Năm 2010 và những kế hoạch tấn công nước Mỹ

Thứ Tư, 09/02/2011, 17:31
Nếu coi vụ al-Qa'eda tấn công vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 là cái mốc trực tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh chống khủng bố có quy mô toàn cầu do Mỹ phát động, thì sau hơn 9 năm từ sự kiện ấy, những âm mưu khủng bố của al-Qa'eda nhắm vào nước Mỹ thậm chí còn tăng lên về mặt số lượng và có tính chất rất phức tạp.

Riêng năm 2010 đã ghi nhận cụ thể nhiều âm mưu có thật; trong đó, một số vụ đã được triển khai thực hiện và chỉ bất thành vì những lý do kỹ thuật. Có thể điểm lại các vụ ấy theo trình tự thời gian từ gần nhất trở về đầu năm như sau:

Âm mưu khủng bố bằng "bom bưu kiện":

Đêm 29/10, đích thân Tổng thống Barack Obama thông báo việc đã phát hiện thuốc nổ trong các kiện hàng trên hai chuyến máy bay đang trên đường từ Yemen đến Mỹ. Thông tin từ phía các giới chức Mỹ nói rõ địa chỉ nhận hai kiện hàng này là các cơ sở của Do Thái giáo tại Chicago. Còn người gửi là "một người duy nhất từ Yemen". Máy bay của hãng hàng không vận tải bưu kiện phát chuyển nhanh UPS và FidEx của Mỹ chở hai kiện hàng có chất nổ này. Thông tin cho rằng đây là một kế hoạch khủng bố của al-Qa'eda ở Yemen.

Tối 29/10, Hàng không dân dụng Emerates thông báo đã phát hiện một kiện hàng khả nghi đến từ Yemen đang trên đường tới Mỹ trong một chuyến bay của hãng phát chuyển nhanh UPS. Kiện hàng này sau đó đã được khẳng định là một khối thuốc nổ nguỵ trang trong bưu kiện.

Cùng thời gian trên, giới chức an ninh của Anh phát hiện một bưu kiện khác có chất nổ trên một máy bay của hãng FidEx tại sân bay East Midlans gần thành phố Nottingham ở miền Trung nước Anh.

Chiều ngày 30/10, Thủ tướng Anh - Devid Cameron nói bom bưu kiện tìm thấy tại sân bay East Midlans trước khi được chuyển tới Mỹ đã được cài đặt để phát nổ ngay trên máy bay. Sau đó còn có tin là khối thuốc nổ nguỵ trang trong bưu kiện này đã được hẹn giờ và chỉ bị vô hiệu hoá tại sân bay nói trên trước khi phát nổ 17 phút! Điều này có nghĩa là nếu chuyến bay không bị đình hoãn để khám xét, quả bom nguỵ trang này sẽ nổ tung khi đang bay trên không phận Đại Tây Dương.

Thông tin này càng được minh chứng khi người ta biết địa chỉ nhận hai bưu kiện có bom ghi hai cơ sở Do Thái giáo ở thành phố Chicago (Mỹ), nhưng tên của hai người nhận thì đều không có thật. Đây là tên hai nhân vật lịch sử nổi tiếng bởi những hành động giết hại người Arab và Hồi giáo từ mấy trăm năm trước. Nhân vật thứ nhất là một điều tra viên nổi tiếng tàn bạo với người Hồi giáo trong khi thừa hành nhiệm vụ cho các toà án của Tây Ban Nha.

Nhân vật thứ hai là một kỵ sĩ trong chiến dịch Thập Tự chinh lần thứ 2 (đầu thế kỷ XII), nổi tiếng về giết chóc man rợ người Hồi giáo khi họ đang trên đường hành hương đến Mecca. Việc ghi tên hai người nhận không tồn tại này chứng tỏ hai bưu kiện chứa bom ấy không phải muốn được gửi tới tay người nhận, mà nó sẽ phát nổ trên đường vận chuyển, trước khi đến Chicago.

