Nghị lực của cô bé không tay có đôi chân kỳ diệu

Thứ Hai, 10/10/2011, 14:28
Sinh ra không có cả hai tay như những đứa trẻ khác, em Lê Thị Thắm ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn - Thanh Hóa) đã khiến cả gia đình và họ hàng mất ăn, mất ngủ, hàng xóm dị nghị. Nhưng bằng nghị lực của bản thân, sự động viên giúp đỡ của gia đình, em đã làm được tất cả mọi việc như những đứa trẻ bình thường bằng đôi chân kỳ diệu của mình. Đôi chân diệu kỳ ấy đã thay cho đôi tay khuyết tật của Thắm viết chữ, vẽ tranh, thêu thùa, nhặt rau, nấu cơm giúp mẹ…

Điều kỳ diệu hơn nữa, 7 năm học vừa qua năm nào em cũng là học sinh giỏi, được thay mặt lớp, nhà trường tham dự nhiều kỳ thi viết chữ đẹp của huyện, tỉnh và đoạt giải cao, nét chữ của Thắm đã vinh dự được lưu giữ ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Thắm còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Cô bé kỳ lạ

Một vùng quê thuần nông cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chừng 5km, vẫn những ngôi nhà cấp 4 có mái ngói đỏ nhuốm màu rêu xanh, nằm san sát bên cánh đồng Thanh - Nghệ - Tĩnh thẳng cánh cò bay. Gói gọn những hình ảnh đó trong tầm mắt thì nơi đây tĩnh lặng đến lạ thường. Ấy vậy mà, cách nay 13 năm, vùng quê này đã xôn xao bàn tán về "sự kiện" một cô bé kỳ lạ không có cả hai tay chào đời.

Trong căn nhà cấp 4 mới được sửa sang, chị Nguyễn Thị Tình (mẹ của Thắm) đang bế trên tay cậu con trai thứ 2 kể cho chúng tôi nghe về cái ngày định mệnh hồi đầu năm 1998 ấy. Lấy chồng được một thời gian, chị bụng mang dạ chửa, cũng 9 tháng 10 ngày như bao người phụ nữ khác. Rồi ngày cả gia đình hân hoan chào đón thành viên mới đã đến, nhưng chính hôm Thắm chào đời cũng là ngày chị Tình đau lòng nhất. Chị đã ngất lịm đi khi nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình chỉ là một hài nhi yếu ớt, nhỏ bé và thiếu hẳn đôi cánh tay.

Giờ đây Thắm đã lớn, nhưng mỗi khi nhắc đến ngày đầu tiên được làm mẹ, chị Tình vẫn rưng rưng nước mắt: "Lúc mới sinh, tôi cứ nghĩ Thắm cũng như những trẻ sơ sinh khác, nhưng khi tỉnh lại không thấy cháu đâu, hỏi mọi người chẳng ai nói năng gì, trong tôi đã hoài nghi có chuyện chẳng lành. Cho đến một tuần sau tôi đòi gặp con thì bà ngoại mới bế cháu đến. Nhìn cháu như một cục thịt đỏ hỏn, yếu ớt, lại không có đôi tay, tôi đã ngất đi lúc nào không biết".

Do sức khỏe cháu Thắm ốm yếu, thân hình èo uột nên hai vợ chồng chị Tình, anh Hân (bố Thắm) đã chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con, mong con được khỏe mạnh.

Cứ mỗi lần cho con bú, chị Tình lại khóc, chị khóc đến cạn cả nước mắt, nhiều khi chị đã có ý định tìm đến cái chết nhưng nhìn đứa con tội nghiệp do mình dứt ruột đẻ ra, chị không đành lòng. Cả gia đình dốc sức chăm sóc Thắm, dần dần sức khỏe của Thắm đã hồi phục. Thời điểm đó rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi là không biết vì sao Thắm lại không có tay? Câu chuyện được truyền từ người này sang người khác, rồi cả thôn, xã, ai cũng biết.

Khi biết tin Thắm như vậy, có người cảm thương cho số phận cháu, nhưng cũng có người dị nghị. Mãi sau này khi các cụ cao niên trong làng ngồi với nhau để tìm lại xem trước đây họ hàng nhà Thắm có ai bị dính chất độc da cam không, biết được bà ngoại Thắm từng tham gia chiến trường Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đã bị dính chất độc da cam/dioxin, lúc đó mọi người mới vỡ nhẽ, Thắm bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bà ngoại mình nên mới vậy!

