Người mẹ lặng lẽ của những phận người lầm lỗi

Thứ Tư, 12/10/2011, 14:40
Những ngày ngắn ngủi còn lại trên cõi đời, đã nhiều lần T. - người đàn ông mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối - van nài những người thân yêu nhất của mình, từ bố mẹ cho đến người vợ từng đầu gối tay ấp suốt bao nhiêu năm trời được một ân huệ: Cho cậu ta một cái chết thật nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Nguyện vọng của T. không được đáp ứng, nhưng chính lòng nhân ái của một người đàn bà không có chung huyết thống đã níu T. lại với cõi nhân gian đầy đau khổ, đem lại cho T hơi ấm của tình người bằng sự ân cần của một người mẹ. T. giờ không còn nữa, sau những ngày ngắn ngủi ấy, T. lặng lẽ ra đi với nụ cười muộn màng đầy mãn nguyện. Người mẹ đã chăm sóc T. những ngày cuối ấy chính là bà Đinh Thị Tuyết, trưởng khu dân cư số 9, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương.

Tình mẫu tử không biên giới

Buổi trưa muộn, chúng tôi tìm đến trụ sở Công an phường Trần Hưng Đạo, khi được hỏi đến tên bà Đinh Thị Tuyết, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Cảnh sát khu vực phụ trách tổ dân cư số 9, nơi bà Tuyết làm tổ trưởng tổ dân cư số 9 đã vồn vã giới thiệu: Đó là bà tổ trưởng tổ dân phố "thép" nhưng đầy nhân ái của chúng tôi đấy.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi vừa nghỉ việc nhà nước, bà được nhân dân trong tổ dân phố tín nhiệm giữ chức vụ tổ trưởng tổ dân cư số 9 từ đó cho đến giờ. Được biết đến không chỉ bởi là một tổ trưởng gần dân, nhiệt tình bậc nhất phường, bà Tuyết còn được nhiều người phạm tội, lầm lỡ coi như ân nhân của mình.

Nhớ lại trường hợp của anh T., bà Tuyết kể: "Hôm đó tôi chứng kiến người ta đưa cậu ấy về, người đã bắt đầu phát ban và bốc mùi… Biết được bệnh tình của T., nhiều người kể cả cha mẹ, vợ con cũng tìm cách xa lánh, chứ chưa nói gì đến người ngoài". Đến nhà T., nhìn thấy T. bị đặt trong một góc tường tối om, người bốc ra mùi khó chịu, trong khi đó tất cả mọi người đều xa lánh, bà không thể cầm lòng được.

Đêm ấy trái tim của một người đàn bà từng làm mẹ trong bà lại thổn thức, suốt cả đêm bà không thể ngủ được. Đến lúc tiếng gà gáy sang canh, bà liền bật người dậy lao nhanh đến chiếc điện thoại bàn rồi gọi cho đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Cảnh sát khu vực, người đã sát cánh cùng bà trong suốt một thời gian dài, giọng bà vừa xót xa, vừa van vỉ: "Sơn ơi, chị em mình phải đến chỗ thằng T. thôi, thương em nó quá Sơn à".

Nhận được sự đồng tình của đồng chí Sơn, ngay sáng hôm sau, bà Tuyết đã cùng với người Cảnh sát khu vực tìm đến nhà T. Bà nói: "Ngoài trách nhiệm của tổ dân cư, tôi cũng là một người dân trong khu phố và người mẹ của mấy đứa con nên tôi không thể đứng nhìn một người đáng tuổi con mình phải chịu sự ghẻ lạnh của mọi người trong những ngày ngắn ngủi trước khi rời nhân thế. Tôi mong mọi người trong gia đình cho tôi được chăm sóc T. trong thời gian đó".

Vốn đã ngần ngại mỗi lần tiến gần đến T. nên người thân của chàng thanh niên tủi phận ấy nhất loạt đồng thuận. Thế là từ đó, bà Tuyết tự dưng trở thành "người mẹ" của đứa con tội lỗi ấy. Lần đầu tiên được bà Tuyết tắm rửa cho, điều mà từ khi được đưa về đây, T. chưa bao giờ được hưởng, T. đã hạnh phúc đến ứa nước mắt. Ánh mắt vốn có chút thù hận với cuộc đời đã bắt đầu ánh lên những ánh nhìn biết ơn. Còn những người thân của T thì cứ đứng trân trân, ngạc nhiên khi thấy bà Tuyết dám làm những việc ấy.

