Khốn khổ vì di họa chiến tranh ở cao nguyên đá

Thứ Năm, 21/07/2011, 06:59
Những tiếng súng, tiếng mìn, tiếng pháo rung chuyển núi rừng của cuộc chiến năm nào có thể đã ngủ quên trong ký ức của nhiều người nhưng với dân Myền đá Hà Giang thì vẫn còn "văng vẳng bên tai". Mìn, đạn cùng nhiều loại chất nổ khác đã không theo cuộc chiến ngủ yên trong lòng đất mà vẫn như cọp dữ, như ma rừng cướp đi mạng sống bao người, đẩy bao nhà vào cảnh nguy khốn, khổ đau…

Sấy chân khô trên gác bếp để giữ làm… kỷ niệm

Đến Hà Giang, tôi đã được nghe một câu chuyện vô cùng kinh hãi. Chuyện kể về một thanh niên người Mông ở bản Mã Hoàng Phìn (xã Mynh Tân, huyện Vị Xuyên). Người thanh niên này không may đạp phải mìn từ thời chiến tranh rơi rớt lại. Đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn anh ta đã đi đến một quyết định lạ lùng ấy là lấy phần chân đã bị mìn cắt của mình sấy khô trên gác bếp.

Bởi mưa rừng vần vũ suốt mấy ngày trời, chúng tôi không thể vượt 20 cây số đường rừng để lên tận nơi người thanh niên có hành động kỳ lạ trên đang ở. Thế nhưng, nhờ sự trợ giúp nhiệt tình của ông Lộc Xuân Lương, quyền Chủ tịch xã Mynh Tân, chúng tôi đã có những thông tin mình cần.

Theo ông Lương, người thanh niên ấy là anh Hàu Sào Trung, sinh năm 1982, dính mìn từ năm 2009. Quả mìn đã xén chân Sào Trung nằm ngay sát chân tảng đá lớn, nơi mấy mùa rẫy anh vẫn thường lấy làm chỗ nghỉ ngơi. Bao lần qua lại chẳng sao, thế nhưng hôm ấy, vừa đặt chân đến thì một tiếng nổ chát chúa vang lên khiến anh ngất lịm. Khi tỉnh dậy, anh đã hốt hoảng và đau đớn khi thấy chân trái của mình đã bị mìn băm dập nát.

Nghĩ tuổi mình còn đang phơi phới bỗng dưng thành người tàn phế, Sào Trung buồn thối ruột. Nằm một chỗ, thương mình bao nhiêu Sào Trung càng oán hận thứ "đồ chơi" của thời chiến ấy bấy nhiêu. Ở bản của Sào Trung, nhiều người cũng đã vướng vào những tai nạn tương tự, thậm chí, có người đã chết chẳng toàn thây. Mìn sát thương gieo giắc tai ương, nguy khốn chẳng khác gì con ma rừng khiến dân bản khiếp hãi. Những suy nghĩ ấy khiến Sào Trung đi đến một quyết định dị thường: Giữ lại phần chân đã mất của mình. Theo ông Lương, Sào Trung làm vậy chỉ đơn giản là để mọi người trong nhà khi thấy nó sẽ cẩn trọng hơn trong việc vào rừng lên rẫy, tránh xa những chỗ đã được bộ đội và người già cho là nguy hiểm.

Sau mấy năm được… hun khói, phần chân ấy giờ đã teo tóp, khô cong như củi trong rừng. Thỉnh thoảng, Sào Trung vẫn lấy một phần cơ thể mình đó xuống để mọi người… thưởng lãm, thỏa chí hiếu kỳ.

Cắn răng chung sống hòa bình với… thần chết!

Thiếu úy Nguyễn Văn Vị (Đội Kiểm soát hành chính, Đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy) là người được đơn vị phân công dẫn chúng tôi đi thực tế để thực hiện bài viết này. Theo Thiếu úy Vị, ngay tại trung tâm xã Thanh Thủy, nơi đồn biên phòng đóng quân vẫn còn vô số những bãi mìn, đạn và chúng có thể gây họa bất cứ lúc nào. Để Mynh chứng cho lời mình nói, người cán bộ trẻ ấy đã đưa chúng tôi tới nương ngô nhỏ nằm ngay sau những dãy nhà ngói ở trung tâm xã. Vừa nhác thấy chúng tôi, hai người phụ nữ tuổi chừng 60 đang làm cỏ ngô vội vàng ngăn lại. "Không lên đây được đâu, nguy hiểm lắm! Chết như chơi đấy các chú ạ!". Một bà nói giọng đầy sự hốt hoảng.

