Người dám thách đố "ma rừng"

Thứ Tư, 20/07/2011, 15:45
Nhân vật quả cảm đó là ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ông Diệu là người Kinh đầu tiên đến định cư ở thung lũng xa xôi này. Năm nay gần 50 tuổi, đã ở vùng biên giới hoang vu này ngót 25 mùa rẫy nên giờ ông cũng hao hao có nét như đồng bào nơi đây. Vẻ ngoài ấy, chẳng ai nghĩ ông là con dân của mảnh đất cố đô, xứ Huế mộng mơ.

Bỏ phố lên rừng

Ông Diệu kể, ông sinh ra và lớn lên ở thôn Vỹ Dạ, địa danh nổi tiếng trong thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Đến đất này, theo ông, đó là một cái duyên thiên định. Thiếu thời, ông lập nghiệp bằng nghề đóng giày của gia đình truyền lại. Nghề ấy chẳng giàu nhưng cũng đồng ra đồng vào dư dả.

Thế rồi, một buổi cuối năm 1986, biết ông dành dụm được chút tiền, một lái buôn đã rủ ông đi làm ăn xa. Muốn thay đổi đời mình, ông gói ghém tư trang, tạm biệt gia đình để lên đường. Khi ấy, gia đình ông chẳng biết ông sẽ lập nghiệp ở phương trời nào nữa, ngay bản thân ông cũng không hề hay biết. Thấy người ta rủ thì đi, đi để thật nhanh trốn xa cuộc sống đơn điệu cùng cái nghề ông thấy đã quá nhàm.

Tới Quảng Bình, người bạn đồng hành của ông mới bảo, lên Myền núi thu mua lâm sản, phế liệu chiến tranh. Đã bước chân đi thì không thể vội vã quay về, vậy là ông gật. Ngày ấy, để vào đến đất này, ông phải đi bộ cả chục ngày đường. Vào tới nơi, sau mấy chuyến hàng là sắt vụn và các lâm sản phụ như song, mây đánh ra Đồng Hới, thấy chẳng ăn thua ông bỏ.

Khi ấy, thấy ông là người hoạt bát, giỏi tính toán làm ăn, một đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn đã thuê ông về để làm kinh tế. Vậy là từ một anh đóng giày ở chốn đô hội phồn hoa, chỉ sau mấy tháng, ông thành "người trấn ải" ở chốn chướng khí lam sơn. Khi ấy, ông chỉ nghĩ, cố gắng làm việc, kiếm tí vốn, vài năm nữa sẽ trở về quê hương, kiếm cô vợ xinh xắn để ổn định cuộc đời. Thế nhưng, một trận ốm kinh hoàng đã làm những dự định trên của ông thay đổi.

Năm ấy, 1987, ông bị sốt rét rừng hành hạ. Dù đã cố hết sức nhưng các y bác sĩ của đồn biên phòng cũng bất lực, chẳng có cách nào để đưa ông thoát khỏi bàn tay của thần chết. Thế nhưng, trong cơn thập tử nhất sinh, ân nhân của ông đã xuất hiện. Người đó là cha con ông Đinh Keo. Ông Đinh Keo khi ấy là chủ đất ở vùng này.

Một buổi lên thăm đồn, thấy ông nằm co quắp mê man bất tỉnh, ông Đinh Keo đã bảo, sở dĩ ông một phần người chín phần ma là do ăn phải lá rừng có chất kịch độc. Chất độc ấy khi đã ngấm thì người dù có khoẻ mạnh mấy cũng chỉ cầm cự được vài ngày là đi theo con ma rừng về bên kia thế giới. Trong cơn nguy kịch ấy, ông Keo đã xin với đồn để cha con ông ra tay cứu chữa.

Người Ma Coong ở đất này có biệt tài chế thuốc. Với họ, rừng Trường Sơn chẳng khác gì một kho dược liệu khổng lồ. Khi ấy, chẳng còn cách nào khả thi hơn nên trước lời đề nghị của bố con ông chủ đất, chỉ huy đồn đã vội vàng đồng ý. Vậy là cha con ông Keo tay rựa lưng gùi vào rừng tìm thuốc giải. Hôm sau họ lại đến, trên tay là một nắm lá cây rừng. Hai bố con đã hì hụi bào chế thứ lá thần dược ấy. Và rồi, kỳ diệu, chỉ ba ngày sau khi dùng thuốc của cha con ông chủ đất tốt bụng ấy, ông đã dần hồi tỉnh.