Vì gia cảnh nghèo khó nên bố Thắm phải đi làm ăn xa, mọi công việc từ đồng áng đến lặt vặt trong nhà đều do một tay chị Tình cáng đáng. Dù được mẹ chăm sóc tận tình, nhưng tuổi thơ Thắm cũng không phát triển được như một người bình thường, phải mất gần 2 năm Thắm mới biết trườn, đến năm 3 tuổi mới tập đi và hơn 4 năm sau khi sinh Thắm mới biết đi và nói được rõ ràng. Muốn cho Thắm được bằng bạn, bằng bè, bố mẹ Thắm đã cho con đến lớp khi vừa bước sang tuổi thứ 5. Thắm đã được học chữ, được vui chơi cùng bạn bè, Thắm trở thành một học sinh đặc biệt của Trường Mầm non Đông Thịnh.

"Sao con không có tay như các bạn hả mẹ?"

Thắm viết chữ bằng chân rất đẹp, nét chữ của Thắm đã được lưu lại trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.


Lên 6 tuổi, như bao đứa trẻ khác, Thắm được nhận vào Trường Tiểu học xã Đông Thịnh. Ngôi trường cách nhà hơn 1km, hằng ngày người dân trong thôn chứng kiến một cô bé không có tay đeo một chiếc túi to gấp đôi người tung tăng qua cánh đồng đến lớp. Khi nói về những ngày đầu tiên đưa Thắm đến lớp, chị Tình nghẹn ngào nhớ lại: "Ngày 5/9/2004, tôi đưa cháu đến lớp, lo cho cháu nên đứng ngoài ngóng theo, nhìn những người bạn của cháu nhanh tay đưa bút, vở ra viết bài theo cô giáo, còn nó (Thắm) cứ ngơ ngác nhìn bạn, tôi không kìm được nước mắt".

Chị Tình như chết lặng đi vào một buổi khi Thắm đi học về không chịu ăn cơm mà cứ ngồi khóc. Gặng hỏi mãi Thắm mới mở miệng hỏi lại mẹ: "Sao con không có tay như các bạn hả mẹ?". Câu hỏi đó như đâm trúng tim gan của chị, không biết dỗ dành con ra sao, chị Tình chỉ biết ôm con mà khóc. Thắm còn quá ít tuổi để hiểu được nỗi lòng của người mẹ.

Để an ủi con, mỗi khi ra đồng, chị Tình thường bẻ cho Thắm một que gậy để Thắm tập viết xuống nền đất trên bờ ruộng, có những hôm Thắm dùng ngón chân cái và ngón chân trỏ cắp que gỗ tập viết từ lúc mẹ ra đồng đến khi mẹ về vẫn chưa chịu nghỉ. Thấy Thắm chịu khó, chị Tình đã mua cho con hộp phấn và một chiếc bảng để tập viết.

 Lấy đôi chân làm tay, Thắm miệt mài tập viết từ sáng cho đến tối, viết cho đến khi đôi chân ứa máu vì phấn ăn chân. Chị Tình nhớ lại mà không giấu nổi niềm xúc động: "Hồi mới tập viết cháu chịu khó lắm, thấy vậy gia đình cũng động viên cháu cố gắng nhưng không ngờ mấy tháng sau cháu đã viết được tất cả các chữ trong bảng chữ cái, rồi những phép nhân, chia, cộng, trừ cháu cũng tính được. Cả gia đình vui mừng lắm".

Nghe mẹ nói về mình, Thắm nhanh chân cắp bút, vở ra viết mấy chữ cho chúng tôi xem. Những nét chữ của Thắm rất đẹp, vừa viết Thắm vừa khoe rằng: "Hồi cấp 1 cháu viết còn đẹp hơn bây giờ nhiều, môn Chính tả cháu toàn được điểm 10, lên cấp 2 thầy cô đọc nhanh nên viết xấu hơn chút ít".

"Nét chữ của cháu trong một lần được mời ra Hà Nội thi viết vở sạch chữ đẹp, cháu viết bằng chân đẹp quá nên đã được lưu lại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đó",- lúc này mới thấy nụ cười hiển diện trên nét mặt chị Tình, khi chị tự hào nói về người con khuyết tật của mình.

