Jazz của Nguyên Lê và cuộc chinh phục đầy đam mê

Thứ Hai, 22/08/2011, 15:49
Là một trong những gương mặt quan trọng mang đẳng cấp quốc tế góp phần tạo nên một nền âm nhạc đương đại Pháp, Nguyên Lê đã cho ra đời hàng loạt album nhạc Jazz và World Music thành công vang dội. Trong số đó không thể không kể đến CD Tales from Vietnam tác phẩm đã mang lại cho ông tiếng vang lớn trên khắp thế giới và dành những giải thưởng quốc tế danh giá như Diapason d'Or, Choc du Monde de la Musique, Choc de I'anneé Jazzman...

Một đêm hội của âm nhạc diễn ra trên tầng cao đã thực sự làm nức lòng người nghe bởi cảm xúc thăng hoa từ tài năng tuyệt vời của những người nghệ sĩ mang dòng máu Việt…

Khi tiếng Việt chính là âm nhạc!

Nguyên Lê tên thật là Lê Thành Nguyên, chào đời ngày 14 tháng Giêng năm 1959 tại Paris. Cậu con trai của nhà sử học Lê Thành Khôi và người vợ trí thức Hà Thành ngay từ nhỏ đã được nghe những bài hát ru và dân ca từ mẹ. Sinh ra và lớn lên ở Pháp, Nguyên Lê nói tiếng Việt đến năm 3 tuổi. Sau đó từ khi đi học, tiếp xúc với bạn bè ở trường, ông bắt đầu chỉ nói tiếng Pháp. Vì cha mẹ ông vẫn nói tiếng Việt nên Nguyên Lê nghe được hội thoại tiếng Việt thông thường. Song ông chỉ nghe hiểu mà không nói được tiếng Việt. Điều đó như thể đã trở thành một mặc cảm của ông. Và để bù đắp mặc cảm ấy, ông đã chọn việc đi sâu vào âm nhạc Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt của mình.

Năm 15 tuổi, ông bắt đầu học chơi trống, sau đó chuyển sang chơi guitar. Và guitar đã trở thành niềm đam mê lớn của Nguyên Lê từ đó. Tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác và Triết, ông đi theo con đường âm nhạc, lập nhóm Ultramarine để ra đĩa Dé, được báo Libération chọn là đĩa World Music hay nhất năm 1989 tại Pháp.

Là một trong những gương mặt quan trọng mang đẳng cấp quốc tế góp phần tạo nên một nền âm nhạc đương đại Pháp, Nguyên Lê đã cho ra đời hàng loạt album nhạc Jazz và World Music thành công vang dội. Trong số đó không thể không kể đến CD Tales from Vietnam (Những chuyện kể từ Việt Nam), tác phẩm đã mang lại cho ông tiếng vang lớn trên khắp thế giới và dành những giải thưởng quốc tế danh giá như Diapason d'Or, Choc du Monde de la Musique, Choc de I'anneé Jazzman, hạng nhì Jazzthing 96…

Với nhiều người, cây guitar điện đơn giản là một sự kết hợp giữa các mảnh gỗ, nhựa và kim loại gắn kết với nhau cùng những dây thép cắm vào một chiếc hộp phát ra âm thanh lớn hơn. Với Nguyên Lê, cây đàn đó của ông không chỉ là một cây đàn nữa. Từng dây, từng nốt chuẩn xác với mong muốn của ông đến từng milimet, được ông sùng quý và dùng nó với toàn bộ sự nâng niu, cảm xúc và tài năng tuyệt vời của mình. Nhìn Nguyên Lê chơi guitar, khán giả không khỏi có cảm giác như đang xem một nghệ nhân bậc thầy đang trình diễn ngón nghề tuyệt đỉnh, và lúc đó dường như thế gian này là của ông, chẳng gì có thể ngăn ông thi triển tài năng như được chắt lại từ bao nhiêu thế hệ.

Với những dây đàn, ông chơi một cách âu yếm, ông vuốt ve chúng như thể một người mẹ muốn sinh những đứa con âm thanh bằng cách dịu dàng nhất, những ngón tay ông múa trên dây đàn như vũ công ballet trên sàn diễn. Ông có khả năng gợi lên tinh thần âm nhạc Việt trong cái cách ông chăm chút những dây đàn, âm thanh của chiếc đàn guitar ông chơi có những khoảnh khắc giống như âm thanh của đàn bầu, có lúc lại thoảng như đàn nguyệt.

