Vận động viên thể thao đỉnh cao:

Lên đỉnh nghiệp, xuống đáy đời!

Chủ Nhật, 11/09/2011, 16:28
Đằng sau những vinh quang, những tấm huy chương là không ít những câu chuyện về nhiều VĐV đỉnh cao tên tuổi phải đối mặt với tương lai mù mịt, đầy nghiệt ngã… thời gian này đang được dư luận đặc biệt quan tâm và nó cũng khiến không ít người theo nghiệp thể thao cảm thấy chạnh lòng…

Thời gian gần đây đã có nhiều phản ánh từ dư luận xung quanh việc "bạc đãi" tài năng thể thao, nhất là đối với những người đã qua giai đoạn thi đấu đỉnh cao.

Có thể kể ra một số trường hợp gây xôn xao dư luận gần đây - mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khốn khó khác nhau, nhưng tựu trung lại như nhiều người cảm nhận cái nghiệp thể thao sao bạc bẽo, thua thiệt, chẳng hạn như: Đô vật trẻ Lê Thị Huệ bị chấn thương trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 22 khiến cô phải giã từ sới vật và cho đến nay khi chấn thương đã trở thành tàn phế vẫn chưa được hỗ trợ hay đưa đi điều trị; VĐV điền kinh Nguyễn Thị Nụ phải đi nhổ cỏ, dọn vệ sinh; HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ của Quảng Ninh bị đẩy đi quét rác khi bị chấn thương đầu gối; VĐV nhảy cao tài năng Duy Bằng mấy lần từ giã đội tuyển rồi tuyên bố giải nghệ, sau đó Bằng vẫn phải quay lại. Anh đang trải qua những tháng ngày cố gắng bám trụ với nghề cùng bao khó khăn; Hữu Việt là tài năng hiếm có của bơi lội Việt Nam bỗng dưng có ý định nghỉ thi đấu vì những gì anh nhận được chỉ là những lời hứa hão.

Được biết, đến giờ Hữu Việt vẫn chưa được vào biên chế của Sở VH-TT&DL Hải Phòng. Trong khi đó với số tiền lương, tiền ăn được lĩnh hằng tháng anh vẫn phải xin gia đình trợ cấp thêm. Điều đó khiến anh cảm thấy tủi thân vì gần như không tích lũy gì được cho tương lai; Nữ võ sĩ trẻ Phương Thùy của Cần Thơ phải xin nghỉ thi đấu vì bị nợ tiền ăn; đặc biệt là hai câu chuyện mới nhất của VĐV Nguyệt Ánh và Kiến Quốc khiến dư luận nao lòng.

Cho đến nay Đoàn Kiến Quốc (32 tuổi) vẫn là trụ cột quan trọng của đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Tròn 15 năm cống hiến cho màu áo đội tuyển bóng bàn quốc gia, mang về biết bao huy chương cho thể thao nước nhà, nhưng hiện nay Quốc vẫn đang quay quắt tìm kiếm số tiền gần 300 triệu đồng - một số tiền không nhỏ với các VĐV thể thao đỉnh cao như Quốc, để hoàn thành khóa đại học tại chức chuẩn bị cho tương lai không còn thi đấu của mình.

VĐV bóng bàn Đoàn Kiến Quốc, Tay bơi Nguyễn Hữu Việt, Nhà vô địch ASIAD Vũ Thị Nguyệt Ánh.

Trong khi đó, sau ánh hào quang của tấm HCV karatedo ASIAD năm 2006 tại Doha, giờ đây nhà vô địch ASIAD Vũ Thị Nguyệt Ánh đang hằng ngày hằng giờ bị chấn thương hành hạ. Sau bao lần ngỏ lời với những người có trách nhiệm nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể, vận động viên này cho biết sẽ chấp nhận sống chung cùng chấn thương để thi đấu tại SEA Games 26 tới, cống hiến hết khả năng của mình cho thể thao nước nhà, còn được tới đâu, hay tới đó. Tuy nhiên cô cũng hy vọng trước khi nghỉ thi đấu, sẽ được đi phẫu thuật để đảm bảo cho tương lai của mình, chứ nếu kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến vận động sau này…

Những câu chuyện trên đây của các VĐV, HLV có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp thể thao nhưng đã gặp phải khó khăn khi giã từ thi đấu hay không may gặp chấn thương không kiếm đâu ra tiền để phẫu thuật là một vấn đề nan giải của thể thao Việt Nam trong việc giải quyết đầu ra cho VĐV.

