Kinh doanh truyền hình tại Việt Nam: Từ tỷ phú thành... con nợ!

Thứ Năm, 11/08/2011, 15:53
Làm truyền hình đương nhiên không phải là chuyện đùa. Có người còn quả quyết rằng ai muốn… phá sản, hãy cứ đầu tư vào sản xuất chương trình truyền hình và không tính toán gì cả! Giống như đầu thế kỷ 20, giới nhiếp ảnh hay nói, muốn anh nào phá sản cứ tặng anh ta một chiếc máy chụp hình…

Tiền? Chưa đủ. Phải giỏi!

Không khó để nhận ra rằng, mấy năm gần đây càng ngày càng có nhiều chương trình và kênh truyền hình mới liên tục ra đời. Từ đó, khái niệm "xã hội hóa" (XHH) các hoạt động sản xuất chương trình, kênh truyền hình đã được nhắc đến như một phương thức huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, góp phần có thêm nhiều món ăn tinh thần phong phú cho khán giả lựa chọn.

Thường có nhiều hình thức "kinh doanh truyền hình", hình thức cao nhất là một doanh nghiệp có đủ tiềm lực hợp tác với một đài truyền hình cùng xây dựng hẳn một kênh truyền hình mới riêng. Một số công ty đã hợp tác sản xuất cả một kênh truyền hình như Công ty Lasata với VTC9 Let's Việt, Công ty IMC (VTC7 Today TV), Công ty TV plus (StyleTV), Công ty Trí Việt (HTV3), Công ty Đất Việt (HTV2), Công ty BHD (FBNC, MTV Việt Nam), Công ty Ocean Media (Info TV), Công ty S-Media (O2TV), Le Group (Fansipan TV)...

Các công ty nhỏ hơn không đủ khả năng mua nguyên kênh thì họ mua giờ phát sóng hoặc bán chương trình cho đài. Phương thức phổ biến nhất hiện nay là đơn vị kinh doanh nộp cho đài truyền hình một khoản tương đương một năm khai thác (tùy theo thỏa thuận của hai bên), phần nội dung đơn vị tự lên kế hoạch, khung chương trình sau đó đưa đài duyệt. Các công ty sản xuất các chương trình truyền hình xã hội hóa hiện nay chủ yếu vẫn là các công ty lớn như Cát Tiên Sa, Đông Tây Promotion, BHD, TV Plus, MCV, Kiết Tường, VTL, Chu Thị...

Với số lượng đông đảo kênh truyền hình và các chương trình truyền hình, chúng ta dễ bị lầm tưởng chắc phải thu được rất nhiều lợi nhuận thì các doanh nghiệp mới lao vào. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi.  Đã có người cho rằng "bỏ tiền để mua kênh thì doanh nghiệp cứ có tiền là có thể làm được. Nhưng để nuôi kênh ấy sống khỏe thì chỉ những doanh nghiệp có… rất nhiều tiền và phải rất giỏi mới làm được!". Thực tế đã có không ít doanh nghiệp phải "ôm đầu máu", chịu những khoản lỗ lớn, tồn tại lay lắt, thậm chí phải "bỏ của chạy lấy người, bỏ kênh để bảo toàn sự tồn tại của doanh nghiệp"...

Những người trong nghề không khó để nhận thấy, việc nghĩ ra fomat chương trình hay rồi sản xuất và quảng bá nó thành công không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa trong các cuộc liên kết sản xuất - kinh doanh, các đài truyền hình luôn cầm đằng chuôi và luôn  được lãi. Người tiêu dùng cũng có lợi vì có nhiều lựa chọn hơn. Song, về phía các nhà đầu tư thì đa số không tránh khỏi tình trạng bị lỗ lớn. Lý do là do chi phí đầu tư vào sản xuất và bộ máy hàng năm rất lớn, lên đến vài chục tỉ đồng, thời gian đầu tư đòi hỏi phải kéo dài. Vì thế, rủi ro sẽ rất cao nếu một chương trình không nhận được một sự tài trợ dài hơi của các doanh nghiệp đại gia.

Một chương trình của VTC9 Let's Việt.

VTC9 Let's Việt là kênh thuần Việt đầu tiên với nhiều chương trình giải trí ấn tượng như: Chuyện phái đẹp, Bệ phóng tài năng, Nhịp điệu trẻ, Chuyện lý chuyện tình... và dàn MC là diễn viên nổi tiếng như Chi Bảo, Bình Minh, Hồng Ánh, Trịnh Kim Chi, Thanh Vân, Việt Anh, Hải Yến,... đã phải trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn.

