Người lính phản chiến, thơ ca và những chuyện có thật

Chủ Nhật, 23/01/2011, 10:00
Một chiều thu, vào tháng 7 năm 2007, tôi đã đứng trước cổng vào Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại thành phố Washington, Mỹ, nơi lừng lững bức tường đen khắc tên gần 60.000 người Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tôi đứng bên ngoài cổng vào, trong ánh hoàng hôn đỏ quạch như vương máu. Tôi quyết định không vào bên trong, vì nghĩ rằng bước chân vào khu vực đài tưởng niệm nghĩa là thứ tha và tưởng niệm cho những người lính Mỹ đã nã súng vào những người dân Việt Nam vô tội, trong đó có cả người thân của tôi.

Vậy mà, 3 năm sau, tôi đang cầm trên tay bản thảo tuyển tập "Bruce Weigl: Thơ và những câu chuyện có thật" - một tuyển tập tôi đã làm việc ròng rã 6 tháng qua để thai nghén và hình thành. Đây chính là tuyển tập tôi đã biên soạn từ sáu tập thơ và những bài hồi ký của cựu binh Mỹ Bruce Weigl, một người đã chiến đấu từ năm 1967 đến 1968 tại chiến trường Quảng Trị, một người mà nếu không có sự may mắn thần kỳ, chắc hẳn đã có tên trên bức tường đen của Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại thành phố Washington.

Đôi khi tôi tự hỏi mình điều gì đã thay đổi tôi nhiều đến thế, để khác với thời khắc của tháng 7/2007 trước cổng vào Đài tưởng iệm, tôi đã hòa giải và thứ tha cho một cựu binh, người nằm trong số những người tôi đã từng xem là kẻ thù không đội trời chung. 

Tôi gặp ông lần đầu tiên vào tháng 2 năm 2010, tại bữa tiệc tối được tổ chức cho hơn 100 nhà thơ, nhà văn, dịch giả, sinh viên trong nước và quốc tế. Tất cả tập trung về Hà Nội để dự Hội nghị Giới thiệu Văn học Việt Nam, tất cả mang trong mình một ước muốn cháy bỏng được làm nhiều hơn nữa cho sự xuất khẩu của văn học Việt. Có quá nhiều nhà văn, nhà thơ tôi muốn gặp gỡ và nói chuyện, nhưng có quá nhiều khuôn mặt và những câu chuyện thoảng qua để rồi trí nhớ không kịp in dấu tất cả. Nhưng tôi nhớ, rất nhớ có một cái bắt tay thật chặt, một nụ cười thân thiện và một đôi mắt lấp lánh niềm vui.

"Chào cô, tôi là Bruce Weigl. Tôi đến đây với con gái người Việt Nam của tôi. Con gái tôi ở đằng kia". Sau câu giới thiệu đầu tiên không nén nổi tự hào, người đàn ông cao lớn xoay người chỉ về chiếc bàn đằng xa, nơi một cô gái tóc đen nhánh đang ngồi chuyện trò vui vẻ cùng với những người nước ngoài. Thật lạ, tôi chưa hề biết ông và ông cũng chưa biết tôi. Nhưng hình như ông có nhu cầu cần khoe về con gái. Tôi gật đầu, khen con gái ông rất xinh, rồi đi về chỗ ngồi, chìm trong những câu chuyện đang bỏ dở cùng với những nhà văn khác.