Nhân chuyện phát hiện bom bưu kiện ngày 29/10, người ta lật lại vụ máy bay B747-400 của hãng phát chuyển nhanh UPS bị nổ tại Dubai ngày 03/9 trong năm và có giả thiết cho rằng nguyên nhân của vụ này chính là bom bưu kiện.

Theo tài liệu bóc gỡ ghi âm của hai hộp đen thu được từ chuyến bay xấu số, cho thấy: Chiếc máy bay bị nạn đã cất cánh từ một sân bay quân sự gần sân bay quốc tế Dubai vào hồi 7h30 ngày 03.9 và lượn ở độ cao 4.000 bộ thì chuông báo động có cháy ở khoang chở hàng.

Có những bằng chứng âm thanh cho thấy khoang lái đã bị khói đen tấn công khiến tổ lái không thể điều khiển máy bay tiếp đất an toàn trong điều kiện hạ cánh khẩn cấp tại một khu vực sa mạc gần sân bay. Việc tiếp đất không chuẩn là nguyên nhân trực tiếp làm cho máy bay nổ tung. Nhưng vì sao có cháy tại khoang chở các bưu kiện thì vẫn chưa kết luận được. Hàng không Emerates luôn khẳng định "không có bằng chứng về một vụ nổ nào trước khi máy bay tiếp đất". Nhưng sau vụ phát hiện 'bom bưu kiện" ngày 29.10, hãng hàng không này phải tiếp tục cùng các giới chức Mỹ điều tra để xác định nguyên nhân có cháy ở khoang chở bưu kiện của chuyến bay xấu số ngày 03.9 ấy.

Ngày 05/11/2010, tổ chức Qa'eda tại bán đảo Arab đã phát tuyên bố trên internet nhận trách nhiệm đã gửi hai bưu kiện bom mới bị phát hiện tại Anh và Dubai ngày 29.10 vừa qua. Tuyên bố này đồng thời cũng nhận trách nhiệm đã gây ra vụ nổ máy bay của hãng UPS (Mỹ) khi phải hạ cánh bắt buộc xuống một sân bay quân sự tại Dubai ngày 03.9 vừa qua.

Tuyên bố này nói rõ al-Qa'eda đã cho nổ một bưu kiện trên chuyến bay UPS nói trên, "nhưng vì kẻ thù không coi vụ ấy là của chúng tôi, nên chúng tôi lại có thể làm một lần nữa bằng việc gửi hai bưu kiện bom khác, một trên máy bay của hãng UPS và một của hãng FidEx". Tuyên bố này nói nếu hai bưu phẩm trên phát nổ thành công thì sẽ nhân rộng kinh nghiệm này cho "các chiến binh trên toàn thế giới và sẽ mở rộng phạm vi đến các chuyến bay vận tải dân dụng và máy bay chở khách của phương Tây".

Ngày 21/11/2010, al-Qa'eda tại Yemen lại tung tin công khai trên internet về hai "chiến dịch bom bưu kiện" mà tổ chức này nhận là đã tiến hành ngày 03.9 và 29.10 trong năm. Thông tin trên cũng nói mục đích của chiến dịch bom bưu kiện này chỉ là "phá hoại kinh tế" nhắm vào hoạt động hàng không của Mỹ và phương Tây. Riêng chi phí cho các bưu kiện cài bom trong hai vụ này chỉ tốn 4.200 USD. Tin này giải thích: Chỉ với chi phí ít ỏi mà chiến dịch bom bưu kiện đã gây cho "kẻ thù" những tổn thất cả nhân mạng và kinh tế đáng kể.

