Libya sẽ đi đến đâu?

Thứ Bảy, 30/04/2011, 16:15
Không như Ai Cập hay Tunisia, nước Libya của Tổng thống Gadhafi, cụ thể hơn là chính Tổng thống Gadhafi và những người ủng hộ ông đã tỏ ra đặc biệt cứng rắn, kiên quyết không từ chức, kiên quyết không chuyển giao quyền lực và tuyên bố chống lại đến cùng mọi ý đồ của bên ngoài. Ông nói: Không có cuộc biểu tình nào cả. Chỉ có âm mưu lật đổ của những kẻ khủng bố có sự ủng hộ của nước ngoài.

Thế là mấy tuần nay, quốc gia Bắc Phi này trở thành mục tiêu "đánh hội đồng" của liên quân đứng đầu là Anh, Pháp, Mỹ dựa vào Nghị quyết thiết lập vùng cấm bay với danh nghĩa để bảo vệ dân thường của Liên hợp quốc. Kế hoạch trinh sát, phát hiện các mục tiêu quân sự của Libya đã được xúc tiến từ nhiều tuần trước.

Sau cuộc họp khẩn cấp ngày 19/3 tại Paris, mục tiêu chiến dịch đánh phá Libya để đập tan cỗ máy quân sự khổng lồ của Gadhafi với 110.000 quân, trong đó có một bộ phận quan trọng là lính đánh thuê thiện chiến, máy bay chiến đấu hiện đại, xe tăng, tên lửa, súng chống tăng hùng mạnh. Phía liên quân, tiềm lực quân sự mạnh gấp bội với tàu sân bay, tàu ngầm sử dụng tên lửa Tomahawk, máy bay chiến đấu trang bị bom, tên lửa hiện đại nhất Tornado G4 của Anh, Rafare của Pháp, F.15 của Mỹ…

Trong mưa bom và tên lửa, theo người phát ngôn liên quân nói, đã có ít nhất 20 mục tiêu quân sự bị phá huỷ, một phần ba lực lượng quân sự của Gadhafi bị tiêu diệt, bên cạnh những tổn thất về dân thường không thể kiểm chứng ngay nhưng chắc chắn là không nhỏ. Quả là vào giai đoạn đầu của chiến dịch tấn công Libya được gọi là chiến dịch "Bình minh Odises", lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi đang từ thế công, chiếm lại gần hết các thành phố miền Đông từng rơi vào tay lực lượng nổi dậy, buộc lực lượng này phải đàm phán đầu hàng, nhanh chóng chuyển sang thế tan vỡ, hoảng loạn.

Hầu hết các sân bay tê liệt, xe tăng bị bắn cháy, các kho vũ khí có rất nhiều loại vũ khí tối tân và trang bị quân sự rơi vào tay phe nổi dậy. Không chỉ quân sĩ, nhiều quan chức và tướng lĩnh cao cấp đào ngũ sang phe nổi dậy hoặc đào tẩu ra nước ngoài. Chỉ trong vài ngày, lực lượng của Tổng thống Gadhafi tháo chạy khỏi hầu hết các vùng đã chiếm lại, thủ lĩnh quân nổi dậy, nguyên là một vị tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ chạy sang đã có thể tươi cười tuyên bố về sự chấm dứt số phận chính trị của cái mà ông gọi là "tập đoàn thống trị Gadhafi”.

Nhưng rồi cuộc đời còn có những ngả rẽ bất ngờ. Những tưởng có thể "đánh nhanh, thắng nhanh" trong vài ngày, cuộc chiến của Liên quân ở Libya đã kéo dài gần một tháng mà không kết thúc được như mong muốn. Trên mặt trận ngoại giao, một mặt vẫn đưa ra những lời tuyên bố mềm mỏng về ngừng bắn, về sẵn sàng đàm phán hoà bình, tán thành sáng kiến hoà bình của Liên minh châu Phi nhưng một mặt, quân đội của Gadhafi ráo riết phản công, chiếm lại hầu hết các thành phố bị mất, đẩy quân nổi dậy không được đào tạo có bài bản, thiếu vũ khí, thiếu lương thực vào cảnh khốn đốn nhiều bề.

Do không kết thúc nhanh được chiến trường, trước những sức ép ngày càng tăng của chính giới và dư luận trong nước, lục đục trong khối Liên quân ngày càng bộc lộ. Trước hết là Mỹ, Tổng thống Mỹ sau vài ngày huy động tối đa lực lượng quân sự để đè bẹp về cơ bản tiềm năng quân sự của Libya, dọn đường cho liên quân "thắng dễ hơn thua" đã khôn ngoan rút quân đội, tàu sân bay, tàu ngầm và ngừng dính líu vào chiến trường Arab này.

Trong nội bộ EU và NATO, những tiếng nói lạnh nhạt và phản đối cuộc can thiệp quân sự, nhất là của Đức và Tây Ban Nha, ngày càng nổi rõ trong khối. Mỹ rút đi, tỷ lệ sức mạnh quân sự thay đổi hẳn. Nhiều nước EU và NATO đã thấy hiện ra bóng ma thâm thủng tài chính nặng nề có nguồn gốc từ cuộc chiến. Vũ khí, lương thực, khí tài và cả sự huấn luyện được hứa trước với phe nổi dậy chậm trễ và mờ mịt dần.

Vẫn viên tướng đã từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ chạy sang phía quân nổi dậy đã than thở, có phần cáu bẳn với khối liên quân: Nếu họ chậm trễ trong việc tấn công Gadhafi và tiếp tế cho phe nổi dậy thêm một tuần nữa thì họ sẽ chẳng tìm thấy ai nữa ở cái thành phố Misrata này. Thành phố sẽ bị diệt vong trước khi họ đến.

Trong lúc bài báo này lên khuôn, súng vẫn nổ, tên lửa vẫn gầm thét. Chúng ta hãy chờ xem cục diện cuộc chiến sẽ đi theo hướng nào, vì như đã nói, cuộc đời vẫn còn những ngả rẽ bất ngờ

Huy Văn - CSTC tuần số 54
.
.
.