Ba tháng sau, một lần nữa, tôi bắt gặp đôi mắt lấp lánh sáng niềm vui đó tại Hà Nội, trong buổi hội ngộ những nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Mỹ: Bảo Ninh, Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vỹ, Bùi Ngọc Tấn, Kevin Bowen, Bruce Weigl, Fred Marchant, Martha Collins... Đó là một buổi tối mà mùa hạ đã dành tặng cho tôi thật nhiều bất ngờ: các nhà văn từng là cựu chiến binh từ hai phía ôm nhau như những người bạn, chuốc rượu cho nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm chiến tranh, ký tặng nhau những tác phẩm mới…

Tôi là người trẻ nhất trong số họ và là người duy nhất chưa trực tiếp đi qua chiến tranh, và có lẽ tôi là người bất ngờ nhất khi chứng kiến sự hoà giải của những người đã chiến đấu chống lại nhau từ phía hai chiến tuyến. Trong lúc câu chuyện đang rôm rả, Bruce Weigl quay sang nhà văn Bảo Ninh "ông tham gia chiến tranh trước tuổi phải không? Nhìn này, ông trẻ hơn tôi rất nhiều". Rồi Bruce Weigl hài hước ghé sát đầu mình vào đầu Bảo Ninh, để cho mọi người so sánh tóc ai bạc hơn ai. Tất cả mọi người phá lên cười, rồi ồn ã tranh luận ai trẻ hơn ai và ai tham gia chiến tranh sớm hơn.

Lúc đó, tôi chưa ấn tượng gì về Bruce Weigl ngoài tính hài hước, hóm hỉnh của ông và sự ân cần dành cho bạn bè. Ông rót rượu đầy cốc cho hết người này đến người khác, di chuyển chỗ ngồi để có thể ở cạnh bên tất cả mọi người. Ông liến thoắng, không ngại ngần sẻ chia vốn liếng tiếng Việt, rồi khi đã hết vốn liếng, ông sử dụng những điệu bộ chân tay.

Tôi ra về mà không biết rằng Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại danh tiếng nhất của Mỹ. Tôi cũng không ngờ rằng đằng sau vẻ hóm hỉnh và chân tình đó là một tri thức lớn: Bruce Weigl đã từng giảng dạy với cương vị Giáo sư tại rất nhiều trường đại học uy tín của Mỹ. Ông nguyên là Chủ tịch Chương trình Viết văn Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Thơ của giải thưởng Văn học Quốc gia Mỹ.

Trong hai lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi chưa có cơ hội trò chuyện về thơ ca và tác phẩm của mình.

Tối hôm sau, tôi gặp lại Bruce Weigl trong đêm thơ Việt Mỹ "Chơi bóng rổ với Việt cộng" được tổ chức tại Hoà Bình, trong khuôn khổ Hội thảo Văn học Việt Mỹ sau chiến tranh. Mấy tiếng đồng hồ trước đó, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nhờ tôi chuyển ngữ bài thơ "Đất nước thời gian lao" khá dài của anh để đọc trong đêm thơ. Dù thời gian gấp gáp, nhưng tôi muốn bản dịch tốt nhất có thể.

May mắn được ngồi cạnh Bruce Weigl, tôi lập tức nhờ ông xem hộ bản dịch của bài thơ, qua bản viết tay vội vàng và nguệch ngoạc của tôi. Cầm trên tay bài thơ, dường như Bruce Weigl quên hết mọi sự náo động đang diễn ra xung quanh. Ông đọc một cách chăm chú, gật gù, cẩn thận gạch dưới một số từ ông cho rằng nên chỉnh sửa. Sau đó, ông quay về khởi đầu của bài thơ, và trao đổi với tôi về những đề xuất của ông. Với phong thái làm việc điềm tĩnh nhưng hiệu quả, chỉ trong thời gian làm việc thật ngắn ngủi, Bruce Weigl đã giúp tôi làm bản dịch giàu chất thơ hơn rất nhiều, xứng đáng hơn với bài thơ hay của Nguyễn Việt Chiến.

Có nhiều bài thơ hay và nhiều bất ngờ dành cho những người tham dự đêm thơ hôm đó. Một cách ngẫu hứng, những bài thơ được đọc và được dịch một cách lưu loát, xứng tầm với một đêm thơ quốc tế. Cũng vào buổi tối đó, Bruce Weigl bước lên trước khán phòng, cất giọng đọc bài thơ "Bài hát bom Na-pan", một bài thơ lập tức được khắc vào tâm trí của tôi.

