Lạ lùng về hội… thôi đánh vợ!

Thứ Ba, 16/08/2011, 19:28
Trước đây, chị em kháo nhau rằng, có thể lấy chồng tứ xứ nhưng kiềng mặt làm dâu ở đất Liên Sơn (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) bởi nơi thâm sơn cùng cốc ấy nổi tiếng có những ông chồng vũ phu, hễ cơm chẳng lành, canh không ngọt là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với hiền thê của mình. Thế nhưng, vài năm gần đây, xã này đã bặt vắng những tiếng khóc lóc nỉ non, những khuôn mặt thâm tím bởi bạo hành. Có sự "thay da đổi thịt này" là bởi các đấng lang quân đã được "giác ngộ", tình nguyện tham gia một hội lạ lùng: Hội thôi đánh vợ.

Khó như "săn" vũ phu

Chị Trần Thị Luyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Sơn là một người nhanh nhẹn. Mấy chục năm đi làm công tác xã hội, được giao lưu với nhiều địa phương, bà biết, chẳng có nơi nào chị em lại chịu nhiều thiệt thòi như ở xã mình. Chẳng hiểu do… phong thuỷ hay bởi học tập nhau mà cánh đàn ông nơi thôn quê xa khuất này lại hay "thẳng tay" với vợ, thích "nói chuyện" với "người tình trăm năm" của mình bằng vũ lực.

Cũng bởi đặc điểm không giống ai này mà công việc của chị thêm nhiều bận rộn. Chị đôn đáo chạy hết làng trong xóm ngoài bởi những lời nhắn não lòng: Chị đến ngay nhé, ông X lại say, đang đánh vợ con ghê lắm! Hoặc các ông các bà ơi, cứu cháu với, chồng cháu giết cháu rồi…

Thấy đây là vấn nạn có chiều hướng ngày một tăng, chị Luyến… đau khổ lắm! Hội sinh ra để bảo vệ quyền lợi của chị em, đương nhiên phải giúp chị em thoát khỏi "kiếp sống" cùng cực, địa ngục trần gian ấy. Nghĩ người làm chị em khổ chính là những ông chồng nên phải lôi chính tác giả của những "cẳng chân, cẳng tay" vô tình này vào cuộc. Phải làm cho họ thấy được rằng việc đánh vợ chỉ dành cho những người… hèn, không có bản lĩnh và tuyệt nhiên, không phải là cách để duy trì tổ ấm gia đình.

Chị Luyến bảo, ý tưởng này đến với chị em làm công tác phụ nữ ở xã từ lâu lắm rồi, thế nhưng cứ dùng dằng mãi đến tận cuối năm 2001 thì hội "thôi đánh vợ" mới chính thức ra đời. Sở dĩ mãi về sau hội mới "bố cáo thành lập" là bởi tìm hội viên tham gia là việc hết sức khó khăn. Cứ theo lẽ thường, chẳng gã đàn ông nào chịu nhận mình là kẻ vũ phu, dù hễ hơi nóng mắt là "cho vợ ăn cái bánh vả nổ đom đóm mắt ngay tức thì". Thêm nữa, nếu có chấp nhận tiếng xấu ấy thì cũng chẳng ai muốn vác mặt vào cái hội có một không hai này để cho dân làng bêu giếu, cười chê.

Đã nhìn ra khó khăn này ngay từ khi có ý tưởng, thế nhưng, không thể để chị em chịu thiệt thòi mãi được nên chị em vẫn quyết tâm xúc tiến để hội ra đời. Vận động đó là cách tốt nhất để có hội viên tham gia. Và, để vận động thành công thì ngoài sự kiên trì phải chỉ cho hội viên thấy được lợi ích từ việc tham gia hội mà mới nghe qua đã thấy xấu hổ này.

Chị Luyến kể, hội viên đầu tiên mà các chị "nhắm tới" là ông Lưu Bá Thông, chồng bà Đinh Thị Mận ở xóm ngoài. Sở dĩ ông Thông "vào mắt xanh" của các chị là bởi ông này được xếp vào loại những ông chồng hung hãn bậc nhất ở xã lúc bấy giờ. Ông hay rượu. Lúc nào cũng thấy lướt khướt. Người dân trong xóm kể, hễ khi nào thấy ông Thông chân thấp chân cao ngất ngưởng về nhà thì y rằng, chỉ ít phút nữa, ngôi nhà tuềnh toàng của ông lại phát ra những tiếng kêu thất thanh, những lời nỉ non thống thiết. Dường như với đức ông chồng này thì đã uống rượu là phải đánh vợ mà đã đánh vợ thì đương nhiên là đang trong cơn say quên trời quên đất. Ông Thông ngày nào cũng say. Bà Mận ngày nào cũng mặt mắt húp híp.

