Người đàn bà “chung tình” với loài cò

Thứ Ba, 04/10/2011, 12:43
Cuộc sống tuy thiếu thốn về vật chất nhưng trong ngôi nhà đó chưa bao giờ thiếu đi tiếng cười. Một người đàn bà góa cùng 5 đứa cháu nhỏ sống lặng lẽ và giản dị giữa thiên nhiên bao la cùng tình người ấm áp. Cảm động biết bao là tình yêu của họ với loài cò.

Thấm thoắt đó đã hơn một phần hai thế kỷ vắt qua cuộc đời, người đàn bà ấy vẫn sống chung tình với loài cò, yêu và bảo vệ chúng đến độ dân làng gọi bà là "bà cò". Người đàn bà bất hạnh, cơ cực ấy đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc từ việc chăm sóc những cánh chim trời.

Đời người cơ cực

Hơn 50 năm nay, cứ những buổi xế chiều người ta lại thấy có hàng vạn cánh cò bay trắng cả một vạt rừng, tiếng kêu, tiếng gọi nhau làm náo loạn cả thôn Dừa Lẽ. Men theo con đường đất đỏ ngoằn ngèo, hướng theo tiếng cò chúng tôi đến nhà bà Vũ Thị Khiêm (Dừa Lẽ, Hải Lựu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) - chủ nhân của hàng vạn cánh cò đó. Ngôi nhà 3 gian nằm lọt thỏm dưới tán tre, vầu, tiếng cò gọi nhau tạo nên một không gian thật yên bình.

Ngày ấy (1949), giặc Pháp càn quét Quảng Ninh, bà Khiêm còn là một cô bé 8 tuổi theo cha mẹ lên miền trung du này chạy giặc. Kể từ đó đây là quê hương thứ hai của bà. Thế rồi, năm 1962 - 1963 điều hạnh phúc bất ngờ đã đến với bà Khiêm, nó như sự trả ơn của thiên nhiên với bao nhọc nhằn của gia đình bà. Đàn cò bắt đầu xuất hiện, lúc đầu chỉ vài chục tổ, hàng trăm, rồi cả ngàn vạn con cò đến rừng của bà sinh sống. Bà Khiêm tự hào kể lại: "Tôi vui sướng, hạnh phúc lắm! Đàn cò kéo về ngày một đông. Ngày ngày sau công việc đồng áng vất vả về nhà lại nhìn thấy đàn cò tôi lại thấy lòng thật thanh thản, bao mệt mỏi tan biến hết".

Rồi bà Khiêm cũng đến tuổi lấy chồng, hai vợ chồng ở chung với bố mẹ đẻ. Được ít lâu, bố mẹ bà qua đời để lại cánh rừng, ngôi nhà nhỏ cùng lời di huấn: "Phải giữ được đàn cò, tiếp tục cho lũ cò "ở trọ", nghèo đến mấy cũng không được bắt cò. Làm như thế là có tội với thiên nhiên, có tội với loài cò và có tội với lương tâm". Đã hơn 50 năm trôi qua, bà Khiêm vẫn khắc cốt ghi tâm lời dạy của mẹ cha, chăm sóc và bảo vệ vườn cò như chính tính mạng của mình.

Có lúc cuộc đời bà tưởng chừng như gục ngã không thể đứng lên được. Năm 1968 chồng bà đã hi sinh tại chiến trường Tây Nguyên. Cứ thế còm cõi nuôi con, để rồi sau một vụ tai nạn giao thông người con trai cả cũng theo cha bỏ bà đi vĩnh viễn, bỏ lại 5 đứa con nhỏ cho bà nuôi dưỡng. Người đàn bà bé nhỏ từ ấy vừa phải làm mẹ, làm cha, làm bà nuôi dưỡng các cháu. Biết cơ man nào là khổ cực.

Vạt rừng của bà Khiêm, nơi đàn cò trú ngụ 50 năm qua.