Tin này tính cụ thể: Riêng vụ 03/9, "kẻ thù" đã mất một máy bay boeing 747 của hãng UPS bị phá huỷ và toàn bộ phi hành đoàn 5 người thiệt mạng. Còn vụ 29.10 thì tuy chưa thành công nhưng đã khiến hệ thống an ninh của Mỹ và Tây Âu náo loạn, buộc phải tiêu tốn hàng triệu USD cho các hoạt động điều tra và phòng ngừa! Ngoài ra, chỉ với chi phí nhỏ như thế nhưng đã gây tâm lý hoang mang, khiến kẻ thù phải sợ hãi kéo dài hàng tháng trời. Đó là một chiến dịch có lãi cao! Thông báo này còn đe doạ: "Sẽ tiếp tục các đòn đánh vào Mỹ, để một trong những đòn ấy có thể giết chết hàng ngàn người và gây ra những thiệt hại kinh tế khủng khiếp".

Theo các giới chức Mỹ và Saudi Arabia ngày 05/11/2010: Hồi đầu tháng 10 năm nay, tình báo Vương quốc Saudi đã thông báo cho Mỹ về một âm mưu khủng bố dùng một hoặc hai máy bay. Thông báo này đến trước ba tuần so với vụ phát hiện hai bưu kiện gây nổ ngày 29/10.

Trước khi có thông báo của Saudi Arabia, hồi giữa tháng 9, giới chức an ninh Mỹ đã ngăn chặn hàng loạt bưu kiện, gồm các loại sách, giấy tờ, đĩa nhạc, đồ dùng gia đình… được gửi từ Yemen tới Chicago. Sau đó, phía Mỹ cho rằng việc gửi hàng loạt bưu phẩm nói trên là "một cuộc tập dượt" của al-Qa'eda tại Yemen để nếu thấy "hiện tượng bưu kiện" này không bị phía Mỹ "quan tâm", thì sẽ có bom nguỵ trang theo đường bưu kiện ấy. Mỹ cho rằng đây là những nỗ lực tiếp theo của al-Qa'eda tại Yemen sau vụ gây nổ khủng bố bất thành trên chuyến bay đến thành phố Diteroit ngày 25/12 năm 2009.

Một kế hoạch đánh bom tại Washington DC:

Sáng sớm ngày 28/10/2010, Bộ Tư pháp Mỹ công bố về việc bắt giữ một người Mỹ gốc Pakistan về tội đã lên kế hoạch khủng bố nhằm phá hoại hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô nước Mỹ. Công bố này nói kẻ bị bắt là Farouq Ahmed, 34 tuổi, định cư tại ngoại ô Virginia (gần Washington DC) đã tiến hành thị sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hệ thống tàu điện ngầm của Washington DC để chuẩn bị đánh bom liên hoàn phá hoại. Y đã thị sát ba ga tàu điện ngầm tại một khu vực phía nam Washington DC để chuẩn bị cho một kế hoạch trù liệu sẽ thực hiện vào năm 2011.

Công bố này cũng nói Farouq hành động "cùng một số kẻ khác", nhưng không nêu thêm chi tiết. Theo nguồn tin này, việc bắt giữ Farouq nhờ nguồn tin từ một kẻ tự nhận là thành viên của al-Qa'eda đã tự nộp mình và tố cáo vụ việc. Người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ - Robert Gibbs nói Bộ Tư pháp, FBI và cơ quan an ninh quốc gia "đã làm chủ vụ này ngay từ đầu" và việc bắt giữ Farouq đã được báo trước cho Tổng thống Obama.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, tòa án Mỹ đã kết án tù chung thân đối với Faysal Shahazd- cũng là người Mỹ gốc Pakistan, kẻ đã thực hiện vụ cho nổ xe cài bom tại Quảng trường Thời Đại (Times Squere) ở thành phố New York ngày 01/5/2010.

Quảng trường Thời Đại (Times Square) may mắn thoát nổ tung:

Ngày 22/6/2010, Faysal Shah Zad, 30 tuổi, gốc Pakistan, đã công nhận những tội danh do bản cáo trạng của một Toà án khu vực thuộc Toà án Liên bang Mỹ đưa ra trong vụ mưu đồ kích nổ một xe cài bom tại Quảng trường Thời Đại (Times Square) ở trung tâm thành phố New York.

