Người phụ nữ đất Quảng kiên trung

Thứ Ba, 22/02/2011, 10:31
Là một cán bộ làm việc tại Phòng Quân y - Cục Hậu cần/Tổng cục Chính trị, tôi rất vinh dự được chăm lo sức khỏe cho Đại tướng Nguyễn Quyết và thường xuyên tiếp xúc và gần gũi với bà Võ Thị Hoàng Mai, luôn lắng nghe và nhận được nhiều điều răn dạy của bà.

Bà Võ Thị Hoàng Mai sinh năm 1928 ở thôn An Lâm, phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Bà sinh ra trong gia đình nông dân nghèo nhưng luôn tin và đi theo cách mạng. Vốn nhanh nhẹn và thông minh nên dù học ở cấp nào, trường nào bà cũng học giỏi, bà đã được học tại Trường Quốc học Huế, đó là thành tích mà không phải học sinh nào cũng có thể làm được.

Những năm cuối học ở Quốc học Huế, bà đã tìm hiểu và tích cực tham gia các phong trào Việt Minh. Học xong bà về quê nhà, lúc này phong trào Việt Minh đang lên cao, bà tham gia và nhanh chóng trở thành chiến sỹ Việt Minh, công tác ở Hội Phụ nữ huyện, rồi Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 28/7/1954, bà được Trung ương điều ra Bắc làm việc tại Phòng Tuyên huấn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chẳng bao lâu, Trung ương điều bà về công tác tại Tỉnh hội Phụ nữ tỉnh Hưng Yên, rồi đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc.

Ra trường bà về công tác tại Sở Giáo dục thành phố Hải Phòng, rồi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, rồi Chủ tịch Ủy ban mặt trận thành phố Hải Phòng.

Năm 1947, trong một lớp học của cán bộ trung cao cấp do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách ở Tư Nghĩa, Quảng ngãi, bà đã gặp đồng chí Nguyễn Quyết. Bà mến ông bởi tính cách chững chạc, điềm đạm và chân thành. Tuy người Nam kẻ Bắc, có những khác biệt về tính cách, lại không rõ quê hương bản quán ra sao, nhưng bà vẫn quyết định lấy ông, chấp nhận cuộc đời của vợ một người lính, dù biết cuộc đời đó là cuộc đời hi sinh, vất vả, khi chồng mình cứ nay đây mai đó, hết chiến trường này đến chiến trường khác, luôn luôn phải đối mặt với cái chết cận kề.

Sau khi kết hôn, ông bà mỗi người một nơi, theo nhiệm vụ cấp trên giao phó. Đứa con đầu lòng của ông bà cũng ra đời trong một cuộc gặp tình cờ trên đường đi công tác. Ngày đó, có lần có người báo tin cho bà ông hi sinh vì bị trúng bom trong mặt trận, bà đã khóc hết nước mắt hằng đêm, rồi lại đứng dậy quyết tâm vượt qua nỗi đau để nuôi con. Nhưng bà đã may mắn hơn nhiều phụ nữ khác, khi ông đã trở về lành lặn, trọn vẹn và cùng bà đi trọn con đường đời, dù rằng suốt chặng đường đó, họ có không ít những năm tháng phải chia cách do nhiệm vụ riêng của mỗi người đối với Cách mạng.

Những năm tháng kháng chiến, cuộc sống của bà và gia đình vô cùng khó khăn và thử thách, tất cả đè nặng lên hai vai của bà. Ông đi chiến trường nay đây mai đó, một mình bà vừa công tác tốt, vừa đảm nhiệm cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, ổn định cuộc sống. Quân khu 3 phân cho ông bà căn hộ biệt thự ở phố Lý Tự Trọng, thành phố Hải Phòng. Nhưng khác với rất nhiều người, bà là người cởi mở, sống chan hòa với cả những cấp dưới, những người lính của chồng mình.

Căn biệt thự là ngôi nhà mà ông bà xứng đáng được ở trọn vẹn. Nhưng bà lại quyết định cùng gia đình chỉ ở một phần ở tầng trên còn lại nhường cho 6 gia đình cán bộ Thượng, Đại tá ở Quân khu vào ở cùng ông bà, cuộc sống trong khu gia đình cũng bình dị như bao gia đình khác, cũng trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà… mặc dù ông bà là cán bộ cao cấp của Đảng.

Chị Hòa, cán bộ ở Hải Phòng, vợ đồng chí Hải, Đại tá lên thăm bà đã nói anh chị đã hy sinh tất cả cho chúng em, bây giờ anh chị chẳng có gì. Bao nhiêu năm, họ vẫn dành tình cảm cho vợ chồng ông bà như thế, vợ chồng vị Tướng chỉ huy mà họ đặc biệt tôn kính. Câu nói đầy cảm xúc và đúng sự thật xuất phát từ tấm lòng cưu mang, giúp đỡ của ông bà đối với các gia đình ở cùng khu gia đình. Nhưng đó cũng là cách bà âm thầm động viên và giúp đỡ ông, cùng ông vượt qua tất cả khó khăn trong cả công việc và cuộc sống.

