Muama'r Qaddafi qua lời kể của một người từng là chí cốt

Thứ Năm, 13/10/2011, 15:51
Abdu Rahman Shalqam chẳng những là cựu Ngoại trưởng Libya và trưởng phái đoàn đại diện Libya tại Liên hợp quốc (LHQ), mà còn là bạn thuở thiếu thời của Qaddafi và là một trong những nhân vật chí cốt của Qaddafi hầu hết chiều dài hơn 41 năm cầm quyền của ông này. Nhưng Shalqam đã li khai chế độ Qaddafi và gia nhập hàng ngũ đối lập từ ngày 21/3/2011.

Từ ngày 11/7/2011, báo al-Hayiat tiếng Arab xuất bản tại Lebanon đã đăng loạt bài giới thiệu những lời bộc bạch của Shalqam về "vị lãnh tụ" của Libya đang mất dạng đâu đó sau khi quân nổi dậy đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Tripoli và vào tận nhà riêng của ông này tại dinh luỹ cố thủ Bab al-Azeeziyah đêm 23/8. Dưới đây là một phần nội dung của loạt bài trên báo al-Hayiat:

Vốn là người bình dân, giản dị

Qaddafi xuất thân từ miền quê Sirt vốn nghèo nàn, đói kém, thiếu thốn đủ điều. Tuổi thơ của ông ấy đầy khó nhọc. Cha của Qaddafi là ông Mohammed Abdu Salam Boumaniya'r, một người chăn cừu nghèo khổ ở thung lũng sa mạc. Ông này từng được thực dân Italia tuyển vào lính quân dịch thuộc tiểu đoàn Banida đóng ở Sirt để chống lại người yêu nước Libya. Không phải là một chiến binh chống thực dân thường được gọi là "mujahideen", vậy mà mộ ông này hiện nay nằm trang trọng tại nghĩa trang liệt sĩ.

Thời đi học ở Sirt, Qadafi hằng ngày lội bộ hàng chục cây số. Ông ấy không có anh em trai. Nhà chỉ toàn con gái. Đôi khi có xe đưa cậu Qaddafi về nhà. Khi không có xe đưa, cậu ta ngủ lại giáo đường. Rồi Qaddafi chuyển đến Sabha- địa phương do gia đình Seif Nasr thâu tóm. Gia đình ấy là thủ lĩnh của bộ lạc Suleiman. Dòng họ Qaddafi là một nhánh của gia đình Seif Nasr. Một nhóm khá đông con cháu đến từ Sirt sống ở ký túc xá.

Một hôm, Qaddafi "dính chuyện" gì đó. Một người thuộc gia đình Seif Nasr tên là Mohammed đến và đánh cho cậu ta một trận nhừ tử. Từ đấy, Qaddafi nảy sinh tâm lý uất hận của kẻ "bị áp bức và bị bắt nạt". Qaddafi nghe nói tới Abdu Nase'r. Thế là ông ấy viết kịch và tự sắm vai chính diễn trò cho bạn bè xem. Qaddafi vào vai một thanh niên nghèo khó, yếu đuối, sợ sệt, bị bắt nạt như nhân vật Abdu Nase'r. Vì thế, Qaddafi có thiện cảm tốt đẹp với Abdu Nase'r.

Khi mới cầm quyền, Qaddafi là một nhân vật rất bình dị. Đôi khi tôi cũng được đi cùng ông ấy trong một số chuyến công du địa phương. Đoàn xe thường chỉ gồm 3 chiếc với một số nhỏ cảnh vệ. Ông ta bình dị cả từ ăn mặc đến ứng xử. Một lần, Qaddafi bỗng nhiên vào phòng tôi khi tôi đang nghe băng ghi âm một bản nhạc opera. Thấy ông vào trong bộ trang phục thể thao, tôi liền tắt máy ghi âm. Qaddafi bảo tôi bật nhạc trở lại. Ông ngồi xuống ghế, tay chắp sau gáy, ngửa mặt lên trần nhà nghe nhạc say sưa. Sau đó, Qaddafi lặng lẽ đi ra, không nói một lời nào. Thời ấy, ông ta thật bình dị, khiêm nhường, không ưa khoe khoang và đình đám.

Một lần khác, Qaddafi công du tới thung lũng Zamzam nằm ở sa mạc miền Trung Libya. Tôi phải cùng lái xe đến gặp ông để báo cáo những vấn đề về thông tin. Khi đến nơi đã là sau giờ ăn tối. Họ dọn cho tôi một bữa ăn đơn giản. Qaddafi cứ nhất quyết để một người rửa tay cho tôi. Tôi thoái thác thì Qaddafi lớn tiếng: Anh là khách của tôi thì để tôi lấy nước rửa tay cho anh. Thế đấy. Hồi ấy, đôi khi chúng tôi còn cùng ngồi đàm đạo với nhau.

