Người xoa dịu những cơn điên loạn của những gã tử tù đòi chết

Thứ Ba, 15/03/2011, 10:34
"Gần như tất cả những gã tử tù nào khi mới vào trại cũng la ó, đập phá thậm chí là tự tử. Khi biết cơ hội sống còn rất mong manh, họ thường muốn tìm đến cái chết chứ không muốn ngồi trong phòng giam chờ đến khi ra trường bắn. Phải làm thế nào để những tử tù hiểu được những ngày còn lại của cuộc đời thật quý giá và phải biết trân trọng nó" - đó là điều Đại úy Nguyễn Văn Minh, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ chia sẻ với phóng viên CSTC.

Lo giữ gìn mạng sống giúp người khác

Là quản giáo trông coi khu giam tử tù, Đại úy Nguyễn Văn Minh có nhiệm vụ phải động viên tử tù, giúp họ ủng hộ tinh thần và không có tư tưởng bi quan, chán sống. Nói về công việc của mình, Đại úy Minh cười nhẹ và bảo: "Nhiều khi giữ gìn mạng sống cho người khác còn cảm thấy khó hơn là giữ mạng mình. Để giữ những tử tù trong trại không phải là khó nhưng để đảm bảo họ sẽ không làm điều gì ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng sống của mình là cả một vấn đề". Vào ngành từ năm 1996 và trông coi tử tù từ năm 2005, khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để Đại úy Minh trải nghiệm qua biết bao cảm xúc thăng trầm với công việc canh giữ các phạm nhân tử tù.

Kỷ niệm của công việc đối với Đại úy Minh thì đều là những trường hợp tử tù cố tình tìm đến cái chết và cũng chính anh là người tìm lại động lực sống cho những con người "đã không còn gì để mất" ấy. Nhớ lại lần đầu tiên đối diện với việc tử tù tự tử, Đại úy Minh vẫn không thể nào quên những khoảnh khắc mà chính bản thân anh còn cảm thấy lo lắng cho mạng sống của những tử tù đó hơn là chính họ.

Kẻ tử tù đầu tiên mà Đại úy Minh phải nhận trách nhiệm trông giữ là một gã người Lai Châu bị bắt trong vụ 853T (Vụ án phá tan đường dây ma túy xuyên tỉnh lớn nhất trong lịch sử tỉnh Phú Thọ. Có tới gần chục tỉnh, thành trên địa bàn khu vực Tây Bắc có đối tượng liên quan tới vụ án này). Lúc mới nhận nhiệm vụ, gã tử tù này tỏ ra rất ngoan cố, phá phách, gào thét suốt đêm làm cho không khí cả khu trại trở nên hỗn độn. Vào nằm ở phòng giam được khoảng gần nửa tháng thì trong một đêm tuần tra qua các khu phòng giam, lúc kiểm tra phòng của gã tử tù này thấy y nằm bất động. Thấy có dấu hiệu nghi ngờ, Đại úy Minh đã huy động mấy cán bộ cùng ca trực mở cửa phòng vào kiểm tra. Khi vào tới phòng thì gã tử tù đã nằm bất động và ở cổ tay chảy rất nhiều máu. Khi đó kíp trực của Đại úy Minh lập tức đưa tử tù này xuống bệnh xá để cấp cứu. Cũng may là đã phát hiện kịp thời nếu như chỉ chậm khoảng 10 phút nữa thì tử tù đó đã không thể sống được.

Lãnh trách nhiệm trông giữ những tử tù đã được hơn 6 năm nay, theo như lời Đại úy Minh thì "gần như tất cả các tử tù khi đã nằm trong phòng giam đều muốn tìm cách tự tử. Trách nhiệm của những người trông coi phải làm sao để họ làm theo những quy định của phòng giam và đặc biệt sẽ từ bỏ ý định tự tử. Những trường hợp tử tù tự tử thường là cắt động mạch ở tay hoặc đập đầu vào tường. Những cái cúc quần, cúc áo cũng có thể trở thành vật dụng để tử tù làm thành vật dụng sắc nhọn cắt vào tay nên việc trông coi không hề đơn giản chút nào".

Trường hợp gần đây nhất mà tử tù tên Thế đã mài đầu chiếc thìa nhựa dùng để ăn cơm sau đó cắt vào cổ tay của mình. Khi được cứu sống, Thế còn rất nhiều lần có ý định tự tử khác, những lúc đó Đại úy Minh đã vào tận phòng giam của hắn để động viên, khuyến khích hắn sống tốt hơn vì kể cả khi đã là một tử tù thì cũng nên sống có ích. Chưa kể cơ hội sống của những tử tù vẫn còn -  đó là hi vọng vào sự ân xá của Chủ tịch nước.

Mỗi bữa ăn Đại úy Minh đều động viên Thế cố gắng ăn vào để nuôi hy vọng vì y vẫn còn cơ hội sống. Sau những lời động viên của Đại úy Minh, tên Thế đã dần dần thay đổi và y không còn quậy phá như trước nữa. Thay vào đó Thế trở nên là một phạm nhân rất nghe lời quản giáo cũng như chấp hành rất tốt những nội quy của trại. Thế còn bảo với Đại úy Minh rằng: “Nghĩ  lại việc phá phách rồi tự tử cũng chẳng thể làm được điều gì có ích. Bây giờ thì suy nghĩ của em đã hiểu ra rồi, phải biết tận dụng những ngày cuối cùng của cuộc đời làm sao để có ích nhất kể cả là sống trong phòng giam".

