Múa cột - Khát vọng giải thoát thân xác

Thứ Ba, 24/05/2011, 15:13
Cái môn nghệ thuật mà các cô gái nhảy trình diễn hằng đêm, đã được "lấy lại danh dự" một cách đàng hoàng. Nói một cách khác thì nó đã bước từ bóng tối ra ánh sáng, từ sự thay đổi quan niệm.

Bạn tròn mắt: Eo ơi, kinh thế, học múa... cột á. Học gì không học lại đi học mấy cái động tác uốn éo (nói "ka ki thô" một chút là gợi dục). Nhầm nhé, nhầm to là đằng khác. Dân tình đang đổ xô nhau đi học kia kìa, dân công sở đăng ký học hơi bị nhiều, nghe nói còn xếp hàng mấy ngày mới tới lượt nộp tiền.

Cái môn nghệ thuật mà các cô gái nhảy trình diễn hằng đêm, đã được "lấy lại danh dự" một cách đàng hoàng. Nói một cách khác thì nó đã bước từ bóng tối ra ánh sáng, từ sự thay đổi quan niệm.

1. Vừa thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, một chị vội vàng ngồi thụp xuống rồi chui tọt vào góc phòng, lắc đầu quầy quậy: "Hôm trước bạn bè nó xem clip dạy múa cột trên mạng, thấy mình nên nhắn tin trêu. May mà ông xã chưa biết, ông xã mà biết thì chắc cấm không cho đi".

Khổ thế đấy! Mới nghe thì ai cũng nghĩ múa cột là cái thứ rẻ tiền, chỉ tồn tại trong các hộp đêm, nhưng đến sàn tập mới biết, đó là một môn nghệ thuật cực kỳ khổ luyện, bao gồm cả ballet, tanggo, khiêu vũ hiện đại... mà người tập nếu không kiên trì, rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.

Ấy thế mà đi tập là phải trốn chồng, giấu con, như cái chị chúng tôi vừa nhắc đến. Chị cho biết, chị đang làm kế toán cho một công ty liên doanh nước ngoài, cậu con trai được 5 tuổi rồi, chưa sinh đứa thứ hai nhưng vòng 2 đã xồ xề đầy mỡ, nhìn clip dạy múa cột do cô giáo Phương Liên huấn luyện ở cơ sở trên phố Bà Triệu, thích quá mới tìm đến đây. So với các bộ môn khác thì múa cột có sự quyến rũ rất nữ tính, vì thế cũng... quyến rũ được rất nhiều chị em theo học.

Em Minh Trang (làm trong ngành hàng không), có gương mặt xinh như búp bê mới học được mấy buổi, nhưng đã quả quyết: "Em chưa "xin phép" chồng, nhưng nếu chồng em không đồng ý cho đi học thì em vẫn cứ đi. Mình rèn luyện cơ thể, săn chắc cơ bắp, hiệu quả ông xã cũng được hưởng lây, thế thì tội tình gì mà không đi học. Mà chị tưởng học dễ à, người đau như bị đánh, có người trượt tay đập mông xuống sàn, có người bị văng ra tận góc phòng. Phải khéo léo, dẻo dai mới làm được đấy". Quả quyết thế nhưng nàng cũng một hai: "Chị chụp thì chụp xa xa, đừng để mọi người nhìn rõ mặt em, nhất là bố mẹ, em ngại...".

Ước gì mình được như cô ấy.

Theo đuổi bộ môn này bây giờ toàn đám người mẫu, ca sĩ, hoa hậu. Và như nói bên trên, các chị, các cô công sở thi nhau đăng ký. Ai dám bĩu môi khinh rẻ những động tác uốn éo (thề có lúc nhìn rất chi là đỏ mặt) bên cái cột inox nữa nào? Thế nên, mới khai trương nhưng các lớp dạy múa cột ở Hà Nội đã chật cứng, một nhân viên nơi đây bảo, nếu muốn học, chúng tôi phải chờ lớp mới. Nhiều chị, nhiều cô bụng đã bắt đầu ngân ngấn mỡ, rất quan tâm đến bộ môn này.

Lý do được đưa ra nhiều nhất là: Vì môn này có những động tác sexy, đồ dùng để tập cũng đẹp, quần sooc, áo quây hở bụng. Sàn diễn cũng linh động dã chiến, chỉ cần nhạc và một cái... cột (bất kỳ ở đâu, không có cột inox thì dùng cột tre, cột gỗ, thậm chí... cột điện minh họa) cũng có thể làm khán giả lếch mắt.