Chứng kiến những hoàn cảnh của họ vất vả, lay lắt với cuộc sống hiện tại, đối mặt với tương lai mờ mịt ở phía trước, chắc hẳn lớp VĐV trẻ đang khao khát cống hiến, cũng cảm thấy nản lòng. Hơn nữa, dù nhận biết sự khó khăn chung và xác định đã theo nghiệp VĐV là phải biết chấp nhận gian nan, vất vả, thế nhưng, những trường hợp trên đây có vẻ đang ngày càng dài ra, chắc các bậc phụ huynh đang có ý định cho con em của mình theo thể thao cũng ít nhiều phải suy nghĩ lại.

Phải chăng lâu nay chúng ta chỉ có thói quen tập trung tối đa năng lực, đầu tư cho VĐV để tìm kiếm thành tích cao nhất, nhưng lại không chú trọng đến việc chăm lo cho tương lai sau này của họ, nhất là việc bồi dưỡng văn hóa ngay từ khi còn thi đấu rất ít được VĐV cũng như các nhà quản lý thể thao quan tâm?

Có một thực tế mà nhiều người cho rằng có một quy trình khuôn mẫu vẫn tồn tại lâu nay, đó là VĐV sau khi thi đấu xong luôn có ý định sẽ trở thành cán bộ, HLV hay nhân viên của ngành thể thao. Đó là cái đích "đương nhiên" mà nhiều VĐV khi theo nghiệp thể thao đều nghĩ đến. Nhưng con số đáp ứng được điều này là rất ít so với nhu cầu thực tế. Bởi với những cuộc thi đấu, tập huấn tập trung liên miên, các VĐV thường không được học hành đến nơi đến chốn hay phải bỏ dở việc học để toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp, đặc biệt là ít được trang bị kiến thức sống cũng như kỹ năng làm việc. Những điều này hầu như họ phải bắt đầu lại từ đầu khi từ giã sự nghiệp.

Có lẽ việc "nhắc nhở" từ Tổng cục TDTT cũng nhằm… nói lên cho mọi người biết thế thôi bởi làm sao để các nhà quản lý thể thao thay đổi việc chạy theo thành tích, chăm lo chu đáo việc học hành, trang bị kiến thức để giải quyết đầu ra chu đáo cho VĐV là chuyện có quá nhiều cái khó từ nhiều phía. Và thực tế hiện nay các VĐV vẫn cứ phải tự thân vận động để tìm một tương lai cho mình sau quá trình thi đấu, may mắn thì gặp "quý nhân phù trợ" có việc làm ổn định, còn nếu không lại vất vưởng may nhờ rủi chịu.

Thực tế này bắt nguồn từ ngân sách hạn hẹp của ngành Thể thao. Kinh phí cho cả ngành thể thao trong năm 2011 cũng chỉ hơn 1.200 tỉ đồng. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Thể dục Thể thao, nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa cho riêng môn bóng đá đã gần gấp đôi con số trên như năm 2010 đã là 2.000 tỉ đồng. Vì thế, để giải quyết tất cả những vấn đề chung của ngành, không chỉ riêng chuyện đầu ra cho VĐV, ngành thể thao cũng đành "biết vậy" với kinh phí hạn hẹp như trên.

