Trang web WikiLeaks được đề cử giải Nobel Hòa bình 2011:

Mạng xã hội có làm thay đổi thế giới

Thứ Ba, 01/03/2011, 19:19
Những nhà quan sát nhận định, việc WikiLeaks trở thành ứng viên của giải Nobel Hòa bình đang nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của các trang mạng xã hội trong việc tạo ra thay đổi trên thế giới.

Cảnh sát nhiều nước châu Âu đã bắt giữ nhiều tin tặc do tấn công các ngân hàng, các trang mạng. Cảnh sát đã xóa tài khoản của WikiLeaks cũng như không cho trang web thuê server

Trong những ngày này, người sáng lập ra trang web WikiLeaks Julian Assange tiếp tục xuất hiện tại tòa án ở London (Anh) để chống lại lệnh dẫn độ ông tới Thụy Điển, nơi các công tố viên muốn xử ông với cáo buộc hiếp dâm. Trong hai ngày điều trần đầu tiên với tình hình an ninh được thắt chặt, tòa án ở London sẽ xem xét về lệnh bắt giữ đối với Julian, công dân Australia, 39 tuổi. Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tháng 2/2011 về việc có dẫn độ Assange về Thụy Điển hay không. Nếu kết quả bất lợi cho Assange, ông có thể sẽ phải đệ đơn kháng án lên tòa án tối cao của Anh. Nhiều người nổi tiếng sẽ có mặt trước cửa tòa án để ủng hộ Julian, vì cho rằng, những cáo buộc chống lại Julian Assange có động cơ chính trị. Những tranh cãi nổi lên những ngày gần đây là việc WikiLeaks đã được đề cử giải Nobel Hòa bình 2011.

Sứ mệnh lớn lao

Một chính trị gia của Na Uy mới đây đã xác nhận, trang web WikiLeaks đã được đề cử giải Nobel Hòa bình 2011. Nghị sĩ Na Uy Snorre Valen nhận định WikiLeaks là "một trong những thành tố quan trọng nhất thúc đẩy tự do ngôn luận và tính minh bạch" trong thế kỷ 21. "Bằng việc thông tin về tham nhũng, lạm dụng nhân quyền, tội ác chiến tranh, WikiLeaks là ứng viên đương nhiên cho giải Nobel Hòa bình" - ông Valen nói.

Nếu trao giải cho WikiLeaks có thể khiến cho Hội đồng Nobel chịu thêm nhiều chỉ trích, nhất là sau khi trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến đang ngồi tù ở Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ vài tháng sau khi ông đắc cử.

WikiLeaks cùng nhiều trang xã hội khác đã làm thay đổi thế giới trong năm qua.

Những nhà quan sát nhận định, việc WikiLeaks trở thành ứng viên của giải Nobel Hòa bình đang nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của các trang mạng xã hội trong việc tạo ra thay đổi trên thế giới. Các trang như Twitter và YouTube đang có vai trò lớn thu hút người dân, là nguồn thông tin có tính đa chiều bên cạnh truyền thông chính thống. Chính quyền Washington đã rất tức giận với WikiLeaks và Julian Assange vì đã công bố hàng chục ngàn tài liệu mật liên quan tới công tác ngoại giao của Mỹ, và cho rằng có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ tại nước ngoài cũng như những nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng Assange nhận giải. "Nếu như cho rằng hành động của Assange theo một cách nào đó giúp thúc đẩy "tình anh em" giữa các nước - một ý nguyện của Alfred Nobel - thì đó là một điều xa vời, nếu không muốn nói là thiếu chính xác" - nhà báo Mỹ, đồng thời là một chuyên gia về giải thưởng Nobel Hòa bình Scott London nhận định. "Nói một cách đúng hơn thì Assange đã làm suy yếu tình hữu nghị giữa các nước bằng cách tạo ra một văn hóa lo lắng và nghi ngờ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt giữa các nước trong khu vực bất ổn như Trung Đông". Ngoài ra, scandal của ông chủ WikiLeaks với hành vi bị cáo buộc tội xâm hại tình dục ở Thụy Điển càng làm giảm cơ hội để Assange đoạt giải thưởng danh giá này.

Tấn công những đơn vị "phản bội" WikiLeaks

Ở Mỹ, thời gian qua, từ chính trị gia, doanh nhân, chuyên gia tin học ra sức hô hào chống lại và đòi ám sát ông chủ WikiLeaks Assange. Nhưng những người ủng hộ trang web trên toàn thế giới cũng ra sức tấn công những đơn vị chống lại WikiLeaks.  Cảnh sát London vừa bắt giữ ba hacker "tuổi teen" và hai thanh niên vì bị tình nghi có tham gia các cuộc tấn công vào các công ty tín dụng nhằm trả đũa việc các công ty này cắt đứt giao dịch với WikiLeaks.

Cả năm nghi phạm đều đang cư trú tại Anh, bị bắt mới đây vì bị tình nghi "nhúng tay" vào các đợt tấn công gây tê liệt website của MasterCard, Visa và PayPal vào tháng 12 năm ngoái. Trong đó có hai thanh niên ở độ tuổi 20 và 26 cùng với ba hacker mới 15, 16 và 19 tuổi. Cảnh sát cho biết, các nghi phạm trên có liên quan đến các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDos). Do đó, tất cả sẽ bị khép vào tội "vi phạm đạo luật về lạm dụng máy tính" và có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù kèm mức phạt 5.000 bảng Anh.

Các nghi phạm trên nằm trong một tổ chức gồm các hacker tự gọi mình là các "hacktivist", đã nhiều lần tổ chức các cuộc tấn công từ chối dịch vụ nhắm vào Visa, MasterCard, Paypal và Amazon. Đây là những đối tác đã quay lưng với WikiLeaks, khiến trang này rơi vào thế bị cô lập tài chính. Theo các nguồn tin, nhóm hacker trên có tổ chức khá lỏng lẻo, tự phát và không có người cầm trịch.

Nhóm các "hacktivist" hiện đã "tạm tha" cho các công ty tín dụng kể trên và huớng mũi giáo vào chính trường Tunisia và Ai Cập. Hơn 10 website chính phủ của Tunisia và bốn trang web chính phủ ở Ai Cập đã không thể truy cập được do hậu quả của các cuộc tấn công DDos liên tiếp. Nguyên nhân là các nhà cầm quyền ở hai nước này đã chặn Twitter và Facebook để cắt đứt sợi dây liên lạc giữa những người biểu tình chống chính phủ

Vân Trường (tổng hợpBBC, AFP) - CSTC tuần số 47
.
.
.