều năm rồi Trần Lưu Hậu vẫn sống lặng lẽ như vậy, vẽ chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của chính mình.

Nhiều người sẽ nghĩ Trần Lưu Hậu chơi ngông, bởi giữa chốn kinh kỳ tấc đất tấc vàng này, mà ông dành hẳn một không gian rộng lớn như vậy cho niềm đam mê của mình thì quả là ngông. Nhưng Trần Lưu Hậu chỉ cười, cả cuộc đời ông dành trọn vẹn cho nghệ thuật, đó là một thánh đường mà với nó ông không một chút tính toán hay vụ lợi. Người đời khen chê hay ghen ghét, ông mặc.

1. Áo thun, quần bò ống rộng, mũ lưỡi trai đội sụp, trông Trần Lưu Hậu vẫn ra dáng của một thanh niên trẻ trung, đầy sức sống. Nhìn vẻ bề ngoài của ông, vừa nghiêm ngắn, chỉn chu, vừa có cái vẻ nho nhã lịch thiệp của trai Hà Nội, nhưng điều quan trọng hơn là sức sống tỏa ra từ nội lực của ông, lập tức thu hút người đối diện. Một sức sống luôn quẫy đạp, ưa xê dịch và không ngừng sáng tạo.

Tôi và nhiều bạn bè gọi ông là lãng tử cuối cùng của đất Hà thành xưa. Chất lãng tử trong con người ông không đo đếm bằng những cuộc rong chơi, hay những vui thú tàn canh của người nghệ sĩ, không bằng những niềm đam mê vô bờ bến, mà đó là một sự phá cách không ngừng, một sự khám phá không ngừng của một nội lực tràn trề cảm xúc và hưng phấn trước cuộc sống và cái đẹp. Đó là những chuyến viễn du bất tận vào cõi nhân gian để thâu nhận vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Mà không đo đếm thiệt hơn, không quan tâm đến những thị phi ghen ghét của người đời.

Ông gần như là người còn lại hiếm hoi trong lớp họa sĩ đầu tiên của cách mạng, lớp họa sĩ may mắn được những danh họa nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn đào tạo. Bạn bè lần lượt rời xa cõi tạm, hay nếu còn sống thì cũng đã buông bút, nhưng với Trần Lưu Hậu thì hoàn toàn khác. Dường như đây chính là thời điểm mà sự sáng tạo trong ông mãnh liệt hơn bao giờ hết. Còn giàu có ư, ông không bao giờ định lượng sự giàu có bằng nhà lầu hay xe hơi,  mà ông dành tất cả cho nghệ thuật. Bước vào phòng tranh rộng thênh của ông, từ tầng một đến tầng bảy, Trần Lưu Hậu đều dành toàn bộ để treo tranh, được bày biện một cách cẩn thận, tỷ mỷ, thể hiện sự nâng niu trân trọng của người họa sĩ đối với đứa con tinh thần của mình.

2. Trai Hà Nội, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Thái Hà ấp, (nay là phố Thái Hà), cậu công tử con nhà giàu Trần Lưu Hậu cũng đã trải qua một cuộc sống nhiều sóng gió, cùng với sự biến động không ngừng của đất nước. Ông có cơ hội được đi nhiều, được sống nhiều đời sống, khi là cậu công tử con nhà giàu không hề biết đến gian khổ, khi lao động tay chân cật lực vất vả như một nông dân thứ thiệt, để hiểu, để cảm nhận những góc cạnh đa diện của đời sống. Nhiều người ngạc nhiên khi nhìn Trần Lưu Hậu đi cấy, phát bờ, xay lúa. Nhưng đối với con người dễ thích nghi với từng hoàn cảnh sống như Trần Lưu Hậu thì đó là quãng thời gian đáng nhớ để ông có cơ hội được sống gần hơn với cuộc sống, làm giàu thêm nhãn quan thẩm mỹ của mình.

Trần Lưu Hậu bảo, cuộc đời của ông có thể chia ra hai giai đoạn, ít nhiều thể hiện tính cách của ông, Một con người hiền lành, chỉn chu và khá nghiêm ngắn trong cuộc sống đời thường, nhưng lại luôn luôn phá cách và không ngừng tự làm mới mình trong sáng tạo. Một lãng tử của nghệ thuật.