Lần ấy, sau một trận đòn bò lê kéo càng, bà Mận quyết định "khởi nghĩa". Bà bỏ về nhà mẹ đẻ và quyết tâm đoạn tuyệt với địa ngục trần gian, nơi mà bà đã phải cắn răng chịu đựng cả chục năm trời. Bà đòi ly dị.

Chị Luyến kể, là người phụ nữ, khi ấy, chị đồng thuận với việc bà Mận tự giải thoát cho mình. Thế nhưng, nghĩ đến 3 đứa trẻ con của cặp vợ chồng này chị lại thấy thương. Chúng nó sẽ sống thế nào khi không có bố cùng mẹ ở bên. Nguy hiểm hơn, nếu bà Mận quyết tâm bỏ chồng, tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ ra sao khi sống cạnh một ông bố lúc say nhiều hơn lúc tỉnh. Nghĩ thế nên các chị đã khẩn trương vào cuộc "chữa cháy". Và, khi ấy, các chị nghĩ, đây là cơ hội để hội của mình có thành viên đầu tiên.

"Không khó nào bằng đi vận động những ông chồng say!". Chị Luyến đúc rút "kinh nghiệm xương máu". Chị kể, dù đã cài cắm “đội quân tình báo” dày đặc quanh nhà ông Thông nhưng suốt mấy tuần các chị không thể nào có cơ hội tiếp cận. Từ ngày vợ bỏ về nhà ngoại, "mật độ say" của ông Thông dày đặc hơn. Lúc nào mọi người cũng thấy người đàn ông này nồng nặc mùi rượu. Lẽ phải điều hay khi say cũng thành dở, nên các chị phải chờ lúc tỉnh.

Thế rồi cơ hội ngàn vàng ấy cũng tới. Lực lượng bí mật bắn tin về là vừa thấy ông Thông lúi húi trong bếp nấu cơm. Nấu được cơm nghĩa là còn… minh mẫn, gác việc nhà, các chị hò nhau kéo tới. Ông Thông đang ở trần, hì hục đánh vật với nồi cơm trong bếp. Hỏi thăm chuyện trên trời dưới biển, ông đáp qua loa. Nói chuyện gia đình thì như đỉa phải vôi, ông nổi đoá. Ông quát nhặng xị: "Việc nhà tôi, tôi đánh vợ tôi, các người không có quyền can thiệp!". Nói xong, ông đóng sầm cửa, chui tọt vào nhà.

Không đầu hàng, hễ có cơ hội là ngay lập tức các chị ập tới. Lúc đầu thì vẫn là những câu chuyện vu vơ nhưng cuối cùng thì lại là chuyện vợ chồng lục đục. Cứ nhắc chuyện này là chủ nhà lại cự tuyệt. Chị Luyến kể, phải đến lần thứ 5 tới vận động, ông Thông mới "nhìn thẳng vào vấn đề". Ông bảo: "Cũng tại tôi say quá. Cũng tại nhà cửa túng bấn, quẫn chí tôi nản thành ra rượu chè. Tôi biết vì tôi mà vợ con tôi khổ!". Nghe được những lời vàng ngọc này, các chị mừng lắm. Biết là tư tưởng của ông chồng sắt đá này đã thông, các chị liền vận động ông vào hội.

Theo đó, khi vào hội, ông Thông sẽ được học những kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong sinh hoạt vợ chồng. Thêm nữa, vào hội, ông sẽ nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Kinh tế mà ổn định, bớt lo nghĩ, bớt quẫn bách sẽ bớt chán nản, bớt say hơn. Những lời ấy khiến ông Thông bùi tai. Cuối buổi trò chuyện, ông đã gật đầu, dù còn nhiều e ngại. "Tôi nói trước nhé, vào thì vào nhưng các chị phải đem vợ tôi về đây. Không có vợ, cảnh nhà buồn lắm!", ông Thông ra điều kiện.

Giã từ… nắm đấm

Có hội viên thứ nhất thì đương nhiên phải có hội viên thứ hai, thứ ba. Chị Luyến cho biết, đến giữa năm 2002, hội lạ lùng này đã có sự tham gia của hàng chục hội viên. Đó là những người nổi tiếng trong xã bởi "khả năng"… đánh vợ. Khi vào hội, đương nhiên, họ phải "giơ nắm đấm xin thề" rằng từ giờ trở đi, từ giờ trở lại không bao giờ dùng vũ lực với vợ con mình nữa. Và, cũng từ giờ phút ấy, đoạn tuyệt với những cơn say bất tận, tu chí làm ăn, chăm lo đời sống gia đình. Tất nhiên, ai mà… phản bội lại lời thề thì sẽ bị hội lên án, kiểm điểm, mức nặng nhất là khai trừ khỏi hội (Nói khai trừ chỉ để dọa thôi chứ từ trước đến giờ chưa ai bị khai trừ cả).

