Khi trực thăng thành máy công nghiệp

Thứ Tư, 02/11/2011, 14:46
Sau 3 năm, tôi mới có dịp quay lại căn nhà của anh Trần Quốc Hải ở thị trấn Đồng Pan, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - người nổi tiếng với biệt danh "Hai lúa chế trực thăng" vì anh đã cùng một người bạn lần lượt làm ra... 3 chiếc! Cả 3 chiếc ấy được các ông chủ của nó cho cất cánh vài lần - mà là bay "lén" để xác định xem nó có "bay" được hay không trước khi xin giấy phép của các ngành chức năng cho bay thử nghiệm chính thức.

Những lần bay "lén", Trần Quốc Hải đem máy bay vào tuốt trong rẫy, cách nhà hơn 20km, đồng thời chỉ dám để nó lên cao 2 mét, ở chế độ "bay treo" trong hơn 5 phút đồng hồ vì sợ bị phát hiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cả 3 chiếc trực thăng chưa bao giờ chính thức được "lên giời".

1.Trước căn nhà cấp 4 của Trần Quốc Hải, nay đã cơi nới thêm cho rộng ra, ngổn ngang các khối sắt thép - máy không ra máy, mà phế liệu cũng chẳng ra phế liệu. Lau đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ vào chiếc khăn cũng... lấm lem dầu mỡ, anh cười: "Sau khi các cơ quan chức năng có kết luận chính thức về những chiếc máy bay của tôi, và tôi không được phép bay thì nhiều nhà khoa học khuyên tôi nên tập trung vào việc chế tạo những thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp". Cũng may mắn là khi mang 3 chiếc trực thăng đi triển lãm ở Nhật, Pháp. Đức, Hàn Quốc, rồi bán được cho những nhà sưu tập, viện bảo tàng, Trần Quốc Hải có một số vốn kha khá để đầu tư.

Chỉ vào một cỗ máy nằm ở giữa sân, Trần Quốc Hải nói: "Cho đến nay, nông dân Tây Ninh trồng mì (sắn) đều dựa vào sức người là chính. Vì thế, sau thời gian nghiên cứu, tôi đã làm ra máy trồng mì, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí. Có thể nói, tôi là người đầu tiên cơ giới hoá toàn bộ khâu trồng mì ở đây". Nếu làm một phép tính chi li thì mỗi ngày, muốn trồng 10 héc ta phải cần đến 200 lao động làm việc cật lực trong 8 tiếng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ một rẫy mì ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, nói: "Tiền thuê 200 lao động ấy là 24 triệu đồng" trong lúc với chiếc máy trồng mì của Trần Quốc Hải, 10 hécta đó cũng chỉ làm trong một ngày - với 3 nhân công, tiêu tốn 60 lít dầu. Nếu tính cả tiền nhân công lẫn tiền dầu, thì chưa đến 2 triệu.

Để tận mục sở thị, tôi leo lên chiếc Honda do anh Hải cầm lái. Vòng vèo qua những con đường đất sống trâu, xe dừng lại trước một cánh đồng bạt ngàn mà theo lời anh Hải thì đây là rẫy của một người bạn anh đang chuẩn bị lên luống, trồng mì bằng chiếc máy anh vừa chế tạo. Với một dàn cày mà lưỡi cày được bố trí theo một độ nghiêng thích hợp, đất sau khi xới lên, tự động vun thành từng luống dài, luống này cách luống kia 0,8m. Anh Quang, bạn anh Hải, ngồi trên chiếc máy kéo, vừa đưa tay vuốt những giọt mồ hôi trên mặt, vừa giải thích: "Nếu đánh luống bằng bò thì một cặp bò làm liên tục trong 4 ngày mới xong một hécta. Còn với máy của anh Hải, một ngày mình tôi làm 10 hécta".

Máy liên hợp lên luống, chặt hom, trồng, phun thuốc, làm cỏ và thu hoạch khoai mì do anh Hải chế tạo.

2. Chuyện cỗ máy trồng và thu hoạch khoai mì không phải là chuyện mới vì trên thế giới, nhiều nước như Ấn Độ, Brazil, Thái Lan... đã đưa loại máy này vào sử dụng từ khá lâu. Tuy nhiên, khi được anh Hải cho xem một clip video mà anh tải về trên mạng Internet, mô tả sự hoạt động của một cỗ máy trồng, thu hoạch khoai mì do Brazil sản xuất, tôi thấy máy chỉ cày đất cho tơi chứ không lên luống. Chưa hết, sau khi cày, máy chọc một lỗ rối cắm thẳng hom mì xuống thay vì đặt nghiêng một góc 30 độ như nông dân Việt Nam vẫn thường làm - trong lúc đây là một yếu tố quan trọng, quyết định về số lượng, kích thước của củ khoai mì. Anh Hải nói: "Đã vậy, giá bán của nó tính theo tiền Việt là 250 triệu đồng, còn máy của tôi thì rẻ hơn".