Giai đoạn đầu, thời bao cấp khốn khó, ông nai lưng ra làm việc, chèo chống cả một gia đình, một vợ và năm người con. Thời đoạn đó, mọi chuyện của ông chỉ có thể gói gọn trong hai chữ "cầm chừng". Nhưng giống như một con sóng ngầm đang cuộn chảy, nhìn bề ngoài có vẻ phẳng lặng, bình yên, nhưng vẫn luôn vận động không ngừng, và đến một lúc nào đó con sóng sẽ bùng phát, cuốn phăng mọi thứ như ào ào thác lũ. Giai đoạn cầm chừng của Trần Lưu Hậu là vậy, ông nung nấu trong mình nhiều dự định, nhiều khát vọng, đau đáu cho một thứ đam mê duy nhất, nhưng đó là lẽ sống của đời ông, hội họa. Giai đoạn đó ông đi nhiều, những cuộc đi không hẹn trước, đưa học sinh đi thực tế nằm vùng cả tháng trời ở miền Trung nắng cháy, rồi miền Nam hay cả những vùng núi heo hút ở Việt Bắc… Đi nhiều đến mức, nhiều lúc trở về thấy Hà Nội trở nên xa lạ… Những chuyến đi tích lũy đó đã làm giàu thêm vốn sống của Trần Lưu Hậu.

Giai đoạn hai, đó mới là của Trần Lưu Hậu thực khi ông được đầm mình cho niềm đam mê, mà với ông dành tất cả thời gian và tâm sức cho nó mà ông vẫn còn thấy chưa đủ. Nhiều nghệ sĩ thường chia sẻ niềm đam mê của mình cho những thú vui khác, nhưng với Trần Lưu Hậu thì không, ông dành trọn tâm thế, tình yêu của mình cho hội họa, một tình yêu duy nhất không sẻ chia, vơi bớt, mà thậm chí với tình yêu đó nhiều lúc ông còn thấy mình chưa đủ sức. Nên quanh đi quẩn lại, chuyện đời, chuyện nhân thế, với Trần Lưu Hậu cũng là hội họa, và chỉ là hội họa mà thôi.

Và một tác phẩm của ông.

Nói về sự xê dịch, càng về già Trần Lưu Hậu càng đi nhiều. Đi để tránh nóng, tránh ầm và quan trọng hơn là đi được sống, được thư giãn. Thời trai trẻ, những cuộc đi của ông gắn liền với công việc. Còn bây giờ, Trần Lưu Hậu là người của tự do, nhiều lúc ông vẫn thấy mình lạc lõng giữa phố xá. Cảm giác thôi thúc trong ông là sự rời bỏ, rời bỏ khỏi thành phố ồn ào chật hẹp, đông đúc những người mà luôn thấy mình cô đơn, để đến với một nơi nào đó, xa xôi hẻo lánh, được tận hưởng không khí của làng quê.

Có cảm giác như đối với Trần Lưu Hậu, ngôi nhà sang trọng này chỉ là nơi để ông trú chân trong cõi tạm, còn những chuyến đi, với ông mới thực sự được sống là mình, đó là hành trình của sự trở về  với nguồn cội, với chính bản thể của mình. Mỗi năm, Trần Lưu Hậu dành cho sự đi của mình một quỹ thời gian khá dài, khoảng 3 đến 4 tháng, năm SaPa, năm Tam Đảo, năm Cát Bà - Đồ Sơn, rong ruổi giữa thiên nhiên cây cỏ, tìm lại những cảm giác nguyên sơ của chính mình đã bị đánh mất khi ở phố. Cảm giác thường trực trong ông đó là sự dửng dưng với những thứ phù hoa, thậm chí đôi khi ông thấy mình lạc lõng trong căn nhà của chính mình. Máu lãng tử chảy trong huyết quản của ông, vứt bỏ hết những danh lợi, phù hoa, mà chỉ đau đáu cho một niềm đam mê hội họa.