Trả ơn cứu mạng bằng… cả trái tim yêu

Biết mình được cứu sống bởi liều thuốc tiên của người bản địa, ông cảm kích lắm! Mang ơn trời bể nên ông đã coi ông chủ đất như người cha thứ hai của mình. Ông chủ đất có cô con gái thứ ba, tên là Y Nhoang, kém ông hai tuổi, vốn là kiều nữ trong thung lũng này. Y Nhoang khi ấy đã có chồng cùng hai mặt con. Thế nhưng, Y Nhoang không thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân vội vàng ấy. Chồng Y Nhoang thích uống nhiều rượu, khi say thường hay đánh đập vợ con. Không chịu được cảnh bạo hành khổ ải ấy, Y Nhoang đã bảo gia đình trả của, đưa con về ở với bố mẹ đẻ của mình.

Cứ mỗi lần xuống nhà ông Đinh Keo chơi, thấy Y Nhoang khi thì lủi thủi trong bếp, khi thì ngồi bên hiên nhà nhìn núi, nhìn rừng bằng ánh mắt buồn rười rượi, ông cũng thấy chạnh lòng. Mấy lần ông sán lại, định đưa lời thăm hỏi, động viên nhưng Y Nhoang đều lảng tránh. Cô bảo: "Tôi đã có một đời chồng, anh là trai chưa có vợ, lại là người dưới xuôi, không nói chuyện được đâu!".

Ông Diệu kể, ngày ấy, nghe Y Nhoang nói vậy, chẳng hiểu sao ông thấy tim mình nhói buốt. Và, cũng đến khi ấy, ông mới sực tỉnh ra rằng, ánh mắt, giọng nói và cả dáng hình lặng lẽ của Y Nhoang từ lâu đã hằn sâu trong tâm trí ông rồi. Vậy là, mặc kệ những lời Y Nhoang nói, mặc kệ những lời ong tiếng ve từ những người nhiều chuyện, ông quyết làm theo những điều mà trái tim mách bảo. Y Nhoang vào rừng tìm thuốc, ông cũng vác rựa đi theo. Y Nhoang đem gùi đi nương, ông cũng chẳng ngại vất vả, xa xôi mà xăng xái sánh đôi làm đỡ.

Thêm một mùa rẫy nửa qua đi, những việc ông làm, những lời ông nói như con suối Cà Roòng bào mòn khe núi, Y Nhoang đã bị tình yêu của ông chinh phục. Một đêm trăng vằng vặc, ngồi bên ông, Y Nhoang bảo, trước đây, cô cứ tưởng ông đùa cợt, bông đùa trước nỗi bất hạnh của đời cô, thế nhưng, khi tận mắt thấy những việc tình việc nghĩa mà chàng trai Myền xuôi ấy dành cho mình, Y Nhoang đã thực sự xúc động. Vậy là, được sự đồng ý của chủ đất, dân bản, hai người đã thành lứa nên đôi.

Hủ tục rợn người

Bao đời nay người Ma Coong sống biệt lập trong vòng tay của đại ngàn. Bởi thế, khi ấy ở đất này còn rất nhiều những chuyện lạc hậu, khi chứng kiến ông đã không tin vào mắt mình. Kinh hoàng nhất là tục chôn hài nhi theo mẹ khi người mẹ không may mắn từ giã cõi đời.

Ông Diệu bảo, từ thủa xa xưa, người Ma Coong tin rằng, chốn rừng thiêng nước độc này vẫn có rất nhiều những con ma rừng. Cái chết của người đàn bà vừa qua ngày vượt cạn cũng như muôn vàn cái chết khác, chẳng qua là bị ma rừng bắt đi. Ma bắt mẹ thì ma cũng sẽ bắt luôn con. Bởi thế, để trừ hậu họa cũng như thoát khỏi gánh nặng tâm linh ấy thì dù có đau đớn, xót thương đến mấy thì người ta cũng sẽ chôn đứa con theo mẹ. Mà không chôn cũng không được bởi trước sau gì thì đứa bé tội nghiệp ấy cũng chẳng thể có cơ hội sống sót. Sợ con ma rừng nên chẳng ai dám lại gần huống chi là cho ăn, cho bú.

Ông Diệu kể, chính bởi quan niệm mù quáng trên nên hễ cứ nhà nào có sản phụ không may lìa đời thì hài nhi vừa mới nhìn thấy ánh sáng mặt trời ấy cũng được người ta làm thủ tục để đưa về cõi chết. Và, cái cách người ta buộc đứa bé "theo mẹ" cũng hết sức  rợn người. Chân người mẹ xấu số sẽ được đặt lên ngực, sát phần cổ hài nhi. Và, cứ thế, đứa bé sẽ chết dần chết mòn vì ngạt thở, đói khát. Tận mắt thấy những cảnh ngộ bi thương ấy, ông Diệu bảo, ông thấy ruột gan mình tê buốt. Ông muốn tìm lối thoát cho những việc đớn đau này.

Cu Đường trong vòng tay bộ đội biên phòng.

