Kế hoạch giăng lưới tóm gọn "bàn tay qủy" chuyên phá két sắt

Thứ Ba, 28/06/2011, 04:07
Chỉ trong một đêm, gần 1 tỷ đồng trong chiếc két sắt kiên cố của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang đã không cánh mà bay. Những gì còn lại chỉ là một chiếc két sắt trống trơn cùng vài đồng tiền lẻ. Không có bất kỳ dấu tích dù chỉ là nhỏ nhất của các tên trộm để lại. Phương án điều tra được thành lập với con số 0 tròn trĩnh. Những tưởng khoản tiền gần 1 tỷ sẽ bốc hơi nhưng chỉ sau hơn hai tuần, thủ phạm phá két bị đưa ra ánh sáng.

Cho đến bây giờ dù vụ án đã được phá cách đây hơn 4 năm nhưng Thiếu tá Trần Mạnh Cường, Đội trưởng Đội trọng án, Công an tỉnh Tuyên Quang vẫn khẳng định đây là một trong những vụ án hy hữu và phức tạp nhất mà anh đã từng thụ lý. Ngay cả những dấu vết mà hung thủ để lại cũng là ít nhất trong tất cả các vụ án trên toàn tỉnh từ trước đến nay.

Vụ trộm két sạch sẽ

Ngày 3/2/2007, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang rung động khi chiếc két sắt tại phòng thủ quỹ đã bị phá và gần một tỷ đồng đã bốc hơi chỉ trong một đêm. Tất cả các thành viên của Sở đều ngỡ ngàng khi chiếc két sắt hiện đại và kiên cố đã bị các tên đạo chích mở một cách dễ dàng chỉ bằng một lỗ khoan nhỏ bằng đầu chiếc đũa con. Lực lượng điều tra đã có mặt ngay lập tức để khám xét hiện trường nhưng dấu tích thu lại chỉ là con số 0.

Một vụ trộm sạch sẽ đã được đạo chích thực hiện một cách hoàn chỉnh. Ngoài hơn chục triệu đồng còn lại trong két, lực lượng điều tra không thể tìm được một vết tích nào dù chỉ là một dấu vân tay. Chuyên án được thành lập với không có bất kỳ một đầu mối hay hướng điều tra cụ thể.

Thiếu tá Cường kể lại, lúc đó các anh em trong tổ đã rất cố gắng soi thật kỹ từng centimet trong căn phòng mà cũng không thể thu được dấu vết nào. Chiếc két sắt bị các tên trộm phá bằng cách khoan một lỗ nhỏ bên cạnh ổ khóa, sau đó chúng dùng một chiếc nan hoa xe đạp luồn vào bên trong gẩy các nẫy khóa. Nghe qua thì rất đơn giản nhưng khi cho chuyên gia về két sắt thực hiện lại cũng rất khó vì để khoan được lỗ nhỏ trên cửa két sắt dày tới hơn chục phân thép cứng là một vấn đề rất khó. Hơn nữa để gẩy những nẫy khóa bên trong phải là người thực sự am hiểu nguyên lý hoạt động của chiếc két. Chính xác hơn, kẻ thực hiện vụ trộm này phải là một người rất giỏi và am hiểu về két sắt.

Công tác điều tra đã gần đi vào ngõ cụt khi trong những ngày sau dù đã rất cố gắng tổ điều tra cũng không thể tìm được dấu vết nào. Lúc đó phương án điều tra đã hướng vào lần theo dấu vết của xê ri trên số tiền đã bị mất. Tuy nhiên lần theo dấu vết này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và chưa chắc đã tìm được dấu vết thủ phạm. Đang trong lúc bế tắc thì có một nhân viên trong phòng thủ quỹ của Sở Giao thông Vận tải khai báo đã mất một chiếc điện thoại trong đêm vụ trộm xảy ra. Khi nhớ lại, người này cho biết khi hết giờ làm ngày hôm đó đã để quên chiếc điện thoại trong ngăn kéo bàn và khi tìm lại đã không thấy. Dấu vết đầu tiên đã dần hé mở nhưng để tìm theo tung tích chiếc điện thoại cũng không phải là một chuyện đơn giản…

