Khi những đứa trẻ hư từ nhà hư đi

Thứ Ba, 21/12/2010, 19:00
Tội phạm vị thành niên đang trở thành một vấn nạn của xã hội hiện đại, khi các băng video clip về bạo lực học đường được tung lên mạng trong thời gian gần đây, và những vụ án giết người man rợ do những tội phạm "nhí" gây nên ngày càng gia tăng. Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với chúng tôi về vấn đề tội phạm vị thành niên ở Thái Bình.

Không cần bất cứ một báo cáo nào của các đơn vị nghiệp vụ, dường như những trăn trở, nghĩ suy về loại tội phạm này luôn thường trực trong con người chỉ huy ấy.

Phóng viên: Đồng chí có đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm vị thành niên trong thời gian gần đây.

Đại tá Nguyễn Đình Trung: Bức tranh tội phạm hiện nay đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là sự gia tăng và tính chất nguy hiểm của tội phạm vị thành niên. Về loại tội phạm này cũng chia ra nhiều cấp độ khác nhau. Những tội phạm phát sinh từ cờ bạc, tính chất nguy hiểm ít hơn. Còn từ ma túy, và đặc biệt là một loại hình tội phạm mới, nảy sinh từ sự phát triển của xã hội và càng ngày càng có xu hướng gia tăng, đó là tội phạm do nghiện internet. Vừa rồi ở Thái Bình xảy ra một số vụ thanh toán nhau dẫn đến gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản… đều do các đối tượng gây án nghiện internet. Thậm chí có nhiều đứa, xin tiền bố mẹ không được lại quay ra đánh chính những người sinh ra mình vì mấy đồng tiền để được vào quán Internet. Nghiện internet, sống trong thế giới ảo, chúng trở nên hung dữ và côn đồ hơn bao giờ hết.

Phóng viên: Vậy theo đánh giá của ông, tội phạm vị thành niên hiện này ở Thái Bình  đang ở mức độ nào?

Đại tá Nguyễn Đình Trung: Có một nghịch lý là hiện nay có rất nhiều tội phạm vị thành niên từ nông thôn lên thành phố cướp giật, gây án. Games, internet đã đến tận hang cùng ngõ hẻm và kéo theo nó là những hệ lụy đau lòng. Có một lớp tội phạm thanh thiếu niên đã được hình thành ở nông thôn, và càng ngày càng gia tăng. Một số đối tượng ở các huyện giáp ranh, cứ cơm chiều xong là kết nhóm lên thành phố Thái Bình hoạt động cướp, cướp giật tài sản. Nói theo ngôn ngữ của chúng là "đi chợ". Một bộ phận không nhiều khác thì bỏ nhà, rủ nhau đến sống bầy đàn tại các nhà nghỉ tư nhân ở các địa bàn giáp ranh, ngày ngủ, đêm ra đường phạm tội. Thực tế, tình trạng tội phạm vị thành niên ở Thái Bình, theo tôi, đã đến mức báo động đèn vàng rồi. Đấy là tôi còn nói giảm đi một phần. Tội phạm vị thành niên theo thống kê hiện nay đã chiếm đến khoảng 30%, con số đó chắc sẽ khiến nhiều người giật mình, nhưng đó là một thực tế.

Phóng viên: Theo ông nói như vậy thì tội phạm vị thành niên chủ yếu xuất phát từ internet?

Đại tá Nguyễn Đình Trung: Internet và ma túy là 2 vấn nạn của xã hội, từ đó mới gây ra tình trạng phạm tội như cướp tài sản, giết người. Nhiều khi chỉ vì mấy chục ngàn, chúng cũng có thể gây án vì đang lên cơn nghiện, hay ghiền internet. Những chuyện đó có lẽ không còn quá xa lạ trong đời sống hiện nay. Rồi các đối tượng còn gây ra các hành vi cướp giật, hiếp dâm, gây thương tích, dùng thuốc lắc… Đáng tiếc có cả một bộ phận đối tượng phạm tội là học sinh cấp 3.