Mùa hè năm 1996, dân làng chốn thâm u ấy đón chào một sinh linh mới. Y Xoang, cô gái bị tâm thần không biết có mang với ai mà hạ sinh một bé trai ngay trước hiên nhà. Đứa bé sinh thiếu tháng nên trông như con chuột, khóc ọ ẹ chẳng thành lời. Đứa bé chào đời được đúng ba ngày, bởi kiệt sức, Y Xoang đã trút hơi thở cuối cùng. Khi ấy, cũng như bao sinh linh vô tội khác, dân bản cũng làm ma để tiễn… cả hai mẹ con về bên kia thế giới.

Vượt qua bóng tối

Biết chuyện trên, ông Diệu vội vàng tìm đến. Trên nhà, thi thể Y Xoang vẫn nằm đấy, bên cạnh là hài nhi vẫn còn đỏ hỏn. Sau bữa rượu, sau lễ gọi ma là mọi người cũng sẽ kết liễu đời đứa bé. Hốt hoảng, ông Diệu vội vàng ngăn cản mọi người và xin với chủ đất (bố vợ của mình) là đem đứa bé về nuôi. Đương nhiên, lúc đầu, việc ấy chẳng ai nghe. Họ bảo, ông nuôi đứa bé là nuôi con ma. Dân làng sẽ gặp nhiều chuyện chẳng lành nếu ông cố tình làm cái việc chưa từng có đó.

Ngay cả bố vợ ông cũng bảo: "Diệu à, mày không làm việc đó được đâu! Nếu có việc gì thì phải chịu phạt nhiều con bò, con lợn lắm đấy!". Nghe ông chủ đất nói vậy, ông cũng thấy đôi chút lo âu. Đứa bé con Y Xoang trông quặt quẹo chứ nào được khoẻ như con người ta. Nhận nuôi nó, nếu nó sống thì không sao, nỡ không may nó chết thì mang tội lớn với dân làng. Khi đó, có bán hết cả nhà cũng chẳng lo đủ tiền mà chịu vạ.

Thế nhưng, lo lắng ấy cũng nhanh chóng tan biến khi ông bế đứa bé trên tay. Đôi mắt trong như ngọc của nó như van vỉ, như vật nài mong ông cứu giúp. Vậy là, ông đã thề với dân làng rằng, ông sẽ coi đứa bé mình đang bế trên tay như chính con đẻ của mình. Và, nếu sau này nó có mệnh hệ gì hay dân làng gặp điều bất trắc, phạt vạ bao nhiêu ông cũng sẵn sàng chấp nhận.

Lẽ thường đứa bé tội nghiệp trên sẽ mang họ Đinh, họ của đàn ông người Ma Coong ở đất này. Thế nhưng, khi đã là con nuôi của ông, nó mang họ Nguyễn. Nguyễn Văn Vinh, ấy là tên khai sinh ông đặt tên cho đứa con được giật từ bàn tay thần chết của mình. Tuy nhiên, đó là cái tên trong giấy tờ chứ từ trước tới nay, dân bản và gia đình ông vẫn gọi đứa bé bằng cái tên "cu Đường". Sở dĩ mọi người gọi vậy là bởi đứa bé sống được là nhờ đường sữa của ông và của bộ đội biên phòng.

Ông Diệu kể, ngày ấy, nuôi cu Đường, vợ chồng ông đã phải chịu trăm điều khổ cực. Bởi thương đứa con nuôi gầy mòn, ốm yếu lại thêm nỗi sợ hãi nếu không may nó bị làm sao dân làng bắt vạ nên vợ chồng ông chăm sóc cu Đường từng li từng tí. Để có sữa cho con, ông phải băng rừng về phố huyện mua quần áo rồi lại vượt rừng đem sang các bản giáp biên giới của nước bạn Lào để bán. Còn ở nhà, Y Nhoang, vợ ông lúc nào cũng ẵm ngửa đứa bé trên tay, bỏ cả việc nương việc rẫy. Thấy vợ chồng ông nuôi con vất vả, bộ đội biên phòng đóng quân ở đó cũng nhường phần đường sữa của mình gửi xuống cho. Cứ thế, năm tháng trôi qua, cu Đường dần lớn lên trong sự thương yêu của vợ chồng ông cùng với bộ đội biên phòng.

Dân bản xem sự tồn tại của cu Đường như một chuyện lạ. Những năm đầu, ai cũng nghĩ, thằng bé thuộc về ma rừng nên kiểu gì cũng bị ma rừng đón đi. Họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón chờ cái điều không mong muốn ấy. Thế nhưng, lạ kỳ thay, điều đó đã chẳng xảy ra và cu Đường thì cứ ngày một khoẻ mạnh, ngày một rắn rỏi lẹ lanh. Trước sự kiện lạ lùng đó, mọi người đã rỉ tai nhau: "Con ma rừng nó sợ ông Diệu nên đã bỏ đi thật rồi!"

Đào Tuệ Linh – số 48
.
.
.