Mỹ giận Anh vì London bí mật giúp Tổng thống Libya

Thứ Tư, 16/03/2011, 10:04
Trong khi Mỹ không ngại đưa tàu sân bay cùng các loại vũ khí tối tân từ Địa Trung Hải áp sát Libya đồng thời tuyên bố đang cân nhắc việc can thiệp vào tình hình chính trị rối ren tại nước này thì mới đây, chính phủ của Thủ tướng Anh Cameron đang hết sức bối rối khi nhiều nguồn tin cho thấy, chính vì việc bảo vệ quyền lợi của Anh đã góp phần tạo nên sự đàn áp mạnh tay với các cuộc nổi dậy tại Libya - ChinaPost đưa tin.

Khi quyền lợi của Anh ở Libya quá lớn

ChinaPost nhấn mạnh, mối quan hệ gắn bó khăng khít về an ninh và giao thương vũ khí giữa Anh với Libya và Bahrain đang trở thành tâm điểm của "búa rìu" dư luận phương Tây thời gian qua. Nhiều nguồn tin cho rằng, những bình xịt hơi cay và gậy chuyên dụng mà lực lượng an ninh Libya đang sử dụng có nguồn gốc từ Anh.

George Joffe, một chuyên gia về Trung Đông tại ĐH Cambridge nhận định, nhiều thập kỷ nay, Chính phủ Anh luôn đặt lợi ích thương mại lên hàng đầu trong mối quan hệ phức tạp với Libya. "Đó là kiểu quan hệ mạo hiểm. Nếu chỉ biết đến lợi ích kinh tế mà không cân nhắc cẩn trọng, sẽ có một ngày bạn phát hiện ra rằng, mình đang chơi với lửa"- ông Joffe nhấn mạnh.

Giống như Mỹ, Chính phủ Anh và Libya từng có quan hệ không mấy êm đẹp. Minh chứng cho mối quan hệ đó là vụ việc năm 1984, một nữ cảnh sát bị sát hại trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình bên cạnh Đại sứ quán Libya tại London. Nhiều nhân chứng khẳng định, nạn nhân bị bắn từ trong sứ quán. Tuy nhiên, thủ phạm không bị bắt. Các nhân viên Đại sứ quán Libya nhờ luật miễn trừ ngoại giao và rời khỏi Anh an toàn.

Tàu sân bay của Mỹ đã áp sát Libya.

Ngoài ra, vụ công dân Libya đánh bom máy bay dân dụng của hãng Pan Am tại Scotland vào năm 1988 cũng cho thấy sự "trắc trở" trong quan hệ London - Tripoli. Tuy nhiên, mối quan hệ đó bỗng "quay ngược 180 độ" vào năm 2003 khi ông Gaddafi chấp thuận từ bỏ các nỗ lực nhằm sở hữu vũ khí sinh học, hóa học và hạt nhân, đồng thời đền bù cho các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom máy bay hàng tỷ USD.

Chưa hết, chuyến thăm của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vào năm 2004 chính thức đánh dấu sự khởi sắc trong quan hệ Anh - Libya. Thậm chí, London còn ca tụng Tripoli là đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống lại Al- Qaeda.

Ba năm sau đó, ông Blair tiếp tục công du Libya nhân dịp ông Gadhafi đồng ý mua tên lửa và hệ thống phòng không của Anh, đồng thời cho phép tập đoàn dầu mỏ BP của Anh khai thác khí tự nhiên tại Libya.

Theo ChinaPost, để tạo điều kiện thuận lợi cho BP ký hàng loạt hợp đồng béo bở tại Libya, Chính phủ Anh từng "nhắm mắt làm ngơ" để Tripoli tìm mọi cách giải thoát Abdel Basset al-Megrahi, thủ phạm vụ đánh bom năm 1988.

Ngoài ra, Fawaz Gerges, Giáo sư về chính trị Trung Đông tại ĐH Kinh tế London còn cho biết: "Ông Gadhafi từng tuyệt vọng nhìn chiếc ghế Tổng thống của mình ngày càng mất uy nhưng chính cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã giúp nâng cao tính hợp pháp của chiếc ghế đó". Ngoài ra, giới truyền thông Anh còn cho hay, ông Gadhafi từng tham gia huấn luyện một khóa về quân sự của Anh. Trong khi đó, hơn 100 quan chức quân sự của Bahrain cũng được đào tạo tại Anh trong vòng 5 năm qua.

Không chỉ vậy, báo cáo của Chính phủ Anh trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2010 cho thấy, London từng xuất khẩu "hàng tá" vũ khí cho Libya, trong đó có bình xịt hơi cay, đạn chuyên dụng để kiểm soát đám đông và máy ngắm laser.

Washington "đánh động"

Các nhân viên CIA tại Libya thời gian gần đây đã thu thập được nhiều chứng cớ London đứng đằng sau ủng hộ Tổng thống Gadhafi đã khiến Mỹ rất tức giận. Vốn là anh em hữu hảo từ lâu, Mỹ không muốn trực tiếp lên án mà chỉ đánh động một cách nhẹ nhàng.

"London không nên quá đắm đuối với những quyền lợi ở đây trong lúc này, tốt hơn hết là họ hãy ủng hộ Mỹ và LHQ…" - một quan chức ngoại giao Mỹ lên tiếng. Trước sự nghi ngờ ngày càng gia tăng của dư luận, Chính phủ Anh mới đây vội vã rút lại 50 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Bahrain và Libya.

Dù bằng mặt mà không bằng lòng nhưng trước sức ép của Mỹ, mới đây, Anh và Pháp tỏ ý ủng hộ kế hoạch thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Thậm chí Thủ tướng David Cameron còn cân nhắc cử binh sĩ Anh tới Libya với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình.

Trong vấn đề Libya hiện nay, Anh vẫn giữ thái độ trung lập, không như các vấn đề rối ren ở Ai Cập, Tunisia. Mới đây, khi LHQ, Mỹ, nhiều nước châu Âu với mong muốn phong tỏa tài sản của ông Gaddafi ở nước ngoài thì Anh chỉ giữ thái độ lặng im. Theo nhiều nguồn tin, hàng tỷ USD của các thành viên gia đình Gaddafi cũng đang bí mật nằm tại hệ thống ngân hàng Anh

Lai Nguyên (theo China Post, AP) – CSTC tuần số 49
.
.
.