Người giữ hồn cho phố cổ

Thứ Tư, 02/11/2011, 14:40
Người dân Hội An và những du khách đến khu phố Cổ này đã quá quen với hình ảnh một ông già mảnh khảnh trên phố cổ, ngày nắng cũng như ngày mưa, vẫn bươn bã theo đoàn khách nước ngoài. Nhiều người gọi ông là "di sản" của Hội An.

Năm nay 82 tuổi, Lê Ngọc Thiệp là hướng dẫn viên duy nhất của Việt Nam, có tên trong bản hướng dẫn Le Guide du routard (Người bạn đường), ấn phẩm của NXB Hachette xuất bản ở Paris (Pháp) lần đầu tiên vào năm 2004.

Thế mà, hơn một tháng nay, ông già mảnh khảnh đó không còn xuất hiện trên các con đường của Hội An nữa. Ngôi nhà cổ số 4 Phùng Hưng, nơi hằng ngày ông vẫn lọ mọ ra đó làm việc, đã vắng bóng ông. Sự hiện diện của ông trong ngôi nhà số 4 này, hay trên những con đường của Hội An, từ lâu đã không còn chỉ là sự hiện diện của một cá nhân, một tình yêu Hội An. Mà nó, là một phần di sản của khu phố cổ này. Trong một lần đi chỉnh bảng hiệu về tour du lịch, ông đã bị tai nạn và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Và giờ thì ông đã về nơi thiên cổ.

Ông nằm xuống, mang theo nhiều câu hỏi về những trầm tích của văn hóa Hội An. Có thể vẫn còn đâu đó, những người am hiểu về phố cổ. Và trong xu thế con người đang hoài cổ, chắc hẳn sẽ có nhiều người tìm về Hội An, như một kho tàng hấp dẫn. Và thế hệ trẻ cũng sẽ có rất nhiều người nói tiếng Pháp giỏi. Nhưng ở ông, vẫn có gì đó rất riêng, như thuộc về xưa cũ, thuộc về những giá trị. Với Lê Ngọc Thiệp, ông vẫn có một tình yêu khác, bắt nguồn từ nhu cầu của chính ông. Một con người không chức tước, địa vị, cũng không học vị, học hàm.

Ông chỉ là một nhà giáo bình thường. Nhưng ông bị thành phố cổ này cuốn hút một cách lạ lùng. Từ tình yêu đó, ông muốn truyền tải với du khách, những người đến với Hội An, những am hiểu của mình. Đó không chỉ là cuộc trò chuyện của những người hướng dẫn và người nghe. Mà là những cuộc đối thoại về văn hóa, giữa phương Đông và phương Tây, trong những cuộc hội ngộ đặc biệt ở thành phố bình yên này.

Những đoàn khách nước ngoài đến Hội An đều tìm đến ông, không chỉ vì ông có tên trong cuốn Le Guide du Routard mà vì họ "rỉ tai" nhau. Đã rất nhiều du khách bị hút hồn trong những câu chuyện hấp dẫn của ông Lê Ngọc Thiệp về một thương cảng Hội An xa xưa. Nhiều người khi trở về nước, cảm kích người bạn đường, đã viết thư gửi cho ông. Tôi đã may mắn được đọc những dòng kỷ niệm của các vị khách Pháp khi họ đến Hội An.

Ông Lê Ngọc Thiệp và cuốn sách Le Guide du Routard (người bạn đường).

