Thiếu tá Hoàng Văn Tuấn, quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Hưng Yên:

Người tìm lại lương tri cho các phạm nhân

Thứ Tư, 27/07/2011, 08:41
Đã gắn bó với công việc của một quản giáo rất nhiều năm, từng gặp quản lý biết bao phạm nhân với nhiều tội ác ghê rợn, Thiếu tá Hoàng Văn Tuấn vẫn cho rằng, dù là kẻ gây ra trọng tội nhưng trong mỗi phạm nhân vẫn còn chút lương tri của con người. Ngoài nhiệm vụ trông coi quản lý, những người quản giáo phải biết thức tỉnh phần người tốt đẹp cho những phạm nhân.

Khi phạm nhân được cảm hóa nghĩa là lúc đó lương tri của họ đã thức tỉnh. Công việc người quản giáo không chỉ là trông giữ phạm nhân mà còn phải giúp họ tìm được suy nghĩ mới, để có được cuộc sống mới sau khi ra trại. Thiếu tá Hoàng Văn Tuấn đã có gần hai mươi năm công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hưng Yên, đối với anh công việc quản giáo đã vượt qua ranh giới của nhiệm vụ mà nó là sự nghiệp và niềm đam mê.

Với nhiều người, trại giam là một nơi lạnh lẽo và chỉ có những tội phạm. Ở đây, chỉ có những câu chuyện "lạnh người" của những người có "bản lý lịch đen". Chẳng ai muốn đến và cũng chẳng có ai muốn nghe những câu chuyện về trại giam, nhưng với Thiếu tá Tuấn, dù có mang tội lớn đến mức nào thì những phạm nhân vẫn còn một chút gì đó đáng thương. Với anh, mỗi phạm nhân đều đã trải qua một bi kịch trong cuộc sống nên đã dẫn lối họ bước đến con đường phạm tội.

Nhớ lại câu chuyện về một nữ phạm nhân tên Nguyễn Thị Hương, quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), Thiếu tá Tuấn vẫn không thể giấu nổi cảm xúc của mình. Anh bảo rằng, từ khi vào trại tạm giam làm việc đã được gần hai chục năm, nhưng trường hợp nữ phạm nhân này là người tạo cho anh nhiều suy nghĩ nhất.

Hương vào trại giam với tội danh, tổ chức mua bán dâm tại địa phương. Bản thân Hương đã bỏ chồng từ lâu và một mình nuôi hai đứa con. Cuộc sống ở nơi thôn quê nghèo khó khiến cho Hương không tìm được công việc nào chính đáng để nuôi dạy cho hai đứa con một cách đầy đủ. Và rồi Hương đã dấn thân vào con đường đầy tủi nhục khi quyết định đi bán dâm để kiếm tiền nuôi con sống qua ngày.

Nhưng nhan sắc của một người phụ nữ đã có hai con chẳng thể giúp Hương kiếm được nhiều tiền trong công việc "buôn phấn, bán hoa". Số tiền kiếm được chẳng là bao nên đời sống của ba mẹ con Hương vẫn lay lắt, vật vã trong sự thiếu thốn. Đã có một thời gian từng trải "trong nghề", có chút "vốn liếng kinh nghiệm" nên Hương đã quyết định mở một quán café, gội đầu  trá hình để môi giới buôn bán dâm.

Ở chốn thôn quê, tuy đã là bà chủ của cả cửa hàng nhưng số tiền Hương kiếm được không đáng bao nhiêu. Ngày nhiều chỉ có một vài khách nhưng cũng có ngày "ế sưng ế xỉa" thì cả bà chủ lẫn nhân viên chỉ biết nhìn trời mà than phiền. Rồi cái quán bán dâm trá hình của Hương bị Công an phát hiện và xóa sổ.