Tại toà, Faysal nói với vị thẩm phán: "Tôi tự coi mình là một chiến binh Hồi giáo". Anh ta đã bình tĩnh trả lời rõ ràng mọi câu hỏi của Toà về mục đích của việc kích nổ chiếc xe cài bom vào ngày 01/5, giữa một quảng trường đông đúc tại trung tâm thành phố lớn nhất nước Mỹ. Y nói rõ đã đặt ba khối thuốc nổ tự tạo trong xe và kích hoạt kíp nổ. Nhưng do bom tự chế mắc lỗi nên không phát nổ như ý muốn.

May mắn là trái bom đã không nổ, mà chỉ xì khói. Một người bán hàng trong khu vực phát hiện khói từ chiếc ôtô đã gọi cảnh sát và chỉ nhờ thế mà thảm họa không xảy ra. Faysal cũng thoát được khỏi hiện trường và ba ngày sau mới bị FBI bắt chỉ vài phút trước khi chiếc máy bay chở y rời sân bay quốc tế John F. Kenedy để tới Dubai.

Chiếc máy bay của Hàng không Emerates đang lăn bánh ra đường băng để chờ lệnh cất cánh thì cơ trưởng nhận được lệnh của FBI phải dừng lại vì trên máy bay có một kẻ bị truy nã. Khi máy bay trở lại vị trí ban đầu, cảnh sát ập lên và tiến đến ghế ngồi của Faysal đọc lệnh bắt giữ. Kẻ bị bắt được đưa ra khỏi máy bay trước sự kinh ngạc của những hành khách còn lại. Cùng thời gian này, tại Pakistan, chính quyền Islamabad cũng tung ra một cuộc bắt bớ nhắm vào khoảng 10 người trong gia đình của Faysal.

Faysal có vợ và 2 con, đã trở về Karachi hồi tháng 8.2009 sau khi bị mất nhà vì không thanh toán nổi tiền trả dần. Sau đó, y trở lại Mỹ vào tháng 2 năm nay. Trong thời gian ở Pakistan, Faysal đã được huấn luyện cách làm bom tự tạo.

Theo điều tra, khoảng một tuần trước, Faysal mua chiếc xe cũ của một người Mỹ cùng sống trong bang Connecticut (gần thành phố New York), trả bằng tiền mặt. Điều tra bảng số chiếc xe cài bom bỏ lại quảng trường giúp tìm được chủ cũ của chiếc xe và từ đó lần ra chủ mới Faysal mua xe mà không chuyển quyền sở hữu. Ông chủ cũ nói Faysal mua chiếc xe Nissan đời 1993 này với giá 1.300 USD. Việc mua bán hoàn toàn thông qua giao dịch trên internet.

Khi khám xét chiếc xe Nissan 1993 bỏ lại tại hiện trường, cảnh sát phát hiện trong đó có các vật liệu gây nổ gồm: 75 lít Probal, một hộp kim loại đựng pháo nổ M88, 113 cân phân hoá học chủ yếu là Urea. Một hộp kim loại nữa cũng chứa pháo nổ M88, 2 can xăng và 2 chiếc đồng hồ hẹn giờ. Bảng số xe đã bị gỡ bỏ từ trước, nhưng nhờ số máy của xe, cảnh sát biết được số đăng ký của chủ sở hữu.

Sau khi xác định được kẻ định gây vụ nổ tại Times Square ngày 01.5 là Faysal, sáng ngày 03.5 tên này đã bị đưa vào danh sách truy nã và cấm bay trên toàn nước Mỹ. Cũng đúng hôm ấy, Faysal định chuồn đi trên chuyến bay 202 của Hàng không Emerates và thiếu chút nữa đã kịp cất cánh rời phi trường John F Kenedy.