Phải là những người thật may mắn mới tìm được một chỗ trong đêm nhạc mang tên Quê Nhà của Nguyên Lê được trình diễn tại quán bar Rooftop (Tầng 19, Tòa nhà Pacific Place, 83B Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trong sự kiện "Âm nhạc trên tầng cao tháng 7". Bên cạnh Nguyên Lê đêm ấy có ban nhạc gồm các nghệ sĩ nổi danh của Việt Nam: Tuấn Nam với piano, Khắc Quân chơi violin, Quốc Bình chơi trống, Hồng Kiên thổi saxophone, Vũ Hà chơi bass và ngôi sao của đêm diễn với nhạc cụ dân tộc Việt Nam - chị Vân Ánh.

Nguyên Lê và Vân Ánh đã gặp nhau và cùng chơi nhạc tại Mỹ, và rồi họ cộng tác với nhau trong lần trở về Việt Nam này để giới thiệu những bản nhạc đầy màu sắc và rất nhiều ngẫu hứng. Họ có rất nhiều điểm tương đồng: cùng có khả năng chơi nhạc với kỹ thuật phi thường với nhạc cụ của họ, cả hai cùng sáng tác và hòa âm phối khí, soạn lại các bản nhạc một cách cá tính đậm đặc, và quan trọng nhất, cả hai cùng mở rộng, hòa trộn được bất cứ một thể loại âm nhạc nào mà họ để ý. Hai nhà soạn nhạc tự do tìm được cái nền chung bằng cách hòa trộn nhạc jazz, folk và rock với âm nhạc truyền thống của người Việt.

Khi kết thúc bản nhạc cuối cùng - Lý Ngựa  Ô - Nguyên Lê chia sẻ rằng đêm diễn là "đám cưới" giữa nhạc Jazz và âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Có người sẽ nói rằng "đám cưới" này đã xảy ra rồi, nhưng đó là trong những hình thức khác, và có lẽ không phải ở trình độ nghệ thuật và tài năng âm nhạc của những người nghệ sĩ tuyệt vời này.

Trong những phần trình diễn say sưa, Vân Ánh thể hiện những ngón nghề điêu luyện trên những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Qua những bản nhạc tiết tấu nhanh, sôi động, người nghe lại có những khoảnh khắc chìm lắng trong nhịp điệu chậm rãi khắc khoải của bản nhạc Azur mang âm hưởng Nhật Bản. Tiếng đàn Tranh của Vân Ánh đã hoàn thành xuất sắc vai trò thay thế cây đàn truyền thống Nhật Bản trong bản nhạc này. Cảm xúc được đẩy sâu hơn và mãnh liệt hơn với bản nhạc đẹp mang tên Hoa cúc thu của Vân Ánh - bản nhạc xứng đáng được gọi là điệu blues của Việt Nam mà Nguyên Lê đã phối khí một cách rất Đông phương.

Đêm của những nụ cười hạnh phúc

Nguyên Lê không phải là người tấu nhạc jazz bằng guitar duy nhất khám phá  và kết nối những giai điệu thế giới, nhưng ông là người duy nhất trải nghiệm với jazz một cách đầy uy lực với nhạc dân gian H'mong trong bản Ting Ning. Với cây đàn T'rưng, Vân Ánh hòa những âm giai góc cạnh vào với bản phối hoàn hảo của Nguyên Lê. Cả hai phần độc tấu của họ đã đạt đến độ làm mê hoặc như những trái ngọt thơm đang tỏa hương trên mảnh đất phì nhiêu của nhạc Việt và Jazz.

Nụ  cười không ngừng nở  trên môi Vân Ánh trong khi chị chơi nhạc nhanh chóng lan truyền và ắt hẳn những người chơi nhạc jazz khác có thể học ở chị ngôn ngữ cơ thể và trình diễn sân khấu của chị - chăm chú, cởi mở, đắm đuối và tràn đầy niềm vui.

Nguyên Lê đã cho ta thấy rằng ông thực sự có thể kết nối rất nhiều hình thức âm nhạc khác nhau vào trong một giọng độc đáo khi tiếng đàn guitar của ông đưa người nghe bay từ Wes Montgomery qua Jimmy Page và tới những ngôi làng trên rẻo cao Hà Giang.