Ông Trần Minh Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện Latsata - đơn vị thực hiện Let's Việt cho biết: "Kênh Let's Việt đã trải qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Vừa ra đời được 9 tháng (từ 27/9/2008), bao nhiêu tiền của đổ vào xây dựng một kênh truyền hình văn hóa -xã hội và giải trí lành mạnh thì bị cắt sóng mất 8 tháng. Rồi thêm 6 tháng khôi phục sau khi có sóng trở lại, đã gây thiệt hại vô cùng lớn đối với chúng tôi. Đến tháng 6/2010 kênh mới trở lại kinh doanh bình thường, lúc đó tình hình thị trường đã khác hẳn những ngày đầu chúng tôi ra đời. Hàng chục kênh xã hội hóa có mặt, tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng cắt giảm chi phí làm cho cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn. Và có lúc Let's Việt đã phải chịu lỗ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của công ty.”

Cũng gặp rất nhiều khó khăn như Let's Việt trong quá trình định hình và phát triển của mình, đó là kênh HTV3, nằm trong hệ thống kênh xã hội hóa của Đài TH TP HCM (HTV). Bà Lê Thị Phương Thủy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trí Việt (TVM Corp.) chia sẻ: "Đối với một kênh truyền hình mới, muốn đạt được điểm hòa vốn, thì thời gian tối thiểu là 3-5 năm, trong điều kiện tốt và ổn định về doanh số. Nguyên nhân là quá trình tạo dựng từ ý tưởng ban đầu thành lập đến lúc các chương trình hoàn toàn "chạy" tốt trên kênh đã mất từ 1-2 năm. Đồng thời nguồn vốn đầu tư về bản quyền, sản xuất chương trình, đào tạo nhân lực cho một kênh có mức chi phí với con số khổng lồ. Vì vậy, ngay từ khi ký kết hợp đồng với Đài Truyền hình TP.HCM HTV, Trí Việt Media cũng đã xác định đây là sự đầu tư dài hạn - tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Với thực trạng chung của các kênh truyền hình tại VN, lấy quảng cáo làm doanh thu chính thì rõ ràng việc tạm ngưng vài chương trình hấp dẫn người xem trước đây (một số phim truyền hình bị ngưng đột ngột - PV) của HTV3 đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ quảng cáo. Các khung giờ hiện tại với các nội dung dành cho thiếu nhi vẫn thể hiện tốt về tỉ suất người xem cũng như doanh thu từ quảng cáo. Tuy nhiên, những doanh thu này vẫn không đủ lớn để có thể bù đắp cho sự đầu tư ngắn hạn và dài hạn về các chương trình có bản quyền, sự đầu tư vào nguồn nhân sự, hạ tầng kỹ thuật…".

Một thí dụ điển hình nữa về tầm quan trọng của nhà tài trợ (nhà đầu tư) với số tiền đầu tư khổng lồ liên quan đến cả sự mất còn của một chương trình truyền hình. Đó là chương trình talk show tổng hợp nổi đình nổi đám một thời phát trên kênh VTV1 - chương trình "Sức sống mới" nổi bật với hai diễn viên Trung Dũng và Thanh Mai dẫn chương trình chính của Công ty Chu Thị. Chương trình này đã phát sóng trong một thời gian khá dài khoảng 5 năm (6 ngày trong tuần, mỗi ngày khoảng 1 tiếng đồng hồ), với rất nhiều những lời nhận xét, đánh giá khá tốt, tuy nhiên kết cục của nó cũng khiến không ít người bất ngờ.

Với đội ngũ thực hiện lên tới vài chục người, Chu Thị được một đại gia ngành hóa mỹ phẩm là Công ty Unilever "nuôi trọn gói" từ dàn nhân viên đông đảo đến tiền đầu tư, sản xuất chương trình. Mỗi năm tiền đầu tư mà đại gia này chu cấp cũng vài chục tỉ đồng, đổi lại họ sẽ được nguyên một seri những spot quảng cáo của riêng mình trên truyền hình quốc gia (kênh VTV1), đó là chưa kể những khuôn hình có "lộ rõ" dáng những sản phẩm của "đại gia" này…

Chương trình Sức sống mới.