Ông luôn nói với tôi rằng: "Bác Hồ dạy: Không có gì quý hơn độc lập tự do, có độc lập rồi dân không hạnh phúc vô nghĩa". Ông đã chủ động, sáng tạo cùng Quân khu 3 xây dựng phong trào làm giàu đánh thắng, từng người từng nhà xây dựng kinh tế, kinh tế đơn vị, vươn ra biển xa làm giàu đánh thắng, kinh tế kết hợp với quốc phòng, được Đảng bộ và chính quyền các tỉnh trong Quân khu hoan nghênh và tin tưởng chủ trương đầy táo bạo của Quân khu nhằm đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, căn bản làm tốt chế độ chính sách nhà cửa cho cán bộ. Ông làm được như vậy là luôn có sự chăm lo, động viên của bà.

Hiện nay ông bà ở tại số 2/4 phố Yersin, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Cũng như bao căn nhà của cán bộ khác, ông bà sống giản dị, bà luôn chú ý chăm lo cho ông, cho các cháu, dồn sức lực còn lại giúp ông, cùng ông tham gia tổng kết cho Quân khu 3, Quân khu 5, đóng góp, tranh luận tích cực vào Cương lĩnh Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI và tham gia tổng kết của Đảng bộ Quân đội.

Làm việc nhiệt tình và đầy trách nhiệm, bà luôn nói và làm theo đúng nguyên tắc, điều lệ của Đảng. Kiên quyết, thẳng thắn đấu tranh phê bình đối với những việc làm sai nguyên tắc của Đảng bộ phường nơi bà cư trú. Ngoài việc giúp ông viết tài liệu, bà tranh thủ tận dụng tí đất còn lại để trồng cây, do nhà nằm ở hướng Tây nên mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, bà trồng cây theo mùa, sản phẩm là rau quả sạch để dùng trong gia đình và cho con cháu và hàng xóm. Cuộc sống chan hòa đầm ấm với đồng lương chính đáng của bà.

Bà dặn chúng tôi: Phải biết tiết kiệm, nhất là điện nước. Bà nói rằng: Cuộc đời bà sống trong kháng chiến quá dài và thiếu thốn mọi bề. Hiện nay cuộc sống đã khác rồi nhưng phải tiết kiệm, mọi người, mọi nhà phải tiết kiệm. Bà là người cẩn thận và trách nhiệm trong công việc của mình, những quần áo ông bà, các cháu còn mới, bà giặt sạch sẽ, gói cẩn thận và động viên con cháu gửi cho Hội đồng hương Quảng Ngãi, vùng bão lụt…

Trong cuộc sống hàng ngày, bà chi tiêu khoa học trong tiền lương và trích ra một phần giúp Hội chữ thập đỏ Phường tặng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, các cháu tàn tật, gửi về cho Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi giúp các đối tượng chính sách, tàn tật, chất độc màu da cam. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng bà vẫn tham gia các hội nghị, viết sách tổng kết, nhiều cuốn sách đã ghi nhận công lao to lớn của bà như: Phụ nữ Nam Trung bộ; Du kích Hoàng Ngân…

Bà vẫn dặn và bảo tôi rằng phải chịu khó đọc và học. Tri thức không bao giờ dừng lại, có đọc có học thì mới sáng dạ và làm việc tốt. Quả đúng như vậy, tôi nghĩ rằng ai đã cùng sống và làm việc với bà, hoặc gặp gỡ và tiếp xúc với bà trong những năm tháng công tác của bà đều để lại trong lòng nhiều ấn tượng sâu sắc về con người bà, bà là một tấm gương trong sáng: trong công tác thì kiên định, sáng tạo, trong xã hội thì đạo đức, nhân văn, trong gia đình thì đôn hậu, mẫu mực, cả cuộc đời tất cả vì nước, vì dân, vì cuộc sống gia đình hạnh phúc. Bà thật xứng đáng là một người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bà qua đời vì bệnh nặng năm 2008. Những ngày sau khi bà mất, ông trống vắng và hụt hẫng đi nhiều. Ông bà sống với nhau tâm đầu ý hợp, trọn vẹn mấy chục năm trời, ngay cả khi con cái đã trưởng thành, người ta cũng không bao giờ thấy vợ chồng ông bà cãi nhau hay to tiếng với nhau một câu. Ông bà hòa hợp trong tất cả mọi chuyện từ nhỏ đến lớn trong cuộc sống và thực sự là tri âm, tri kỷ của nhau trong đời. Họ đã cùng nhau trải qua những năm tháng hạnh phúc, cùng nhau vượt qua những gian khổ, khó khăn và cả những đau thương của đời người. Thế nên với ông, mất đi bà là mất đi một nửa cuộc đời trọn vẹn của mình, là mất đi người đầu gối tay ấp, người bạn, người đồng chí cùng chí hướng.

Tôi viết bài báo này về bà với tư cách là cán bộ chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng Nguyễn Quyết. Nhưng hơn cả thế, tôi viết nó với tình cảm của một người em dành cho một người chị đầy tôn kính, nhân ái, bao dung và yêu thương với cuộc đờ

Phạm Xuân Bình
.
.
.