Khi Nghị viện EU nói không với tham nhũng, hối lộ

Thứ Ba, 03/05/2011, 10:54
Hạ tuần tháng 3, châu Âu "rung chuyển" với 30 cuộc khám xét diễn ra ở 4 quốc gia gồm Bỉ, Italia, Pháp và Luxembourg trong khuôn khổ một cuộc điều tra về bê bối nhận hối lộ, đút lót của các thành viên trong Nghị viện châu Âu. Sau hàng loạt scandal về chi tiêu công, giờ đây Nghị viện châu Âu đang quyết tâm nói không với tham nhũng, hối lộ.

Tính đến ngày 2/3, ít nhất 4 nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu đã bị cáo buộc "đổi tiền lấy luật" tức là nhận tiền để ủng hộ việc đấu thầu hoặc đưa ra những quy định mới có lợi cho một số người hoặc tổ chức.

Tờ Sunday Times của Anh cho hay, nghị sĩ người Tây Ban Nha Pablo Zalba là người thứ 5 trong báo cáo điều tra tham nhũng này. Tuy nhiên, ông Pablo Zalba sau đó đã được xác nhận là có người đến hối lộ nhưng không nhận tiền. Bản thân ông Pablo Zalba trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cũng cho biết, hiện tượng lobby đang ngày càng phổ biến ở Nghị viện châu Âu và theo ông, đây là điều đáng lo ngại bởi nó có thể dẫn đến những rắc rối mới.

Một cuộc họp tại Nghị viện châu Âu.

Là thành viên của đảng trung hữu PP ở Tây Ban Nha, Pablo Zalba còn nói rằng ông đang là nạn nhân của những "vụ gài bẫy bẩn thỉu mang mục đích chính trị" và ông yêu cầu Nghị viện châu Âu sớm đưa ra những biện pháp nhằm bảo vệ thanh danh của các nghị sĩ trong trường hợp họ bị vu khống.

Trong khi đó, hai đồng nghiệp khác của ông Pablo Zalba là nghị sĩ người Slovenia Zoran Thaler và Nghị sĩ người Áo Ernst Strasser đã xin từ chức.

Thông tin chi tiết về những sai phạm của hai người này đều đã bị tờ Sunday Times đăng tải trong suốt 1 tuần qua. Người thứ 3 là Nghị sĩ Romania Adrian Severin mới tạm thời xin rời khỏi đảng trung tả Dân chủ và Xã hội (S&D) và giữ cương vị một Nghị sĩ độc lập ở Nghị viên châu Âu. Ông này bị phát hiện đã nhận tiền của một số doanh nghiệp để đưa ra đề xuất về một số quy định sửa đổi trong kỳ họp sắp tới.

Cả ba người này đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, song những sai phạm của họ đang được cảnh sát chống tham nhũng Áo, SloveniaRomania làm rõ. Nhân vật thứ 4 vẫn được giữ bí mật. Nhưng theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, bê bối tham nhũng này đang được phanh phui và ngày càng có thêm nhiều quốc gia tham gia vào cuộc điều tra này.

Cũng theo nguồn tin từ tờ Sunday Times, cơ quan chống tham nhũng của Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập nhiều đội điều tra bí mật tới hoạt động tại các nước thành viên của liên minh nhằm làm rõ những cáo buộc này. Các cố vấn, trợ lý và nhân viên làm việc trong văn phòng của nhiều Nghị sĩ cũng bị điều tra.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek còn gửi thư tới Bộ Ngoại giao các nước thành viên, yêu cầu có sự trợ giúp trong quá trình điều tra. Kết quả sẽ được thông báo cụ thể trên báo chí ở các nước. Vì thế, chỉ riêng trong 5 ngày cuối tháng 3, khoảng 30 cuộc khám xét đã diễn ra ở Bỉ, Italia, Pháp và Luxembourg.

Nhiều nhà phân tích chính trị thế giới đã gọi đây là thời kỳ khó khăn nhất ở Nghị viện châu Âu bởi cách đây chưa đầy 6 tháng, cơ quan này cũng đã "đau đầu" với một báo cáo nêu rõ những khoản chi tiêu khổng lồ cho thấy đơn vị này đang phung phí tiền bạc của những người đóng thuế.

Khi đó, theo tiết lộ của tờ Corriere della Sera, cách toà nhà diễn ra các hội nghị thượng đỉnh của EU là một khu liên hợp thể thao dành riêng cho các nghị sỹ châu Âu. Sau khi sửa chữa và thiết kế lại, khu liên hợp này đã trở nên hoành tráng hơn trước rất nhiều, bên trong có phòng mát-xa, phòng thể thao, phòng vật lý trị liệu cùng nhiều phòng chức năng khác, tức là có đủ khả năng cung cấp mọi loại dịch vụ để các nghị sỹ duy trì sức khỏe và cải thiện tâm trạng.

Và để có được khu liên hợp đó, người ta đã phải bỏ ra gần 3 triệu euro, trong đó 200.000 euro dùng vào việc nghiên cứu và thiết kế. Đó là chưa kể đến trung tâm thăm viếng dành cho khách khứa của Nghị viện châu Âu với diện tích 6.000 m2 với chi phí cũng cao ngất ngưởng.

Một khoản tiền không nhỏ nữa dành cho 33 văn phòng thông tin nằm rải rác khắp châu Âu nhằm mục đích giới thiệu cho người dân châu Âu biết về hoạt động của Nghị viện châu Âu. Chỉ riêng trong năm 2008, tiền chi cho các văn phòng này đã hơn 40 triệu euro, trong đó gần 18 triệu euro dùng để trả lương cho đội ngũ nhân viên phục vụ.

Trớ trêu thay, phần lớn người dân các nước châu Âu đều không hề hay biết những gì đang diễn ra trong cơ quan lập pháp toàn châu Âu này, thậm chí nhiều người còn không hiểu Nghị viện châu Âu tồn tại để làm gì. Nói cách khác, khoản tiền 40 triệu euro kia đã chi không hiệu quả, nếu không muốn nói là lãng phí.

Ngoài ra, còn có chi phí của đội ngũ luật sư ngoài biên chế của Nghị viện châu Âu vào khoảng 5,5 triệu euro/năm và hàng chục triệu euro khác cho đội ngũ phiên dịch

Phan Hiển - CSTC tuần số 54
.
.
.