Người lính già đạp xe đi tìm 1.400 hài cốt liệt sĩ

Thứ Sáu, 14/10/2011, 07:22
Với ý nghĩ tìm lại hài cốt những đồng đội xưa đưa về quy tụ với người thân của họ, hàng đêm ông Tiêu Văn Tấn trằn trọc cho những cuộc hành trình tìm về chiến trường xưa. Xuất phát từ đó, bằng đồng lương ít ỏi, ông tích góp lại, đúng vào ngày 27.7.1996 tạm gác lại công việc nhà cho người vợ chăm sóc hai đứa con, ông lên đường tìm kiếm hài cốt cho các đồng đội.

"Thời gian gần đây, hiện tượng đổ xô đi tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm và tình trạng các trung tâm ngoại cảm mọc lên như nấm, gây mê tín đang phát tán như một dịch bệnh. Không thể phủ nhận khả năng đặc biệt của một số nhà ngoại cảm, song tình trạng ăn theo để trục lợi, làm ăn phi pháp như hiện nay đang diễn ra phổ biến. Có tìm được hay không thì chưa rõ, nhưng các gia đình thân nhân phải bỏ rất nhiều tiền của là một thực trạng bôi bẩn giá trị tâm linh".

Đấy là lời chia sẻ của ông Tiêu Văn Tấn - một cựu chiến binh đã có công tìm được 1.400 hài cốt liệt sĩ về với thân nhân. Nhưng ít ai biết rằng, suốt 16 năm trời ròng rã đạp xe đi khắp mọi miền Tổ quốc tìm hài cốt liệt sĩ nhưng ông lại "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".

Hành trình 6.000 ngày đêm băng đèo, lội suối, ngủ rừng

Tiêu Văn Tấn sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Vốn là một cậu bé nhanh nhẹn, đam mê sự học nhưng vì chiến tranh đã cướp đi những người thân thích và hàng triệu người dân vô tội, khiến Tiêu Văn Tấn sục sôi ý nghĩ đánh đuổi bọn đế quốc "máu lạnh".

Đến năm 1964, khi mới tròn 17 tuổi và đang theo học lớp 7/12 bấy giờ, Tấn đã gác bút lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 320 (sư đoàn chủ lực Bộ Quốc phòng). Khoá huấn luyện kết thúc, Tấn liền vào chiến trường Đường 9, Khe Sanh, Quảng Trị và giữ chức vụ Trung đội phó đội trinh sát.

Những năm tháng chiến đấu Tấn đã lập được rất nhiều chiến tích. Đặc biệt, Tấn đã bắn rơi 1 chiếc máy bay HU1A và được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú. Giữa năm 1970 trong một trận đánh giằng co với địch, Tấn tiên phong tiến lên dồn địch vào thế cô lập. Cũng vào thời khắc ấy, Tấn đã bị thương nặng và được điều về tuyến sau công tác tại Cục Kiến thiết cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần.

Tại đây, Tấn tiếp tục học hết cấp ba rồi được cử đi học Trường Công đoàn Trung ương. Sau đó Tấn chuyển qua nhiều cơ quan công tác. Đến năm 1992 ông về nghỉ hưu tại khu tập thể Binh đoàn 11 (phường Khương Định, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Về hưu, sống cuộc sống an nhàn bên vợ con, nhưng mỗi khi lật lại ký ức thời đạn lửa, nghĩ đến cảnh hàng ngàn gia đình vô vọng không thấy chồng, con trở về, trái tim ông lại nhói đau. Bằng ý chí, nghị lực của anh lính Cụ Hồ và sự biết ơn vô hạn với đồng đội đã hi sinh cũng như sự kỳ vọng tìm lại hài cốt của những gia đình có chồng, con là liệt sĩ, suốt 16 năm qua, chiếc xe đạp Thống nhất mang biển số C380 đã cùng ông Tấn rong ruổi khắp các chiến trường Đông Dương.    