Rẻ hơn là bao nhiêu? Tôi hỏi. Anh Hải cười: "Hiện giờ thì tôi chưa thể công bố. Nhưng chắc chắn nó sẽ rẻ hơn rất nhiều". Về mặt hình dáng thì chiếc máy trồng, thu hoạch khoai mì mà Trần Quốc Hải sáng chế cũng chẳng khác cỗ máy do Brazil, Ấn Độ sản xuất là bao nhiêu. Tuy nhiên, với những gì tôi nhìn thấy tại khu rẫy của anh Quang thì thú vị lắm. Sau khi lên luống, nó rạch một đường dài ngay chính giữa luống (gọi là rạch hàng). Tiếp theo, người ngồi trên máy cho những thân cây mì vào những chiếc ống nhỏ - mỗi ống đều có dao cắt, cắt cây khoai mì ra từng đoạn dài bằng nhau (cắt hom) rồi đặt xuống luống, lấp đất lên.

Anh Quang nói: "Nếu làm theo phương pháp thủ công, người nông dân phải chặt hom bằng tay, đặt hom xuống luống cũng bằng tay rồi dùng chân khỏa đất vào hom cho kín (gọi là ép)". Ở khâu phun thuốc trừ sâu, bón phân, làm cỏ, vun hàng..., cũng vẫn do cỗ máy này thực hiện. Anh Quang nói: "Tiếc là chưa đến mùa thu hoạch chứ nếu không, nhà báo còn có thể chứng kiến nó nhổ củ mì lên, rung cho đất rơi ra hết". Nếu thuê mướn người nhổ, thì tiền công là 180 nghìn/người/ngày và phải 15 người mới nhổ xong 1 hécta/ ngày. Như thế, chỉ riêng tiền công cho 15 người/ngày đã là 2,7 triệu. Anh Quang nói tiếp: "Máy làm nhanh hơn. Mỗi ngày nó nhổ 7 hécta, tốn khoảng 600 nghìn".

Ưu điểm của chiếc máy này - ngoài những điều mà tôi vừa kể thì khi trồng mì, nó trồng đều tăm tắp. Luống này cách luống kia 0,8m, còn cây này cách cây kia từ 0,6 đến 0,8m - hoặc 1m tùy theo sự điều chỉnh của người trồng. Anh Hải cho biết: "Hiện tại, đã có 3 máy được đưa vào sử dụng để đánh giá những ưu, nhược điểm của nó, và đã trồng được trên 300 hécta chỉ trong 10 ngày. Từ sự đánh giá ấy, tôi sẽ hoàn thiện chiếc máy thứ 4 trước khi tung ra thị trường".

Tiếng lành đồn xa, bà con nông dân ở nhiều địa phương đã tìm đến rồi sau khi tận mắt nhìn thấy mọi hoạt động của máy đã đặt hàng với số lượng lớn, đồng thời cũng đã có một đoàn chuyên gia thuộc Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, rồi Hội Nông dân tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu..., đến tận nơi để khảo sát và đánh giá. Chưa kể Công ty Sản xuất máy nông nghiệp A47 và Công ty Namvisai, chuyên sản xuất xăng sinh học từ củ khoai mì cũng đã đặt vấn đề mời Trần Quốc Hải hợp tác.

Tuy nhiên, theo anh Hải thì: "Khả năng có giới hạn" - nghĩa là thiếu vốn nên trước mắt, chiến lược của anh là làm xong chiếc máy này, bán lấy tiền để làm chiếc máy sau. Tôi hỏi: "Trong tất cả những sản phẩm mà anh đã chế tạo, có loại nào anh đăng ký bảo hộ kiểu dáng độc quyền không?". Trần Quốc Hải lắc đầu: "Không. Mặc dù một số chủng loại của tôi bị người ta làm nhái, chẳng hạn như máy thổi lá cao su, máy bơm xác củ mì, xe rơ móc tự hành nhưng tôi vẫn không đăng ký độc quyền là vì tôi muốn nhận ra những khuyết điểm của nó khi vận hành rồi đến những chiếc máy sau, sẽ ngày càng hoàn thiện".

Máy vận chuyển nông sản từ ruộng sình lầy lên bờ cũng do Trần Quốc Hải chế tạo.