Chị Luyến bảo, hội tẩy chay rượu bia nhưng đôi khi, trong quá trình vận động, vẫn phải dùng đến rượu bia để… thuyết khách. Và, người khiến hội tốn nhiều rượu bia nhất là hội viên Nguyễn Hữu Cầu ở xóm giữa. Ông Cầu mặt mày dữ tợn. Tuy tuổi đã xấp xỉ ngũ tuần nhưng như con tắc kè, suốt ngày ngập trong rượu. Cũng giống như nhiều "đấng mày râu" khác trong xã, cứ khi say, vợ lớ xớ là "tát quay như đĩa hát".

Vợ ông là người đàn bà cam chịu. Chồng đánh thế nào cũng cắn răng, chẳng nói với ai bao giờ. Tuy nhiên, sau một trận đòn nhừ tử, không thể chịu đựng được hơn nữa, bà đã "vạch áo cho người xem lưng". Khi ấy, biết chuyện, các chị đã tìm đến. Thế nhưng, dù có vận động gãy lưỡi mỏi mồm, ông Cầu vẫn bỏ ngoài tai. Thậm chí, có lần khi các chị về, bà vợ tội nghiệp lại thành bị bông để đức ông chồng trút giận. Biết không thể vận động kiểu lời nói gió bay với nhân vật này, các chị đã "thay đổi chiến thuật".

Các hội viên nam xắn tay vào cuộc. Họ thay nhau mang rượu đến cùng ông Cầu nâng chén tiêu sầu. Và, khi có tí hơi men, họ mới tâm sự "chuyện của chúng mình". Với các hội viên nam thì ai cũng đã từng có thừa kinh nghiệm… say xỉn, đánh đập vợ con nên nói chuyện với ông Cầu chẳng có gì là khó. "Ông ạ, trước tôi cũng như ông ấy! Say suốt ngày đêm, chẳng làm ăn được gì, nhà cửa túng bấn lắm. Mà càng túng thì càng hay rượu ông ạ. Rượu uống chừng mực thôi, không thì nó hại mình lắm!". Những câu chuyện tỉ tê ấy khiến ông Cầu dần dà tỉnh ngộ.

Chị Luyến bảo, hiện giờ ông Cầu đã là một thành viên tích cực của hội. Là người có khiếu hài hước nên mọi phong trào của hội, ông luôn là người tiên phong. Từ ngày tham gia hội, chẳng ai thấy ông đi xoắn quẩy ngoài đường nữa. Vợ ông thì mặt mày rạng rỡ hẳn. Nhắc tới chuyện xưa, ông Cầu gãi đầu: "Chuyện đó nói làm gì, tôi giã từ nắm đấm lâu rồi!".

Biển Đông tát cạn

Thuận vợ thuận chồng nên ông Huynh đã vượt khó làm giàu.

Theo chân chị Luyến, chúng tôi đến thăm gia đình ông hội trưởng Trần Quốc Huynh. Trên đường đi, chị Luyến nói vui: "Ông Huynh cũng là người hay rượu, hay bạo hành vợ con nhưng giờ khác xưa rồi. À mà các em ghi rõ là hội trưởng không phải là người có thành tích đánh vợ nhiều nhất đâu đấy nhé!".

Nhà ông Huynh nằm khuất lấp sau tán tre già. Trước sân, con trâu béo múp đang thẩn tha ngơi nghỉ. Ông Huynh đang cùng vợ con xem tivi. Trông hạnh phúc lắm! Nói chuyện, ông Huynh chẳng giấu: "Thì các anh bảo, ngày trước khó khăn. Khi khó khăn thì người ta hay nghĩ tiêu cực. Vậy là rượu chè. Rượu vào nóng mắt, vợ con bèo nhèo, ai mà chịu nổi. Vậy là…". Ông Huynh bảo, từ ngày vào hội, lại được bầu làm hội trưởng nên phải gương mẫu nội quy, quy định mà hội đã đề ra.

"Bỏ rượu cái đầu nó sáng hẳn ra đấy các anh ạ. Ngày trước nhà tôi khó khăn lắm, làm ăn thì luẩn quẩn, nghèo vẫn hoàn nghèo!". Theo ông Huynh, từ khi vào hội, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của anh em, ông đã đầu tư công sức đấu thầu đầm nuôi cá, kết hợp chăn nuôi. Sau vài năm vất vả, bây giờ ông đã có nguồn thu gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhắc lại chuyện xưa, vợ ông xen vào: "Bây giờ thì chỉ có tôi bắt nạt ông ấy thôi, chứ ông ấy có gan cóc tía cũng chẳng dám. Gớm, ngày trước không có rượu thì đuổi đánh vợ con, bắt mua cho bằng được, bây giờ rượu bưng đến tận miệng cũng chẳng dám uống! Ông này chỉ được cái… tốt!"

Linh Tuệ - số 50
.
.
.