"Lettre no4- img 2011. Hội An, ngày 03/01/2011. Xin cảm ơn chuyến đi vô cùng đáng nhớ. Đối với chúng tôi, ông Thiệp như một kỷ niệm Pháp ngữ không thể quên về Hội An. Những ngày qua, chúng tôi đã trau dồi thêm rất nhiều kiến thức về  lịch sử, văn hóa của Việt Nam thân yêu. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi có được một  người hướng dẫn viên -  một người bạn rất nồng nhiệt dù đó chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa những người xa lạ, nhưng đã để lại trong chúng tôi ấn tượng khó phai. Một chuyến đi thật là tuyệt vời! Thomas, Geneviere và Mathiew. Lettre no6- img 2011. Thật không biết nói gì hơn! Ông Thiệp như một cuốn từ điển sống! Đó là một  người đam mê công việc và có trách nhiệm. Nhờ ông mà chúng tôi đã khám phá Hội An một cách trọn vẹn và đầy thú vị! Cảm ơn ông một lần nữa! Cannes Mandelieu. Lettre no7 - img 2011. Cảm ơn ông về sự đón tiếp nhiệt tình, về sự tốt bụng cũng như những nụ cười thân thiện. Chúng tôi rất khâm phục kiến thức văn hóa - xã hội của ông mà qua đó chúng tôi đã hiểu thêm rất nhiều về đất nước và con người Việt Nam thân yêu. Chúng tôi chúc ông sức khỏe và mong rằng sẽ gặp lại ông. Đến từ Toulouse và Lille: Soledad, Florent, Christille…”

Ông trở thành một nhịp cầu nối văn hóa của phố cổ Hội An với du khách nước ngoài. Để có thể đối thoại được với từng góc nhà, từng mái cong của ngói, từng nếp rêu xanh phủ trên những dãy tường của con phố cổ này. Ông Lê Ngọc Thiệp vốn là giáo viên ở một trường tiểu học huyện Điện Bàn. Vốn tiếng Pháp mà ông có được, cùng những kiến thức uyên thâm về văn hóa cổ là do ông tự học. Năm 1964, trận lũ lịch sử đã cuốn trôi hết nhà cửa, gia đình ông dắt díu nhau về Hội An. Đó là một ký ức buồn. Giờ, sau nhiều năm sống ở Hội An, ông vẫn tiếp tục là thầy giáo, cho đến 1985 ông nghỉ mất sức. Khi Hội An bắt đầu mở Văn phòng hướng dẫn tham quan, ông được mời làm tổ trưởng tổ hướng dẫn viên tiếng Pháp.

Đến khi tuổi cao, ông nghỉ việc ở tổ hướng dẫn, về mở lớp dạy tiếng Pháp tại nhà. Học viên của ông cũng là các nhân viên khách sạn, nhà hàng, các cơ sở du lịch, hướng dẫn viên và nhiều trẻ em trong xóm. Nhưng vì sự hiểu biết cũng như khả năng nói tiếng Pháp của mình, ông lại được mời đến nhà cổ Phùng Hưng, Tấn Ký làm việc. Thế là ban ngày ông lại ra nhà cổ, khi khách có yêu cầu ông sẵn sàng đi tour, đến cả Mỹ Sơn. Ông rất cẩn trọng và tỉ mỉ, còn tự mình vẽ bản đồ tháp Mỹ Sơn để cung cấp cho du khách và giải thích tận tình đến từng viên gạch, gốc cây, ngọn cỏ.

Ông Lê Ngọc Thiệp đang hướng dẫn cho du khách.

Khi còn sống, ông chia sẻ quan niệm làm nghề của mình, không chỉ là việc nghe và thấy, mà còn "kể chuyện", những câu chuyện về phố cổ thấm vào ông như là máu thịt. Câu chuyện của hồn phố hàng trăm năm ở hạ lưu sông Thu Bồn, câu chuyện về rêu xanh trên những bức tường cổ.

Có lần ông còn tâm sự với những người trẻ: "Làm nghề này ngoài kiến thức còn phải có cái tâm, phải có tình yêu mãnh liệt với những địa chỉ mà mình hướng dẫn thì mới thành công được. Hiểu mà không yêu, không chịu khó tỉ mẩn bằng những chuyện bên lề, vị tất sẽ trở thành những cái máy nói, du khách sẽ nghe tai này rồi lọt qua tai khác nên sẽ rất khó mà níu chân họ lại…". Thế nên, Lê Ngọc Thiệp đã trở thành một "thương hiệu" ở phố cổ Hội An, không vì ông lớn tuổi, mà vì niềm đam mê nghề, và "vốn liếng" về văn hóa của mình.

