Ngược gió ngày về

Thứ Hai, 27/04/2009, 17:00
Có ai đó đã nói rất đúng rằng, người đàn bà sẽ vụt trở nên rực rỡ và quyến rũ như một quyền lực bí ẩn khi họ được thực hiện chức năng thiên bẩm mà Thượng đế chỉ ưu ái dành cho riêng họ, chức năng đầy đủ nhất của một người đàn bà. Bởi thế, khi phạm tội, không giống như đàn ông, họ không chỉ phải trả giá bằng bản án tù mà còn bằng cả việc phải tự tước đi cơ hội được làm một người đàn bà đích thực.

Người đàn bà thứ nhất

Tôi đến Trại giam số 5 Thanh Hoá vào một ngày đông giá lạnh. Trại nằm lọt thỏm giữa bốn bề toàn núi với rừng nên gió cứ hun hút như đuổi theo người, buốt thấu xương. Đã 7 giờ sáng mà ở nơi núi rừng heo hút này, sương vẫn buông mờ trên những ngọn núi, hai người chỉ đứng cách nhau vài bước chân mà có khi không nhìn rõ mặt. Ngày đầu tiên đến trại, tôi dậy sớm hơn cả các phạm nhân, chỉ đơn giản là vì muốn chứng kiến tận mắt cuộc sống ở nơi này từ ban mai đến đêm tối.

Trên con đường còn ướt đẫm sương dẫn từ khu giam nữ đến xưởng thêu, nơi họ làm việc, tôi lặng lẽ đứng nhìn từng đoàn nữ tù đi ngang qua. Tất cả đều mặc áo sọc, đều cắp nón bên tay, giống nhau đến độ khó phân biệt, nhất là trong một buổi sáng mờ sương như thế.

Nhưng Yến làm tôi chú ý đặc biệt vì dáng người quá bé nhỏ và gương mặt khắc khổ. Xưởng thêu nằm nương sau rặng cây, đèn thắp sáng trưng. Dưới ánh đèn, gương mặt cô trở nên hồng hào hơn nhưng vẫn u buồn. Dưới những ngón tay bé nhỏ, khéo léo, bức tranh thêu hình như đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Làng mạc, bến sông đã hiện ra rõ mồn một. Lại thấy có cả con thuyền đứng cắm sào chờ đợi. Yến bảo, mỗi bức tranh như vậy, bây giờ cô chỉ thêu mất chừng hai tuần là xong. Sau gần 3 năm ở trại, tay nghề thêu của cô đã đạt trình độ cao.

"Thế bao giờ thì em mãn hạn tù?", tôi đã lặp lại câu hỏi quen thuộc ấy với nhiều người đàn bà mà tôi đã gặp ở trong tù và câu trả lời của họ bao giờ cũng làm tôi đau thắt: "Còn lâu lắm chị à, án của em những 18 năm". Rồi cô bỗng thoáng cười, hai bàn tay đan vào nhau ngượng nghịu: "Buồn cười lắm chị à, án dài thế mà lúc nào cũng mơ tưởng tới ngày về. Nhất là những khi thêu các bức tranh có khung cảnh làng quê như thế này là nhớ nhà da diết".

Tôi hỏi: "Ở nhà còn ai không?". "Chỉ còn có mỗi bà nội thôi. Bà nuôi em từ bé mà em chưa nuôi bà được ngày nào. Có nghề thêu được học trong trại, sau này về em sẽ mở xưởng ở nhà, làm lấy tiền nuôi bà". "Thế còn chồng con thì sao?". Tôi hỏi và Yến bỗng bật khóc rưng rức. Gương mặt đang bừng sáng lên bởi những ước mơ giản dị của cô chợt tối lại khi nhắc đến các con. Đôi bàn tay bé nhỏ của cô ngưng lại giữa khung thêu, run lên bần bật: "Cả hai cháu đều ở trong này rồi. Nó theo em vào đây từ khi còn ẵm ngửa. Sống ở nhà trẻ ngoài khu giam, chỉ cách mẹ có một đoạn đường, độ vài chục bước chân mà em không chăm sóc được".

Thì ra, Yến trông người bé nhỏ thế mà đã là mẹ của hai đứa trẻ, một gái một trai. Nhà cô vốn ở làng Kim Giang, gần Ngã Tư Sở, Hà Nội. Cha mẹ bỏ nhau từ bé, cô ở với bà nội. Học xong phổ thông, bà cũng gom góp được chút tiền cho cô đi học nghề uốn tóc để mai này có nghề nuôi thân. Nhưng rồi chưa học xong nghề thì cô đã lấy chồng. Chồng cô nghiện oặt xà lai, ngày không đốt vào ma tuý vài trăm nghìn là y rằng lên cơn vật, sùi bọt mép như người sắp chết đến nơi.