Người vừa ngăn cản chúng tôi là bà Nguyễn Thị Ngò, trước đây công tác ở trạm y tế xã. Gia đình bà Ngò trồng ngô trên đất này đã được mấy năm. Bà Ngò giãi bày, để một vụ ngô thắng lợi thì ngoài trông trời trông đất trông mây thì còn phải trông cả… mìn, đạn nữa. Sau mấy năm xới đất, bà cũng "thu hoạch" được vô số những vũ khí chiến tranh. Phát hiện ra những "quái vật" ấy, bà cứ lựa lôi ra góc nương, xếp thành một đống. Dẫn chúng tôi ra thăm "chiến quả" mà mình gom được, bà Ngò bảo, nếu số đạn mà bà gom được vô tình phát nổ thì cũng đủ để xóa xổ cả xóm này.

Thôn Giang Nam, thôn trung tâm của xã Thanh Thủy có nhiều góa phụ. Họ là những người phụ nữ không may mắn, nửa đời đứt gánh do chồng vướng vào mìn, đạn. Theo Thiếu úy Vị, ở thôn này có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đó là hai ông chồng tên Việt (Lục Văn Việt và Lại Văn Việt) đều rủ nhau về… bên kia thế giới vì dám đùa giỡn với tử thần.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2002, ông Lại Văn Việt liều lĩnh vào vùng đất cấm để tìm sắt vụn. Mìn nổ, ông chết ngay tại chỗ. Chỉ ít lâu sau, ông Lục Văn Việt cũng bởi hám món lợi trước mắt mà quên mạng sống của mình khi cả gan kẽo kẹt cưa cả những quả đạn to như bắp chuối. Những người sống quanh nhà ông Việt bảo, phúc nhà họ còn to như cái đình bởi hôm đó nếu không đuổi người đàn ông có gan cóc tía ấy lên đồi thì có lẽ cả xóm đã bị… san bằng.

Tìm đường sống nơi… cửa tử

Ở cực Bắc Tổ quốc không thiếu những cảnh ngộ bi thương do dính phải bom đạn thời chiến. Thế nhưng, bất hạnh như gia đình ông Nguyễn Văn Khắp ở xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thì quả thực hiếm có trên đời. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà tạm ở ngay sát đường lên cửa khẩu Thanh Thủy, người đàn ông có khuôn mặt đen đúa, khắc khổ này bảo, bây giờ, ông rất sợ nghe những tiếng nổ lớn hay những âm thanh gây chấn động mạnh. Nhiều đêm, đang ngủ ông vẫn thường vùng dậy bịt tai vì còn nghe thấy những tiếng nổ ấy… trong mơ. 

Ông Khắp bị mìn cắt đứt chân phải năm 1991. Năm ấy, bởi mưu sinh, ông vào rừng xẻ gỗ. Ma đưa lối quỷ dẫn đường, ông đã vô tình đạp phải mìn. Sau cú tai nạn kinh hoàng đó, thành người tàn phế, ông chỉ biết quanh quẩn ở nhà và thỉnh thoảng lại hứng chịu những cơn đau do thời tiết thay đổi. Dường như ông trời đã định cho ông cái số vất vả, cái số khốn cùng bởi những tiếng nổ kinh hoàng. Năm 1997, loanh quanh ngoài vườn, cũng một tiếng nổ chát chúa nữa vang lên, vợ ông lìa bỏ cõi đời trong chớp mắt. Tiếng nổ ấy không phải từ mìn, đạn mà từ… Thiên Lôi. Thần sét vung búa, vợ ông, lao động chính trong nhà khi đó đã bỏ ông mà đi chẳng một lời trối trăng, giã biệt.

Hai anh em ông Khắp với chân phải bị cụt do dẫm phải mìn.

Ông Khắp có 3 anh em trai. Người em kế của ông thì bị dị tật bẩm sinh nên khi ông bị dính mìn, việc phụng dưỡng bố mẹ già đành phó hết cho người em út, ông Nguyễn Văn Thủy. Thế nhưng, có lẽ cũng là trời định, năm 2007, ông Thủy cũng lại dính mìn và cũng phải cắt chân phải đến đầu gối hệt như anh trai mình. Như nhiều người dân trong xã, bởi khó nhọc kiếm cơm, ông liều mạng "đi tuần" nơi chiến địa xưa để tìm sắt vụn. Sau lần thọ nạn ấy, ông bỏ nghề và cũng giống như người anh của mình, ông chỉ luẩn quẩn ở nhà giúp con trông cháu.

