Kỳ án "vườn mít" - Nỗi đau mang tên Lê Bá Mai

Thứ Tư, 15/06/2011, 14:56
Lê Bá Mai có lẽ là một trong những người may mắn nhất trên thế gian này bởi trong kỳ án "vườn mít" dù hai lần bị tuyên án tử hình với hai tội danh theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước là "hiếp dâm trẻ em" và "giết người" mà cuối cùng sau gần 7 năm (bị bắt từ ngày 16/11/2004 cho tới ngày xét xử 24/5/2011) Mai đã được tuyên trắng án; chắc ai có tính lạc quan nhất cũng không thể nghĩ đến cái kết có hậu như vậy.

Từ "án tử" đến… trắng án

Chiều hôm tôi hẹn gặp Mai (29 tuổi, tại Cán Khê, Như Thanh, Thanh Hóa) và ông Dương Bá Tuân (52 tuổi, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh - chủ trang trại ở xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, nơi Mai làm thuê), hai người vừa đi cảm ơn những tổ chức và một số cá nhân đã hết lòng giúp đỡ để góp phần giải oan cho Mai, đồng thời gặp gỡ báo chí để họ chia vui, phỏng vấn. Mai người khá gầy ốm, nước da trắng nhợt, hơi xanh xao.

Trước khi gặp Mai, tôi hình dung trong đầu, với một người "chết đi sống lại" - bị tuyên án tử hình đến hai lần mà cuối cùng vẫn vô tội thì chắc Mai sẽ có rất nhiều điều để nói, để chia sẻ, để bộc lộ cho thỏa lòng nhưng Mai lại nói khá ít, chỉ trả lời rất ngắn và có phần không rõ ràng khi được hỏi. Nhưng điều đáng nói là dường như em đã sớm lấy lại được tinh thần, không thấy có biểu hiện của một người vừa qua cơn sóng gió(?).

Có một số bài báo đã đề cập đến một số biểu hiện bất thường của Mai trong quá trình xét xử ở tòa như từ chuyện luôn nở nụ cười lơ ngơ suốt nhiều phiên xử đến chuyện trả lời "không nhớ" ngay cả những câu hỏi đơn giản của tòa và Viện kiểm sát; cả chuyện Mai nói với mẹ mình những câu lạ lẫm sau khi được tuyên trắng án về đến trang trại của ông Tuân như "nhà mình còn hai chiếc xe hơi đâu mẹ", "sao mình còn mấy chục tỉ trong ngân hàng mà không lấy ra xài" (?)… Nhưng quả thực qua hai buổi ngồi nói chuyện với Mai, tôi để ý quan sát nhưng không thấy biểu hiện khác lạ nào từ Mai, ngoài chuyện không diễn đạt rõ ràng được lời nói của mình.

Có quá nhiều điều đọng lại sau vụ án và những lần xét xử này. Ở đây tôi không đề cập đến những chuyện đúng sai từ vụ án mà chỉ muốn nói những điều rất đáng suy ngẫm đằng sau nó. Đó là câu chuyện từ chính nhân vật chính - bị cáo Mai kể, tình người - của những "người dưng" đã hết lòng hết sức để giúp Mai thoát khỏi án tử hình một cách đầy ngoạn mục…

Từ gần 7 năm qua với nhiều phiên xử, ở nhiều cấp độ khác nhau, vụ án Lê Bá Mai đã thu hút sự chú ý của dư luận vì tính chất đặc biệt phức tạp và kéo dài của vụ án này. Tuy vậy, xét thấy những lời khai của bị cáo, lời buộc tội của đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước có nhiều điểm mâu thuẫn, ngày 24/5/2011 Hội đồng xét xử do thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa phiên tòa cho rằng không có đủ cơ sở cũng như chứng cứ để buộc tội Lê Bá Mai. Vì vậy HĐXX đã tuyên trả tự do cho Mai ngay tại phiên tòa.

Trước đó, Lê Bá Mai bị Viện KSND tỉnh Bình Phước cáo buộc dùng vũ lực giao cấu với em U. (11 tuổi), rồi giết chết nạn nhân tại khu vực vườn mít thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân, ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản (trước đây là huyện Bình Long, Bình Phước).

Điều đáng nói là ở phiên xử sơ thẩm lần 1 (16/3/2005), Mai lại nhận tội với một suy nghĩ khá ngây ngô "chỉ vì em không biết tội đó là tử hình và thật sự không biết tử hình là gì. Cứ đơn giản nghĩ, mình không làm thì không có tội, vậy thôi".

Phải nhìn nhận rằng bên cạnh nhiều lý do khác, có lẽ việc Mai không nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc mà nhận hết tội do mình gây ra nên đã góp phần khiến cho vụ án càng thêm rắc rối. Và phải chăng cũng chính khả năng nhận thức đơn giản, hạn chế của Mai nên sự việc đã đi theo những chiều hướng phức tạp(?).