Hương vào trại giam để lại hai đứa con nhỏ bơ vơ ngoài cuộc sống. Khi Hương vào trại, suốt một thời gian dài chẳng có ai đến thăm nom. Khi bước chân vào trại giam, Hương không sợ mình bị kết án nặng hay cuộc sống cùng cực mà thị chỉ lo nghĩ đến hai đứa con ở ngoài. Ông bà hai bên thì đều đã từ mặt ba mẹ con từ lâu. Họ hàng thân thích thì chẳng có ai đủ tin tưởng để nuôi dạy hai đứa nhỏ…

Suốt trong một quãng thời gian dài chẳng có người họ hàng nào đến trại giam thăm Hương. Nhiều cán bộ trại giam cũng cảm thông với số phận hẩm hiu của "má mì" này. Và rồi, trong một buổi sáng mùa đông rét căm căm khi chỉ cách vài ngày là Tết đến, tất cả cán bộ, quản giáo Trại tạm giam Hưng Yên đã rất ngỡ ngàng khi thấy hai đứa trẻ con dắt tay nhau xin vào thăm nuôi phạm nhân.

Hai đứa con nhỏ của Hương đã lên thăm thị. Đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi, chúng lẫm chẫm bước vào trại giam trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Gặp con, Hương đã được an ủi phần nào khi Tết đã sắp đến. Nhìn hai đứa con vững vàng, rắn rỏi lòng Hương cũng đã yên tâm hơn. Cuộc gặp gỡ của ba mẹ con Hương khiến cho bất kỳ ai có mặt ở trại giam lúc đó vẫn bồi hồi. Nhiều người đã phải chảy nước mắt khi trước lúc ra về, hai đứa trẻ lấy trong "tay nải" của mình ra ba củ khoai lang luộc đưa cho mẹ và nói: "Chúng con mang lên để mẹ ăn Tết". Lúc đó Hương chỉ biết nấc lên từng hồi còn những ai có mặt ở đó, trái tim cũng đập mạnh hơn.

Biết được hoàn cảnh đáng thương của ba mẹ con Hương, chẳng thể nghĩ ra cách gì giúp đỡ, Thiếu tá Tuấn đã đề nghị với lãnh đạo trại giam tặng hai đứa nhỏ mấy chiếc bánh trưng, ít bánh kẹo để về quê ăn Tết. Lúc đó anh nghĩ rằng, mình chẳng thể giúp được ba mẹ con Hương đoàn tụ trong ngày Tết đến, món quà đó sẽ giúp hai đứa trẻ có cái Tết no đủ hơn. Hai đứa nhỏ lại lầm lũi bước ra khỏi cổng trại giam trong ánh mắt dõi nhìn của tất cả mọi người. Còn Hương lúc đó chỉ ngồi trong buồng giam nghẹn ngào vì thương con. Thị tự trách bản thân, hối tiếc vì đã không tìm lấy một công việc lương thiện để được gần gũi con…

Gần hai thập niên tuy không quá dài những cũng đủ để Thiếu tá Tuấn đong đầy kỷ niệm vào trong ký ức của mình. Thời gian trôi đi, những va chạm trong công việc cũng giúp anh hiểu được nhiều chân lý của cuộc sống. Hơn nữa, mỗi một ngày trôi qua vốn kinh nghiệm nghề nghiệp trong anh càng nhiều hơn.

Thiếu tá Tuấn cho rằng, dù phạm nhân có là một tên sát thủ máu lạnh, cứng đầu nhưng vẫn chút ít lương tri trong con người. Người quản giáo hãy đánh thức chút lương tri đó thì việc cảm hóa họ chắc chắn sẽ thành công. Kể về trường hợp của phạm nhân Lê Bá Khánh, Thiếu tá Tuấn khẳng định đây là trường hợp khiến cho các cán bộ quản giáo tại trại giam mất nhiều công sức nhất từ trước đến nay. Từ ngày vào trại, Khánh đã tuyệt thực hoàn toàn. Mặc cho cán bộ quản giáo có động viên chăm sóc ra sao, Khánh vẫn tỏ ra là một phạm nhân cứng đầu, chống đối.