Cô sinh bé trai đầu lòng xong, chả nghề ngỗng gì mà tiền thì cần nhiều như thế nên bắt đầu bước vào con đường buôn bán chính cái thứ đã huỷ hoại chồng cô. Trở thành đại lý bán lẻ ma tuý, cô kiếm được nhiều tiền hơn nhưng không thể trở nên giàu có được vì bao nhiêu cũng chưa đủ cho chồng cô hít. Ít lâu sau cô bị bắt quả tang khi đang bán một lượng lớn heroin cho con nghiện tại nhà.

Cô bị xử 18 năm tù giam. Khi ấy bé trai đầu lòng mới chưa đầy ba tuổi và trong bụng cô lại một đứa con nữa đang hoài thai. Cô sinh bé gái thứ hai ngay trong những ngày tạm giam tại Trại giam Hoả Lò, Hà Nội. Khi ấy, chồng cô cũng bị bắt vì ma tuý. Hai đứa trẻ trở nên bơ vơ, không người nuôi dưỡng. Vì chính sách nhân đạo, Nhà nước cho cô được mang con theo khi thi hành án. Các con cô cũng như tất cả những đứa trẻ cùng hoàn cảnh khác sẽ được Trại nuôi dưỡng ở một khu riêng, trong khuôn viên của Trại.

Cô bảo rằng, có lẽ mãi sau này cô sẽ không bao giờ quên được cái buổi chiều mùa đông ấy khi ba mẹ con cô được chuyển từ Hỏa Lò về đây. Hôm ấy cũng rét buốt như hôm nay. Cô dắt đứa lớn trong tay, ẵm đứa nhỏ trong lòng. Ba mẹ con mặc mấy lần áo ấm mà vẫn tím tái vì lạnh. Phần do thời tiết khắc nghiệt. Phần do những tái tê trong lòng. Cô đưa con về nhà trẻ, nơi nuôi dưỡng tập trung, tận mắt nhìn thấy cuộc sống đủ đầy của những đứa bé ở nơi này mà vẫn thấy xót xa.

Không phải cô sợ con khổ vì cô hiểu tấm lòng nhân hậu của những cán bộ trại giam. Nhưng cô dằn vặt, đau đớn vì cô sinh ra các con mà lại tự tước đi cơ hội được chăm sóc chúng. Những ngày mới đến trại, cô hầu như không ngủ được, đêm nào cũng thức chong chong, chỉ mong trời mau sáng để được đi làm, ngang qua nhà trẻ, được nghe tiếng con khóc, tiếng con cười. Mỗi tuần, Trại cho mẹ con được gặp nhau, được ở với nhau một ngày. "Nhưng gặp con mà chả có quà gì cho con, thương lắm chị à". Yến cười mà mắt ngân ngấn nước. Bao lâu nay, Yến hầu như không có ai thăm nuôi tiếp tế, làm gì có quà gì mà cho con.

Sau bao lầm lỗi và sự trả giá đớn đau, cô mới ngộ ra một lẽ tưởng chừng như rất đơn giản ở đời. Rằng, đối với người phụ nữ, khi phạm tội, ngoài sự trừng phạt của pháp luật sẽ còn phải chịu một sự trừng phạt khác, có khi còn đớn đau hơn - đó là sự đổ vỡ của hạnh phúc, là sự bất lực cay đắng trước thiên chức làm mẹ.

Rồi cũng đến ngày cô được ra trại, nhưng những ngày đó cũng sẽ giày vò đau đớn cô. Bởi lúc đó có thể nhan sắc cô đã tàn phai, da thịt cô đã héo hon, đôi mắt cô đã u buồn. Bởi lúc đó có thể người đàn ông của cô đã đổi thay sau bao năm tháng cách xa. Bởi có thể cô cũng chẳng được sống cùng với cả hai đứa con của cô. Với một người đàn bà bình thường, cuộc sống cũng đã nhiều bất trắc. Nhưng với một người đàn bà ở vào hoàn cảnh như Yến thì sự bất trắc còn biết đến đâu.

Người đàn bà thứ hai

Nhưng dù sao thì Yến cũng vẫn còn được ở gần con. Vì thế, cô cũng còn hạnh phúc hơn Niên, một người tù khác mà tôi đã gặp ở Trại giam tỉnh Tuyên Quang. Không khắc khổ như Yến, Niên trắng trẻo, cao ráo và rõ là người đàn bà có nhan sắc. Khi tôi gặp Niên, cô đã ở tù 4 năm nhưng da vẫn trắng, môi vẫn hồng, lại điểm thêm chút phấn son nên trông càng rực rỡ. Niên nói chuyện với tôi, dịu dàng, nhỏ nhẹ, thi thoảng cười bẽn lẽn. Nhìn dáng dấp ấy, gương mặt ấy, không ai biết trong lòng cô tan nát…

Nhà Niên ở Hà Giang. Trước khi bị bắt, cô đã tốt nghiệp Trung học Tài chính, từng là nhân viên của một cơ quan trong tỉnh và từng có một gia đình yên ấm: chồng là bộ đội đóng quân gần nhà, cậu con trai 5 tuổi xinh xắn, đáng yêu. Hai vợ chồng cũng có xe máy, có nhà 3 tầng và ở thị xã bé nhỏ này, gia đình cô là mơ ước của nhiều người.

