Người tự "cầm tù" nơi hoang đảo

Thứ Hai, 11/07/2011, 10:58
Nơi cửa ngõ Tây Bắc, ông từng là một đại gia cỡ bự, tiền không thèm đếm, cứ nèn chặt trong bao rồi vứt lăn lóc ở góc nhà. Nhưng rồi, dòng đời xô đẩy, tiền núi ấy đã hoá khói, hoá mây bởi hơn chục năm trời, ông thành nô lệ của ma tuý và những cuộc ăn chơi suốt sáng, thâu đêm. Đáy vực cuộc đời, khi "nhìn quanh đời không dấu tương lai", đại gia một thủa ấy đã giật mình tỉnh giấc. Vào lòng hồ, chọn hòn đảo hoang vu, ông "buộc" đời mình ở đó…

Đảo "ông Giang nghiện" bây giờ mùa nào thức nấy. Với hàng nghìn gốc hồng, bương, cam quýt, cùng hệ thống ao cá, cá lồng… mỗi năm ông đã thu hoạch cả trăm triệu đồng. Có kiếm bằng mồ hôi nước mắt mới thấy đồng tiền có giá, ông luôn dậy các con mình thế. Và, tới đây, ông muốn con ông thi vào trường lâm nghiệp để khi học xong về cùng ông tiếp tục khai khẩn hòn đảo một thời hoang hoá này.

Ông tên đầy đủ là Lương Văn Giang, nhưng giờ, mọi người vẫn quen gọi là Giang "đại gia" hay Giang "nghiện". Và, ốc đảo nơi ông "cắm neo" đời mình, cũng được gọi bằng cái tên của người đã "khai sinh" ra nó - đảo Giang "nghiện".

"Tiền vào như nước sông Đà…"

Từ thành đập thuỷ điện Hoà Bình, vè vè thuyền máy, vòng vèo ra nơi ông ở mất chừng nửa tiếng đồng hồ. Ngay tại bến nước, khi "thần giữ của" vừa sủa lên những tràng ông ổng thì "chúa đảo" xuất hiện. Mặt chữ điền, lún phún râu quai nón. Mặt người quân tử. Chúa đảo đang bị chứng bệnh sốt rét hành hạ. Ngồi được vài phút thì mồ hôi ông túa ra. Run bần bật. Ông bảo, chứng nan y đó, ông vướng vào từ hồi đi lính. Cứ thỉnh thoảng bệnh ấy lại về hành hạ. Bệnh ấy, ông hiểu như kẻ tri âm. Vậy nên không cần gì tới bệnh viện, cứ nằm nhà, chỉ vài hôm, chán nhau, bệnh sẽ tan. Thêm nữa, vào đất liền, thuyền bè cách rách, đi lại thấy ngại vô cùng. Một lý do sâu thẳm nữa, đất liền luôn gợi cho ông nhớ đến những ngày tháng lầm lỗi xưa kia. Ngày ấy, ông như thú hoang, bởi ham vui mà chìm sâu trong vũng lầy tăm tối.

Đảo "ông Giang nghiện".

Năm 1980, bộ đội về, ông là cậu trai ăm ắp khát vọng làm giàu trên mảnh đất Hoà Bình nghèo khó quê mình. Thế nhưng, ước vọng ấy đã nhanh chóng bị giội nước lạnh khi bập vào bất cứ việc gì, ông đều thất bại. Quẫn chí, ông đã định vượt biên, sang Thái Lan, nơi ông có nhiều người quen để nâng niu tiếp khát vọng thoát nghèo của mình. Đang loay hoay tìm đường ra đi cứu giấc mộng đời mình thì một chuyến ngược sông Đà theo chúng bạn, thấy nơi đó có rất nhiều lâm sản quý hiếm, ông đã nghĩ lại. Ông kể, khi vào các bản làng ở ngay mép sông, thấy rừng bạt ngàn, ông đã… thèm đến chảy nước miếng. Gỗ ấy, ở hạ lưu sông Đà, các xưởng mộc thường phải mua với giá cắt cổ.

