Người thầy rong ruổi trên lưng lừa mang chữ đến bản

Thứ Sáu, 04/03/2011, 08:58
Thầy giáo tiểu học Luis Soriano, 38 tuổi, ở La Gloria (Colombia) nghèo cứ chập tối mỗi thứ tư hằng tuần và mỗi thứ bảy từ lúc bình minh, lại rong ruổi cùng chú lừa, mang một thư viện di động đến với trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn trên khắp bang Magdalena. Những đứa trẻ ở đây đợi Soriano để được anh hướng dẫn làm bài tập về nhà, chờ anh dạy đọc chữ, nghe anh kể những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về các cuộc phiêu lưu và nghe anh giảng những bài học về địa lý, về thế giới, về đất nước…

Ý tưởng không giống ai xuất phát từ lòng nhân hậu

Sau khi bắt đầu công việc của một giáo viên tại La Gloria rất nhiều năm trước, Soriano nhận thấy rằng có rất nhiều học sinh không chỉ gặp khó khăn đối với việc đọc mà còn gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà. Hầu hết những học sinh yếu kém nhất lớp đều xuất thân từ những ngôi làng hẻo lánh. Các em không thể học hành tới nơi tới chốn vì đa số bố mẹ các em mù chữ và nghèo khó, luôn ở trong tình trạng thiếu thốn sách vở cùng với trang thiết bị học tập. Theo Soriano, ở những vùng quê này, những đứa trẻ phải đi bộ hoặc cưỡi lừa khoảng 40 phút mới tới được ngôi trường gần nhất. Chính vì vậy, các em có rất ít cơ hội được theo học các cấp cao hơn và cũng có rất ít giáo viên muốn về những vùng đất này để giảng dạy. 

Từ thực tế đó, Soriano nảy ra ý tưởng trở thành chiếc cầu nối làm gần hơn khoảng cách giữa những học sinh thành thị và nông thôn. Anh quyết định tự mình đầu tư mua sách rồi dùng lừa mang tới cho trẻ em ở những vùng quê nghèo. Chập tối mỗi thứ tư hằng tuần và mỗi thứ bảy từ lúc bình minh, Soriano cùng chú lừa lại đi tới một khu làng mà anh đã lựa chọn từ trước. Trong suốt nhiều năm trời, Soriano cùng "thư viện" của mình đã mang kiến thức tới những đứa trẻ sống ở "những khu vực bị lãng quên" tại 15 ngôi làng hẻo lánh trên khắp bang Magdalena.

Soriano cho biết đã có khoảng thời gian nhiều người cho rằng anh bị điên. Tuy nhiên, được sự ủng hộ, động viên của vợ, Soriano vẫn kiên trì với công việc của mình trong suốt 20 năm qua.

Những bài giảng trên lưng lừa

Soriano cho biết, việc phải ngồi trên lưng lừa ròng rã suốt 5 -  8 tiếng đồng hồ khiến anh cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Có những lần vì quá mệt mỏi, trời lại nắng chang chang khiến anh ngất lịm. May mắn thay, lần nào như vậy, anh đều được người dân kịp thời đưa đi cấp cứu. Khó khăn, vất vả là thế nhưng mỗi khi tới được với các khu làng, mọi mệt mỏi dường như tan biến, thay vào đó là cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc vì nhìn thấy những khuôn mặt trẻ thơ bừng sáng. Bọn trẻ ùa ra, hồ hởi đón chào anh, đón chào những bài giảng của anh vui sướng, phấn khởi như được nhận quà của ông già Noel mỗi độ Giáng sinh về.

Mỗi khi anh tới với một khu làng, thường có từ 40 - 50 đứa trẻ đã chờ đợi sẵn. Chúng đợi Soriano để được anh hướng dẫn làm bài tập về nhà, chờ anh dạy đọc chữ, nghe anh kể những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về các cuộc phiêu lưu và nghe anh giảng những bài học về địa lý, về thế giới, về đất nước mà anh đã chuẩn bị sẵn. Có lần thầy Soriano giảng bài về tiết kiệm, thầy kể câu chuyện các bạn hay bỏ phí cơm, mỗi hạt cơm là công sức mẹ cha. Lần giảng về mẹ, thầy kể chuyện về một phụ nữ tật nguyền hai lần bị cưỡng hiếp sinh hai đứa con. Người mẹ ấy mất trí, không nhớ nổi ai là kẻ hại mình, nhưng vì tình thương con, bà một mình sinh con, làm mướn nuôi con…

Thầy dặn bạn nào quậy phá không lo học hành tức là không biết thương cha mẹ. Thầy thường cho các bạn học sinh viết cảm nghĩ sau bài học, từ đó thầy biết bạn nào có tâm tư gì. Thầy gọi riêng các bạn có hoàn cảnh đặc biệt ra hỏi thăm, giải thích cái gì đúng, cái gì chưa đúng. Từ những câu chuyện của thầy, nhiều bạn thay đổi lắm.

