Hỡi làng quê ở đâu hãy về!

Thứ Tư, 11/05/2011, 09:27
Đã có lần tôi viết: Phải rời bỏ cố hương mình là một điều bất hạnh. Đối với một số người, đôi khi, nó giống một cái chết.

Chúng ta, những người Việt Nam, đã từng nói, từng viết, từng vẽ và từng hát… về cố hương của mình từ lúc sinh ra cho tới lúc giã từ cuộc sống. Cố hương của hầu hết người Việt Nam chính là làng quê. Và bây giờ, trong thế kỷ này, một thế kỷ mà ngọn gió đô thị hóa sẽ quyết liệt hơn bao giờ hết đối với những làng quê của chúng ta.

Hơn ai hết, chúng ta khát khao một cuộc sống văn minh đúng nghĩa cho làng quê của mình. Chẳng có một người nào dù yêu làng quê mình đến không còn gì hơn thì cũng không bao giờ muốn nhìn thấy cảnh người nông thôn mãi mãi đi sau cái cày con trâu. Chẳng ai muốn sống mãi trong những ngôi nhà rơm rạ u tối và đói khát. Chẳng ai muốn những ngày giáp hạt vợ chồng, cha con, anh em khoác bị đi ăn mày ăn xin.

Năm 1975, tôi 18 tuổi và rời làng đi học. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ không trở về làng nữa. Bởi lúc đó, tôi chỉ mang theo mình ký ức về một làng quê nghèo đói, u ám, đầy tiếng côn trùng trong những đêm nhợt nhạt và buồn bã ánh đèn dầu và những con đường lầy lội đầy phân bò, phân trâu và phân chó. Nhưng đến năm 30 tuổi, ký ức tôi bắt đầu xuất hiện những cánh đồng sực nức mùi lúa chín, những đầm sen tỏa hương ngào ngạt, những đêm trăng huyền ảo, những câu chuyện thì thầm suốt đêm của người già, những đêm hội và những thôn nữ…

Và đến 40 tuổi, sau khi tôi đã lang thang nhiều nơi trên thế giới thì ký ức tôi bắt đầu một biến động lớn lao. Biến động ấy sinh ra bởi kinh nghiệm sống và nhận thức. Và lúc đó, khác với năm 18 tuổi, tôi khát khao trở về làng mình hơn bao giờ hết. Khát khao ấy mỗi ngày một lớn mạnh trong tôi. Nó làm tôi hạnh phúc bởi tôi có một làng quê và làm tôi sợ hãi nếu tôi đánh mất làng quê ấy. Tôi phải đi, phải sống với rất nhiều sự thật của đời sống này trong suốt mấy chục năm thì tôi mới có được may mắn nhận ra những điều tôi đang nói.

Hàng tuần tôi vẫn rời đô thị trở về làng. Vẫn con đường kia, vẫn dòng sông kia, vẫn cánh đồng kia, vẫn những người thôn quê kia… những một nỗi sợ hãi bắt đầu hiện ra từ những gì tôi đang nhìn thấy. Làng tôi, hay nói đúng hơn là những làng quê của chúng ta, đang đổi thay. Nhưng sự đổi thay mà chúng ta đang nhìn thấy lại chứa đựng nhiều bất trắc hơn là nỗi vui mừng.

Đến một ngày nào đó trong một tương lai gần, những công dân mới dù bây giờ chưa sinh ra của các làng quê sẽ phá đi tất cả những ngôi nhà chúng ta đã và đang xây trong khoảng mười năm trở lại đây và tiếp tục xây như thế để dựng lên những ngôi nhà mới. Đó là những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng lợp mái ngói đỏ. Việc xây lại những ngôi nhà của những công dân mới đó không phải là những sở thích thời thượng mà là một nhận thức của văn hóa.

Mấy tuần trước tôi đi qua Đại sứ quán Thụy Điển. Tôi đã dừng lại rất lâu để nhìn những mái nhà màu đỏ. Đấy là những mái nhà đặc trưng của đất nước này. Tôi đã ở trong một khách sạn ở Stockhom, từ cửa sổ căn phòng tầng 17 nhìn xuống thành phố, thấy bạt ngàn những ngôi nhà hai mái màu đỏ. Còn bây giờ, gần như tất cả những ngôi nhà mới xây ở thôn quê chỉ mang lại cho tôi nỗi buồn và một cảm giác nặng nề khôn tả. Tôi không nghĩ đó là những ngôi nhà. Nó là một cái gì đó thật hợm hĩnh và thật tội nghiệp. Những ngôi nhà đó đang phá vỡ một phần không gian văn hóa của làng quê Việt.

