Lão ngư hơn 70 năm làm nghề "câu" người chết

Thứ Hai, 11/07/2011, 07:36
"Mùa mưa ở đây ngày nào mà chẳng có mấy cái xác lờn vờn, vất vưởng dưới lòng sông, vớt người chết như vớt những cành củi khô trôi trên sông sau những trận mưa lớn". Đó là lời kể của ông Ngô Văn Tám (tổ 4, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) người nhiều năm nay chuyên làm cái việc mà những ai mới nghe lần đầu cũng phải rợn người nổi gai ốc.

Nếu có một cuộc thi nào diễn ra để xác lập kỷ lục thì tin rằng lão ngư này chắc chắn sẽ "rinh" ngôi vị quán quân. Với 73 năm vớt xác cứu người, ông không nhớ nổi mình đã vớt và cứu sống bao nhiêu, nhẩm tính sơ sơ của ông thì trên dưới 600 người. ...

Lẫn trong xóm vạn chài nằm ngay sát dưới chân cầu Hòa Bình lâu nay có một lão ngư mấy mươi năm qua chuyên hành "nghề" vớt xác, đó là ông Ngô Văn Tám. Hỏi thăm nhà ông Tám không khó bởi lẽ dân trong vùng lân cận không ai lạ lẫm. Hỏi nhà ông "Tám xác" à? (tên bà con thường hay gọi), chú đi xuống dưới chân cầu độ 100m nữa là đến.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi trong căn nhà chật chội chưa đầy 15 mét vuông với những tấm lưới đánh cá đủ kích cỡ và những chùm lưỡi câu treo la liệt. Tôi buông câu hỏi hồn nhiên, ở đây chắc nhiều cá to nên phải dùng nhiều lưỡi câu sắc và dài như thế này hả bác?. Lão ngư chẳng nói chẳng rằng chỉ khẽ cười rồi xuống bếp nhấc ấm nước đang sôi cất lên pha ấm chè mời khách. Như đọc được suy nghĩ của tôi đang tò mò, chờ đợi muốn biết về công dụng những chùm lưỡi câu sáng bóng treo trên vách nhà, ông Tám điềm tĩnh ngồi khoanh chân xuống sàn ván, rót chén nước chè xanh đặc quánh ông bảo: "câu dùng để câu xác người đó chú ạ, nó theo tôi gần hết cuộc đời rồi đó!"

Chùm lưỡi "câu" xác người đã gắn bó với ông Tám suốt mấy chục năm qua. 

Ngược dòng thời gian ông Tám kể cho chúng tôi nghe về cái "duyên" khiến ông phải gắn mình với "nghề" câu vớt xác hơn nửa thế kỷ khi đầu còn để tóc ba chỏm. Ông Tám sinh năm 1927 tại xã Thái Hòa (Ba Vì - Hà Nội), nghề chài lưới tính đến đời cha mẹ Tám cũng ngót nghét 3 đời. Thuở nhỏ hằng ngày cậu bé Tám đã từng được theo người cha rong ruổi khắp vùng sông nước để đánh bắt tôm cá. Vốn là dân vạn chài chính gốc, sống cạnh dòng sông nên hầu như những đứa trẻ ở đây sinh ra lớn lên đã trở thành những tay bơi lội "chuyên nghiệp" và Tám cũng thuộc hàng trong số đó.

Kể về cái "duyên" trời định để rồi từ đó nó gắn với cả cuộc đời ông Tám nhớ lại: Năm đó tôi mới lên 10, trong một buổi chiều đông lạnh giá trên bến sông Trung Hà (xã Vạn Yên - Ba Vì) khi cả nhà đang ăn bữa cơm trưa thì nghe có người hay tin đò chở người bị chìm, trên đò có 11 người phần đông là phụ nữ. Đang ăn dở bát cơm, tôi liền tức tốc mang theo chùm lưỡi câu vốn dùng để đánh cá tới nơi chiếc thuyền bị lật. Trời buốt giá, người xem bu đông như  kiến nhưng không một ai chịu nhảy xuống dòng sông nước chảy xiết để vớt xác người. Dù tia hi vọng mong manh có người còn sống sót là điều không ai nghĩ tới, biết thế nhưng cậu bé Tám mặc chiếc quần đùi bơi ra đúng chỗ chiếc thuyền bị lật úp để vớt những thi thể xấu số.