Gõ kình kịch chiếc chân gỗ do mình tự chế xuống nền đất, ông Khắp bảo, không chỉ ông, em ông mà đến cả con ông cũng phải khốn khổ bởi mìn, bởi đạn. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Khắp vừa bước thấp bước cao lặn lội xuống Tuyên Quang để thăm người con cả đang ở tù của mình. Theo ông Khắp thì con ông sống bằng nghề kiếm tìm sắt vụn đã lâu. Cứ sáng tinh mơ, khi bản làng còn đang ngái ngủ, trên chiếc "chiến xa" cổ lỗ, con ông lắc lư vào chiến địa. Bởi đời sống khó khăn, bởi gánh nặng gia đình, con ông chẳng từ bất cứ thứ gì thu được. Tất cả cứ tống hết vào bao rồi đem về nhà phân loại. Cái nào bán ngay được thì bán, cái nào chưa bán được thì cứ xếp đống đó, khi mưa khi gió thì lôi ra cưa, đục.

Suốt mấy năm săn tìm sắt vụn, tìm kiếm được nhiều quả đạn vẫn còn nguyên đai nguyên kiện. Rước những thứ đó về nhà, con ông cứ bê ra giữa nhà rồi hồn nhiên bóc, phá. Sau khi tận thu kim loại, đám thuốc nổ thừa ra, con ông tống vào bao, xếp ở góc nhà. Bởi thế, ngay năm ông Thủy bị thương, Công an vào khám nhà, phát hiện ra… kho thuốc nổ đó, con ông đã bị bắt và bị kết án 10 năm tù.

Thiếu úy Nguyễn Văn Vị cho biết, hiện tại, đội quân tìm sắt vụn vẫn hoạt động rầm rộ trên địa bàn mà đồn quản lý. Vài năm trước, khi sắt vụn có giá thì đội quân này lên tới cả trăm người. Họ đến từ nhiều địa phương khác. Thời gian đó, dân xã Thanh Thủy vẫn thỉnh thoảng thấy cảnh người ta hớt hải khóc than khi đưa người bị thương, thậm chí đã chết xuống núi.

Chính bởi những tai nạn thảm thương liên tiếp diễn ra, đồn đã phải kết hợp với chính quyền địa phương đã phải vào cuộc. Thế nhưng, sự vận động dù rất tích cực thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể ngăn những tốp người đánh cược sinh mạng mình với thần chết. Họ bảo, không có ăn thì chắc chắn sẽ chết còn giẫm phải mìn, thậm chí cưa những quả đạn pháo khổng lồ nếu may mắn thì vẫn còn… đường sống.

Chưa có một thống kê chính xác về những thương vong do mìn, đạn thời hậu chiến gây ra với người dân Myền sơn cước xa xôi này. Thế nhưng, tới những nơi trước đây là điểm nóng của cuộc chiến, thấy nhiều người trên mình mang đầy thương tích qua lại cũng đủ biết con số trên là không nhỏ chút nào. Bao giờ cỗ máy chiến tranh mới ngủ yên, bao giờ Myền đá bặt im những tiếng nổ toạc đất xé trời (và xé cả lòng người nữa), câu hỏi ấy đang rất cần các cơ quan hữu trách nhanh chóng trả lời.n

 Theo ông Lộc Xuân Lương, quyền Chủ tịch xã Mynh Tân thì dù đã nhiều lần rà phá nhưng mìn thời chiến còn vương vãi ở rất nhiều nơi trên địa bàn xã, đặc biệt là hai bản Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả. Hai bản này có hơn 100 hộ dân, thế nhưng, từ khi bản làng im tiếng súng đến nay đã có 25 trường hợp không may dính phải thứ mìn sát thương khủng khiếp này. Kinh hãi hơn, chỉ tính riêng ở hai bản trên, đã có 15 người phải từ giã cõi đời do đôi chân "lầm đường lạc lối". Còn theo chị Mai Bích Thủy, Cán bộ Lao động thương binh xã hội xã Thanh Thủy thì hiện tại xã có 36 đối tượng tàn tật đang được nhà nước hỗ trợ kinh tế. Trong số các đối tượng đó, có nhiều người tàn phế do những tai nạn liên quan đến đạn, mìn

Trịnh Thị Hoài Thu – số 48
.
.
.