Điều đầu tiên tôi nói Mai là em hãy khẳng định lại một lần nữa chuyện vô tội của em. Mai cười và nhìn vào mắt tôi, nói rất dõng dạc: "Em khẳng định 100% là em không làm chuyện phạm tội đó". Có lẽ cho đến bây giờ thì hầu như ai cũng tin là em không phạm tội tày đình đó mà nếu có thì kết cục có thể đã đổi lấy bằng mạng sống của chính em.

Khoảng thời gian gần 7 năm trong tù (trong đó có 2 năm giam ở trong phòng dành cho tử tù) vậy nhưng khi hỏi những chuyện "đáng nhớ", Mai lại bảo em không còn nhớ điều gì nữa cả, em vẫn sinh hoạt bình thường (?), chỉ nhớ mỗi chuyện trong thời gian bị giam giữ em thường bị đau đầu và sốt nên liên tục phải xin thuốc để uống.

"Khi được tuyên trắng án, em thấy thực sự đây là nỗi vui mừng lớn nhất trong cuộc đời của em. Em xin cảm ơn hội đồng xét xử, các cơ quan báo chí, hai vị luật sư và nhiều người khác đã theo dõi vụ án, giúp đỡ và bào chữa cho em trong vòng gần 7 năm qua để cứu cuộc đời của em, đây như là lần thứ hai em được sinh ra trong cuộc đời", Mai cười rất tươi chia sẻ.

Mai còn cho biết thêm, hôm em được tuyên trắng án, sau đó về trang trại của ông Tuân, nơi em làm công ở đây, buổi tối đó dù ở cùng những người thân yêu nhất của mình nhưng Mai thấy rất khó ngủ, nằm mãi không ngủ được vì sung sướng, vui mừng. Sáng hôm sau em được ông Tuân chở lên thành phố để cảm ơn một số cá nhân, đơn vị. Ngồi trên xe quan sát và lúc xuống xe vào những nơi mà em chưa từng đến, em bảo ra ngoài thấy cuộc sống bây giờ khác nhiều quá.

"Để cứu Mai, chúng tôi sẵn sàng bán hết tài sản"

Ông Dương Bá Tuân đã hết lòng giúp đỡ để giải oan cho Mai.
Từ Thanh Hóa, một mình Mai với trình độ lớp 5/12 khoác túi xách vào Nam kiếm việc làm, Mai bảo hồi đó em suy nghĩ rằng mình không có trình độ nên đã tìm đến những vùng xa xôi một chút, làm những công việc như làm rẫy, thợ hồ…

Năm 2001, Mai mới xin vào làm cho trang trại của ông Tuân. Ông Tuân cười bảo: "Khi Mai mới được nhận vào làm việc cho trang trại của tôi, lúc đầu tôi không hề đồng ý, hôm xuống trang trại, thấy người quản lý thông báo nhận nó vô làm, tôi đã định kêu người quản lý đuổi đi, lý do là lúc đó Mai không có một loại giấy tờ tùy thân nào. Người quản lý mới giải trình rằng thằng bé này từ Thanh Hóa vào, nó làm thuê cho ông nào bên Đồng Xoài 4 tháng mà ông ta không trả cho nó đồng nào, giờ nó bỏ đi hai bàn tay không, biết hoàn cảnh của nó nên mới thương rồi đưa nó về làm và thấy nó làm cũng tốt.

Những ngày đầu tôi thấy thằng này không biết ngoại giao như người ta, cứ lầm lầm lỳ lỳ, hỏi tiếng nào nói tiếng đó chứ không cười cười như bây giờ đâu. Khi đã chấp nhận cho nó ở lại làm thì mới thấy nó là người tốt, nó làm gấp hai, ba người khác, không bao giờ đòi hỏi gì cả. Cho đến ngày xảy ra vụ việc, thực sự tôi đã không tin nó có thể làm những chuyện kinh khủng như thế".

Trong những ngày cơ cực của Mai, ông Tuân là người hết lòng hết sức, tốn công tốn của nhất để giúp Mai trong hành trình chứng minh sự vô tội của mình dù ông vẫn có công việc và nhất là một gia đình phải chu toàn - vợ ông làm giáo viên dạy nhạc, và ba người con, con gái lớn đang đại học năm thứ nhất, hai cậu con trai thì một cháu năm nay lên lớp 10, cháu trai còn lại lên lớp 3.

Không ít người thắc mắc vì sao một ông chủ chẳng có quan hệ ruột thịt gì với một người làm công lại sẵn lòng giúp đỡ như vậy. "Trước hết Mai là công nhân của tôi, hơn nữa nó lại là công nhân tôi rất thương vì nó có bản tính chân chất, thật thà, chăm chỉ, không biết đòi hỏi cho bản thân. Khi nó bị bắt thì tôi biết và dám khẳng định nó bị oan 100%, cho nên từ đó, như là trách nhiệm của tôi, tôi hiểu biết hơn, có điều kiện hơn, tôi đã tìm đủ mọi cách, bằng mọi khả năng để giúp nó.

