Làng cổ Đường Lâm - Xin trả lại danh hiệu làng cổ

Chủ Nhật, 07/08/2011, 16:23
"Chúng tôi xin trả lại danh hiệu làng cổ", "làng cổ hay làng khổ", "hãy giải thoát cho người dân Đường Lâm". Chưa bao giờ, người dân Đường Lâm lại bức xúc đến thế. Họ rất dị ứng với từ "làng cổ". Thậm chí dân Đường Lâm còn có tâm lý sợ khách du lịch về càng nhiều, thì dân càng khổ. Nghe rõ ràng là một nghịch lý. Nhưng cái tưởng như là nghịch lý đó lại rất hiển nhiên ở Đường Lâm hôm nay.

"Làng cổ" hay "làng khổ"

Ngôi nhà truyền thống của anh Phan Xuân Định xây dựng từ năm 1964, nay đã xập xệ và nhem nhuốc. Chị vợ anh Định bức xúc: "Tôi đã làm đơn không biết bao nhiêu lần rồi để xin phép được xây dựng cải tạo lại nhà, chứ sống mãi thế này khốn khổ quá. Trời mưa bão, nước bên trong cũng như bên ngoài. Nhà chúng tôi làm nông, mà chẳng có sân phơi. Con cái lớn, chả đứa nào có phòng riêng. Tôi cũng chỉ muốn được xây lên hai tầng rồi lợp ngói mái dốc, mà xã cứ yêu cầu xây một tầng, đổ mái dốc, nhà đông người thế này, làm một tầng thì lấy đâu chỗ ở, chúng tôi đến khốn khổ vì cái làng cổ này rồi".

Nhà của vợ chồng anh Định thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ngôi nhà này, vợ chồng anh được bố mẹ để lại, chỉ hơn 100m2, cũ kỹ và mốc meo. "Các anh chị nhìn kỹ xem, nhà tôi có phải nhà cổ đâu, nhà cũ thì có". Hình như dân ở đây rất dị ứng với từ "cổ" thậm chí khi nhắc đến từ cổ, nhiều người giãy nẩy lên: "Làng này cổ đâu mà cổ, có mấy ngôi nhà cổ đâu mà xếp chúng tôi vào cái rọ. Chúng tôi có được hưởng lợi gì đâu ngoài 4 cái nhà cổ ngoài kia".

Không có đất đai rộng như nhà anh Định, anh Phan Thành Mai gặp chúng tôi, mặt thiểu não: "Tôi chỉ có 45m2, bố mẹ để lại. Nhà có ba anh em, ông bố chia đều khoảng đất 200m2 cho cả ba. Đất đã chia, gạch cũng mua về chất đống hàng năm nay, rêu mọc đầy lên cả, nhưng xã vẫn nhất quyết không cho xây". Hồ sơ của anh nhiều lần bị trả lại. Lý do, chỉ được làm nhà một tầng bằng chất liệu truyền thống, trong khi gia đình anh có đến 4 người. Bốn con người ở trong một khoảng đất 45m2 cả bếp, cả vệ sinh, thì làm sao sống nổi. "Dân Đường Lâm chúng tôi nghèo lắm, quanh năm cắm mặt ngoài đồng, tằn tiện ky cóp cả đời mới có tiền dựng được ngôi nhà cho đỡ khổ mà không ai cho làm. Thế mà còn lớn tiếng hô hào, xóa nhà cấp bốn, nhà dột nát".

Làng  cổ mấp mô nhà cao tầng.

Anh Mai là con trai ông Phan Văn Dậu, nhà ông Dậu có ba người con trai đều đã xây dựng gia đình. Bí chỗ ở quá, anh Bình phải sang nhà vợ ở tạm, còn anh Long nhảy dù ra đất canh tác dựng một cái lều. Ông Dậu than thở: "Tôi 67 năm sống ở làng này rồi, chưa bao giờ thấy dân ở đây khổ thế, hãy "giải thoát" cho dân".

Di sản là của dân, nhưng dân chúng tôi được gì?

Những chuyện bức xúc của người dân Đường Lâm không còn mới. Câu chuyện từng âm ĩ từ khi ngôi làng này được xếp vào di tích làng cổ. Nhưng đến năm 2010, khi ngôi nhà hai tầng của bà Hà Thị Khanh ở ngay đầu cổng làng bị phá dỡ thì dư luận càng ầm ĩ. Gặp lại bà Khanh sau gần một năm chạy đôn chạy đáo đòi tiền đền bù: "Khổ quá cô chú ơi, mấy mẹ con chúng tôi tằn tiện cả đời mới làm được ngôi nhà, họ nói dỡ bỏ là họ dỡ bỏ luôn. Chỉ ba ngày, mà công sức cả đời của mẹ con tôi đổ xuống sông xuống biển."

Bà Khanh bức xúc: "Đã cổ thì cho cổ hẳn, đừng có mấp mô như thế, làm khổ chúng tôi".

