Tội phạm được đối xử như ở thiên đường

Na Uy: Sau vụ khủng bố 22/7 khung hình phạt đang được xét lại

Chủ Nhật, 07/08/2011, 16:14
Trong bài "Nhà tù-thiên đường" mà CSTC từng đăng đề cập về nhà tù tự do nhất thế giới ở Na Uy. Nơi đây không có hàng rào, song sắt; không luật lệ hà khắc… nhưng tù nhân cũng chẳng hề bỏ trốn. Khung hình phạt nặng nhất cũng chỉ 21 năm, thường thì tù nhân được tự do sau 7 năm giam giữ. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố và xả súng hôm 22/7 gây thiệt mạng gần 100 người ở nước này thì vấn đề an ninh đang được các nhà chức trách đề nghị kiểm soát gắt gao hơn và khung hình phạt cũng tăng lên…

Thiên đường ở trần gian

Đất nước Bắc Âu nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và người dân không thấy có lý do phải tự bảo vệ mình. Nhưng tất cả đã thay đổi khi chỉ trong một ngày, Na Uy chìm trong hai vụ khủng bố đẫm máu mang tính lịch sử.

Vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo nhằm vào các cơ quan đầu não của chính phủ và đặc biệt là vụ xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng gần 100 người có thể được coi là vụ 11/9 của Na Uy. Kể từ Thế chiến II, đất nước thanh bình ở Bắc Âu này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự.

Sự bình yên trong suốt một thời gian dài của Na Uy không phải vì nước này giỏi trong việc tự bảo vệ mình, mà phần nhiều là do chính sách của nước này tránh xa các cuộc xung đột quốc tế. Dù là thành viên của khối quân sự NATO từ lâu, quốc gia Bắc Âu này gần đây mới bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Libya.

Chính sách đối ngoại ôn hoà truyền thống của Na Uy nhìn chung không khiến cho nước này có nhiều kẻ thù. Các nhà ngoại giao Na Uy trước đây thường nói rằng, việc đánh bắt và kinh doanh thịt cá voi chính là vấn đề gây tranh cãi duy nhất của nước này khi họ tiếp xúc cộng đồng quốc tế.

Xã hội Na Uy hoàn toàn cởi mở với các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau và vấn đề an ninh tại đây từng được nhiều người nước ngoài mơ ước. Các thành viên trong Hoàng gia Na Uy thường tự do đi lại với sự hỗ trợ rất hạn chế của lực lượng an ninh tại các thành phố cũng như trong các kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc vùng đồi núi.

Đa phần những thông tin cá nhân của người dân Na Uy cũng để mở nên hầu như hiếm người có địa chỉ hay số điện thoại bí mật. Chỉ cần mở các danh bạ trực tuyến là có thể tìm thấy những đường dẫn cung cấp cả ảnh chụp vệ tinh ngôi nhà và địa chỉ chính xác một người nào đó đang sống. Trên đó còn có chứa đựng chi tiết về địa chỉ email và nơi làm việc của họ.

Na Uy cũng là đất nước mà các chính trị gia, doanh nhân hay ngôi sao giải trí hàng đầu không ngại in số điện thoại và địa chỉ cá nhân ngay trên danh thiếp của mình. Ngay cả lương bổng và tài sản của họ cũng được cơ quan thuế công bố mỗi năm một lần và chúng có thể xuất hiện dày đặc trên các báo.

Xã hội cởi mở và an toàn của Na Uy còn được thể hiện qua việc người dân có thể sử dụng phương tiện tìm kiếm trực tuyến để tìm hiểu vấn đề tài chính của bạn bè hay thậm chí là hàng xóm của mình. Các hộp thư không khoá đặt bên ngoài mỗi ngôi nhà và các kê sao ngân hàng hay hồ sơ y tế thường được đặt vào đây mà không lo có ai tọc mạch.

Đối với thế giới bên ngoài, cách sống cởi mở của người dân Na Uy có thể bị coi là quá "thật thà" trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Song… đang bị đánh cắp

Nhưng theo nhiều người, cho đến trước vụ khủng bố kép đẫm máu ngày 22/7 vừa qua, người dân Na Uy vẫn không thấy có lý do gì để phải có biện pháp tự bảo vệ mình.

Biểu tượng Hòa bình bị đánh cắp vì vụ khủng bố hôm 22/7.

Cũng giống như Thụy Điển trước vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme năm 1986, người dân Na Uy thường phản đối những lời kêu gọi đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường an ninh ở trong nước. Theo BBC, đối với người Na Uy, sống trong một xã hội mở không chỉ là một đặc ân mà còn là lời tuyên bố đối với thế giới rằng, đó chính là nơi cho thấy, mọi người có thể sống trong hoà bình như thế nào.

Năm 1993, người phụ trách xuất bản tập sách gây tranh cãi Những vần thơ quỷ Satăng (The Satanic Verses) của Salman Rushdie là William Nygaard bị bắn trọng thương bên ngoài nhà riêng ở thành phố Oslo, sau khi Đại giáo chủ Iran Khomenei ra sắc lệnh Hồi giáo chống lại người đàn ông Na Uy này vì tội cho xuất bản tập sách mà họ coi là "báng bổ tôn giáo".

Sự kiện trên đã phần nào đánh động đến những vấn đề an ninh của Na Uy, nơi vốn tự hào về sự thanh bình. Vụ khủng bố kép ngày 22/7 cũng sẽ có tác động tương tự nhưng trên quy mô hoàn toàn khác. Quan điểm về nguy cơ mất an ninh của Na Uy có thể sẽ thay đổi nhanh chóng và toàn diện. Nói cách khác, nếu những kẻ tấn công âm mưu đánh cắp cuộc sống thiên đường ở Na Uy thì chúng đã thành công.

Sau vụ khủng bố, giới chuyên gia nhận định, các nhà chức trách Na Uy sẽ không để quốc gia Bắc Âu này bay bổng trên thiên đường nữa mà đưa trở lại mặt đất: vấn đề kiểm soát riêng tư cá nhân sẽ chặt hơn, vận chuyển các chất hóa học, vũ khí sẽ bị giám sát gắt gao hơn, và khung hình phạt với các tù nhân sẽ không còn "phá luật" như trên, ít nhất cũng phải đưa về khung của châu Âu, duy trì án tù chung thân và nhà tù không còn là thiên đường cho các tội phạm nguy hiểm

Trường-Minh (theo BBC, AFP) – CSTC tuần số 69
.
.
.