Rồi ngay đến cả tên sát thủ Nguyễn Công Dụng đã cướp đi 4 mạng người hồi năm ngoái ở Phú Thọ cũng đã được Đại úy Minh cảm hóa. Những ngày đầu Dụng vào trại là những ngày mà đại úy Minh phải túc trực 24/24h tại phòng giam của y. Hắn luôn mồm gào thét, chửi bới đủ điều. Dòng máu điên loạn của tên sát thủ vẫn sôi sục trong suy nghĩ khiến Dụng làm những việc hết sức tồi tệ. Không chấp nhận ngồi chờ đến ngày phải đền tội theo đạo lý, tên Dụng đã lao đầu vào tường để tự vẫn. Cú đập rất mạnh đã khiến cho đầu của Dụng loang lổ máu. Đại úy Minh lại một lần nữa phải đưa gã tử tù đi lên bệnh xá chạy chữa.

Sau khi Dụng bình phục sức khỏe, Đại úy Minh vẫn gần gũi động viên y. Anh nói với Dụng rằng, dù đã là tử tù cũng nên nghĩ tới những đứa con của mình sống ở ngoài. Gây ra tội thì hãy đền tội theo đúng như luân thường chứ đừng làm những điều dại dột khiến vợ con mình phải hổ thẹn với mọi người. Mỗi bữa ăn, hay mỗi lần đi tuần tra anh đều hỏi thăm Dụng xem tình hình ra sao. Chính sự quan tâm của  quản giáo đã giúp cho cơn điên loạn của Dụng tan chảy.

Dụng không còn gào thét như trước nữa. Hắn lại trở nên thèm sống, mong gặp được con. Khi trước thì hắn bỏ cơm nhưng bây giờ hắn chỉ muốn ăn nhiều để có sức khỏe rồi chờ đến ngày được gặp vợ con trong những lần đi tiếp tế. Về sau, Dụng đã phải cảm ơn Đại úy Minh bởi lý do, nếu như không được quản giáo cảm hóa thì chắc chắn bây giờ hắn không còn được nhìn thấy vợ con nữa. Hắn biết tội hắn phải chết nhưng nếu như chết sớm quá thì bây giờ không còn được nhìn thấy hai đứa con nữa.

Chút ân tình dành cho những kẻ mang trọng tội

Gắn bó 5-6 năm với công việc của một quản giáo tử tù, Đại úy Minh luôn tâm niệm trong đầu một điều, mặc dù những tử tù  đều là những kẻ đã gây ra những tội ác mà pháp luật không thể tha thứ, nhưng dù sao cuộc sống của những con người này cũng không còn kéo dài được lâu nên anh luôn cố gắng dành cho họ những điều kiện tốt nhất mà một phạm nhân được hưởng. Dù gì thì những gã tử tù vẫn là con người , vẫn có quyền được sống dù là những ngày cuối cùng.

Với những điều kiện thực tế trong trại, Đại úy Minh bao giờ cũng dành những phần ưu ái cho những gã tử tù. "Ngay cả trong những bữa ăn, mỗi phần cơm có miếng thịt thì những gã tử tù sẽ đươc phần lớn hơn so với những tội phạm khác. Sự quan tâm của các quản giáo dành cho các đối tượng tử tù cũng đặc biệt hơn. Vì đó là những người mang trọng tội nhưng phần hơn là tình cảm của con người dành cho một người đã sắp phải rời xa cuộc sống.

Nguyễn Văn Minh sinh ra và lớn lên tại thành phố Việt Trì, từ khi là một sinh viên Cảnh sát mới ra trường cho đến bây giờ đã là một Đại úy, những kỷ niệm thăng trầm trong công việc của chàng Đại úy đều gắn liền với trại giam. Ngay khi ra trường Nguyễn Văn Minh đã được điều về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Từ lúc nhận nhiệm vụ tại khu giam của tử tù công việc của anh mới trải qua những cảm xúc thăng trầm khác nhau.

"Mọi người nhìn vào có thể thấy công việc của mình khá đơn giản khi chỉ cần ngồi giám sát các phạm nhân. Nhưng phía sau đó là cả một vấn đề rất khó khăn. Những đối tượng vào trại giam phần lớn là thành phần bất hảo của xã hội, thậm chí một số thuộc diện "có số má" càng khó quản lý. Làm thế nào để những kẻ khi trước thường xuyên làm trái pháp luật nay phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của trại giam đó là nghĩa vụ của mỗi người quản giáo", Đại úy Minh chia sẻ.

Suốt ngày phải đối diện với phạm nhân, ra vào chủ yếu trong khuôn viên nhỏ bé trong các khu phân trại đến khi hết ca trực lại về nhà với vợ con từ đó khiến cho "sự va chạm xã hội của những người làm quản giáo như chúng tôi giảm đi rất nhiều. Có khi cả năm chỉ mỗi một chặng đường duy nhất là từ nhà đến trại giam rồi ngược lại. Nhưng tôi luôn tự nhắc mình phải cố gắng và toàn tâm toàn ý với nghề.

Khi ra khỏi bức tường của trại giam, những người quản giáo cũng như bao nhiêu người bình thường khác nhưng khi ở trong trại họ là người thầy của những phạm nhân. Họ dạy cho phạm nhân biết được sự đúng sai của cuộc đời hay nói đúng hơn nhiệm vụ của những người quản giáo là phải làm hồi sinh tính người trong mỗi phạm nhân. Còn đối với những phạm nhân tử tù thì những quản giáo như Đại úy Nguyễn Văn Minh như là người tìm lại động lực sống, tìm lại cảm xúc muốn làm người của những kẻ đã từng một vài lần đội lốt quỷ dữ

Gia Nguyễn
.
.
.