Vậy là, ngay sau chuyến "thám hiểm" sông Đà ấy, ông khăn gói lên Sơn La để làm… lâm tặc. Ngay bè gỗ đầu tiên, với số vốn ít ỏi vay được từ mấy người bạn chí cốt, về vùng hạ lưu bán, ông đã thu lại gấp đến 10 lần. Có vốn, ông thuê nhân công đi khắp các bản ở Sơn La, Lai Châu thu mua gỗ rồi cứ thong dong theo dòng sông Đà đưa về xuôi. Và, chỉ vài năm sống với nghề buôn một vốn mười lời ấy, từ một kẻ thất nghiệp kiết xác, ông thành đại gia cỡ bự.

 Ông kể, sau mỗi lần giao "hàng", tiền khách trả, ông cứ ném thẳng vào bao mà chẳng cần đếm. Những bao tiền ấy, nhờ các chiến hữu hộ tống, ông lại chuyển ngược lên "đại bản doanh" của mình ở Sơn La để tiếp tục quay vòng. Khi ấy, ở nơi đất khách, nằm gối đầu lên tiền chờ các chiến hữu thu gom gỗ, để giết thời gian, ông đã tiêu sầu bằng thuốc phiện.

Khói trắng đốt đời

Trước vấn nạn chảy máu rừng, các cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý trên "dòng sông gỗ lậu" ấy. Đứt nghiệp, ôm bàn đèn cùng mấy bao tiền, ông "lên bờ" mà chẳng biết làm gì bởi không dám về quê. Bố mẹ ông là những công chức thanh bạch và vô cùng nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Bởi thế, chuyện mình đã trót gian díu với nàng tiên nâu, ông giấu biệt. Ông sợ tin dữ ấy đến tai gia đình, bố mẹ ông sẽ không chịu nổi. Vậy là, dù chẳng buôn bán gì, ông vẫn cứ khoác tiền lang thang khắp các làng bản, bến sông để được sống những giây phút "mặn nồng" với "người tình khó bỏ" của mình.

Thuốc phiện bị nhà nước cấm trồng, ngày một khan hiếm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông phải dốc túi nhiều hơn cho mỗi ngày sống trên mây trên khói của mình. Miệng… hút núi lở, chỉ vài năm chân co chân duỗi, ông đã vét đến đồng tiền cuối cùng trong tay nải của mình. "Hết tiền, hết rượu, hết ông tôi", ông thân tàn ma dại, dặt dẹo khắp nơi với cơn đói thuốc lúc nào cũng vật vã trong người. Hết nơi "nương tựa", nước cùng, ông phải về lại Hoà Bình.

Về nhà, thèm thuốc, ông đã phá lệ xưa, lang thang cùng dân xã hội những mong ngày có vài "bữa cơm đen". Tuy nhiên, việc mình mắc nghiện, bố mẹ ông vẫn không hề hay biết. Mỗi khi ở nhà, ông vẫn tỏ ra là một người con hiếu đạo, biết nghĩ suy, toan tính cho hạnh phúc đời mình. Thế nhưng, như những làn khói mơ ảo, nỗi lo sợ bị gia đình phát hiện vẫn vẩn vơ ám ảnh khiến ông sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.

Cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra, hãi hùng trước điều ấy, ông có ý định rời xa gia đình, xa thị xã bé nhỏ với những người bạn "cùng chung số phận". Ở nơi rất xa ấy, ông sẽ quyết tâm rũ bỏ được "mối tình" với ả phù dung đã bấy lâu giết hại đời mình. Thế nhưng, đi đâu, ai chứa? Thế rồi, một lần run rủi, đọc báo, ông thấy ở nhiều nơi, người ta đã tổ chức đưa người nghiện ra cai ngoài đảo. Bài báo ấy đã khiến ông mở mắt. "Lòng hồ Hoà Bình có rất nhiều đảo. Tại sao mình không ra ngoài đó để làm lại cuộc đời?". Nghĩ là làm, sau một chuyến thực địa, chọn được một hòn đảo ưng ý, lấy lý do đi làm kinh tế, vay mượn được chút tiền, ông lại khăn gói lên đường.

Robinson nơi hoang đảo

Nơi ông chọn để cầm tù đời mình là hòn đảo lô nhô đá, chằng chịt cây dại, nổi giữa bao la sóng nước. Khi ấy, cùng ông ra đảo là một phụ nữ chịu thương chịu khó mà ông quen rồi đem lòng thương mến từ thủa còn ngược xuôi sông Đà với những chuyến gỗ bộn tiền. Người phụ nữ ấy đã nguyện suốt đời cùng ông chia sẻ ngọt bùi. Tại nơi hoang vu ấy, hai vợ chồng ông dựng lều ngay mép nước. Và, cứ khi con gà rừng le te gáy là ông đã bật dậy, dao phát trong tay, chiến đấu với bạt ngàn cỏ dại.