Gom tiền cho al-Qa'eda ngay tại "trái tim nước Mỹ":

Báo Kansas City Star ngày 21/5: Al-Qa'eda đang hoạt động ngay trong nước ta theo cách mà chúng ta không biết rõ lắm. Chúng không làm như các nhóm tội phạm khác, mà hoạt động như các tổ chức từ thiện, tổ chức quyên góp tiền bạc để chuyển tới cho tổ chức của Osama Bin Laden. Lời cảnh báo đưa ra sau khi có lời thú tội của Khaled Auzani - người Mỹ gốc Maroc tại Kansas City thuộc bang Missouri, là y đã chuyển 24.000 USD cho al-Qa'eda. Đây là hành động tội phạm loại này lần đầu tiên được phát hiện tại một địa phương nằm sâu trong miền Trung - Tây nước Mỹ, nơi được gọi là Heart Land. Có nghĩa là al-Qa'eda đã cấy người của chúng vào ngay trái tim nước Mỹ.

Auzani đến Mỹ năm 1999 với visa "du học". Năm 2004, chuyển đến Kansas City và được "Thẻ xanh" (Green Card). Y được nhập quốc tịch Mỹ năm 2006 nhờ có hôn thú với một phụ nữ Mỹ gốc Maroc sau khi li dị cô vợ đầu người Maroc. Nhưng sau đó, Sở Di trú Mỹ phát hiện việc kết hôn này là giả mạo.

Auzani sở hữu một cửa hàng bán phụ tùng và ôtô cũ, nhận đã tham gia hoạt động ủng hộ tài chính cho al-Qa'eda từ năm 2007 đến 2008. Auzani đã thuyết phục các quan hệ của mình đóng góp tiền để chuyển tới cho các chiến binh Thánh chiến chống lại quân đội Phương Tây tại Afghanistan, Somali, Iraq và các nơi khác nữa. Y còn vay khoảng 200.000 USD của ngân hàng Mỹ để mua một căn hộ tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Sau đó bán đi, lấy tiền lãi để gửi cho al-Qa'eda.

Để tránh bị phát hiện, Auzani chuyển tiền từ Mỹ đến "trạm" đầu tiên tại UAE. Sau đó mới chuyển đến các tài khoản của al-Qa'eda tại Pakistan, Afghanistan và các nơi khác nữa.Tên này đối diện với án tù lên đến 65 năm và tiền phạt hơn 2 triệu USD.

Theo báo chí Mỹ, chỉ trong vòng một năm qua, có 25 người Mỹ đã bị kết án tham gia vào các kế hoạch hoặc âm mưu khủng bố. Họ đều là người gốc nước ngoài được quốc tịch Mỹ. Nhưng tất cả họ đều định cư tại các thành phố ven biển phía Đông hoặc miền Tây nước Mỹ. Riêng Auzani là trường hợp đầu tiên lọt vào giữa trung tâm nước Mỹ.

Vụ khủng bố (bất thành) máy bay hành khách ngày 25/12/2009:

Ngày 25/12/2009, trên một chuyến bay của hãng hàng không North West Airlines (Mỹ), xuất phát từ sân bay Amsterdam (Hà Lan) sắp hạ cánh xuống sân bay thuộc thành phố Diterroit (Mỹ), hành khách thấy một thanh niên bật hộp quẹt, liền đó có khói bốc lên tại chỗ ngồi của y. Lập tức y bị hành khách cùng các nhân viên an ninh chuyến bay khống chế, bắt giữ. Máy bay hạ cánh an toàn và kẻ tình nghi khủng bố bị điều tra tức thời.

Thì ra y định dùng hộp quẹt để kích hoạt chất nổ nguỵ trang trong đế giày nhằm phá huỷ máy bay cùng toàn bộ hành khách ngay trên bầu trời thành phố Diterroit! Hành khách này, một thanh niên Nigeria tên là Abdu al-Farouq al-Matlab, đã vượt qua được mọi thiết bị kỹ thuật phát hiện tại sân bay Amsterdam của Hà Lan, bởi chất nổ giấu trong đế giày của y. Tên này là con của một cựu bộ trưởng và hiện là chủ ngân hàng giàu có ở Nigeria. Y đã theo học tại một đại học ở London và có biểu hiện tư tưởng Hồi giáo cực đoan nên bị chính quyền Anh từ chối cấp thị thực nhập cảnh trở lại nước này. Cách nay vài tháng, chính cha của y đã từng điện thoại cho nhà chức trách đại sứ quán Mỹ tại Nigeria cảnh báo cần lưu ý con ông, vì ông thấy đáng lo ngại trước quan điểm tôn giáo cực đoan của al-Matlab.