Những ngôi nhà lợp ngói đỏ chốn thôn quê chỉ là một cách nói của tôi về một trong những vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc nông thôn và phong vị văn hóa của các làng quê Việt Nam mà thôi. Ai có lỗi trong chuyện xây những ngôi nhà như thế? Không phải những người thôn quê mặc dù chính họ quyết định xây nó. Nhưng những người thôn quê mà hầu hết là nông dân không nhận thức được và có ý thức được việc đó. Vẫn từng đó tiền, từng đó công sức, từng đó yêu cầu sử dụng… nhưng họ đã dựng lên trên làng quê của họ những khối bê tông vô cảm và xa lạ.

Chúng ta, những người quản lý nông thôn và những người liên quan, là những người có lỗi duy nhất. Chúng ta được trả lương và được tạo những điều kiện tốt nhất để làm việc đó. Nhưng chúng ta đã không có một lời nói nào. Bởi chúng ta vừa thiếu hiểu biết vừa thiếu trách nhiệm. Chúng ta không có nổi một cái nhìn chiến lược lâu dài. Chúng ta đang đua nhau lao vào một cuộc "trọc phú hóa" chính mình. Nếu những người quản lý có một cái nhìn đúng và có một luật pháp nghiêm minh thì những người thôn quê sẽ chấp hành kể cả sự hy sinh như họ đã từng hy sinh quá lớn cho dân tộc chứ đâu là việc xây một ngôi nhà đẹp theo quy hoạch cho chính họ. Tôi nói đến những ngôi nhà không phải chỉ nói đến những ngôi nhà. Tôi đang nói đến khả năng nhận biết văn hóa và giữ gìn văn hóa của chúng ta.

Những người nông dân là những người cần cù lao động, chân thành trong cuộc sống nhưng chưa có điều kiện học hành để hiểu biết nhiều vấn đề một cách sâu sắc. Chúng ta phải hướng dẫn và giúp đỡ họ. Nhưng những người quản lý nông thôn đã không có đủ hiểu biết văn hóa làng xóm Việt Nam một cách cơ bản. Quá nhiều người trong số họ chỉ nghĩ nông thôn là nơi cấy lúa trồng khoai và thi thoảng diễn ra lễ hội. Khi họ không có những hiểu biết văn hóa làng một cách cơ bản thì sự quản lý của họ lại chính là những hành động phá vỡ nền văn hóa truyền thống đó. Và khi văn hóa bị hiểu sai, bị phá vỡ thì bất cứ hành động nào sau đó cũng sẽ lầm lạc.

Nhà thơ Nguyễn Bính từng viết những câu thơ rất hay về cái hàng rào ở làng quê. Trước Nguyễn Bính và bao nhà thơ khác, ca dao dân ca đã từng nói đến. Tôi viết đến điều này không phải là sự hoài cổ. Tôi đang nói đến sự phá vỡ tinh thần của làng quê chúng ta. Chúng ta thật khó có thể biện minh cho những bức tường xây có gắn mảnh chai sắc ở trên. Chống trộm ư ? Nếu thế thì sao trước kia ông cha ta không làm thế mặc dù họ có thể làm thế? Nhiều người giải thích: trộm cắp mỗi ngày một nhiều. Tôi nghĩ trộm cắp không tăng lên. Nhưng sự ích kỷ thì tăng lên rõ rệt và tính cộng đồng "bầu ơi thương lấy bí cùng" giảm đi rõ rệt. Đừng nghĩ một người giàu mua một số điện thoại với giá một, hai tỷ đồng trong một buổi truyền hình nhân đạo trực tiếp là lòng nhân ái của người Việt thời nay lớn hơn người Việt xưa. Chúng ta cần bình tĩnh và xem lại mọi việc một cách tỉnh táo và công bằng nhất.

Hành động sống "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau" như một đạo lý và như một đức hạnh của những người thôn quê đang một ngày trở thành câu chuyện cổ tích. Những hàng rào làm bằng hoa dâm bụt, cây duối, trúc, mùng tơi, cây găng, tầm xuân, dứa dại, dâm bụt đỏ, dâu tằm, xương rồng…g iờ đây chỉ hiện về trong ký ức của chúng ta. Bây giờ tường xây cao cắm mảnh chai sắc, quây dây thép gai và cả dây điện trần.

Có bao nhiêu người đã mang thương tật và đã chết bởi những hàng rào này. Tại sao những hàng rào đẹp, yên bình và góp phần tạo sự trong sạch cho môi trường lại không còn nữa. Những hàng rào đó biến mất cùng với lòng tin và sự chia sẻ của con người với con người. Lòng tốt không tự nhiên mất đi và sự vô cảm không tự nhiên sinh ra. Chúng ta đã mắc sai lầm trong việc giáo dục và quản lý con người. Chúng ta đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa thực dụng đang có nguy cơ nhấn chìm tất cả.