Đêm hôm đó, tôi đã đọc một mạch tập thơ Declension in the Village of Chung Luong (Suy sụp ở làng Chung Lương) mà ông ký tặng sau đêm thơ. Tôi thảng thốt nhận ra sự đau đớn và vẻ đẹp sâu thẳm trong những bài thơ ông viết, đặc biệt là những bài thơ liên quan đến những trải nghiệm chiến tranh của ông. Đọc lời giới thiệu của nhà thơ Mỹ Carolyn Forché - một nhà thơ tôi yêu mến - in ở bìa sau tập thơ, tôi được biết Bruce Weilg đã được nhận rất nhiều giải thưởng thi ca uy tín của Mỹ, như giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ, Giải thưởng Thơ Paterson, Giải thưởng của Quỹ Phát triển Nghệ thuật Quốc gia và Quỹ Yaddo, giải thưởng thơ Pushcart. Năm 2006, Bruce Weigl là nhà thơ duy nhất vinh dự nhận được Giải thưởng Văn Học Lannan, vì những đóng góp xuất sắc cho nền văn học Anh ngữ. Tập thơ "Bài hát bom Na-pan" của ông, viết về chiến tranh Việt Nam, cũng từng được đề cử cho giải thưởng Pulizer.

Hội thảo Văn học Việt Mỹ cho tôi cơ hội trao đổi với những nhà thơ như Kevin Bowen, Fred Marchant, Martha Collins và cả Bruce Weigl về các tác phẩm họ đã viết về Việt Nam, và những xu hướng của thi ca Mỹ. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng, họ đã viết rất nhiều về Việt Nam nhưng chưa ai có một tập thơ riêng được dịch sang tiếng Việt và in ở Việt Nam. Tất nhiên đó chỉ là ý nghĩ thoảng qua, vì tôi biết, dịch thơ là một việc làm điên rồ. Người dịch tốn rất nhiều thời gian, công sức và khó có nhà xuất bản nào trả nhuận bút dịch để in và phát hành. Thêm vào đó, tôi đang tất bật với công việc chuyên môn với các tổ chức Liên hiệp quốc, chăm sóc hai con nhỏ, cùng một số dự án văn học của riêng mình.

Đêm cuối cùng các nhà văn Mỹ ở Hà Nội trước khi về nước, đã có một cuộc chia tay nho nhỏ giữa các nhà văn, nhà thơ hai nước. Bảo Ninh và Bruce Weigl lại ngồi cạnh nhau, và lần này họ tranh cãi một cách nghiêm túc về chiến tranh và chính trị. Tôi cảm thấy nỗi đau đang hằn sâu nét khắc khổ trên khuôn mặt của Bruce Weigl. Cũng trong buổi tối đó, tại một quán café, Bruce Weigl đột nhiên nhắm mắt, đưa hai tay lên bịt chặt hai tai, và van xin tôi hãy bảo chủ quán tắt TV. Tôi ngước mắt về phía góc phòng, TV đang chiếu cảnh một bộ phim về chiến tranh, và những người lính mặc quân phục đang hò hét, nã đạn vào nhau. Sau khi TV được tắt, Bruce Weigl im lặng một quãng thời gian dài. Ông nói chiến tranh đã ăn thủng ông, một lỗ thủng thời gian không thể hàn gắn.

Chia tay sau Hội thảo Văn học Việt Mỹ, tôi tìm đọc thêm các tác phẩm, các bài viết về Bruce Weigl. Những bài thơ của ông đem đến cho tôi sự xúc động sâu sắc đến nỗi, tôi quyết định biên soạn một tuyển tập gồm các bài thơ và các bài viết liên quan đến Việt Nam của ông. Từ Mỹ, Bruce Weigl đã kiên nhẫn gửi tất cả các tác phẩm của mình cho tôi qua đường bưu điện, không những các tác phẩm đã xuất bản mà kể cả những tác phẩm chưa từng xuất bản.