Ngày 29/12/2009, Bộ Ngoại giao Yemen cho biết theo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và di trú của nước này, Abdu al-Farouq al-Matlab đã có mặt tại Yemen trong thời gian từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 12 năm ấy, theo diện thị thực học tiếng Arab tại một trường ở thủ đô Sanaa, nơi mà tên này đã từng theo học trước đó. Chính trong thời gian này, al-Matlab đã được huấn luyện cách thực hiện vụ âm mưu khủng bố trên chuyến bay ngày 25/12.

Trước đó, ngày 28/12/2009, trên một trang mạng của Hồi giáo cực đoan, tổ chức "Al-Qa'eda ở bán đảo Arab" đã nhận trách nhiệm gây ra vụ khủng bố bất thành trên chuyến bay của hãng North West Airlines ngày 25/12.

Theo tin này, vụ 25/12 nhằm trả thù chiến dịch của quân đội chính phủ Yemen được Mỹ hậu thuẫn đánh vào các căn cứ của al-Qa'eda vài ngày trước đó. Tin cũng công nhận al-Qa'eda ở Yemen đã cung cấp cho thủ phạm (Oma'r al-Farouq Abdu al-Matlab, người Nigeria) "loại vật nổ được phát triển cao, nhưng vụ nổ chưa hoàn thành vì lý do khiếm khuyết kỹ thuật".

Thu nạp chiến binh Âu- Mỹ:

Để tổ chức các chiến dịch khủng bố nhắm thẳng vào nước Mỹ, các nhóm al-Qa'eda ở Afghansitan - Pakistan, Yemen, Somali… đều tăng cường tuyển mộ các thanh niên Âu - Mỹ (dù nguồn gốc có thể là Á, Phi và theo Hồi giáo) gia nhập tổ chức của họ.

Ngày 02/8/2010, một thanh niên mới 20 tuổi sẽ ra trước tòa án ở Bắc Virginia vì bị cáo buộc muốn sang Somali để gia nhập tổ chức Thánh chiến Shabab (đã tuyên bố sáp nhập với al-Qa'eda của Osama bin Laden). Để chuẩn bị cho việc sang Somali, người thanh niên này, tên là Zakari Adam đã liên lạc với Anwa'r al-Aulaqi - một giáo sĩ ở Yemen mới bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố quốc tế.

Hồi tháng 6 năm ngoái (2010), tại bang New Jersey (Mỹ) cũng có 2 thanh niên quốc tịch Mỹ bị bắt giữ tại sân bay quốc tế John F Kenedy khi đang thực hiện kế hoạch đi Somali để gia nhập Shabab. Còn có tin nói khoảng 20 thanh niên Mỹ thuộc bang Minnesota đã sang được Somali để tham gia tổ chức Shabab như những chiến binh người nước ngoài. Chẳng những thế, trong số chỉ huy cao cấp của Shabab còn có một công dân Mỹ tên là Oma'r Hamami, người bang Alabama.

Thông tin về việc Shabab tuyển mộ được cả các công dân Mỹ đang gây lo ngại bởi điều này chứng tỏ tổ chức khủng bố có nguồn gốc Somali này đang tham vọng thực hiện các cuộc tấn công kiểu như al-Qa'eda đã làm nhắm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Hiện nay không thể xác định được có bao nhiêu người quốc tịch Mỹ nhưng đã là thành viên của al-Qa'eda ở Yemen?