Ông Tám bảo: "Dù cố gắng cũng không thể cứu sống họ được nữa nhưng không nhanh là nước sẽ cuốn xác trôi mất, tôi biết bơi giỏi nên lúc đó chẳng sợ gì cả". Tôi lao người xuống dòng sông, người trên bờ cầm một đầu dây thừng để khi nào vớt được người tử nạn thì kéo vào, tôi vật lộn với dòng nước đục ngầu và hành trình ngụp lặn tìm xác.

Lần lượt 7 người được ông vớt lên và kéo vào bờ, may rủi những thi thể xấu số chưa vớt được nằm lại khúc sông hoặc có thể bị nước cuốn đi. Tám bắt đầu quăng những chùm lưỡi câu sắc nhọn để tìm kiếm xác người xấu số. Dòng sông rộng lớn, nước từ thượng nguồn đổ về ngày một nhiều. Sợ xác bị trôi mất, Tám cùng với mọi người giăng lưới đón đầu, khoanh vùng để dễ dàng cho việc tìm kiếm.

Công việc tìm kiếm như mò kim đáy bể, câu xác người giờ đây dường như khó hơn cả việc câu cá. Vốn là con nhà "nghề" nhưng phải đến 21h đêm cùng ngày 4 thi thể còn lại mới được cậu bé Tám câu được. Chuyện cậu bé Tám vớt xác làng trên xóm dưới ai ai cũng biết, cũng từ đây dường như "nghiệp" đã mang vào thân, hễ ở đâu có người đuối nước là ở đó Tám có mặt.

Mưu sinh bằng nghề chài lưới trên sông nước lênh đênh ngược xuôi nay đây mai đó. Thuyền là nhà, bến đỗ là quê, hằng ngày ông cùng gia đình phải chứng kiến bao nhiêu cảnh đau lòng từ những người có người thân bị hà bá cướp đi, càng đau xót hơn khi những người xấu số không tìm thấy xác. Ông Tám bảo: "Cứu người là để phúc cho con cho cháu, thấy người gặp nạn mà không cứu là có tội, lương tâm mình dày vò cắn rứt, lòng không được thanh thản chú ạ".

Ông Tám đã vớt hàng trăm xác chết từ đoạn sông này khi họ tự tử nhảy từ trên cầu xuống.

Tôi hỏi, ông có nhớ là mình đã cứu và vớt được bao nhiêu người trong hơn 70 năm làm cái "nghề" nhiều người cho là ghê sợ này không?. Ông Tám thản nhiên: "Chú hỏi thế làm sao mà tôi nhớ nổi. Rồi ông giơ bàn tay sần sùi lên nhẩm tính sơ sơ, ước lượng theo từng năm và từng vụ chìm đò. Ông Tám không nhớ rõ ràng và chính xác ông đã vớt và cứu sống bao nhiêu người, nhưng theo ông độ trên dưới 600 người, chắc chắn là như vậy".

Còn nhớ như in ngày đặt chân đến dòng sông này lần đầu tiên, đang chân ướt chân ráo Tám đã phải chứng kiến vụ chìm đò vào ban đêm trên khúc sông thuộc xã Hợp Thịnh chỉ cách chỗ thuyền nhà ông chừng nửa cây số. Tiếng người hò hét náo động cả một khu, những ánh đèn pin chiếu sáng, tiếng chó sủa inh tai khiến ông đứng ngồi không yên, lòng như có lửa cháy ở trong. 12 học viên của Trường Thanh niên lao động Hoà Bình (tên gọi hồi đó) cùng đi sang bờ xem chiếu phim trên một chiếc thuyền nhỏ, chở quá tải nên chiếc thuyền lật úp. Biết có chuyện không hay đang xảy ra, ông Tám nhổm phắc dậy vội giật lấy bộ đồ câu rồi nhanh chân xuôi dòng đến đó. May mắn 6 người kịp thời được ông cứu sống, 6 người còn lại được ông đưa lên bờ nhưng hết cơ may sống sót.