Tuy vậy, sau một thời gian bỏ ra khoản kinh phí rất lớn trong khi lượng "rating" (chỉ số khán giả theo dõi) của chương trình (có thời điểm đã khá cao) ngày càng bị rớt xuống rất thấp vì nhiều lý do, trong đó có thể kể đến lý do chung là các chương trình truyền hình rất dễ bị "đuối" do sở thích của khán giả ngày nay rất mau thay đổi và họ luôn muốn tìm đến những cái mới lạ, nhưng lại phải có chiều sâu nội dung…, Unilever đó đã quyết định tạm ngưng ký hợp đồng đầu tư. Và đương nhiên kết cục chương trình ngay lập tức bị "tạm ngưng phát sóng" (dù ai cũng biết là nó sẽ rất khó xuất hiện rầm rộ thêm lần nữa, trừ khi một ngày nào đó đại gia này tiếp tục có ý muốn nối lại cơ duyên) như trong thông báo nhẹ nhàng của "Sức sống mới" đến khán giả về sự "bỗng dưng mất hút" của mình…

Muốn thắng? Sản xuất nghiêm túc - Kinh doanh lành mạnh!

Có thể thấy, đầu tư cho truyền hình được tính bằng tiền tỉ, có khi lên đến vài chục tỉ, nhưng chương trình phát sóng xong là coi như… hết. Nếu đơn vị đầu tư không bán được quảng cáo trong chương trình của mình, xem như họ vừa ném tiền qua cửa sổ. Thêm vào đó, vì có nhiều đơn vị đổ xô vào kinh doanh truyền hình, nên cạnh tranh nhau là tất yếu. Nếu không khôn khéo, kinh doanh không hiệu quả, phá sản và bị đơn vị khác lấy mất sóng, phải trả lại sóng cho nhà đài là chuyện khó tránh khỏi, đương nhiên phần thiệt hại thuộc về đơn vị đầu tư.

Theo ông Trần Minh Tiến, việc bán quảng cáo và tài trợ là nguồn thu duy nhất của kênh truyền hình xã hội hóa, vì kênh có trách nhiệm thanh toán phí khai thác và toàn bộ chi phí sản xuất chương trình mà không có bất kể một khoản tiền nào từ ngân sách. Chương trình không tốt, không có khán giả, không bán được quảng cáo thì kênh không thể tồn tại được.

Bà Lê Thị Phương Thủy cũng cho rằng, quảng cáo chính là nguồn doanh thu chính, có tiềm năng lớn khi đã đầu tư nhất định về mặt thời gian, nội dung, chi phí vào kênh truyền hình. Đó là lý do mà vì sao truyền hình đã phủ sóng 95% trên cả nước và chiếm cao nhất - khoảng 75% tỷ lệ doanh số của ngành truyền thông Việt Nam (bao gồm các lĩnh vực truyền hình, in ấn, internet và điện ảnh). Ngày nay, không chỉ mang tính thương mại thuần túy, quảng cáo còn là hệ quả tất yếu thể hiện tính phổ cập, uy tín và sự thành công của một kênh truyền hình hay một chương trình truyền hình.

Chính vì vậy, đầu tư cho truyền hình là một bài toán khó khăn và là chuyện đầu tư lâu dài, không thể ăn xổi. Chỉ những ai có kinh nghiệm, có bản lĩnh mới trụ lại được. Đương nhiên nó không phải chỗ kiếm tiền dễ dàng nếu không hiểu nghề, không chuẩn bị đầy đủ cả về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn kinh phí để đủ sức chạy đường dài.

"Để cho ra đời một kênh truyền hình xã hội hóa, công ty truyền thông tư nhân cần phải có đủ vốn xây dựng kênh (khá lớn) trong thời gian 2 năm để khán giả biết đến và phải có nghề làm kênh. Nhưng điều mà chúng tôi quan tâm nhất là sự bền vững về mặt pháp lý đối với kênh truyền hình xã hội hóa và việc cụ thể hóa những tiêu chí trong sản xuất chương trình như: Những điều cấm, những quy định về thuần phong mỹ tục, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến văn hóa phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Tạo ra môi trường truyền hình có tổ chức, có hướng dẫn trên cơ sở luật pháp", ông Trần Minh Tiến cho hay về những khó khăn để duy trì sự tồn tại và phát triển của một kênh truyền hình.

Trong khi đó, bà Lê Thị Phương Thủy cũng nhấn mạnh: "Trí Việt Media cũng như các đơn vị đầu tư cho kênh truyền hình khác đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ của ngành Tài chính - Ngân hàng cho việc tiếp tục tái đầu tư. Nhưng vẫn còn nhiều cái khó vì các yêu cầu bảo trợ tài chính của ngân hàng quá gắt gao. Bản quyền sở hữu trí tuệ; Phương thức đo lường và đánh giá hiệu ứng của xã hội đối với các kênh truyền hình; Đánh giá, sàng lọc các nhà sản xuất có chất lượng tốt… nhằm xây dựng một môi trường sản xuất và kinh doanh lành mạnh với ngành nghề này"

Phạm Phú Lữ - CSTC tuần số 70
.
.
.