Trong khoảng thời gian dài gần 7 năm như vậy có nhiều người đã khuyên tôi bỏ đi, đừng tham gia vào vụ án này nữa, nhưng tôi lại có được những động lực khác như vợ tôi đã an ủi, khuyên nhủ tôi rằng nếu cứu được thằng Mai thì cũng sẵn sàng bán hết tất cả tài sản để cứu nó. Nhưng tôi cũng chưa đến nỗi phải bán hết tài sản, song cũng có khi tôi kẹt tiền phải chạy vạy chỗ này chỗ kia để chạy tới lui, hoặc gửi tiền về quê cho cha mẹ Mai để có lộ phí đi từ Thanh Hóa vào rồi đi thăm nuôi…

Hai người dưng nhưng tình cảm như cha con.

Điều tôi mừng nhất là vẫn có rất nhiều người trong xã hội đồng cảm với chúng tôi, thấy trường hợp bị oan sai nên họ cũng có trách nhiệm hoặc có những động thái thực sự bằng cái tâm của họ để góp phần cứu một mạng sống đáng thương như vậy. Những điều này cũng là một động lực để thúc đẩy tôi sốt sắng và theo đuổi cho đến cùng sự việc", ông Tuân giãi bày.

Kẻ thủ ác là ai? - câu hỏi cần phải giải đáp

Có tận mắt chứng kiến sự quan tâm hết lòng của ông Tuân dành cho Mai, mới dễ dàng cảm nhận một tình cảm giống như của một người cha đối với người con vừa trải qua cơn hoạn nạn. "Mai là người học vấn thấp, đầu óc suy nghĩ rất hạn chế, kiểu này mà để tự nó ra ngoài xã hội thì chắc chắn nó sẽ lại vướng vào những việc này việc kia. Do đó tôi thấy mình đã góp phần lớn cứu được nó sống thì tôi nghĩ cũng giống như mình đã sinh nó ra thêm một lần nữa, cho nên từ đó tôi sẽ quan tâm và có trách nhiệm với nó.

Quyết định trả tự do cho Mai.

Tôi cũng đã từng nói với bố mẹ nó rằng, ông bà sinh nó ra, nhưng qua vụ việc này nếu không có tôi chắc nó chết từ lâu rồi, đó là chưa kể tôi còn phải lo nhiều việc cho ông bà nữa, nên nếu lúc nó trở thành người tự do thì nó là con tôi đó nha. Bố mẹ nó cười bảo dạ, nó đã là con bác từ lâu rồi", ông Tuân cười vui vẻ cho biết.

Vừa ngồi nghe ông Tuân nói chuyện, thỉnh thoảng Mai biểu lộ cảm giác vui sướng, chộn rộn vì có lẽ cho đến lúc này em cũng không tin nổi những việc đã xảy ra với mình thời gian qua. Một kết cục đầy bất ngờ mà không nhiều người dám nghĩ tới.

Hỏi Mai chuyện tương lai có lo lắng gì không, em bảo bây giờ em là người tự do rồi nhưng cũng chưa biết sẽ ra sao. "Khi em vừa rời khỏi tòa án, trở thành một người tự do, bà ngoại có gọi điện vào chúc mừng em rồi hỏi thăm sức khỏe, và còn hỏi chừng nào em về quê chơi, em bảo để em thu xếp mọi việc rồi mới về được. Ngoài ra, một số bà con ngoài quê cũng nói em tháng 6 này có đám giỗ của bà nội em thì cố gắng sắp xếp công việc để về ăn đám giỗ và thăm hỏi họ hàng. Sau khi ăn đám giỗ xong, sau đó em có tiếp tục vào làm nữa hay không em cũng chưa biết thế nào. Nhưng ý bác Tuân là muốn em tiếp tục quay trở lại làm trong trang trại của bác".

Trò chuyện qua điện thoại, bố của Mai - ông Lê Bá Thiệu nói với giọng rất vui mừng: "Giờ con tôi vô tội rồi, tôi cảm ơn những vị lãnh đạo, nhà báo, các vị luật sư đã giúp đỡ tận tình con tôi trong suốt thời gian dài vừa qua. Đặc biệt tôi không có lời nào để có thể nói lên hết sự cảm ơn với bác Tuân, người đã hết lòng hết sức, tốn công tốn của để giúp đỡ con tôi và cả gia đình tôi. Tôi nghĩ sau khi ổn định mọi việc, tôi dự định đưa Mai về quê thăm bà con, họ hàng, nhất là để cho nó được hồi phục sức khỏe rồi sau đó mới tính tiếp".

Như vậy, sau hơn 2.000 ngày mang án "hiếp dâm trẻ em và giết người", Lê Bá Mai đã được minh oan, vụ án tạm khép lại. Tuy nhiên, kẻ thủ ác là ai vẫn là câu hỏi cần giải đáp đối với các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước

Phạm Phú Lữ - CSTC tuần số 61
.
.
.