3. Tạm thời từ bỏ giấc mộng bay bổng, những sản phẩm do Trần Quốc Hải chế tạo đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân. Anh nói: "Có những thứ được các nhà khoa học công nhận, nhưng người nông dân không công nhận thì coi như thua. Còn thứ gì mà nông dân công nhận thì coi như thắng". Chính vì thế, rất nhiều sản phẩm của Trần Quốc Hải ra đời từ sự gợi ý của bà con như máy vận chuyển nông sản dưới ruộng sình lầy, giúp nông dân đỡ vất vả mang vác, có giá 80 triệu đồng, chở được 1,5 tấn/lượt; máy phun thuốc trừ sâu, công suất 25 hécta/ngày, giá 10 triệu đồng; máy làm cỏ, bón phân, giá 50 triệu đồng/chiếc, công suất 7hecta/ngày. Sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết ngay đến đó.

Vợ anh Hải cho biết: "Nói thì thấy dễ ăn, nhưng trầy trật lắm. Có những chiếc máy ảnh làm đi, làm lại, sửa chỗ này, cải tiến chỗ kia cả chục lần. Tới hồi hoàn thành, chi phí lên tới hai, ba trăm triệu nhưng lúc bán, lại chỉ bán được bảy, tám chục triệu vì phải tính đến sự phù hợp với túi tiền của người nông dân".

Một trong những điển hình của việc làm đi, làm lại là chiếc máy hái cà phê. Nếu như xưa nay, công nhân hái cà phê thì trái chín, trái xanh đều tuốt hết, dẫn đến khi chế biến, chất lượng cà phê không đồng đều trong lúc Việt Nam đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Anh Hải nói: "Còn máy của tôi, chỉ hái trái đã chín thôi. Một ngày hoạt động của nó bằng 50 người".

Cái khó nhất của máy hái cà phê là phải biết trái nào đã chín, trái nào còn xanh. Ở Mỹ, máy hái cam, hái táo, hái cà chua đều sử dụng hệ thống cảm biến mùi, hoặc thiết bị định dạng, giá 7, 8 nghìn USD một bộ nhưng máy của Trần Quốc Hải lại không hề xài tới cái món đồ cao cấp ấy mà vẫn phân biệt đâu là trái chín, đâu là trái xanh.

Anh nói: "Bà con nông dân mình ngày càng mong muốn được cơ giới hoá nhiều hơn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu phải đi mua những chiếc máy nhập từ nước ngoài thì giá quá cao, có thể lên tới hàng tỉ đồng nhưng lắm khi lại không phù hợp với địa hình, thời tiết nước ta, gây lãng phí. Do đó, việc chế tạo những chiếc máy nông nghiệp nội địa vừa phù hợp với túi tiền của người dân, vừa mang lại hiệu quả cao là mục tiêu của tôi".

Điều đáng lưu ý nhất là tất cả những máy công cụ do Trần Quốc Hải chế tạo đều hoạt động bằng cách tận dụng lực kéo của máy cày chứ không cần phải có thêm một động cơ khác. Tây Ninh nói chung, huyện Tân Châu nói riêng, nông nghiệp chiếm đa số nên số lượng máy cày trong dân rất lớn - dù đó chỉ là loại máy nhỏ, đẩy tay nên sử dụng rất phù hợp mà không cần phải sắm thêm một máy nổ khác.

Anh Hải nói: "Chừng một tháng nữa, nếu rảnh thì mời anh về đây, tôi sẽ cho anh coi chiếc máy thu hoạch mía. Loại máy này nếu do Nhật Bản sản xuất có giá 250 nghìn USD nhưng người Nhật không bán từng máy, mà bán luôn cả công nghệ chế tạo. Còn máy của tôi, tính năng, công suất tương đương, giá chỉ trên dưới 1 tỉ đồng.

4. Có điện thọai của một khách hàng muốn gặp Trần Quốc Hải nên tôi và anh lên xe quay về nhà. Trên xe, tôi hỏi: "Bây giờ anh còn thích chế máy bay trực thăng nữa không?". Anh cười lớn: "Trực thăng đã đi vào máu thịt của tôi. Tôi sẽ tiếp tục làm nữa khi có đủ tài chính". Lúc vào đến sân, anh chỉ cho tôi coi một động cơ - không biết là của loại máy nào, được phủ kín bằng vải bạt, đặt riêng ở một góc: "Đó, chiếc trực thăng tương lai của tôi đó nhưng bây giờ, ông khách này đang đặt tôi làm cho ổng chiếc máy thu hoạch bắp nên tôi phải bắt tay vào việc thôi..."

Vũ Cao – CSTC tuần số 80
.
.
.