Nhớ lại những câu chuyện hài hước mà ông chia sẻ cùng mọi người tại Hà Nội, như việc ông suýt bị cảnh sát Mỹ bắt khi tự làm nước mắm tại nhà, tôi đã nhờ ông viết về trải nghiệm đó. Kết quả là sau hai ngày, Bruce Weigl đã gửi cho tôi bài viết "Nước mắm của riêng tôi" hết sức độc đáo. Khi tôi yêu cầu ông viết riêng một bài về Hà Nội, chỉ 2 ngày sau, tôi vừa cười vừa ứa nước mắt thương cảm khi đọc bài viết "Đi lạc ở Hà Nội" ông gửi cho tôi.

Tôi luôn đùa với Bruce Weigl rằng, ông là một hầm mỏ ngôn ngữ giàu có mà tôi cần khai thác, và Bruce Weigl cũng nói rằng, những yêu cầu bao giờ cũng gấp rút của tôi cho ông cơ hội làm việc cật lực nhưng hiệu quả. Làm việc với Bruce Weigl, tôi luôn trân trọng sự may mắn của mình: được trực tiếp học hỏi từ sự nghiêm túc lao động viết văn của một nhà văn lớn.

Khi bắt tay vào dịch thơ của Bruce Weigl, tôi rất ngạc nhiên khi được tiếp cận với ngôn ngữ thơ giản dị nhưng thẳm sâu về tư tưởng. Khi tôi hỏi ông về sự giản dị của ngôn từ, Bruce Weigl chia sẻ rằng ông mất 25 năm tìm kiếm, và sau 25 năm ông mới đến được sự giản dị đó. Câu nói của ông để lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ về việc cách tân thơ.

Phải mất gần 6 tháng trăn trở cùng với các bản dịch, tôi mới có thể công bố các bài thơ của Bruce Weigl bằng tiếng Việt. Sau những giờ làm việc tất bật, khi có được một chút không gian tĩnh lặng, tôi lại cầm lên bản thảo đang dịch dở, lại sống trong nỗi đau của những thân phận Bruce Weigl đã khắc họa bằng thơ.

Đó là thân phận của những đứa trẻ Việt Nam vô tội: "Và cô bé chỉ có thể chạy tới khi/bom na-pan cho phép cô/Tới khi ruột gan cô cháy khét/và da thịt nứt nẻ tạc cô ở vị trí cuối cùng/vị trí hoàn hảo của cái chết" (Bài hát bom na-pan); "Những đứa trẻ ngủ giấc ngủ của những chiến binh mệt mỏi/bị vùi dập, bị bỏ mặc trong hư không, trong những cái chết cô đơn" (Bộ phim).

Đó là thân phận của những người phụ nữ Việt Nam và Mỹ, những nạn nhân hai phía của cuộc chiến "Tôi ngồi trong chiếc xe zíp của người đàn ông đó dưới trời mưa/và nhìn hắn đánh bà lão khuỵu xuống/Báng súng M16 bổ gập xuống bà" (Nỗi buồn vây bủa trên đường xuống địa ngục); "Sự mất mát là một sợi chỉ đỏ/đan vào tấm khăn choàng của người phụ nữ/nỗi đau là nút thắt lại" (Suy sụp ở làng Chung Lương); "Trong ký ức đêm chúng tôi ra trận/những cánh tay mẹ vẫy trắng cả khói đen cuồn cuộn đoàn tàu/Nước mắt mẹ rơi không phải vì tự hào" (Bóng ma của kẻ ẩn dật); "Sự hy sinh và sự tàn sát không hề giống nhau: Những người mẹ khổ đau có ngôi sao đỏ trên cửa sổ sẽ đi ra khỏi nhà để nói với ta điều đó bằng hàng ngàn ngôn ngữ, từ hàng ngàn thành phố, và bằng hàng ngàn trái tim tan nát" (Thứ một nghìn).