Giai đoạn đầu của chuyên án, tổ điều tra đã khoanh vùng các nhóm đối tượng có tiền án về trộm cắp trên địa bàn nhưng tất cả đều có bằng chứng ngoại phạm. Rồi mọi người đặt ra vấn đề liệu thủ phạm có phải là người trong Sở hay không nhưng giả thiết này đã bị xóa bỏ vì bởi nếu phân tích kỹ thì nếu như là nội gián sẽ không phải dùng đến biện pháp khoan thủng cửa két. Mọi giả định rồi khoanh vùng đối tượng đều không thể cho một kết quả khả quan. Tổ điều tra quyết định lần theo dấu vết là chiếc điện thoại Nokia đã bị mất cắp với phạm vi toàn quốc.

Dấu vết kẻ phạm tội

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lúc đó không có đối tượng nào nghi vấn có khả năng phá được chiếc két sắt nên tổ điều tra đã mở rộng phạm vi khoanh vùng kẻ khả nghi. Được lực lượng Công an các tỉnh cung cấp những tài liệu các nhóm trộm chuyên phá két sắt cùng với các thông tin thu thập được, nhóm điều tra của Thiếu tá Cường lúc đó đã khoanh vùng được hai đối tượng Lều Văn Đức và Cao Văn Hòe quê ở Hải Phòng. Hai tên trộm này từng có khá nhiều tiền án về trộm cắp, trong đó số nhiều là những vụ trộm két sắt. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Đức-Hòe và vụ trộm ở Sở Giao thông Vận tải lúc đó không có nhiều kết nối khi hành tung của hai kẻ này vô cùng bí ẩn.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề lại nằm ở chiếc điện thoại đã bị đánh mất. Nhưng để xác định chiếc điện thoại đó đang ở đâu và nằm trong tay ai là một quá trình rất phức tạp. Với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ thuật, tổ điều tra đã xác định được chiếc điện thoại đang nằm ở địa phận Hải Phòng. Chắp nối các chi tiết, nghi vấn ban đầu về hung thủ là nhóm Đức-Hòe.

Để chứng thực các thông tin, các trinh sát đã tiến hành truy tìm dấu vết của Đức và Hòe một cách bí mật. Nhiệm vụ đầu tiên là xác định xem chiếc điện thoại kia nằm trong tay ai. Nếu như đúng là Đức-Hòe đang cầm chiếc điện thoại này thì đã có thể kết luận ban đầu được tung tích thủ phạm. Nhưng làm cách nào để tiếp cận hai nghi phạm?

Một tổ trinh sát đã lần tìm theo những mối quan hệ phức tạp của hai kẻ nghi vấn và tìm cách làm quen đối tượng. Cũng không phải quá khó để xác định những chiếc điện thoại của Đức-Hòe là loại nào và có phải là chiếc đã bị mất ở Tuyên Quang hay không. Không ngoài dự đoán, khi trinh sát kiểm tra số "ipay" của chiếc máy hoàn toàn khớp với thông số của chiếc điện thoại đã mất ở Sở Giao thông Vận tải. Lúc này Đức đang là người sử dụng chiếc máy nên đã ngay lập tức bị lực lượng điều tra tóm gọn.

Khi mới bị bắt, Đức một mực chối tội nhưng những chứng cớ cũng như câu hỏi về nguồn gốc chiếc điện thoại đã khiến cho kẻ đạo chích phải nhận tội. Bản thân Đức cũng không nghĩ mình lại bị bắt một cách nhanh đến như vậy vì trước khi thực hiện vụ trộm ở Tuyên Quang y đã tiến hành ở một số tỉnh khác mà không bị phát hiện. Khi bị bắt, Đức là kẻ rất cứng đầu, y liên tục tìm cách tự tử, khi bị áp giải về cơ quan điều tra, chỉ thiếu chút nữa Đức đã nhảy từ tầng hai của trụ sở Công an hòng tự tử. Thậm chí, Đức nhét đầu ngón tay vào ổ điện để tìm đến cái chết nhưng ý đồ của y đều bị lực lượng Công an ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, khi đã nhận tội, Đức chỉ khai báo là thực hiện một mình chứ nhất quyết không khai có đồng bọn.