Nhưng ngoài những nguyên nhân kể trên, thì ý thức người dân về phòng ngừa tội phạm cũng không tốt, khiến tội phạm càng có điều kiện phát sinh. Nhiều khi chính người dân làm khó cho cơ quan điều tra. Chẳng hạn, lực lượng Công an đã làm công tác phòng ngừa, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, nhưng nhiều đôi nam nữ bất chấp lời cảnh báo, vẫn hẹn hò nhau chỗ vắng người, trong khi họ mang theo nhiều tài sản quý giá như xe máy, điện thoại… Ý thức đấu tranh với tội phạm của một số người dân cũng không cao, nhiều trường hợp bị cướp giật, mà không khai báo, làm Công an tưởng tình hình bình yên. Nhưng khi có băng nhóm tội phạm nào bị triệt phá, đối tượng khai gây ra hàng loạt vụ, lúc đó cơ quan Công an đi tìm người bị hại cũng khốn khổ.

Phóng viên: Nhưng thời gian qua đã có những quy định về việc siết chặt quản lý internet, như việc cấm các hàng nét hoạt động sau 12h đêm, các địa điểm đặt quán Internet phải đặt cách xa trường học 200m… Liệu những biện pháp đó có thực sự mang lại hiệu quả không, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Đình Trung: Thiết nghĩ, việc siết chặt quản lý internet trong thời gian qua đã có những dấu hiệu tốt. Nhưng có rất nhiều vấn đề ở đây, bởi đã quản lý là phải quản lý tận gốc, chứ không thể làm lưng chừng được.

Có hai vấn đề có thể sơ hở, đó là đầu vào của các nhà cung cấp nếu không quản lý chặt bằng một cách thức nào đó, thì vẫn có nhiều kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Hơn nữa, đầu ra, lại thuộc về các nhà kinh doanh dịch vụ này, họ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, có nên cho họ làm hay không, lựa chọn người làm  dịch vụ như thế nào, là cả một vấn đề. Những người làm kinh doanh họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận của họ, chứ  đâu quan tâm đến các đối tượng đến đây như thế nào. Việc cấm mở quán Internet trong phạm vi cách trường học 200m đối với học sinh cấp 2, cấp 3 thì quả là không nghĩa lý gì. Nếu thích đến quán Internet thì mấy kilômét chúng cũng đi được chứ không phải là 200m. Từ việc quản lý internet, chúng ta lại thấy có một vấn đề đặt ra đó là trách nhiệm của những người quản lý văn hóa, liệu các cơ quan văn hóa có vào cuộc để làm một cách triệt để hay không. Nói đâu xa, ở ngay Thái Bình đây thôi, từ thành thị xuống nông thôn, đâu đâu cũng tràn ngập các cửa hàng internet. Đó là nguyên nhân khiến một bộ phận thanh thiếu niên trở nên hư hỏng.

Phóng viên: Để hình thành tội phạm vị thành niên nói trên, trách nhiệm còn nằm ở những người trực tiếp quản lý các đối tượng vị thành niên, như gia đình, nhà trường, xã hội. Họ chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình chăng, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Đình Trung: Đúng! Thực tế các gia đình quản lý, giáo dục con cái thiếu nghiêm túc, đặc biệt  là những gia đình giàu có, mua xe cộ cho con mà không trang bị cho chúng những kỹ năng sống cần thiết, để chúng thi nhau lang lách, cướp giật. Nhiều gia đình có con bỏ học hàng tháng trời mà cũng không biết. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường lỏng lẻo nên mới để xảy ra tình trạng đó. Một số chính quyền địa phương thì thờ ơ, không phản ánh những tình hình bất thường về công dân của mình cho cơ quan Công an để nắm tình hình.

Vừa rồi, một số vụ án xảy ra như vụ môi giới mại dâm ở huyện Kiến Xương mà đối tượng bị dụ dỗ, thậm chí cưỡng ép đi bán dâm cho khách là các em nữ sinh cấp 3 thể hiện rõ sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương không tốt. Rõ ràng, các em có sự thay đổi về hình thức bên ngoài, về thời gian đi đứng, học tập trong một thời gian dài nhưng gia đình và nhà trường không hề hay biết.