Cậu học trò chăm chỉ  Hernandez kể câu chuyện rất cảm động về người thầy Soriano. Trong ngôi nhà tranh ba gian với bộ bàn ghế bành cũ, ba thầy trò Hernandez chụm đầu lúi húi cùng nhau giải bài tập Hóa. Lúc bấy giờ, Hernandez có cảm giác thầy và chúng như những người bạn "học nhóm". Trước mỗi bài, thầy luôn tham gia giải và nhiều bài Hernandez hoặc bạn khác đưa ra được lời giải trước. Đối với Hernandez lúc đó cảm thấy phấn khích thực sự vì nhận được lời khen và ánh mắt khích lệ của thầy gầy gò, đen trùi trũi. Tình yêu môn Hóa lớn dần trong Hernandez từ đó, những bài toán Hóa học cứ lởn vởn trong đầu cậu bé trên đường đi học và lúc về.

Nhà thầy Soriano cách trường khoảng chục kilômét, mùa mưa với đường đất lầy là một sự tra tấn khủng khiếp đối với cả người đi bộ và người đi xe đạp. Ấy vậy mà, không quản nhọc nhằn thầy vẫn cưỡi lừa đến ngôi làng để dạy học. Dưới sự dạy bảo của thầy, chẳng biết từ bao giờ Hernandez say mê môn Hóa đến lạ kì, mọi hiện tượng hóa học xung quanh đều làm cho tôi tự nêu ra câu hỏi: Cơ chế phản ứng của nó như thế nào? Chất gì tác động với chất gì? Nếu có xúc tác thì sẽ ra sao v.v... và đi tìm lời giải thích.

Kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh kết thúc, Hernandez đến trường và gặp thầy. Hernandez chưa kịp báo cáo kết quả làm bài thì thầy đã nói: "Em không cần phải báo cáo, thầy tin em". Với kết quả làm bài của mình, được giải khuyến khích đối với học sinh ở vùng quê hẻo lánh như Hernandez đã là oai lắm rồi. Hernandez biết thầy vui lắm nhưng không nói gì ngoài câu: "Thứ bảy này ta lại tiếp tục nhé". Cứ như thế, Hernandez đã được thầy dạy "miễn phí" cho đến hết năm lớp 12, và năm nào Hernandez cũng được công nhận là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học.

Anh Dairo Holguin, 34 tuổi, bố của 2 đứa trẻ đã trở thành "học trò chăm chỉ" của thầy Soriano cho biết, những đứa con của anh rất hào hứng mỗi khi thấy "thư viện di động" của Soriano. Chúng luôn chờ đón Soriano. Đối với những người dân trong làng, chương trình mang sách tới vùng quê là một phần quan trọng giúp bổ sung thêm kiến thức mà bọn trẻ được học ở trường. Nhờ thư viện này, các em mới có cơ hội được chạm tới những cuốn sách mà bình thường chúng không bao giờ có được. Bản thân anh cũng rất muốn tham gia những giờ giảng của thầy Soriano. Mỗi khi thấy thầy đến, anh cố gắng làm nhanh công việc, tranh thủ "lẻn" nghe thầy giảng. "Hay. Hay thật". Chí ít anh cũng biết sơ sơ về lịch sử hình thành quốc gia Colombia, về con người, văn hóa, truyền thống nơi chôn rau cắt rốn, mà trước kia anh chưa được hay biết.

Sẽ mãi duy trì "thư viện di động"

Luis Soriano đã bắt đầu thực hiện kế hoạch này từ năm 1990 và đã có hơn 4.000 đứa trẻ nghèo đã được hưởng những lợi ích thiết thực từ chương trình này. Soriano cho biết, ngoài những đứa trẻ nghèo, có không ít những bậc phụ huynh và người lớn cũng tham gia và trở thành độc giả trung thành của "thư viện di động". Tính đến nay, Soriano đã mất gần 4.000 giờ ngồi trên lưng lừa để tới với những ngôi làng nghèo và cũng gặp không ít bất trắc, tai nạn trong các chuyến đi. Tuy vậy, bất chấp những khó khăn, Soriano chưa bao giờ chùn bước và anh vẫn sẽ tiếp tục công việc quen thuộc của mình cho tới khi nào không thể cố gắng thêm được nữa.

Những khoản chi không nhỏ nếu so với đồng lương giáo viên tiểu học. Thầy xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, gia đình riêng cũng không khá giả, vợ buôn bán nhỏ. Gom góp tiền lương, tiền làm thêm buổi hai ở trường, tiền dạy kèm buổi tối, trừ các khoản chi phí và sách vở, hằng tháng thầy phụ cho vợ một khoản tiền rất nhỏ. Cũng day dứt, đắn đo lắm! Nhưng thầy còn một nỗi bận tâm khác lớn hơn. Soriano hy vọng mọi người sẽ hiểu được sức mạnh to lớn của việc đọc. Nhờ sách và trao đổi ý kiến mà mọi người có thể giao tiếp với nhau được tốt hơn. Anh cũng mong rằng những đứa trẻ được hưởng một nền giáo dục tốt hơn sẽ trở thành một công dân tốt và một người hữu ích cho xã hội. Đối với anh, "văn hóa chính là chiếc cầu tuyệt vời nhất giúp mọi người kết nối với thế giới".    

Bên cạnh "thư viện di động", Soriano và vợ còn tự đầu tư xây dựng một thư viện miễn phí rộng nhất bang Magdalena ngay cạnh nhà mình. Thư viện có 4.200 đầu sách mà hầu hết số sách đó đều do những người hảo tâm đóng góp. Để có tiền chi trả cho cuộc sống, vợ chồng Soriano còn cùng nhau quản lý một cửa hàng đồ khô nhỏ

Hồng Hà
.
.
.