Tuy vậy thiếu không có nghĩa là không có, ngành thể thao cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức tới những VĐV đã có nhiều cống hiến cho thể thao nước nhà bởi họ xứng đáng được như vậy. Thiết nghĩ ngành thể thao nên thành lập quỹ cho các VĐV để sau khi giải nghệ, họ có thể phần nào ổn định cuộc sống, cũng như chữa trị chấn thương và giúp đỡ các trường hợp VĐV có hoàn cảnh khó khăn như đã nêu trên.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao đã cho biết rằng: "Nhiều VĐV thời gian gần đây gặp nhiều bất công là đúng, nhưng không phải phản ánh đúng tất cả. Bản thân ngành Thể thao luôn có những chính sách hỗ trợ, chăm lo cho VĐV. Ngoài việc ban hành văn bản đầu tháng 8, chúng tôi đang bàn với Bộ, ban, ngành về việc tăng chế độ tiền lương, tiền ăn cho các VĐV, HLV các đội tuyển quốc gia đang tập luyện đợt thứ hai trong năm và trình lên Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt với số tiền lên đến trên 10 tỉ đồng. Đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã thực hiện điều này và sắp tới sẽ tiếp tục nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các VĐV ở SEA Games 26 sắp tới…".

Theo ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM: "Thực ra ngành thể thao vẫn đang được bao cấp, mà đã là bao cấp sử dụng ngân sách Nhà nước thì nó có quy định cụ thể về chế độ, dù là những VĐV thuộc dạng đội tuyển cũng không nằm ngoài quy định đó. Tất nhiên với những VĐV tài năng xuất sắc cũng cần có sự quan tâm đặc biệt nhưng vẫn phải có ý kiến của các cấp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Nhiều VĐV bây giờ vẫn có ý nghĩ Nhà nước phải chăm lo tất cả các mặt, chứ chưa có sự tự nỗ lực vươn lên của bản thân, họ cần phải tự học chứ không thể ai học thay cho họ, tự tích lũy để có cơ sở đảm bảo cho tương lai sau này.

Từ lâu các địa phương đã có hệ thống trường phổ thông năng khiếu (bên cạnh hệ thống trường công - tư bên ngoài) cho VĐV các lứa tuổi để các em được học hành đầy đủ, phù hợp với điều kiện của đa số VĐV. Trong và sau quá trình thi đấu, đóng góp, các VĐV được tạo điều kiện học đại học thể thao tại chức để có bằng chuyên môn… Vì thế, bản thân các VĐV phải tự xác định hướng đi hay phấn đấu học tập để có trình độ chuyên môn sẽ dễ tìm việc sau này, hoặc tích lũy tiền bạc trong quá trình thi đấu để có thể có một số vốn nhất định lo cho tương lai của mình…

Cũng phải ý thức rõ ràng một thực tế là nhiều VĐV giỏi nhưng khi ra làm cho ngành Thể thao như HLV hay công tác quản lý lại không thành công, thành ra sẽ phải chịu quy luật đào thải nếu không làm tốt. Khi ý thức được vấn đề này rồi thì các VĐV sẽ tự nhận thức bản thân và có những suy nghĩ thực tế hơn".

Trao đổi về vấn đề này, nhà báo - chuyên gia thể thao Vũ Công Lập cho rằng: "Tôi nghĩ với chuyện này, các cơ quan, ban ngành thể thao phải xác định việc trang bị các kiến thức, văn hóa, nghiệp vụ cho vận động viên ngay từ khi họ bắt đầu gắn bó với thể thao để chuẩn bị cho mai này khi họ giải nghệ có thể kiếm được việc làm phù hợp; Cần phải xem các chấn thương của các vận động viên thể thao như một dạng tai nạn lao động để có các chế độ chính sách rõ ràng cho họ; Từ đó chủ trương xây dựng chiến lược phát triển ngành y học thể thao trong nước để làm sao đáp ứng được yêu cầu khám, chữa trị bệnh của các vận động viên, nhất là việc cần phải có quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của bác sĩ thể thao, trong đó có việc quyết định được hay không được thi đấu khi vận động viên bị chấn thương; bản thân vận động viên cũng phải ý thức rõ ràng những vấn đề liên quan đến họ, đặc biệt là chuyện chấn thương, không thể để chuyện biết bị chấn thương mà vẫn cố thi đấu sẽ khiến chấn thương càng nặng hơn".

Phú Lữ - CSTC tuần số 74
.
.
.