LĐ Việt Nam trở về từ Lybia: Lộ diện những mánh đưa LĐ "chui"

Thứ Hai, 07/03/2011, 15:23
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang cố gắng bằng các biện pháp có thể để đưa lao động Việt Nam tại Lybia về nước. Những doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm "xuất chui" sẽ có hình thức xử lý sau.

Bảo vệ lao động an toàn bằng mọi giá

Sau 2 ngày trở về nước, giọng nói của lao động Phan Trọng Hải ở Đò Quan, Nam Định vẫn còn khản đặc. Anh Hải là một trong số ít lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Libya từ năm 1996, và tính đến thời điểm tháng 4/2011, anh có tổng số tròn 15 năm làm việc tại Libya.

Điều khiến một người thợ nề gắn bó với vùng đất Bắc Phi xa xôi này suốt chừng ấy năm là mức thu nhập ổn định và sự cần cù, chăm chỉ đã giúp anh có được vị trí quản lý công trường với mức thu nhập 14 triệu đồng/tháng. Ngoài việc chi tiêu tại Libya tháng nào anh cũng gửi về cho vợ con được 12 triệu đồng.

Anh Hải cho biết, với những người thợ bình thường nếu không làm thêm giờ thì thu nhập bình quân cũng được 5 triệu đồng/tháng. Các chủ sử dụng lao động tại Libya, phần nhiều là người Brazil sử dụng thợ điện, thợ sắt, thợ nề và lao động phổ thông người Việt Nam, lao động được chủ lo cho toàn bộ chi phí ăn ở, nên khoản tích lũy gửi về cho gia đình tương đối ổn định. Và đây cũng là lý do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã coi Libya là thị trường trọng điểm từ năm 2010 và lựa chọn Libya là thị trường ưu tiên cho các lao động nghèo.

Những người đi lao động trở về an toàn.

Nhiều ngày qua, thông tin tường thuật trực tiếp của lao động về liên tục càng khiến những gia đình chưa có người thân làm việc tại Libya trở về như ngồi trên đống lửa. Khi trang báo này lên khuôn thì cũng có thể anh Nguyễn Hồng Quảng cùng nhiều lao động khác do Công ty Việt Thắng đưa đi đã về được Việt Nam. Đây là nhóm lao động đã phải trải qua nhiều khó khăn, dưới sự trợ giúp đắc lực từ phía công ty và chủ sử dụng lao động để có thể thoát thân ra khỏi vùng miền Nam của Libya, nơi được coi là tâm điểm của bạo loạn.

Qua lời kể của anh Quảng thì dòng người biểu tình cùng với hơn 1.000 tù nhân vỡ trại đã ồ ạt xông vào các nhà máy, công trường của người nước ngoài. Tại đây, họ đốt và đập phá máy móc, xe cộ, phương tiện làm việc đồng thời dồn lao động nước ngoài vào một chỗ rồi cướp tiền và điện thoại. Nhiều lao động bị lực lượng phiến quân dồn, đuổi đã phải nhảy xuống kênh đào, bơi ra hòn đảo bên ngoài khu vực bạo loạn để lánh nạn.

Cho đến thời điểm này, những người được trở về Việt Nam đều là những lao động làm việc gần thành phố Tripoli và ở những vùng không nhiều nguy hiểm. Trong số họ, có nhiều lao động mới sang làm việc được gần 1 tháng hoặc vừa đủ tháng, còn chưa nhận được lương. Riêng nhóm 440 lao động làm công trình xây dựng sân bay quốc tế Tripoli cùng anh Hải, cũng có tới vài chục người vừa mới ra công trường được có đúng nửa ngày. Hiện vẫn còn 4.000 lao động đang kẹt sâu tại Libya vẫn đang được Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nỗ lực di tản ra khỏi Libya…

Không phải là những người biểu tình nhưng hàng nghìn người lăn lóc chờ đợi để được lên máy bay về nước tại sân bay Tripoli cũng tự gây lên cảnh hỗn loạn. Lao động của nhiều nước do phải nằm chờ đợi quá lâu đã tức giận, quay ra ném đá, giẫm đạp lên những người có vé lên máy bay về trước. Cũng dễ hiểu thôi vì trong tình cảnh ấy, ai cũng muốn nhanh chóng được thoát thân.

Niềm vui của những người đi lao động khi được trở về an toàn.

Có thể nói trong cuộc khủng hoảng này, các doanh nghiệp XKLĐ trong nước có thêm cơ hội để thẩm định về đối tác sử dụng lao động của mình. Riêng trong tổng số 2.200 lao động của Công ty SONA đưa sang Libya thì có tới 1.100 lao động làm việc cho phía sử dụng lao động Brazil. Và khi xảy ra bạo loạn, họ đã chủ động, tích cực và chu đáo thực hiện trách nhiệm di dời và mua vé máy bay cho lao động Việt Nam về nước.

Chính vì thế mà ngay bản thân lao động như anh Phan Trọng Hải đã gắn bó làm việc cho họ suốt gần 15 năm. Không phải doanh nghiệp nào cũng gặp may mắn khi có đối tác như thế. Trong cuộc rút chạy này, có một số đối tác sử dụng lao động đã bỏ mặc lao động, cố tình trốn tránh trách nhiệm.