Trong bài hát tiếp theo, Qua cầu gió bay, từ CD Tales From Vietnam (Chuyện kể từ Việt Nam), Nguyên Lê chia sẻ với người nghe rằng mẹ ông đã từng hát ru ông bằng bài hát này từ khi ông còn là một đứa trẻ. Giọng hát của Vân Ánh cứ thoảng qua như cơn gió hòa vào âm nhạc khiến cho bài hát trở nên như chưa bao giờ từng đẹp lạ lùng đến thế.

Buổi hòa nhạc đã có  thể kết thúc mà người nghe có thể ra về trong hạnh phúc. Nhưng không, ca sĩ Tùng Dương đã bước lên sân khấu, và anh lập tức thổi một luồng gió mới đầy sinh khí  và năng lượng mãnh liệt của riêng anh vào đó. Thật tuyệt vời khi chứng kiến tài năng thực thụ của anh được trình diễn thật gần gũi. Tùng Dương đi chân trần hát, nhảy và trò chuyện, giản dị và thăng hoa. Ở ngay phía trước mặt, khán giả phần lớn là những diva, nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam, họ sung sướng vỗ tay, đung đưa cơ thể đầy phấn khích từ đầu đến cuối chương trình. Ở xa hơn một chút, gia đình nhà toán học - Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đang hòa mình trong thế giới âm nhạc cùng với những gương mặt say sưa khác...

Như mang một sức mạnh vô thức trong giọng hát, chàng ca sĩ này đưa người nghe tới với làng quê bên kia sông Hồng. Sự hòa trộn hấp dẫn giữa Tùng Dương, Nguyên Lê và Vân Ánh dựa trên bản năng nghệ sĩ đầy đam mê của họ khiến người xem chỉ còn biết ngất ngây. Ca sĩ Tùng Dương từng thừa nhận rằng âm nhạc của Nguyên Lê làm "trỗi dậy bản năng phiêu lưu" của anh. Ca sĩ nhận định: "Ông sử dụng Jazz làm gốc nhưng pha trộn rất nhiều nền âm nhạc dân tộc, rất rộng mở, như một chuyến đi không có hồi kết"… "Âm nhạc của Nguyên Lê cho người ta hướng thiện".

Trong "Những bài hát về tự do" - một tác phẩm trong album mới của Nguyên Lê, tự do được ngợi ca như tuyệt đích trong cõi đời. Và ngay sau lời ngợi ca tự do là bài hát từ thập niên 60 của thế kỷ trước "Mercedes Benz", cuộc trình diễn cháy hết mình của Tùng Dương chân đất bên cạnh Nguyên Lê và Vân Ánh đầy nhiệt huyết đã như mê dụ những ca sĩ hàng đầu Việt Nam đang đứng ngay gần họ. Trái tim và tâm hồn Tùng Dương đang thả hết vào lời hát và anh thêm một lần khẳng định tài năng tuyệt vời của anh.

Nói về bậc thầy nhạc Jazz, nghệ sĩ Vân Ánh xúc động chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi được làm việc với Nguyên Lê, hạnh phúc hơn nữa là lại được chơi nhạc tại Hà Nội - cũng là nơi quê nhà của tôi. Nhiều năm theo nhạc của anh, tôi tìm thấy tiếng nói chung, tìm thấy kỹ thuật âm nhạc và cả lối suy nghĩ. Là một nghệ sĩ sống ở nước ngoài, tôi mong muốn giới thiệu được âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thứ âm nhạc đó phải đậm chất Việt Nam, đậm chất thế kỉ 21 - nơi mình đang sống. Không chỉ có vậy, để phát triển hơn lên, nó phải mang được hơi thở mới, phải cuốn hút được khán giả trẻ để họ nuôi nấng và phát triển nền âm nhạc ấy".

Nguyên Lê từng nói: "Chúng ta nên biết cách vượt qua những ranh giới để làm ra thứ âm nhạc chưa biết, chưa từng có trên đời"... Và bây giờ ông đang vượt qua những ranh giới để thực hiện giấc mơ bảo tồn âm nhạc Việt Nam của ông

Dã Liên
.
.
.