Và từ những lời quảng cáo hấp dẫn, rằng múa cột giúp giải phóng cơ thể, giải tỏa stress, tạo sự săn chắc cơ bắp... Nhưng thử hỏi, có dám nói với chồng, với người yêu rằng mình đi học múa cột không? Mười cô thì đến chín cô nói "phải giấu đấy", giấu giếm cứ như người ăn vụng ăn trộm chứ nào được công khai như đi tập thể dục thẩm mỹ. Vì nói thật, không khéo bị ăn bạt tai như chơi.

Bạn Mai Hương - một nữ phóng viên tham gia lớp tập múa cột từ ngày đầu tiên khi phong trào múa cột ở Hà Nội bắt đầu có vừa cười vừa kể: "Chỉ cần nhắc đến hai từ "múa cột", người đời đã hoài nghi về sự "tử tế" của nó. Người yêu em mà biết em đi học thế này, chưa chắc đã đồng ý. Tốt nhất là không kể". Nhiều người khi được hỏi đều nói: "Thích những động tác gợi cảm, kết hợp từ ballet, dance đến xoay thân hình trên cột, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh". Bởi thích nên dù các cơ bắp căng cứng vì đau, đầu mũi chân cũng nhức mỏi, và nhất là vùng bụng, đùi bầm tím vì phải tỳ vào cột để giữ người không bị tuột xuống, nhưng cô nào, chị nào cũng thấy vui như tết.

Khó nhất là đu người trên cột.

2. Phong trào múa cột sôi nổi đến nỗi, bất kỳ một hội chợ thương mại nào, từ thành phố tới các vùng quê cũng đều có màn múa cột để gây sự chú ý của khách hàng. Sài Gòn còn kinh khủng hơn nữa, múa cột xuất hiện cả trong...  đám ma, với mục đích mua vui giúp người sống đỡ đau buồn. Mới đây nhất, một video clip có cái tên "mặc áo tứ thân múa cột" đã khiến dân cư mạng xôn xao về cái sự "độc".

Đoạn clip ngắn, chừng hơn một phút, diễn tả cảnh một cô gái mặc áo cánh, váy nơm (có lẽ là trong một lễ hội văn hóa nào đó ở một vùng quê mà sân khấu được quây bằng bạt, dựng sơ sài giữa bãi cỏ ở sân bóng làng), làm những động tác uốn éo bên chiếc cột tre (cột dùng để buộc dây căng bạt). Đến mức này thì đúng là bộ môn múa cột đã phổ cập tới độ tràn về các vùng quê, khiến các thôn nữ cũng phải nhảy nhôi cõi lòng mỗi khi nghĩ tới nó.

Đấy là lễ hội ở làng quê, chứ nếu là một hội chợ thương mại hoặc một buổi khai trương, giới thiệu sản phẩm, khán giả đi đường sẽ không thể không ngoái cổ để xem mấy cô váy ngắn uốn éo các động tác nóng bỏng. Nói thế để thấy rằng, múa cột cho đến cách đây một thời gian ngắn, vẫn còn bị dư luận nghi ngại, dành cho những comment rất không tử tế. Hay nói cách khác, múa cột là hình thức mua vui (cho cánh đàn ông) bằng hình thức phô bày cơ thể kèm theo các động tác... rẻ tiền.

Vì sao lại có sự thay đổi quan niệm quay ngoắt 180 độ như vậy. Có lẽ là bắt đầu từ những bức hình nóng bỏng của ca sĩ May a trên sàn tập múa cột ở một trung tâm dạy múa cột giữa đất Sài Gòn, do huấn luyện viên Yossy người Nhật Bản hướng dẫn. Cô ca sĩ xinh đẹp, chân dài miên man, trình diễn các động tác khêu gợi bên chiếc cột inox khiến chị em hâm mộ thì ít mà "acay" thì nhiều. Suy cho cùng thì nàng ca sĩ khác mình mỗi cái... tên, còn 3 vòng, nhìn đi nhìn lại, nếu có nhỉnh hơn tí hay đuối hơn một chút thì cũng... như nhau thôi.