Lộ diện những mánh đưa lao động "chui"

Có một thực tế âm thầm diễn ra từ sự việc này là sự xuất hiện của hàng chục doanh nghiệp không có giấy phép đưa lao động sang thị trường Lybia đã lộ diện. Họ buộc phải công khai sự thật khi mà tình hình ở Libya căng thẳng. Và khi ấy, lao động đã ở trong tình trạng phải "giải cứu".

Chính vì thế mà trong cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (LĐNN), Bộ LĐ-TB&XH sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có tới hơn 20 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ tham dự, trong khi về danh chính ngôn thuận thì chỉ có 11 doanh nghiệp được phép khai thác thị trường Libya.

Lao động chờ lên máy bay tại sân bay Tripoli.

Có hai phương thức để đưa "chui" lao động sang Libya. Cách mà các doanh nghiệp lặng lẽ thực hiện đấy là gửi ké lao động cho doanh nghiệp có giấy phép, để hợp thức hóa thủ tục đưa lao động đi. Thực tế thì không phải doanh nghiệp được phép nào cũng tuyển đủ lao động nên đây cũng là nguồn để họ gối đầu cho đủ yêu cầu của đối tác. Nhưng có DN XKLĐ trong nước tự làm thủ tục đưa lao động sang Libya mà không báo cáo Cục Quản lý LĐNN…

Những vi phạm của doanh nghiệp XKLĐ sau vụ việc này sẽ được làm rõ để xử lý. Trước mắt, dù "xuất chui" hay không, các lao động cũng sẽ được cơ quan chức năng nỗ lực đưa về nước an  toàn và sớm nhất, do đó, gia đình người thân những lao động đi theo con đường "chui" sang Lybia không nên quá lo lắng về vấn đề này.

Nỗ lực giải quyết quyền lợi cho lao động

Chính phủ khẳng định quyết tâm bằng mọi cách đưa được toàn bộ lao động về nước. Và không cần nói thì ai cũng hiểu sau chiến dịch này sẽ là việc giải quyết quyền lợi cho hơn 10.000 lao động. Câu chuyện này sẽ không đơn giản và không dễ giải quyết ổn thỏa nếu không có được phương án tổng thể, phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng, đảm bảo cho người lao động, đặc biệt là những lao động mới chân ướt chân ráo sang làm việc tại Libya không vướng cảnh nợ nần.

Theo nhận định từ Bộ LĐ-TB&XH, trong số 10.042 lao động hiện đang làm việc tại Libya thì có khoảng 40- 60% lao động đã làm việc được hơn 1 năm, khoảng 20 - 30% lao động làm việc được 1 năm, còn lại là lao động mới được đưa sang.

Đặc biệt do việc sắp xếp lại thị trường nên trong thời gian từ tháng 5/2010 đến hết tháng 10/2010, hầu như không có lao động xuất cảnh. Việc đưa lao động sang Libya được tiếp tục từ tháng 11/2010, tới nay gần 4 tháng nên số lao động đưa đi chưa nhiều. Kể từ tháng 11/2010 tới nay, doanh nghiệp đưa nhiều lao động sang Libya nhất là Công ty SONA với hơn 1.000 người, còn lại mỗi doanh nghiệp khác đưa sang trung bình khoảng 200 người.

Khoản chi phí trước khi đi làm việc tại Libya bình quân khoảng 40 triệu đồng/người, thậm chí có người đi qua môi giới thì chi phí lên tới trên 50 triệu đồng. Đối với hầu hết những gia đình nghèo là một khoản tiền lớn. Bởi vậy, việc trở về từ Libya sẽ khiến nhiều gia đình khó khăn. Và ngay chính bản thân doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng nề sau cú sốc này.

Tới thời điểm này nhiều doanh nghiệp cho người lao động nợ tiền phí xuất cảnh như Công ty cổ phần Việt Thắng khoảng 4,5 tỷ đồng, Công ty  SONA khoảng 3 tỷ  đồng, Công ty cổ phần Việt Nhật khoảng 5 tỷ đồng… Đấy là khoản tiền doanh nghiệp XKLĐ tự nguyện ứng cho lao động vay để xuất cảnh tại thời điểm cuối năm, người lao động lại khó vay vốn ngân hàng. DN mạnh dạn làm việc này vì chắc như đinh đóng cột vào sự ổn định thu nhập của thị trường này và sẽ trừ nợ dần vào lương của người lao động chuyển về.

Bây giờ lao động mới sang chưa có lương thì chắc chắn doanh nghiệp khó có thể đòi khoản nợ này. Đó là còn chưa kể tới các khoản chi phí khác để đảm bảo an toàn và đưa lao động rời khỏi Libya về nước. Tới thời điểm này, phương án thanh lý hợp đồng cho người lao động từ Libya phải về nước trước hạn vẫn chưa được đưa ra. Các DN XKLĐ vẫn dồn sức cho việc di tản, đưa đón lao động về nước an toàn và chờ "lệnh" từ cơ quan quản lý nhà nước

Thu Uyên – CSTC tuần số 48
.
.
.