Lãnh tụ thực sự của cách mạng 01/9/1969

Qaddafi đúng là lãnh tụ thực sự của cách mạng. Ông ta chính là người có ý tưởng ấy. Là người vạch kế hoạch, toan tính mưu đồ, rình rập cơ hội và chỉ huy thực hiện. Đó là một nhân cách lạ lùng. Ngay khi còn là sinh viên đã có dáng dấp tương tự như một nhân vật thần thánh. Ông ta thường xuyên chăm chỉ cầu nguyện và nhịn đói vào Ramadan hằng năm. Tư chất nghiêm túc của Qaddafi thậm chí khiến bạn bè khó chịu, bởi họ không có được mức độ nghiêm túc như thế. Họ ngưng chơi bài khi có mặt Qaddafi. Họ dập thuốc lá khi Qaddafi xuất hiện. Tình trạng này còn diễn ra ngay tại học viện quân sự. Ở đó, Qaddafi cũng rất ngoan đạo. Người ta còn gọi ông là thày tu.

Ông ta rất ham đọc sách, nhất là sách lịch sử. Ngay khi còn ở trung học, Qaddafi đã đọc các tác phẩm của Michel Aflaq- người sáng lập Đảng al-Baath ở Syria và các tác phẩm của Gamal Abdu Nase'r cũng như của Constantin Zareeq.

Cá tính lập dị

Qaddafi có nhiều biểu hiện khác người. Càng cầm quyền lâu, càng trở nên lập dị.

Ông này không ham tiền, có lẽ vì quyền hành khiến Qaddafi thấy tiền không là gì cả. Qaddafi thuộc loại người "hoặc là cầm quyền, hoặc là xuống mồ". Khi cầm quyền, ông ta coi tất cả là của ông ta và tuỳ tiện tiêu xài. Tôi cho là Qaddafi chưa từng tự tay cầm tiền. Ông ấy nhấc điện thoại và ra lệnh: Đưa tiền cho người này, mua nhà cho người kia, chữa bệnh cho người nào đó, cho ai đấy một triệu đô la… Tiền, tất cả là của ông ta. Giống như một người chỉ dùng thẻ tín dụng, không biết cầm đồng tiền mặt là gì. Tất cả tiền là của Qaddafi. Libya, với mọi thứ trong đó là của Qaddafi.

Ai cũng thấy Qaddafi là một nhân vật thường xuất hiện với những bộ trang phục rất lạ lùng. Ông ta dùng trang phục kỳ quặc để nói với mọi người rằng: Tôi khác với tất cả các người! Ông ta muốn tạo sự cách biệt về mọi mặt, kể cả trang phục để chúng tôi không thể đạt tới được như ông ấy. Ông ta mặc những thứ mà không ai nghĩ ra có thể mặc như thế. Có nghĩa là ông ấy muốn nói với mọi người rằng: Khoảng cách giữa tôi và các vị là không thể khoả lấp, kể cả về trang phục nữa!

Ông ta sáng tác ra Sách Xanh để giới thiệu triết lý "cầm quyền mở". Theo triết lý này, ông ta là lãnh tụ, không cai trị; không ký một giấy tờ gì. Ông ta nói "nhân dân cầm quyền". Theo lập luận này, Qaddafi chỉ là "lãnh tụ cách mạng" thôi. Không thể bị phán xét. Qaddafi vẫn nói ông ta chỉ là biểu tượng. Về mặt lý thuyết, ông ta vẫn không phải là cầm quyền. Nhưng theo "luật cách mạng Shariya", có văn bản hẳn hoi, thì mọi lời nói, lời diễn thuyết của Qaddafi đều là luật bắt buộc phải thi hành.Thậm chí, khi có người thân cận sinh con, dù trai hay gái, Qaddafi cũng tự đặt tên cho đứa trẻ và can thiệp mọi chuyện lớn nhỏ mà không ai được trái ý.

Qaddafi thường thức rất khuya cùng với thơ ca, đàn hát. Thường phải 10, 11 giờ hôm sau ông ta mới ngủ dậy. Qaddafi không thích làm việc sớm, rất ghét phải đúng giờ, trừ khi có khách là các bộ trưởng hoặc nguyên thủ quốc gia đến thăm. Ngay cả tiếp khách nước ngoài, Qaddafi cũng rất ghét phải đúng giờ. Nếu khách là bộ trưởng, thì cứ việc đến đúng hẹn, rồi ngồi đấy chờ cho đến khi Qaddafi ngủ dậy. Có nguyên thủ quốc gia đề nghị gặp Qaddafi ngay sau khi ông này đến sân bay, nhưng Qaddafi bỏ mặc thượng khách này chờ cả một ngày, rồi mới tiếp.

Ông này rất hay đi ra sa mạc. Ông ấy không ngồi bàn ghế, mà thường ngồi bệt trên thảm như kiểu truyền thống của các trưởng lão Arab để tiếp khách, bất kể lớn bé hoặc khi tham gia vui chơi giải trí cũng vậy.