Bao nhiêu ngày T. còn được sống trên cõi đời là từng ấy ngày bà Tuyết đều đặn đến chăm sóc cho T. Nhiều người thấy bà hăng hái làm một việc không phải của mình cũng lấy làm ái ngại, người nhà cũng không ít lần khuyên bà không nên nhiệt tình quá như thế. Nhưng kệ, bà cứ lặng lẽ làm những gì lương tâm của một người mẹ trong bà mách bảo.

Hành động của bà sau một thời gian đã "xé" được màn đen u ám trong suy nghĩ của nhiều người. Bắt đầu từ những người thân trong nhà quan tâm đến T. hơn, sau dần nhiều người trong tổ dân cư cũng năng đến thăm hỏi, động viên T. cố gắng ăn uống để kéo dài thêm sự sống. Thậm chí, có người còn tình nguyện cùng bà Tuyết thay phiên chăm sóc T. từ việc tắm rửa cho đến cơm nước hàng ngày.

Sau ba tháng kể từ ngày được đưa về, cũng vào một buổi chiều muộn oi nồng, T. vội vã ra đi khi chưa kịp nói lời cảm ơn với người mẹ không có công sinh, nhưng có công dưỡng của mình. Tuy nhiên, khi nhìn thấy khuôn mặt thảnh thơi của T., bà Tuyết cũng tự nói với mình đó chính là món quà tri ân quý giá nhất mà T. gửi lại với cuộc đời.

Như một nghĩa cử cuối cùng với người đã khuất, khi biết gia đình T. còn nhiều khó khăn, bà Tuyết lại vận động bà con quyên góp để lo cho T. một đám tang được chu toàn để cậu khỏi tủi phận nơi chín suối.

Chất "thép" trong một trái tim nhân ái

Trong khoảng 10 năm làm tổ trưởng tổ dân cư của mình, bà Tuyết không thể nhớ được mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp cứu vớt được bao nhiêu phận người lầm lỗi, nhưng bà nghĩ nên lấy trái tim làm mẹ của mình để hiểu được nổi khổ tâm của những đấng sinh thành khác khi phải chứng kiến đứa con mình dứt ruột đẻ ra sa chân vào con đường hư hỏng, tội lỗi. Bà tự giao phó cho mình một thiên chức mà có người vẫn bảo "ôm rơm rặm bụng".

Danh sách những người được bà giúp đỡ ngày một dài, mỗi người là một số phận, một cuộc đời, một con đường phạm tội riêng… tuy nhiên đọng lại trong bà vẫn có những "ca" khó quên trong đời mình. Một trong những ca đó chính là lần bà giúp một gia đình trong tổ dân cư cai nghiện cho một cậu thanh niên mới lớn.

Bà Tuyết nhớ lại, thời điểm đó mẹ cháu tìm đến rồi thủ thỉ vào tai bà đứa con trai độc nhất đã "dính" nghiện. Nhưng vì uy tín của gia đình, người mẹ ấy mong bà tìm cách cai nghiện tại nhà cho con, để sau này khi vượt qua được đứa con đó có thể làm lại cuộc đời mà không bị tì vết nghiện ngập.

Nhận lời với gia đình, bà Tuyết lên một kế hoạch công phu, có phân từng giai đoạn quyết tâm cai nghiện cho chàng thanh niên mới lớn. Theo bà, do thời gian nghiện của cậu ta chưa lâu lắm, nên cách tốt nhất là sử dụng thuốc chống cắt cơn.

Thời bấy giờ, thuốc này còn khá đắt, nên bà rất nhớ một kỷ niệm khi bà đưa thuốc cho cậu ta uống, mới đút vào mồm cậu ta đã nôn ngay ra sàn nhà. Bà Tuyết lại phải dùng ngón tay trần của mình bươi từ trong đám đờm dãi nhầy nhụa nhặt lại những viên thuốc kia, lau khô để cho cậu ta uống lại. Bố mẹ chàng trai kia khi chứng kiến cảnh đó còn phải nói: Quả thật, đến cả chúng tôi là phận làm cha làm mẹ, nhưng cũng không dám động tay vào.