Trong cuốn Le Guide du routard (Người bạn đường) bản in năm 2008 ở trang 359 viết: "Ông Lê Ngọc Thiệp, cựu hướng dẫn viên của Văn phòng hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An. Người đàn ông uyên bác và rất lịch sự. Một mình ông có thể thuộc làu về Hội An. Ông có thể hướng dẫn cho bạn bằng tiếng Pháp trong vài giờ chứ không thể quá lâu vì lý do tuổi cao. Hãy điện thoại cho ông ấy nếu bạn có ý định du lịch đến thành phố cổ này để đăng ký và thảo luận về phí làm việc. Hội An là thành phố văn hóa được nhiều người nói tiếng Pháp lui tới". Mỗi năm, cuốn sách in lại và đều có thay đổi, bổ sung thông tin về ông như thay đổi số điện thoại, nơi làm việc… Trong bản in năm 2009, Le guide du routard bổ sung thêm một đoạn khá đặc biệt ở trang 364: "Bạn cũng có thể tìm gặp ông ở cầu Nhật Bản. Các bạn đừng lo lắng, ông ta từ chối nói về phí hướng dẫn…".

Nhiều năm nay, gia đình ông vẫn sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ ở Hội An. Bằng đồng lương hưu ít ỏi của giáo viên, và bằng công việc hàng ngày ông vẫn làm. Có lần, do tuổi cao, nhiều người bảo ông ngừng công việc dẫn khách. Lê Ngọc Thiệp nghỉ ở nhà.

Phố cổ Hội An.

Một thời gian, ông nhớ nghề, lại chồn chân, và chiếc xe đạp, người bạn đường gắn bó với ông hơn nửa thế kỷ lại lên đường, rong ruổi trên từng con phố nhỏ. Nhiều người bảo, ở tuổi gần đất xa trời rồi, sao ông còn bươn bã đi làm. Người không hiểu lại chạnh lòng xót ông vất vả mưu sinh. Nhưng ông Thiệp chỉ cười. Có người nói, ông hoài cổ không chỉ trong những lời thuyết minh của mình… Dù cuộc sống hằng ngày của ông chưa phải là dư dả. Nhưng ông có một tình yêu lớn hơn thế. Vì tình yêu đó, mà ông đã dày công tìm hiểu từng lai lịch gốc tích của phố cổ Hội An. Chẳng có hướng dẫn viên nào như ông, bỏ thời gian giải thích tường tận cho du khách, vì sao cây có thể mọc trên những mái nhà cổ ở Hội An như thế. Và vì sao, bên tường nhà ở đây luôn có những khóm hoa Jun nở rất đẹp dưới nắng hè…

Thế mới hiểu vì sao, một thành phố bình yên và hiền hòa như Hội An lại hấp dẫn du khách đến thế. Và cũng vì tình yêu đó, mà hàng đêm, ông vẫn lọ mọ dạy tiếng Pháp cho đám trẻ, với một mong muốn, truyền tải cho chúng những kiến thức về văn hóa của Hội An. Để những thế hệ sau có thể tiếp nối cuộc hành trình "quảng bá" về văn hóa của thành phố cổ này cho du khách bốn phương. Tâm nguyện ấy của ông già phố cổ, lớn hơn tất cả.

Giờ, ông đã về nơi thiên cổ. Có lẽ không có ai như ông, cả cuộc đời không bao giờ ngừng làm việc cho đến khi nằm xuống. Chị Xuyến, con gái ông, cũng là người hiểu được những tâm nguyện của ba. Chị khóc rất nhiều. Mỗi ngày chị viết cho ba một lá thư. Với mong muốn, được trò chuyện cùng ông. Và hy vọng sẽ có một phép nhiệm màu nào đó, giúp ông tỉnh lại.  Nhưng ông đã không thể ở lại nhân gian, để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Những người dân Hội An sẽ vẫn còn nhớ đến ông. Và nhiều du khách đến Hội An cũng sẽ tìm về địa chỉ số 4 Phùng Hưng, hay phố Chùa Cầu. Bởi những người như ông đã làm nên một phần hồn cốt của Hội An…

Khánh Linh – CSTC tuần số 80
.
.
.