Nhưng lạ, mấy ông chồng, mấy ông bạn trai cứ mở máy tính ra là nhìn cứ như muốn thiêu cháy cả màn hình cái cô ca sĩ đang ưỡn ẹo bên chiếc cột vô tri. Thế thì có tức không cơ chứ. Tại sao anh ta không nhìn mình say đắm như ngắm cô kia. Thế thì phải học thôi chứ đợi gì nữa. Nhiều cô vốn đã tự tin với hình thể của mình, giờ chỉ cần học thêm vài động tác, biết đâu một lúc nào đó, sẽ làm "khán giả riêng" của mình hâm mộ, hiệu quả đem lại bất ngờ không tưởng.

Hết May a, mới đây lại thêm á hậu Hoàng My và người mẫu Next top Model Huyền Trang cũng tạo dáng bên chiếc cột inox ở một sàn tập, thêm một lần nữa khiến chị em nhảy nhôi sôi động. Và bỗng nhiên, khái niệm "rẻ tiền, khiêu khích, kích động, gợi dục" gắn liền với bộ môn này vốn ăn rễ vào suy nghĩ của các cô, các chị tự dưng bay mất. Tự dưng, ai cũng muốn được sexy, ai cũng muốn khoe hình thể, ai cũng muốn quyến rũ hơn.

Và cũng từ đâu, tất cả lại đồng loạt ca ngợi bộ môn (vốn bị các bà rất ghét này). Bao nhiêu lợi ích từ bộ môn này đem lại được quảng cáo, nào rèn luyện hình thể, nào tự tin, nào giải tỏa stress, nào giải phóng cơ thể, nói vui một chút là... thoát xác. Trong một cuộc sống có quá nhiều áp lực, mà múa cột lại có thể giúp con người ta được nhiều lợi ích như thế thì quả là không học... hơi phí.

Mệt quá, nghỉ tí đã.

3. Khi viết những dòng chữ này, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Lợi ích như thế, hiệu quả với người tập như thế, vậy mà tại sao một thời gian dài, nó cứ chết dí chết dị trong các hộp đêm, gắn liền với đời sống các cô gái nhảy, để rồi bị quan niệm là làm trò mua vui cho cánh đàn ông và là nỗi ghét cay ghét đắng (cả ghen nữa) của các quý bà.

Nếu cứ theo quan niệm múa cột (pole dance) là môn thể thao kết hợp các động tác thể hình, ballet, tango, khiêu vũ hiện đại và người tập thực hiện các động tác đó xung quanh một chiếc cột, bắt nguồn từ nghệ thuật khiêu vũ trình diễn cổ xưa... thì quả là bấy lâu nay, nó mang tiếng oan uổng thật. Bởi, khởi thủy tại Việt Nam, bộ môn này thịnh hành nhất trong các quán bar, vũ trường, nơi mà các cô vũ nữ nhảy mồi để tăng sự phấn khích cho khách. Nghe nói, giới trẻ châu Á cũng đang phát cuồng vì múa cột, Việt Nam không nằm ngoài vòng quay của tâm bão pole dance. Sắp tới, đâu như một chương trình truyền hình còn dành hẳn thời lượng để cho huấn luyện viên hướng dẫn múa cột trên truyền hình nữa cơ đấy. Được vinh danh như thế, quả là múa cột đã nhảy một bước từ bóng tối ra ánh sáng. Một cách đàng hoàng!

Tóm lại, chỉ vì quan niệm sai lầm của các bà, các chị, để rồi một bộ môn nghệ thuật bao nhiêu năm tháng chết chìm trong đau khổ, giờ mới có cơ hội lấy lại danh dự, nhờ những tư duy tân tiến, văn minh cũng của chính các bà, các chị. Hóa ra, ai cũng muốn giải phóng cơ thể, cũng muốn thoát xác, nhưng chỉ vì bị bó buộc trong một quan niệm sai lầm mà thành ra nhỡ nhàng hết cả.

Tự dưng lạnh gáy khi chợt liên tưởng, đến một ngày nào đó, người ta lại đưa bộ môn thể thao "thọc gậy bánh xe", "đâm bì thóc, chọc bì gạo", "gắp lửa bỏ tay người", "ném đá giấu tay"... và một số "bộ môn" tương tự nữa vào danh sách những môn thể thao thi đấu quốc tế, cũng do thay đổi quan niệm. Có thể lắm chứ!

H.Anh - N.Hương – CSTC tuần số 58
.
.
.