Nhưng vì con, vì vườn cò và những lời di huấn của mẹ cha, bà lại động viên mình phải sống để nuôi 5 đứa cháu thơ dại và cả đàn cò. Cũng may ông giời thương, bà chẳng bao giờ ốm đau cả. 6 bà cháu với mấy sào ruộng, trồng lúa, trồng khoai cộng thêm chút ít tiền trợ cấp liệt sĩ cứ thế rau cháo qua ngày.

Vừa dắt chúng tôi ra vườn cò sau nhà, bà Khiêm vừa nói: "Được cái chúng nó thương bà. Đứa nào cũng ngoan, cái Hiền, cái Hiên, cái Thảo, thằng Bình cứ được nghỉ học là giúp bà việc đồng áng". Giọng bà bỗng bừng lên tự hào: "Con Hiên đã lấy chồng và sinh con rồi đó, công việc của nó cũng ổn định. Còn cái Hiền nó vừa đỗ Cao đẳng trên thành phố Vĩnh Yên. Thôi, như vậy là bà mừng lắm…".

Phận cò đi về đâu

Thấm thoắt đã hơn 50 năm, từ khi lũ cò về đây làm tổ. Những ngày đầu chỉ đến đây "sống thử" và dường như chúng cảm nhận được tấm chân tình của chủ nhân khu vườn. Những tán cây lớn dần lên, đàn cò cứ thế đông dần, đông mãi: 10 con, 100 con, 1000 con, rồi trắng cả một cánh rừng.

Năm nào cũng thế, cứ vào tháng 3 âm lịch cho đến tháng 9 mấy bà cháu háo hức chờ đợi đàn cò về sinh sản. Đó là những tháng ngày vui nhất vì được nhìn thấy chúng sinh sôi nảy nở. Nhưng cũng là những ngày tháng bà cháu "mất ăn mất ngủ". Chúng tôi đến vườn cò bà Khiêm vào đúng mùa cò sinh sản. Chiều nhập nhoạng, cả cánh rừng chỉ thấy một màu trắng của cánh cò. Tiếng cò gọi con da diết, tranh giành nhau chỗ ngủ chí chóe.

Giữa mênh mông đồng ruộng và vạt đồi xanh mát, màu trắng của những cánh cò và tiếng kêu hoang dại của chúng khiến không gian xung quanh thật sự yên bình. Nhưng để có được sự bình yên ấy con người đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để bảo vệ. Đứng chống tay vào hông, đôi mắt bà trũng sâu vì mất ngủ, nhìn ngước lên trên những bụi tre nơi đàn cò đang í ới gọi nhau về tổ, bà tâm sự: "Sợ nhất là khi chúng cất lên tiếng kêu thất thanh, rồi nháo nhác bay vì hoảng loạn. Tiếng kêu như lời báo hiệu đàn cò đang bị ai đó làm phiền, thường là người lạ vào đồi quấy nhiễu, bắt trộm cò. Mùa cò sinh sản tôi gần như trắng đêm vì lo chúng ngủ không yên".

Như một thói quen, hàng ngày bà Khiêm đảo quanh vườn cò vài lần để kiểm tra. Dẫn chúng tôi vòng quanh vườn cò, bà Khiêm thở dài: "Tôi đã già rồi, hơn 70 tuổi có khi không còn trông nom vườn cò được bao lâu nữa. Tôi đã làm đơn xin cơ quan chức năng cho làm hàng rào. Họ cũng hứa nhiều nhưng cũng chẳng được là bao. Năm ngoái có tổ chức cho được hơn 20 triệu làm tường rào. Từng đó tiền chỉ đủ làm hàng rào bằng tre, vì cả vườn này rộng tới 5ha. Chúng nó vẫn thường xuyên vào đây bắn cò của tôi đấy chú à". Rồi chuyện có dự án muốn đầu tư vào đây làm khu du lịch sinh thái và họ hứa sẽ làm cái hàng rào "ao ước".

 

Bà Khiêm dõi theo từng hoạt động của đàn cò.

Mặc cho những lời ngã giá cả bạc tỉ muốn mua đứt vườn cò, bà đều lắc đầu, cương quyết từ chối. Điều làm bà đau lòng nhất là mới đây có người mang cả cục tiền đến và bảo bà ký vào giấy hợp đồng "đặt hàng", bà cung cấp cho mỗi tháng một lượng cò cho nhà hàng trên thành phố.