Trở lại câu chuyện đáng thương cho những người đã khuất, ông Tám lấy làm thương tiếc bởi số phận họ hẩm hiu. Nhưng cũng đầy chuyện đau lòng mà theo ông là nhiều người tự gây nên. Kể đến đây ông Tám trầm tư, ngậm ngùi thay cho giới trẻ hôm nay. Ngồi chỗ thuyền ông Tám nhìn ngược lên là cây cầu Hòa Bình hiện đại nối đôi bờ Đà Giang, lâu nay người ta vẫn thường hay gọi là cây "cầu ma" bởi có rất nhiều đôi trai gái cùng nhau tự tử, nhiều đứa con chỉ vì giận bố mẹ, một suy nghĩ nông cạn mà tự kết thúc đời mình. Ông Tám bảo: "Có ngày ở cây cầu này phải đến mấy người nhảy cầu, may mắn phát hiện sớm thì còn kịp cứu sống. Bọn trẻ giờ sướng quá hay sao mà không thiết sống nữa".

"Nghề" câu vớt xác như ai đó đã từng nói là phải có "duyên" mới làm được. Với Ngô Văn Tám cũng không biết có nên gắn cho ông chữ "duyên" không bởi ông đã có hơn 70 năm chắc "tay nghề". Chính vì thế, có lẽ những lần câu vớt xác đã đúc rút cho ông rất nhiều kinh nghiệm, chuyện "câu trật" về không hi hữu lắm mới xảy ra. Ông Tám chia sẻ kinh nghiệm: "Vớt phải nhanh chóng khoảng tầm 5 - 7 phút từ khi nạn nhân chìm thì may ra mới cứu được, nếu quá 45 phút thì cơ hội sống lại hầu như không có. Khi việc trục vớt không có hiệu quả nữa thì ông mới tiến hành việc quăng câu chùm, câu vướng trên diện rộng. Những tử thi không tìm kiếm được thường thì mùa đông sau 2 ngày sẽ nổi, mùa nắng là một ngày một đêm.

Ông Tám đưa đôi bàn tay chai sạn, da nhăn nheo, sần sùi run run cẩn thận buộc lại từng sợi dây ở mỗi chiếc câu bằng đồng sáng loáng, mỗi một lưỡi câu dài khoảng 8cm, mỗi chùm câu có từ 300 - 400 lưỡi được buộc chặt bằng những sợi dây dù tổng hợp. Câu được buộc theo chiều dài của dây, mỗi một lưỡi câu cách nhau tầm 20 cm. Việc bố trí các lưỡi câu và khoảng cách như vậy là nhằm mục đích khi câu xác (kéo như kéo lưới) tỉ lệ những lưỡi câu móc lên áo quần của nạn nhân sẽ cao hơn. Ông Tám nói như để minh chứng khoảng thời thời gian ông làm cái nghề này: Loại thép đồng này tốt thật, mới đó mà gần ngót thế kỷ rồi, dây dù có độ bền đến mấy cũng phải thay đi thay lại nhiều lần rồi".

Với những ai có lòng tham, xem việc vớt xác là một hình thức kinh doanh trên những người chết thì với lão ngư Ngô Văn Tám là ngược lại. Với ông cứu người là trên hết, cần làm và nên làm. Nhìn cảnh người nhà mất đi người thân mà lòng ông trĩu nặng tâm tư. Hơn 70 năm hành nghề nhưng ông Tám không đòi tiền của một ai, có người thấy ông vất vả ngày đêm cũng chỉ muốn trả ơn ông nhưng không phải ai ông cũng lấy. Nhiều lần ông mang tiền trả lại cho người ta bởi lí do đơn giản chỉ là "tôi làm việc nghĩa"

Chiến Hoàng
.
.
.