Với ý nghĩ tìm lại hài cốt những đồng đội xưa đưa về quy tụ với người thân của họ, hàng đêm ông trằn trọc cho những cuộc hành trình tìm về chiến trường xưa. Xuất phát từ đó, bằng đồng lương ít ỏi, ông tích góp lại, đúng vào ngày 27.7.1996 tạm gác lại công việc nhà cho người vợ chăm sóc hai đứa con, ông lên đường tìm kiếm hài cốt cho các đồng đội.

Người đầu tiên được ấn định trong cuộc hành trình là người anh họ - liệt sĩ Nguyễn Văn Tân - ở thôn Kỳ Tây, xã Cẩm Chế, (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Theo lời ông Tấn kể thì người anh họ của ông Tấn đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh tại tỉnh Quảng Bình. Chiến tranh đã đi qua, nhưng cuộc sống gia đình liệt sĩ Tân vẫn khó khăn không thể đi tìm kiếm và thông tin liệt sĩ Tân vẫn "bặt vô âm tín".

Nói là làm, chuyến hành trình bằng chiếc xe đạp Thống Nhất C380 được ấn định điểm xuất phát từ Hà Nội vào Quảng Trị với quãng đường gần 500km. Sau 11 ngày đêm ròng rã với một tuần dò la thông tin, ông Tấn nhận được thông tin anh họ mình hy sinh được mai táng tại xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Ngay sau đó, ông Tấn tìm gặp những cao niên trong dân và xác định vị trí chôn cất. Chắc chắn được phần mộ của anh họ, ông Tấn vui mừng đạp xe trở về Hải Dương và thông báo với người thân cùng lên đường vào đưa hài cốt anh họ về.

Ông Tấn chia sẻ: "Chiến tranh đã lùi xa 36 năm, anh họ nằm lại nơi chiến trường xưa, nay cũng đã được tìm thấy. Sau nhiều năm chờ đợi, hài cốt liệt sĩ Tân được đưa về quê nhà trong niềm vui khôn xiết của gia đình, họ hàng. Qua đây, tôi cũng thấu hiểu được nỗi lòng của hàng ngàn thân nhân liệt sĩ đang mong được đưa hài cốt các liệt sĩ về quy tụ cùng dòng tộc, nhưng không biết nơi đâu mà tìm. Từ đó thôi thúc tôi lên đường và 16 năm nay tôi đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, miệt mài tìm kiếm, ghi chép thông tin và đã thông báo đưa hơn 1.400 hài cốt liệt sĩ về quê hương".

Ông Tấn cũng cho biết, việc tìm kiếm chính xác tên tuổi, quê quán các liệt sĩ đã khuất trong thời đạn lửa khó như "mò kim đáy bể". Thậm chí, khi hay tin ông đi xe đạp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhiều người còn bảo ông là "hâm", đã đói lại dẫn thân vào cái việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Tuy nhiên bằng sự kiên trì và lương tâm thấm nhuần sự kỳ vọng của hàng ngàn gia đình có con là liệt sĩ đang thất lạc. Phần nữa, ông là một chiến sĩ may mắn còn sống trở về xây dựng gia đình nên phải có một phần trách nhiệm với anh em đồng đội đã ngã xuống. Từ đó, ông Tấn đã quyết tâm đạp xe đạp ròng rã suốt 16 năm trời, băng đèo, lội suối, ngủ rừng để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ.

Kỷ vật gắn liền với 1.400 hài cốt liệt sĩ

Suốt 16 năm dấn thân vào cái nghề "vác tù và hàng tổng" để đi tìm hài cốt hàng ngàn liệt sĩ, kỷ vật duy nhất gắn bó với ông suốt 16 năm qua là chiếc xe đạp Thống Nhất C380 và cuốn sổ ghi chép lại ngày tháng, địa điểm, danh tính hàng ngàn hài cốt các liệt sĩ đã được ông phát hiện tại khắp các chiến trường trên mọi miền của Tổ quốc và được người thân đưa về.

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ khoảng 30m2 nằm ở tầng 2 khu tập thể Binh đoàn 11, chiếc xe đạp ấy vẫn được ông Tấn trau chuốt, để gọn gàng tại hành lang. Mỗi sáng thức dậy, ông lại mang ra lau chùi rồi mỗi chiều ông lại mang ra đạp đi tập thể dục xung quanh công viên, ngõ phố.