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt các đối tượng này nếu có sự phối hợp đồng bộ và có trách nhiệm giữa gia đình và các tổ chức xã hội. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên chưa có tác dụng trong việc lôi kéo các cháu vào các hoạt động có ích cho các hội.. Tôi nghĩ rằng, đã có các thông tư liên tịch giữa Công an và Đoàn thanh niên, giữa Công an với ngành Giáo dục nhưng chưa thực sự hiệu quả. Ở đây, sự phối hợp mới chỉ trên cơ sở hội họp, ra văn bản, nói chung mang tính hình thức là chính, chứ hoạt động chưa có chiều sâu và hiệu quả thực sự.

Chẳng hạn như, đầu năm, lực lượng CSGT từ Công an tỉnh đến Công an các huyện đều được mời đến nói chuyện tại các trường học về vấn đề An toàn giao thông. Tuy nhiên, vấn đề không phải là môt buổi nói chuyện có thể thay đổi được luôn nhận thức của các cháu, mà các hoạt động phối hợp này phải thường xuyên hơn, nhà trường cũng cần phải có biện pháp để giáo dục đạo đức, cũng như giáo dục ý thức tuân theo pháp luật của học sinh một cách bài bản và thường xuyên trong suốt quá trình học tập trong năm. Như thế, việc phối hợp, giáo dục ý thức cho các cháu mới có hiệu quả mang tính chiều sâu.

Phóng viên: Vậy Công an Thái Bình đã có những giải pháp gì để ngăn chặn loại hình tội phạm này thưa ông?

Đại tá Nguyễn Đình Trung: Đấy là điều mà chúng tôi vẫn trăn trở trong nhiều năm qua. Ban Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ thống kê về số liệu tội phạm vị thành niên, cũng như các phương thức, thủ đoạn của bọn chúng, từ đó tìm ra những sơ hở trong việc quản lý của gia đình cũng như các cơ quan chức năng để "trám" lại. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân biết được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, trong từng vụ việc cụ thể để mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác và phòng tránh tội phạm. Về công tác nghiệp vụ, chúng tôi cũng yêu cầu Công an các huyện, thành phố giao cho lực lượng trinh sát, lực lượng quản lý địa bàn đưa các cháu có các biểu hiện như ăn chơi, đua đòi vào diện quản lý.

Từ cuối năm 2009 đến nay, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh cũng đã khám phá được hàng chục vụ án mà đối tượng gây án là thanh thiếu niên chính từ việc nắm chắc các đối tượng thuộc diện quản lý này. Vừa rồi, nhân Hội nghị tổng kết 12 năm triển khai Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, thành phần tham dự hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Công an các xã, các ban, ngành của tỉnh, huyện, cơ quan Công an đã thông báo toàn bộ tình hình, thiếu sót phát sinh trong vấn đề quản lý thanh thiếu niên để các ban, ngành và chính quyền địa phương cùng phối hợp phòng ngừa.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang triển khai nhiều mô hình để bảo đảm về ANTT. Có một mô hình mới mà chúng tôi cho rằng có hiệu quả rất tốt là mô hình về dòng họ, dòng tộc an toàn. Bởi trong mô hình này, chúng tôi nhận thấy những người đứng đầu dòng họ, có tiếng nói, có uy tín thì dễ dàng hơn trong việc giáo dục con em mình. Hiện chúng tôi đã triển khai được mô hình này ở một số dòng họ, dòng tộc thuộc huyện Đông Hưng, Tiền Hải…, rất có tác dụng. Thời gian tới, tôi cũng sẽ bàn với Ban Giám đốc chọn địa bàn, triển khai thí điểm mô hình này, từ đó sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh..

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí. Hy vọng, với những nỗ lực của lực lượng Công an và các ban, ngành chức năng, tội phạm vị thành niên ở Thái Bình sẽ giảm thiểu và không còn ở mức báo động nữa

T. Hòa- V. Hà (thực hiện) - Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu số 34
.
.
.