Bà kể lại, cùng thời điểm bà làm nhà, thôn Mông Phụ có đến 4, 5 nhà xây lên hai tầng. Thế nhưng họ chỉ xử lý mỗi nhà bà Khanh. Chồng mất sớm, bà Khanh vừa qua được hộ nghèo, bàn tay thương tật của bà cùng các con tằn tiện làm ngôi nhà này, số gạch làm nhà do chị con gái góp nhặt từ 3 năm đi làm thuê và gánh giúp. Khi bà Khanh hỏi chính quyền địa phương, đã làm thì phải công bằng, bà nhận được câu trả lời lạnh lùng, sẽ phá từ nhà bà trở đi. Nhưng đến nay, mấy ngôi nhà hai tầng đó vẫn bình yên vô sự.

Trong khi mẹ con bà Khanh chen chúc trong ngôi nhà chật chội, bếp phải dỡ ra ngoài trời nấu để lấy chỗ ngủ, đêm xuống, mấy bà cháu trải chiếu nằm đất. Còn hơn 250 triệu tiền vay làm nhà vẫn treo lơ lửng. Bà Khanh gần như tuyệt vọng không biết kêu ai? Cho đến nay, phía cơ quan chức năng chưa có một giải pháp nào thỏa đáng, nên bà Khanh càng bị ức chế vì mình bị xử ép. Nhìn cái nhà hai tầng bỗng chốc tan tành mà không có một lý giải hợp lý, bà càng đau lòng.  

Nhà của bà Khanh, anh Định đều thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thuộc khu vực số 1. Cả thôn Mông Phụ có 4 ngôi nhà cổ trong 8 ngôi nhà cổ nhất còn lại của làng cổ Đường Lâm. Và thực tế, chỉ có 4 ngôi nhà cổ đó được hưởng một khoản phụ cấp hằng tháng từ Ban Quản lý di tích,  300.000 đến 400.000 ngàn đồng. Còn lại, hơn 400 hộ dân sống quanh khu vực này không được hưởng lợi gì. Thậm chí họ còn không biết đến các hoạt động và quy chế cụ thể của làng cổ. Thế nhưng họ lại chịu những quy định rất khắt khe trong khu vực bảo tồn.

Ông Phan Hồng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích cho biết, thôn Mông Phụ thuộc khu vực bảo tồn, nên việc xây sửa chỉ một viên gạch, hay hàng rào cũng phải xin phép từ Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nội. Anh Sơn cho biết, người dân sống trong khu bảo tồn phải tuân thủ theo hai luật, Luật Di sản và Luật Xây dựng. Nên khi họ muốn xây hay sửa bất cứ thứ gì, họ phải làm rất nhiều giấy tờ, như bản vẽ thiết kế, giấy phép xây dựng và rất nhiều thủ tục khác. Luật Di sản quy định từ ao làng, cổng làng, đến bờ rào đều phải giữ nguyên yếu tố gốc. Điều đó, gây ra rất nhiều bất cập đối với cuộc sống của người dân nơi đây.

Thử hỏi, những người dân quanh năm cắm mặt với ruộng đồng, chỉ quen việc đồng áng như dân Đường Lâm thì thói quen muốn xây nhà là xây đã ăn sâu vào máu. Người dân, gặp cán bộ xã còn ngại, huống hồ gì phải làm đơn, thuê vẽ thiết kế, thủ tục này nọ. "Tiền làm nhà, chúng tôi còn vay mượn cả làng xóm, lấy đâu ra tiền thuê thiết kế, mà nhiều người cũng chả hiểu bản vẽ thiết kế là thế nào".

Thực tế, nhiều năm qua, Ban Quản lý dự án đã linh động, và theo anh Sơn, họ cũng đã đứng về phía người dân, cho phép từng hộ dân ở đây sửa chữa và xây nhà cấp 4 làm mái dốc lợp ngói truyền thống. Ban Quản lý dự án cũng đã mời cả Vụ trưởng vụ pháp chế, cả Cục Di sản về đây, nhưng nếu chiểu theo luật, thì chưa ai có giải pháp nào. Bởi nếu chiểu theo luật, dân sống trong khu bảo tồn còn phải chịu những quy định  khắt khe hơn nữa. Và những mâu thuẫn càng ngày càng lộ diện, khi người dân sống trong di sản mà không cảm thấy giá trị của di sản.

Xin hãy ”giải thoát” cho dân chúng tôi

Người dân Đường Lâm vốn 80 đến 90% thuần nông. Đường Lâm được công nhận làng cổ từ năm 2005 thì đến tháng 6 năm 2006 mới có Quy chế 68 về Công tác Bảo tồn phát huy di tích làng cổ Đường Lâm. Trong thời điểm chưa có quy chế, gần 20 ngôi nhà hai tầng đã kịp mọc lên ở đây. Thế nên, mới có chuyện, nhiều du khách về thăm làng cổ Đường Lâm, rồi thắc mắc, đi xuyên qua làng mà vẫn không thấy làng cổ đâu.