Thế rồi, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà cô sinh ra biết đánh đề. Trò đỏ đen này quả là có sức hút kỳ lạ. Nó cuốn cô vào cơn lốc ăn thua, biến cô trở thành người đàn bà khác. Cô gần như không còn tỉnh táo khi tin hoàn toàn vào bọn chủ đề. Và, cô thua triền miên. Khi không còn gì để bán, cô bắt đầu liều lĩnh rút tiền công quỹ của cơ quan để chơi với hy vọng sẽ lấy lại được những gì đã mất. Nhưng cô lầm.

Sau hai năm, khi cô tỉnh ngộ thì số tiền thụt két đã lên tới 400 triệu đồng. Tòa tuyên án 16 năm tù giam, cuộc đời cô bắt đầu rẽ sang một ngã khác. Cô vào tù, sống cuộc sống đằng sau song sắt, bỏ lại gia đình êm ấm ở phía sau. Lúc ấy, con trai cô mới vào lớp 1. Thằng bé còn quá nhỏ để hiểu ra mọi chuyện nên khi Công an dẫn giải cô đi, nó cứ gào lên đòi… theo mẹ.

Ở trại giam được ít lâu thì cô nhận được thư chồng. Nhìn thấy nét chữ quen thuộc của anh, cô gần như đã phát điên lên vì hạnh phúc. Cô run run mở phong bì. Những con chữ như nhảy nhót trước mặt cô khiến toàn thân cô run lên bần bật, đất trời quay cuồng. Niềm vui vụt tắt chỉ còn lại nỗi bẽ bàng, xót xa thì mãi mãi ở lại, ám ảnh cô cho mãi đến sau này, cô vẫn không thể nào quên đi được. Thì ra, đây là bức thư chồng cô viết báo trước chuyện sẽ ly hôn.

Hôm nay là ngày mẹ được gặp con.

Ít lâu sau, anh lên trại thăm cô và đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Cô đã ký vào lá đơn ly hôn mà anh viết sẵn, rất nhanh, không một chút chần chừ, đắn đo, bởi cô hiểu khi người đàn bà ở tù là phải chấp nhận chuyện hạnh phúc nát tan. Với bản án 16 năm tù giam, cô không có quyền đòi hỏi gì ở anh.

Cô chỉ xin anh một điều, anh hãy thương cô mà chăm sóc tốt đứa con trai duy nhất của hai người và mỗi năm một lần anh cho cô được gặp con một lần. Nó là núm ruột của cô, là một phần máu thịt của cô mà giờ đây khi đã ở tù cô không còn có cơ hội được chăm sóc nó. Anh chấp nhận và làm theo tất cả những điều cầu xin ấy.

Cô bảo rằng, trong suốt những năm ở tù, với cô, thằng bé là niềm hy vọng duy nhất để cô bấu víu, để cô cố gắng phấn đấu lao động, cải tạo. Nhưng nó cũng là niềm đau đớn, là nỗi dằn vặt của cô khi mà lúc nào cô cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi tìm mãi chưa ra lời đáp: "Khi cô ra tù, thằng bé đã trưởng thành, liệu nó có chấp nhận cô không, một người làm mẹ mà bỏ con khi nó còn quá non nớt, bé bỏng?". Cô bảo tôi, chị cũng là phụ nữ, chị có trả lời giúp em được không? Tôi im lặng hồi lâu, không có cách nào khác ngoài lời khuyên cô hãy cố gắng hy vọng và đợi chờ…

Và cũng như Yến, sau 16 năm trong tù, cô sẽ trở về nhà. Có lúc cô đã mơ thấy ngày về ấy. Chồng cô nhìn thấy cô và quay đi. Những người đàn ông khác nhìn thấy cô cũng quay đi. Cô không sợ bị xã hội khinh bỉ. Bởi cô sẽ làm lại cuộc đời cho tử tế. Cô không sợ đói nghèo. Bởi cô tin vào sự chịu khó và lòng tự trọng có được sau những năm tháng cải tạo.

Nhưng một thứ mà cô không làm sao níu giữ được. Đó là thời gian. Thời gian sẽ cướp đi tuổi thanh xuân son sắc của cô. Cô không sợ điều gì nhưng cô sợ cô đơn. Bởi cô cũng như bao người đàn bà khác trong cuộc đời này. Nhưng cô không dám trách ai. Bởi chính cô đã tự đẩy mình vào con đường tội lỗi. Nhưng cô vẫn muốn làm lại và cô sẽ làm lại cho dù nghĩ đến ngày mai của mình cô lại khóc…

T.N.H.T. - CSTC Số 1
.
.
.