Nhịn ăn được vài ngày thì sức khỏe của Khánh bị quật ngã vì đói lả. Tuy vậy, khi cho người mang thức ăn vào buồng giam gã phạm nhân này vẫn quyết tâm đoạn tuyệt. Khánh nằm li bì trong buồng giam như người chết giả vì nhịn ăn nhiều ngày. Nếu như để tình trạng này kéo dài, sức khỏe của Khánh sẽ cạn kiệt và có thể dẫn đến cái chết. Lúc đó Thiếu tá Tuấn đã cùng với các anh em trong tổ quản giáo đã liên tục vào động viên, chăm sóc Khánh. Nhưng tên phạm nhân này vẫn giữ khăng khăng thái độ chống đối khi tiếp tục tuyệt thực.

Thiếu tá Tuấn đã huy động một số cán bộ khác cứ đến bữa là vào đổ nước đường và nước cơm cho Khánh. Ròng rã vài ngày liền như vậy, sức khỏe của Khánh dần phục hồi dù hắn không ăn uống. Tuy nhiên một điều lạ thay, sau khi được các quản giáo chăm sóc cộng với sự động viên của cán bộ điều tra, Khánh đã thay đổi thái độ và thành khẩn khai báo. Công tác điều tra về vụ án giết người nhờ đó cũng nhanh chóng được làm sáng tỏ.

Chặng đường gắn bó với công việc tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hưng Yên đã giúp Thiếu tá Tuấn ngộ ra được rất nhiều điều. Anh chưa bao giờ dùng đến những biện pháp "mạnh" để quản lý phạm nhân. Phương pháp mà cho đến bây giờ anh cho hiệu quả nhất đó sự cảm thông, chia sẻ chân. Điều quan trọng nhất là giúp từng người phạm nhân hiểu được hành động sai trái mình đã gây ra. Bên cạnh đó, việc giúp có được tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai phía trước cũng rất quan trọng. Vì khi mỗi người phạm nhân nghĩ rằng cuộc đời mình vẫn còn tương lai thì lúc họ đó sẽ tự ý thức được việc cải tạo tốt để sớm được làm lại cuộc đời.

Thiếu tá Tuấn nhớ về trường hợp của một phạm nhân nữ tên Hà giam giữ tại Trại tạm giam Hưng Yên cách đây đã nhiều năm. Hà nhận bản án 15 tù cho tội danh buôn bán chất ma túy. Khi vào trại nữ phạm nhân vẫn còn ở độ đuổi son sắc. Hà không buồn vì bản án mình đã nhận mà thị sợ rằng sau khi mãn hạn trở về thị không thể làm lại được cuộc đời... Thị sợ rằng, khi trở về thì đã già, chẳng thể lấy chồng và cũng chẳng thể có được một gia đình. Hà chán nản nghĩ rằng cuộc đời mình đã chẳng còn gì.

Suy nghĩ như vậy, Hà thường không chấp hành nội quy của trại giam, thậm chí đã có lần thị tìm cách tự tử. Nhưng rồi, chính những lời động viên, sự quan tâm chia sẻ của những người quản giáo đã giúp Hà nghĩ lại. Hiểu được suy nghĩ của Hà, những cán bộ ở trong trại nói với nữ phạm nhân này rằng, làm lại cuộc đời sẽ không bao giờ muộn, chỉ có điều phải biết tìm một hướng đi đúng đắn.

Sự gần gũi, động viên của quản giáo dần dần đã giúp Hà tỉnh ngộ. Khi ý thức của nữ phạm nhân đã được đánh thức thị trở thành một người chấp hành rất tốt các nội quy của trại giam. Thị muốn làm lại cuộc đời ngay khi còn ở trong trại giam. Ngày Hà chuyển trại, nữ phạm nhân này đã đứng trước các quản giáo và thề rằng chắc chắn sẽ làm lại được cuộc đời sau khi mãn hạn…

Nguyễn Ngọc - số 49
.
.
.