Nhưng nhu cầu nhà ở ở Đường Lâm là có thật, và bức thiết. Còn nhớ cách đây mấy tháng, khi chúng tôi về Cự Đà, trong cơn lốc phá nhà cổ, thì một trong những lý do phá nhà ồ ạt là nhu cầu về nhà ở bức thiết của người dân. Không thể bảo người dân bảo tồn nhà cổ, mà cuộc sống của họ lại phải chui rúc trong những ngôi nhà xuống cấp xập xệ, thiếu điều kiện sinh hoạt. Dạo một vòng quanh phố cổ Hà Nội, cuộc sống của dân phố cổ giữa chốn kinh kỳ văn minh cũng chen chúc, nhem nhuốc trong những ngôi nhà xuống cấp, chật chội… Dân còn thấy đâu giá trị của phố cổ, làng cổ, khi nhu cầu thiết yếu của họ không được đảm bảo.

Người dân chen chúc trong những ngôi nhà xập xệ.

Từ năm 2010, Ban Quản lý dự án Làng cổ Đường Lâm mới quy hoạch 8 hecta đất giúp dân Đường Lâm tái định cư. Với hơn 6.000 hộ dân đang sống trong làng cổ Đường Lâm thì đó là một giải pháp cần thiết, và phải được hiện thực hóa ngay song song với công tác bảo tồn. Nhưng đến nay, dự án đất tái định cư vẫn chỉ trên… giấy tờ. Cũng theo ông Sơn, mỗi năm, có khoảng 40 đến 50 hộ được cấp đất. Nhưng dân Đường Lâm chủ yếu làm nông nghiệp, nếu cấp đất mà không hỗ trợ tiền tái định cư, và tiền sử dụng đất, thì họ sẽ "bán lúa non" và quay trở lại, xây dựng chính trên mảnh đất của mình. Thực tế chuyện đó đã xảy ra ở Đường Lâm. Hằng năm, có rất nhiều dự án đổ về khu làng cổ này, nhưng những dự án  phục vụ đời sống của người dân thì vẫn còn "để ngỏ".

Đường Lâm là một di tích sống, việc bảo tồn di sản Đường Lâm thuộc về những người dân sống trong lòng di sản. Nhưng một khi, người dân sống trong lòng di sản mà không thấy được giá trị của di sản, thậm chí, coi đó là một rào cản làm khổ dân, thì việc bảo tồn có thực sự giá trị và bền lâu? Bởi di sản, suy cho cùng cũng là của nhân dân. Không thể muộn hơn, để có những giải pháp cho cuộc sống của người dân ở một trong hai làng cổ còn sót lại của Việt Nam. Nếu muộn, chúng ta sẽ xóa sổ làng cổ chứ nói gì đến việc bảo tồn di sản của ông cha.

Ông Phan Hồng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm:

Chúng tôi luôn đứng về phía nhân dân, hiện nay chúng tôi đã có kiến nghị với Cục Di sản và Sở Văn hóa thể thao và Du lịch về những bất cập tồn tại trong làng cổ Đường Lâm, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Chúng tôi cũng đang đề nghị lãnh đạo phê duyệt dự án hỗ trợ người dân Đường Lâm tái định cư, chứ cứ đà này, dân sẽ phá hết nhà cổ và không gian kiến trúc cổ. Vấn đề của Đường Lâm không chỉ là bảo tồn di sản cho người sống, mà còn phải lo cả quỹ đất cho người chết. Đó là một vấn đề nan giải, khi đất Đường Lâm đang đắt lên từng ngày.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)

Làng cổ Đường Lâm đã được xếp hạng di tích, ý thức trách nhiệm của người dân cần phải nâng cao, không chỉ có Đường Lâm mà các khu phố cổ khác người dân cũng phải tham gia vào việc bảo vệ di tích. Tôi được biết ở thị xã Sơn Tây có quỹ đất dãn dân nhưng dân không đi vì người ta thấy đất không có giá trị, bán không được bao nhiêu tiền nên họ không nhận. Cục Di sản chúng tôi chỉ quản lý theo luật. Còn những chính sách phải dần dần mới đi vào cuộc sống.

Chuyện có những ngôi nhà hai tầng cũng phải có thời gian để người ta thấy được giá trị của những ngôi nhà truyền thống và tự nguyện xây nhà mái dốc cho giống nhà truyền thống. Những người dân không đồng thuận cũng phải nhận thức được vấn đề đó. Rồi sẽ có sự thay đổi. Làm văn hóa là phải kiên trì, dài lâu. Hội An còn hai, ba mươi năm mới được như ngày hôm nay.

Linh Phong – CSTC tuần số 69
.
.
.