Một "ca" khó tiếp theo mà bà Tuyết phải trực tiếp đối mặt đó là vào năm 1994, tổ dân cư của bà tiếp nhận một chàng thanh niên tên là Chính, vừa kết thúc 23 tháng tù giam trở về về vì tội trộm cắp với "mật độ" tái phạm liên tục. Nghe tin, bà Tuyết cũng băn khoăn lắm, rồi bà nghĩ, suy cho cùng một phần nguyên nhân đẩy con người ra đến con đường tội lỗi cũng xuất phát từ việc nhàn rỗi mà ra cả.

Thế là hôm sau, bà lại bàn với đồng chí Sơn, Cảnh sát khu vực rồi đi gõ từng nhà một trong tổ để quyên góp tiền, với mục đích mua cho Chính một chiếc xe xích lô để làm việc. Biết được tấm lòng của người cán bộ khu phố, mỗi người một ít, cuối cùng bà cũng gom được 900.000 đồng.

Ở thời điểm đó là một tài sản không nhỏ. Việc đầu tiên, bà trích ra một khoản mua cho gia đình 4 yến gạo để cho 2 mẹ con có cái ăn. Sau nữa, bà lại cùng đồng chí Sơn lang thang khắp thành phố Hải Dương để tìm mua một chiếc xích lô cho Chính. Sau này, có người còn gọi chiếc xích lô của Chính là xích lô bà Tuyết.

Cảm động trước tấm lòng của bà tổ trưởng và bà con trong tổ dân phố, Chính quyết tâm không tái phạm nữa. Hiện tại, anh đã có một gia đình bình yên và một cuộc sống có phần dư dả với những đồng tiền sạch sẽ mà anh kiếm được bằng sức lao động chân chính của mình. Sau lần đó, anh tâm sự đã coi bà Tuyết như một người thân của mình, một người thân kéo anh về nẻo thiện.

Sau rất nhiều lần dang tay cứu rỗi những phận người lầm lỗi, mà phần lớn có liên can đến việc nghiện ngập, hút chích ma túy, bà Tuyết bắt đầu suy nghĩ, nếu chỉ làm những việc ấy thôi thì chỉ giải quyết được một phần hậu quả, việc quan trọng nhất đó là phải ngăn chặn ma túy từ gốc của nó. Có như vậy mới ngăn được tội phạm phát sinh, trả lại bình yên cho khu phố.

Nghĩ thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm thì quả thật gian nan vô cùng. Khu dân cư số 9 nằm dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo từ cổng bưu điện đến công viên Bạch Đằng của thành phố Hải Dương. Thời điểm đó, đây là một trong những địa bàn nóng bỏng nhất của phường và thành phố về ma túy và tệ nạn xã hội.

Quyết không phụ lòng tin của bà con, bà Tuyết lại thêm một lần nữa xung phong đi đầu trong cuộc chiến mà bà biết đầy rẫy hiểm nguy và gian nan. Bà đã cùng với Cảnh sát khu vực và đội công tác nhân dân tiến hành rà soát các đối tượng nghiện, phân công nhau đến từng nhà, vào từng ngõ, đến gặp từng người để động viên, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm lại cuộc đời.

Kết quả của năm "tuyên chiến" với tệ nạn ma túy mà bà là người "lĩnh ấn tiên phong" đã được đền đáp, khi khu dân cư số 9 được công nhận là địa bàn sạch về ma túy. Danh hiệu này được giữ vững liên tiếp trong vòng 3 năm tiếp theo.

Bây giờ, ở tổ dân cư số 9, tên tuổi bà Tuyết đã gắn chặt với danh hiệu tổ trưởng tổ dân phố "thép" với chiến công mà rất nhiều bậc mày râu khác cũng phải ngã mũ kính phục. Nhưng đúng như bà nói, dù "thép" thì cũng phải biết cương, biết nhu đúng lúc, có như thế mới vừa tấn công với tệ nạn, vừa giáo dục người lầm lỗi thành công được

Cao Tùng – số 53
.
.
.