Qaddafi là một người ngoan đạo. Đức tin của ông là Thánh Allah. Ông ấy cầu nguyện đều đặn. Qaddafi nói là ông vẫn nhịn ăn 2 ngày trong tuần, vào thứ hai và thứ năm. Ông này hoàn toàn không uống rượu và không hút thuốc. Khi người ta thấy ông này hút thuốc tại Hội nghị thượng đỉnh Arab, thì đó chỉ là cách để Qaddafi biểu lộ sự coi thường, bực dọc hoặc bất cần mà thôi. Qaddafi ăn ít và thường ăn các món Libya, như mì sợi và thường uống nhiều sữa lạc đà.

Qaddafi thực sự thích sinh hoạt trong cái lều truyền thống Arab mà ông thường mang theo cả khi công du nước ngoài. Chuyện bắt buộc phải dựng lều cho Qaddafi mỗi khi một quốc gia nào đó tiếp lãnh tụ Libya gây không ít phiền hà cho bộ phận lễ tân của Bộ Ngoại giao. Nhưng thậm chí không được dựng lều đồng nghĩa với huỷ bỏ chuyến công du chính thức! Với Qaddafi, đó là cách để thể hiện rằng ông ấy là một người Bad'wi (dân du cư sa mạc). Nhưng ông ấy cũng muốn giới thiệu cái lều ấy như một biểu tượng của sức mạnh, lòng tự hào và hướng về nguồn cội. Có nghĩa là các vị cứ coi tôi là nhà quê đi, nhưng tôi tự hào về điều đó!

Tự phong hoàng đế của các vị vua châu Phi

Ngày 30/8/2009, trước khi đi nhận nhiệm vụ trưởng phái đoàn đại diện Libya tại LHQ, tôi cùng với chánh văn phòng của Qaddafi- ông Bashee'r Saleh đến trang trại của "lãnh tụ" ở Bengazi. Chúng tôi cùng duyệt lại các hiệp định và hiệp ước quốc tế mà Libya đã ký, đồng thời thoả thuận về việc Thủ tướng Italia - Berlusconi thăm Libya.

Sau đó, khi tôi và Saleh cùng ăn mì với nhau, ông này có vẻ bất bình và giận dữ. Tôi hỏi vì sao, thì Saleh nói: "Ông chủ của anh sắp tự tuyên bố là hoàng đế của các vị vua châu Phi". Tôi hỏi lại: "Hoàng đế của các vị vua nào?". Đáp: "Của các vị vua châu Phi". Saleh có vẻ rất phiền muộn nói thêm: "Ông ấy thông báo cho tôi là ông ấy đã chuẩn bị sẵn vương miện, hoàng bào, nhẫn đế vương và sẽ công bố lên ngôi hôm nay hoặc ngày mai. Đúng là thảm họa!".

Tôi nói: "Tôi không tin có chuyện này. Để tôi đi nói lại với ông ta xem sao". Saleh can: "Anh đừng mất công làm việc ấy. Ông ta đã nói với tôi rằng ông ta "là một người chưa từng có trong lịch sử, không thể khuyên răn ông ta được"! Qaddafi đã khẳng định với tôi rằng: Chính người châu Phi đã tôn vinh tôi. Họ thông thái hơn anh chứ. Tôi sẽ đội vương miện và cả thế giới sẽ thấy tôi là vua của các vị vua. Tôi là nhân vật chưa có tiền lệ". Tôi lại nói với Saleh: "Anh đùa đấy à?". Ông ấy đặt cả bàn tay lên trán và khẳng định: "Ông anh ơi, chuyện thật trăm phần trăm đấy".

Tôi lại hỏi: "Vậy anh đã nói gì với Seif al-Islam chưa?". Đáp: "Rồi, và Seif al-Islam sốc đến phát khóc lên!". Tôi vẫn nói: "Cứ để tôi đi nói với ông ta. Ông ấy đang ở lều gần đây mà". Saleh cảnh báo: "Đừng có đi. Ông ấy sẽ khiển trách anh cho mà xem". Tôi nói: "Đây là chuyện hệ trọng và làm xấu tất cả chúng ta". Saleh nói: "Tôi bất lực rồi. Cả anh cũng vậy". Tôi vẫn chưa chịu, nói: "Vậy giải quyết thế nào?". Đáp: "Với ông này, không thể giải quyết gì hết!". Tôi nói: "Người Italia nhận xét về Qaddafi là một người ruột để ngoài da; giống như quả dưa hấu khi lột vỏ rồi thì bên trong có gì thấy hết". Saleh buồn và giận chỉ vì ông ấy quá yêu mến Qaddafi.

Thế rồi chúng tôi đã phải chứng kiến Qaddafi trong bộ dạng như thế (vua của các vị vua). Toàn thể người Libya đều bị sốc và mất hết hi vọng vào Qaddafi, bởi ông ta đã trở thành một người bất bình thường, một người bệnh hoạn, một người điên, một kẻ ăn mặc kỳ quái! Khi ông ấy tuyên bố mình là vua của cả châu Phi, tôi đã nghe rầm rì trong số người gần gũi với ông ta là họ sẽ làm gì đó chống lại ông ta, thậm chí trước cả cuộc chính biến ở Tunisia nữa!

Trần Thanh – số 53
.
.
.