Kể cả khi viết về những thân phận "lầm lạc và bất hạnh" - những cô gái điếm, lời thơ của Bruce Weigl cũng chứa chan thương cảm "Mỗi chiếc cúc cuối cùng dần mở/mỗi thứ áo quần/một vật tế cô đầu hàng cho chiến tranh/cách mà thế giới buộc con người phải làm" (Tết đến).

Rồi đồng đội của ông "Ánh sáng nổ tung xuống họ/những viên đạn cắt ngang cỏ lau sắc nhọn/Không có thời gian để nói nên lời/Từ ngữ không cho phép chúng thốt lên/Một số người trong số họ chết/Một số người không được phép chết". (Khúc bi thương)

Cầm trên tay những bài thơ dường như được viết bằng máu và nỗi đau của Bruce Weigl, tôi tự nhủ sẽ phải làm hết sức mình để bảo tồn được tính thơ và tinh thần của các bài thơ nguyên tác. Vì thế, trong suốt quá trình dịch suốt 6 tháng qua, Bruce Weigl đã phải trả lời hàng trăm câu hỏi của tôi liên quan đến những sự kiện xung quanh những bài thơ của ông. Dù công việc dịch thơ không bao giờ hoàn mỹ, tôi thực sự biết ơn Bruce Weigl đã tin tưởng gửi gắm những đứa con tinh thần của ông cho tôi, để tôi có thể giúp chúng tái sinh trong một ngôn ngữ mới.

Hôm nay, cầm trên tay bản thảo "Bruce Weigl: Thơ và những câu chuyện có thật" trong một ngày đầu đông nắng đẹp, tôi lại nhớ đến buổi chiều mùa thu, khi đứng trước cổng vào Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại thành phố Washington. Đứng đó một mình sau khi tất cả các đồng nghiệp trong đoàn công tác đã vào bên trong, tôi chợt thấy một người đàn ông bế một bé gái đang mặc bộ váy rất đẹp, tay cầm một bó hoa tươi đi vào khu vực đài tưởng niệm. Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của người đàn ông, tôi quyết định đi theo họ, và chứng kiến cảnh họ đặt hoa trước đài tưởng niệm.

Người đàn ông vừa khóc vừa bảo con gái cùng ông đọc một bức thư đã chuẩn bị sẵn, rồi đặt nó dưới chân tường. Họ ngồi đó rất lâu, trò chuyện thầm thì cùng nhau. Sau khi họ rời bước, tôi khẽ khàng đến bên bức thư, được đặt cạnh rất nhiều bức thư và hoa tươi dưới chân bức tường đen có khắc tên những người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Những dòng chữ nắn nót trên bức thư đập vào mắt tôi "Cha ơi, hôm nay là ngày sinh nhật con gái con. Ước gì cha ở đây để cùng cháu thổi nến mừng tuổi mới. Không ngày nào con không nghĩ đến cha. Tại sao cha ơi? Tại sao cha phải đến Việt Nam, tại sao cha phải chết?".

Vào buổi chiều mùa thu đó, nước mắt tôi đã rơi, nhòe cùng những giọt nước mắt đã thấm ướt những lá thư đang trải thảm dưới chân bức tường, để rồi gió chập chờn cuốn tất cả bay lên không trung, trong màn đêm đang toả bóng đen lặng lẽ xuống những hàng cây và những ngôi nhà.

Mùa thu đó, lần đầu tiên tôi đã chạm vào nỗi đau của những người phía bên kia, để tôi hình dung ra khuôn mặt của những người lính Mỹ đã chết trong chiến tranh, và gia đình của họ. Mùa hè năm nay, tôi được chạm vào sự thăm thẳm nỗi đau của một cựu binh, để tôi biết rằng, ngoài sự tha thứ và hòa giải, tôi còn mong muốn giúp những cựu binh như Bruce Weigl có được cơ hội hàn gắn nỗi đau chiến tranh. Đó là nỗi đau mà cả hai dân tộc Việt-Mỹ cùng gánh chịu

Phan Quế Mai
.
.
.