Đắm mình bên chiếc xe đạp Thống nhất - kỷ vật gắn với cuộc đời, ông Tấn phấn khởi cho biết, suốt 16 năm qua, mỗi năm ông sắp xếp cho 3 đến 4 chuyến đi, mỗi chuyến đi mất cả tháng trời. Đến nay, dấu chân ông đã in hằn khắp mọi nẻo đường các tỉnh trên khắp mọi miền của đất nước, nhiều nhất là 18 tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Đã có rất nhiều lần đạp xe mệt mỏi, đau ốm giữa đường, nhưng ông vẫn quyết tâm vượt qua tất cả cho những cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đó là lúc ông nghĩ đến những thân nhân liệt sĩ biết và đưa các anh về. Ông Tấn thủ thỉ: "Vì điều kiện khó khăn nên phương tiện tôi đi là chiếc xe đạp Thống nhất. Trong những chuyến đi ấy, tôi lại dừng chân qua đêm tại các nghĩa trang, xin ở nhờ tại Sở LĐTBXH, nhà dân, còn không thì ép xe vào khu rừng".

Ngoài hàng trăm cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở trong nước, ông Tấn còn lên lịch cho những cuộc hành trình tìm sang đến nước bạn Lào, Camphuchia. Theo ghi chép trong cuốn sổ, ông đã có 3 chuyến đi qua nước Lào và tìm được 250 hài cốt liệt sĩ; Campuchia có một chuyến tìm được 130 hài cốt.

Ông Tấn cho biết, để thuận lợi cho chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khi đến các cửa khẩu ông liên hệ với đồn biên phòng và nói tâm nguyện của mình rồi xin qua biên giới. Mặc dù không biết tiếng nước bạn, lại lang thang một mình ở Lào, Campuchia, nhưng ông lại tìm đến những người Việt kiều và nhờ họ giúp đỡ. Mỗi khi nhận được thông tin, ông sưu tập lại và lên đường tìm kiếm. Sau mỗi chuyến đi, biết các liệt sĩ hiện đang ở đâu, khi về đến Hà Nội, ông lại đạp xe đi thông báo cho thân nhân liệt sĩ. Không dừng lại đó, khi gia đình thân nhân nhờ thì ông cùng họ lên đường chỉ dẫn.

Công sức bỏ ra là rất lớn, công việc tìm kiếm hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ và đưa hài cốt liệt sĩ trở về với thân nhân họ là một việc làm đáng được khen ngợi, nhưng ông chưa bao giờ đòi hỏi một đồng bạc nào từ các thân nhân. Với ông Tấn tìm và đưa hài cốt các anh về là nghĩa tình của người đồng đội, ông mong linh hồn liệt sĩ sẽ xích lại người sống, đem niềm vui đến cho các gia đình là điều ông hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bát nháo như hiện nay đang phát tác như một dịch bệnh là vấn đề bôi bẩn giá trị tâm linh. Có nhiều người dựa vào nhà ngoại cảm để tìm kiếm, mộ có tìm được hay không thì chưa rõ, nhưng các gia đình thân nhân phải bỏ ra rất nhiều tiền của làm ông rất đau lòng.

Giờ đây tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng theo dự định, cũng như các năm trước, ngày 27.7 năm nay ông sẽ tiếp tục đạp xe lên đường tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ, bởi trong ông sau mỗi chuyến đi càng thôi thúc lên đường. Ông Tấn nói: "Những lần nằm nghỉ lại ở nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, tôi nghe từng cơn gió ùa về giống như nhịp bước của đồng đội dồn dập vào chiến trường. Trong đêm lặng lẽ, nhiều lần tôi mơ nghe tiếng của đồng đội nói muốn được về quê, về với người thân. Tôi nghĩ, mình còn sống ngày nào thì nên làm gì đó cho thân nhân của đồng đội và tôi sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng để mang những hài cốt các đồng đội còn phưu lạc trở về với thân nhân"

Hùng Vo - số 53
.
.
.