Vũ khí internet:

Các nhóm al-Qa'eda ở các địa bàn khác nhau, với những thủ lĩnh thế hệ thứ ba trẻ tuổi và có học thức, đang tận dụng kỹ thuật internet để vừa truyền bá hệ tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc, vừa tuyển mộ thành viên mới và phổ biến các kiến thức khủng bố.

Nhân vật nổi tiếng với biệt danh "Bin Laden trên mạng internet" là Anwa'r al-Aulaqi. Nhà thuyết giáo theo khuynh hướng Hồi giáo nguyên gốc này, gốc Yemen mang quốc tịch Mỹ, bị chính quyền Mỹ đưa vào diện truy nã gắt gao nhất và đang hoạt động tại Yemen với sự che chở của dòng tộc. Cha của Anwa'r- ông Nase'r al-Awlaqi là một bác sĩ, từng làm Bộ trưởng Nông nghiệp Yemen. Năm 1960, ông này sang Mỹ du học và sinh Anwa'r năm 1971 tại bang New Mexico.

Thời thơ ấu, Anwa'r sống tại quê nhà, rồi trở lại Mỹ năm 1991 để học tại bang Colorado. Sau đó, Anwa'r trở thành Imam của một giáo đường tại San Diego. Thời kỳ 2001- 2002, ông này làm Imam của thánh đường "Da'r al-Hira" lớn nhất nước Mỹ. Theo tài liệu của Mỹ, 3 trong số 19 kẻ đánh bom tự sát trong vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 đã từng tá túc tại giáo đường do Anwa'r trụ trì. Năm 2002, vị Imam này rời Mỹ. Năm 2006, Yemen bắt giam Anwa'r theo yêu cầu của Mỹ nhưng sau đó đã phóng thích ông này.

Tháng 11/09, sau vụ bác sĩ quân đội Mỹ - thiếu tá Nidhal Malik Hassan (một tín đồ Hồi giáo) xả súng giết chết 13 đồng ngũ và 30 người bị thương tại một căn cứ quân sự ở bang Texas ngày 05 tháng ấy, cơ quan điều tra phát hiện Anwa'r đã có liên hệ e.mail với Nidhal trước khi người này gây án. Trong một tuyên bố với báo giới sau vụ này, Anwa'r công nhận có trao đổi thư điện tử với Nidhal. Trong những thư ấy, Nidhal có tham khảo ý kiến của Anwa'r và được vị Imam này thuyết phục rằng "giết binh sĩ Mỹ không trái với giáo lý và giáo luật của Hồi giáo".

Nhân vật "gián điệp đôi" người Jordani gây ra vụ đánh bom tự sát giết chết 7 sĩ quan CIA tại căn cứ quân sự Mỹ ở Khost (miền đông Afghanistan) hồi cuối tháng 12.2009 cũng đã từng thường xuyên trao đổi qua mạng internet với al-Awlaqi và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của ông này.

Vị Imam mang quốc tịch Mỹ này từ vài năm nay đã sử dụng mạng internet để truyền bá tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc và internet trở thành một phương sách hữu hiệu để thu nạp tín đồ tham gia "Thánh chiến". Qua mạng internet, Anwa'r phổ biến những triết lý hận thù chống Mỹ và đồng minh. Những bài thuyết giảng của Anwa'r trên internet lan toả rất rộng rãi và có sức thuyết phục cao.

Giới chức tình báo Mỹ khẳng định Anwa'r là 1 trong 5 hoặc 6 thủ lĩnh hàng đầu của al-Qa'eda Yemen. Nhân vật này thậm chí còn được coi là "lãnh tụ tinh thần" của mạng lưới al-Qa'eda toàn thế giới. Ngày 02/11/2010, toà án đặc biệt của Yemen xử tội khủng bố đã lần đầu tiên chính thức truy tố (vắng mặt) Anwa'r al-Aulaqi tội danh "thành lập băng đảng vũ trang dưới danh xưng al-Qa'eda để gây tội ác nhắm vào người nước ngoài và nhân viên an ninh nhà nước"

Trần Thanh
.
.
.