Nhưng với những tài liệu chứng cứ rõ ràng, Đức đã phải khai nhận ra đồng bọn tên là Cao Văn Hòe. Xác định được hung thủ, các trinh sát ngay lập tức truy tìm nhưng lúc này Hòe đã chạy vào trong Quảng Ngãi sau khi có vài trăm triệu tiền chia chác. Phải mất rất nhiều công sức lần theo dấu vết tên đạo chích, lực lượng điều tra mới bắt được Hòe để đưa về cơ quan điều tra.

Hành trình phạm tội của hai tên trộm "bàn tay vàng" phá két

Lật lại hồ sơ thông tin của Đức và Hòe, các trinh sát mới được biết đây là hai tên trộm có tiếng tăm ở thành phố Hải Phòng. Trong giang hồ đất Cảng, nhóm trộm Đức-Hòe thuộc dạng có số má trong việc phá két sắt. Thậm chí, trong giới am hiểu về két sắt ở khu vực phía Bắc, không ít người biết tới chúng với danh hiệu "bàn tay vàng" khi chúng có thể phá gần như tất cả các loại két hiện đại và kiên cố nhất. Bản thân Đức đã từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản, còn Hòe là một con nghiện nặng cũng chuyên đi trộm cắp để lấy tiền hút chích.

Thủ đoạn của nhóm trộm "bàn tay vàng" này rất tinh vi khi chúng liên tục thay đổi địa điểm gây án. Chúng dùng một chiếc xe đạp chở dụng cụ phá két là một chiếc khoan chuyên dụng cùng một số vật dụng đi kèm bắt xe khách đi các tỉnh để tìm "con mồi". Những địa điểm mà Đức và Hòe nhắm tới là các cơ quan, ban, ngành của các tỉnh vì ở đây thường có lượng tiền lớn cũng như địa bàn rộng rãi ít người bảo vệ. Trước khi thực hiện vụ án ở Tuyên Quang, nhóm Đức-Hòe đã bắt xe lên Lai Châu và cũng hướng vào Sở Giao thông Vận tải nhưng kế hoạch đã không thành công. Không thể thực hiện được ý đồ của mình, Đức-Hòe bắt xe xuôi về Hà Nội và sau đó là lên Tuyên Quang để tìm con mồi.

Khi lên đến Tuyên Quang, Đức và Hòe đã đi khảo sát tất cả các địa điểm có thể gây án được và chúng đã chọn Sở Giao thông Vận tải. Cốt lõi của vấn đề là tại cơ quan này thường có một lượng tiền vừa phải, hơn nữa mỗi khi hết giờ làm ở đây có rất ít người bảo vệ nên việc gây án sẽ dễ dàng. Sau khi đã nghiên cứu rất kỹ bố cục của các gian phòng, Đức và Hòe đã xác định được phòng thủ quỹ là nơi lưu giữ nhiều tiền nhất của Sở.

Khi thực hiện cả hai tên đã dễ dàng phá được chiếc két. Khi lấy tiền xong, Đức còn lục soát tất cả các bàn làm việc trong phòng và lấy đi chiếc điện thoại Nokia. Sau khi có được tiền, chúng chia nhau mỗi người một nửa. Đức ở lại Hải Phòng trú ngụ, còn Hòe chạy vào trong Quảng Ngãi vì bị Công an Hải Phòng truy bắt vì tội buôn bán, sử dụng ma túy. Những tưởng vụ trộm tiền đã trót lọt nên cả Đức và Hòe đều ung dung sử dụng số tiền nhưng chỉ không lâu sau đó chúng đã bị bắt trong sự ngỡ ngàng

Nguyễn Nguyên (số 46)
.
.
.