Tôi lại phải nói về điều này với cách nói rất cũ của tôi rằng: tôi nói về những hàng rào nhưng không phải nói về những hàng rào. Tôi đang nói về lòng tin của người với người và thói ích kỷ. Chỉ cách đây chừng ba thập kỷ, chúng ta không ngờ chúng ta phải nói về những điều giản dị mà thiêng liêng và những vẻ đẹp quá rõ ràng chốn thôn quê với một tâm trạng buồn bã và lo sợ như bây giờ. Và đương nhiên chúng ta biết rất rõ rằng có những kẻ sẽ nhếch mép cười chúng ta khi chúng ta nói đến điều này. 

Ở rất nhiều làng quê, chúng ta trở về giống như việc di chuyển từ một đô thị "ngạt thở" này đến một "đô thị" ngạt thở khác có diện tích nhỏ hơn. Ba mươi năm trước, một kẻ tha phương trở về làng có thể khóc khi vừa đặt chân đến con đường từ chân đê chạy xuống đầu làng đã nghe râm ran tiếng hỏi thăm của người làng. Có những người mà ta không nhìn rõ mặt đang cày ấy, gieo gặt trên cánh đồng gần đó cũng nhận ra ta và gọi tên ta.

Nhưng bây giờ, không ít người trở về quê chiều thứ bảy và ra đi chiều chủ nhật cũng không nhìn thấy mặt hàng xóm mình, không còn cơ hội tạt sang hàng xóm mà thăm hỏi mà trò chuyện. Chủ nghĩa thực dụng và thói ích kỷ đã đẩy chúng ta vào bốn bức tường câm lặng của sự cô độc và vô cảm. Trên mảnh đất yên bình và thơ mộng của làng quê đang bị những ngôi nhà bê tông nặng nề và vô cảm xâm lược còn lòng người thôn quê đang bị thói ích kỷ và sự vô cảm xâm lược. Nền văn hóa truyền thống sâu thẳm chất nhân văn đang phải nhận những thất bại đầu tiên trên chính mảnh đất nó sinh ra.

Một cái cây đẹp xòe tán lá sang nhà hàng xóm cũng bị chửi độc và bị chặt đi không thương tiếc. Thay vào đó, chúng ta lại thèm khát chiếm từng centimét đất của hàng xóm. Chúng ta không cần vẻ đẹp. Chúng ta chỉ cần chiếm hữu và sở hữu. Tôi cũng xin nói rằng thời nào cũng có những chuyện như trên. Nhưng thời nay nó lan rộng và nhanh như một bệnh dịch và được thể hiện một cách trắng trợn. Mới hai ba chục năm trước đây thôi, một người làng có lỗi khi trở về quê phải đợi đến tối hoặc phải đi đường sau làng mà về vì thấy xấu hổ. Nhưng ngày nay, những người đó ngang nhiên bước trên đường làng và thậm chí còn ngồi trên một chiếc xe hơi nhiều tiền.

Sự hổ nhục ấy đã trốn đi đâu? Sự hổ nhục ấy vô tình được san cho nhiều người khác hoặc nó không bị lên án. Bởi trong mười người có chín người tốt thì một kẻ xấu sẽ thấy hổ nhục. Nhưng có đến năm người cũng chẳng tốt hơn kẻ xấu ấy thì kẻ xấu ấy sẽ "tự tin" hơn. Hoặc như trước đây, nếu có ai làm điều gì xấu thì mọi người đều lên án. Thử ăn cắp một con gà hay đào trộm một rổ khoai xem. Nhưng bây giờ thì người ta trốn tránh. Họ làm vậy bởi hai lý do. Một, họ thấy việc đó là chuyện thường ngày. Hai, họ muốn yên thân và bảo vệ lợi ích cá nhân họ.

Cũng chỉ mấy chục năm trước đây thôi, kẻ có tội nhiều khi bỏ làng đi biệt tăm vì không dám sống ở làng. Ngày nay thì sao? Kẻ đó trở về làng và đôi khi trở thành một nhà "hảo tâm". Giá trị của cuộc đời đã đảo ngược. Sự đảo ngược này sẽ giết chết từng người một chúng ta mà không phải ai cũng nhận ra và không phải ai cũng thấy đau đớn. Thậm chí chúng ta còn đang hân hoan với cái chết đó

Hạnh Nguyên
.
.
.