Ông kể, khi ấy, ngoài đảo, thú rừng vẫn còn và đặc biệt, rắn độc thì nhiều không kể xiết. Nhiều đêm, đang ngủ, giật mình tỉnh giấc, ông đã toát mồ hôi khi thấy ngay dưới chân giường, chú hổ chúa to cỡ cổ chân đang phè phè hù dọa. Để đối phó với loài rắn độc đáng ghét ấy, ông đã nuôi cả chục con chó. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, những chú chó của ông lần lượt "ra đi" bởi những cuộc chiến một mất một còn với loài mãng xà hung bạo đó.

Đánh lùi cỏ dại được đến đâu, ông gieo hạt giống ngay đến đó. Ban đầu là những cây ngắn ngày như ngô, đỗ tương. Nơi dốc, cao, ông trồng bương, trồng mận. Làm quần quật suốt ngày nhưng cơn nghiện ma tuý vẫn chẳng buông tha. Cứ khi vợ đi vào đất liền để mua lương thực thì ông lại ra bến, vẫy thuyền để nhờ người quen lấy thuốc cho mình.

Mãi đến cuối năm 1995, nhớ con, mẹ ông đã lặn lội thuê thuyền ra đảo thăm nom. Một lần, dọn dẹp nhà, bà đã khóc ngất khi phát hiện bộ bàn đèn thuốc phiện mà ông đã cất giấu kỹ càng. Sự đau khổ tột cùng của mẹ đã khiến ông thực sự bừng tỉnh. Ông đã hứa với mẹ mình, ngay hôm đó, ông sẽ tiến hành "cai nghiện bắt buộc" cho mình. Sợ khi cai, cơn vật hành hạ, không kiềm chế được hành động của mình, ông đã dặn vợ con, cứ đến khi ông có biểu hiện đói thuốc thì mọi người phải… di tản hết lên núi, không được về nhà.

Vậy là, suốt mấy tháng trời, chỉ một mình ông ở căn nhà trống hoác khi nỗi nhớ nàng tiên nâu ầm ập tìm về. Vợ ông kể, ngày ấy, chờ khi những tiếng thét, gào khóc man dại của ông lắng hẳn, bà mới tất tả dắt các con xuống núi. Ào về đến nhà, bà và các con lại vội vã tìm ông. Và, lần nào cũng vậy, thấy ông lúc thì nằm bẹp trong bụi cây, khi thì rên ư ử sau hốc đá, toàn thân bầm dập bởi đá cứa gai cào, xót thương, bà lại khóc đến sưng húp hai mắt.

Ông vẫn bảo vợ con, cuộc chiến nào cũng có kẻ thắng người thua và trong lần cai thuốc này, ông đã hứa với vợ con, ông sẽ là người chiến thắng. Đúng như những gì ông đã nói, sau đằng đẵng những ngày vật lộn có cả mồ hôi, nước mắt và máu ấy ông đã là người thắng cuộc. Để khẳng định phần thắng tuyệt đối của mình, ông đã giữ bộ bàn đèn đã gắn bó với mình suốt mười mấy năm làm đồ kỷ niệm.

Mực nước lòng hồ Hoà Bình lúc lên lúc xuống, muốn ở yên ổn thì chỉ có cách dọn nhà lên lưng núi. Thế nhưng, nơi đó, toàn đá tai mèo nhấp nhô, muốn có một khoản đất vuông vức để dựng nhà thì phải có sức bạt sơn cử đỉnh. Đã quyết neo chặt đời mình ở đây, ông vẫn muốn có một mái nhà kiên cố.

Cai nghiện xong, để quên cảm giác ấp ôm bàn đèn, cứ đêm đến, ông chất lửa đốt dưới chân núi đá. Sáng ra, khi lửa vừa tắt, ông vác búa ra quai. Suốt 3 năm ròng như thế, núi đá sừng sững đã bị ông đánh tan như phép lạ. Bây giờ thì trên nền đá cũ, ngôi nhà xây kiên cố đã mọc lên như chứng tỏ một điều, sức người là vô tận

Đào Tuệ - số 47
.
.
.