Giọng bà như nghẹn lại vì tức tối và đau lòng: "Tôi nói với họ là  dù có phải ra đường làm đứa ăn mày, bà cháu tôi cũng quyết không làm cái việc thất đức ấy được. Vườn cò này nó là cuộc sống, là mồ hôi công sức của chúng tôi. Nếu anh đến xem, đến nghiên cứu thì tôi vui lòng tiếp, còn ra bà cháu tôi xin lỗi các anh. Các anh về cho".

Đi được nửa khu vườn cò, bà Khiêm chỉ cho chúng tôi một dãy bờ rào bằng tre bị đổ ngổn ngang, nói: "Cách đây 1 tháng, con rể tôi bắt được một đứa bắn trộm cò. Hôm đó thấy cò kêu thảm thiết rồi chúng bay nháo nhác, con rể tôi phát hiện và đã bắt được. Mà chú có biết không? Đau quá, chúng nó bắn được cả bao tải cò… Cũng may là chúng chưa bắn vào con tôi". Bà nói mà như khóc: "Nó xông lên dù biết có thể nguy hiểm đến cả tính mạng để bảo vệ cái "tài sản vô giá" của gia đình này. Đứa trộm cò tôi đã đưa lên Ủy ban xã lập biên bản và phạt hành chính".

Đã nhiều lần bà Khiêm còn bị kẻ trộm chửi và đánh. Vào một buổi trưa, khi bà đang đi kiểm tra vườn cò thì thấy một người đàn ông đang ôm trong tay một mũ đầy trứng cò. Bà nhận ra đó là người làng, một người vừa ra tù vì tội chém trâu. Vì đàn cò, bà Khiêm đã dùng gậy chống lại nhưng đã bị người đàn ông giật lấy và đẩy bà ngã. Gã đàn ông đó còn buông những câu khó nghe: "Tôi lấy mấy quả trứng cò, bà làm gì được tôi".

Thấy động, một chú cò vỗ cánh bay trước mắt tôi và bà Khiêm, ngước mắt nhìn lên, bà buồn bã: "Rồi mai sau, lũ chúng nó (các cháu bà) lớn lên chắc cũng như cánh chim kia bay đi. Nhưng vườn cò thì không thể mang đi nơi khác. Chẳng biết sức già như tôi còn sống được đến khi nào mà bảo vệ đàn cò?"

Năm 2002, bà đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tặng bằng khen vì đã có thành tích đóng góp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và đạt Giải thưởng "Môi trường". Hiện nay, mỗi tháng Cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ bà 2 triệu đồng để bảo vệ đồi cò.

Đến nay đã xác định có 40 loài chim hiện diện tại vườn chim thuộc 21 họ và 6 bộ. Trong số đó, có 29 loài định cư, 4 loài di cư và 7 loài vừa di cư, vừa định cư. Bộ Sẻ Passeriformes là bộ đa dạng nhất với 11 họ, 24 loài. Họ Diệc Ardeidae và họ Quạ Corvidae đa dạng nhất về loài với 5 loài với những loài rất quý hiếm như Cổ rắn Anhinga melanogaster và loài bồ câu nâu Columba punicea. Xung quanh vườn chim là cánh đồng ngập nước mênh mông. Gần đó là hồ Khuân với diện tích 40 ha có thả cá do xã quản lí.

Cách vườn chim khoảng 2km là dòng sông Lô. Đây chính là những nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài chim nước, là yếu tố góp phần vào sự tồn tại và phát triển của vườn chim.

(Trích khóa luận Tốt nghiệp "Nghiên cứu thành phần loài chim và một số đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cốc đen Phalacrocorax niger Vieillot, 1917 ở vườn chim Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh phúc" của Quan Thị Dung, k54B khoa Sinh, ĐHSPHN. Khóa luận đã được đánh giá xuất sắc và đạt điểm 10 của hội đồng phản biện).

Tiêu Phong – CSTC tuần số 77
.
.
.