Cũng nhờ đôi chân kỳ diệu mà rất nhiều lần Thắm đã nhận được nhận bằng khen, giấy khen về nghị lực của huyện, tỉnh đến Trung ương. Tất cả những tấm bằng khen đó đều ghi lại sự miệt mài, quên ăn quên ngủ để rèn luyện đôi chân trở thành đôi tay của một người bình thường.

Kết quả là từ năm học lớp 1 đến lớp 7, năm nào Thắm cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Suốt những năm học qua, ấn tượng về cô học trò nhỏ đặc biệt đối với thầy cô giáo là sự chăm chỉ, học giỏi. Thắm luôn đạt những thành tích cao trong học tập, nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi vở sạch chữ đẹp do trường, huyện, tỉnh tổ chức.

Mở cánh cửa cuộc đời bằng đôi chân

Không chỉ dùng đôi chân của mình viết được những nét chữ đẹp mà nhiều người bình thường khác không làm được, đôi chân Thắm còn làm được nhiều việc khác nữa khiến ai cũng ngạc nhiên và thán phục lúc được chứng kiến em trổ tài.

Khi chúng tôi hỏi: Ngoài dùng chân viết chữ rất đẹp, Thắm còn làm được những việc gì khác nữa không? Cháu Thắm nhanh nhẹn mời chúng tôi vào góc học tập của cháu, với những chồng sách vở được sắp xếp rất ngăn nắp, gọn gàng. Ngồi vào ghế, Thắm nghiêng người dùng chân mở và khởi động chiếc máy tính xách tay mà theo Thắm chiếc máy tính này được một người chú đi xuất khẩu lao động tặng.

Dùng chân cắm dây sạc pin, rồi dây mạng, Thắm vào đọc sách, báo, học những phép tính toán, giao lưu với bạn bè qua yahoo, gmail… Thắm còn dùng chân đánh máy rất giỏi, chỉ mất chưa đầy 30 phút, một trang giấy A4 đã kín chữ. Thắm nói: "Cháu mới tập đánh chữ nên không được nhanh, thường thì cháu dùng máy tính để học cách giải toán, để kết bạn".

Như muốn khẳng định mình, Thắm cúi xuống dùng chân mở ngăn kéo tủ đưa ra bộ đồ gồm vải và kim chỉ. Thật bất ngờ, chân trái "cầm" kim, chân phải "cầm" chỉ, sợi chỉ được luồn qua lỗ kim một cách điêu luyện mà không ít người bình thường phải khó khăn mới làm được như thế. Rồi Thắm nhấc khung thêu có gắn chiếc khăn mùi xoa lên thêu, Thắm thêu rất nhanh, chỉ vài phút sau trên khăn trắng đã hiện lên một bông hoa màu đỏ, xung quanh là những chú ong đang miệt mà hút mật như Thắm đang miệt mài với bộ đồ thêu trên chân mình vậy.

Chị Tình khoe rằng, vào đầu tháng 3 năm ngoái, một lần đi làm đồng về, chị rất xúc động khi thấy Thắm đưa ra một chiếc khăn do chính chân Thắm thêu lên với dòng chữ: "Chúc mừng mẹ nhân ngày mùng 8-3, con mãi yêu mẹ". Và chiếc khăn ấy luôn được chị Tình mang theo bên mình, mỗi khi trên đồng mồ hôi chảy nhiều chị lại đem ra lau. Với chị, chiếc khăn đó là niềm động viên vô cùng lớn mỗi khi mệt mỏi.

Đặc biệt là vào cuối năm 2007, những bức tranh do chính chân Thắm vẽ đã được giải nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hoá tổ chức. Ngoài giờ đến lớp học, về nhà, Thắm giúp mẹ làm vườn, nhặt rau, nấu cơm, trông em. Tất cả những công việc đó, việc nào Thắm cũng làm được như một người bình thường.

Chia tay Thắm, tạm biệt những hình ảnh làng quê mộc mạc, Thắm nhanh chân chạy theo nói thỏ thẻ như khẳng định nghị lực của mình với chúng tôi: "Cháu rất thích học máy tính, sau này lớn lên cháu muốn mình trở thành giáo viên dạy công nghệ thông tin cho những người không may mắn như cháu. Giờ có máy tính rồi, nhất định cháu sẽ thực hiện được ước mơ của mình". Nghị lực, sự dũng cảm vươn lên trước số phận nghiệt ngã của Thắm rất đáng khâm phục, mong sao Thắm có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ của mình

Hoàng Bảo Yên – số 53
.
.
.