Trần Lưu Hậu lẫn vào đời, đến những nơi hẻo lánh, xa vắng tiếng người, để được yên tĩnh, được đối diện với chính mình. Có lần ông một mình mang theo toan, bột màu lọ mọ lên Tam Đảo thuê một căn nhà ở lưng chừng núi, heo hút và lạnh lẽo. Ba tháng ròng rã, tịnh không một tiếng người. Mà chỉ có tiếng gầm rú của gió, tiếng rỉ rích của côn trùng đêm… Ba tháng trong cõi tĩnh mịch vô biên, Trần Lưu Hậu không hề cảm thấy cô đơn, ông đã cầm cọ vẽ, những mảng màu đen trắng, xanh đỏ loang lổ trên nét cọ của ông. Ông vẽ như chưa bao giờ được vẽ.

Cái sức làm việc bền bỉ dẻo dai đó, dường như chỉ có ở Trần Lưu Hậu, vì năm nay ông đã bước sang tuổi 83, cái tuổi của sự mỏi mệt và già nua. Nhưng tranh của Trần Lưu Hậu vẫn mang những gam màu rực nóng của cuộc sống trong một sự vận động không ngừng nghỉ, như một người leo núi chuyên nghiệp, không từng bị chùng chân, mỏi gối. Một mình giữa núi rừng hoang lạnh, một mình giữa biển mùa đông gầm gào sóng, hay một mình giữa tiếng gào rú của gió đêm lạnh lùng, Trần Lưu Hậu đối diện với con người nghệ sĩ của mình, và trong hành trình đó, ông đã tìm ra chính mình. 

Xê dịch như một phần không thể thiếu của đời sống, xê dịch để thấy mình còn cảm giác khi về phố, để biết xúc cảm và yêu cái đẹp. Đó là Trần Lưu Hậu. Ông quan niệm, sống trong đời sống, không thể không yêu. Dù Trần Lưu Hậu không bật mí về những câu chuyện riêng tư của mình. Với ông, tình yêu là một giá trị của cuộc sống. Và chắc hẳn sẽ có rất nhiều người đàn bà mê cái chất lãng tử phong tình và hào hoa được che giấu bên ngoài cái vẻ chỉn chu, hiền lành và nghiêm ngắn của ông.

Mấy năm nay Trần Lưu Hậu làm việc như một con thiêu thân, nhiều bạn bè gọi đùa ông rằng, ông đang "trẻ ngược". Có cảm giác như Trần Lưu Hậu đang trong một cuộc chạy đua với thời gian, mà người chiến thắng sẽ là ông, gã lãng tử còn sót lại của đất Hà thành, vẽ mà không cần đến những sự khen chê, vẽ không để công bố mà chỉ để thỏa mãn cảm hứng sáng tạo của chính mình, để hiểu mình và tiên lượng được nội lực của mình đến đâu. Trần Lưu Hậu coi những tác phẩm của ông là những thể nghiệm, một sự thể nghiệm quyết liệt và táo bạo. Vì thế, bấy lâu nay Trần Lưu Hậu gần như ở ẩn. Ông ít giao đãi với bạn bè mà dường như tận dụng thời gian để vẽ, chưa bao giờ, ông thấy bút lực của mình dồi dào như lúc này. Một hành trình có vẻ như đi ngược lại với quy luật, nhưng thực ra sự sáng tạo của người nghệ sĩ thì nào có đi theo một quy luật hay chuẩn mực nào.

Nhưng trò chuyện với Trần Lưu Hậu, ông nhất mực không muốn lên báo vì bấy lâu ông đã chọn cuộc sống ở ẩn. Nhưng tôi xin mạn phép ông, trong hành trình đi tìm nhân vật của mình, tôi đã may mắn được gặp ông, bởi những gì Trần Lưu Hậu đang làm, sự sáng tạo và tình yêu đối với hội họa và cả cái cách ông đang chọn lẫn vào đời sống đó chỉ có thể có được trong tâm hồn của những gã lãng tử Hà thành xưa. Điều đó, tự thân nó đã là một giá trị

Khánh Linh – CSTC tuần số 45
.
.
.