Nhà tù “thiên đường”

Thứ Sáu, 03/06/2011, 15:47
Dù là nhà tù với tội phạm tới từ 22 quốc gia nhưng dường như không có vụ vượt ngục nào xảy ra. Tại sao vậy?

Không song sắt, không tường ngục, cũng chẳng có những quản giáo được vũ trang. Tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ của đất nước NaUy xinh đẹp là nhà tù Bastoy - chuyên giam giữ những tên tôi phạm thuộc loại lì lợm nhất đất nước. Ấy vậy mà chính sách cải tạo của nhà tù này lại nhấn mạnh vào sự tự giác của mỗi phạm nhân, đó thực là một đặc ân lớn cho những ai đang thụ án nơi đây.

Nhà tù là nơi xóa bỏ mặc cảm tội lỗi

Tự do vẫy chào ngay từ phía bên kia bờ biển, nơi mà về đêm cuộc sống bận rộn vẫn lấp lánh ánh đèn. Một chuyến đi hai dặm bằng tàu, chưa tới mười phút đồng hồ sẽ đưa bạn tới Bastoy - nhà tù thoải mái nhất thế giới. Chỉ có một khẩu súng ở Bastoy -  trên bức tượng đồng trước văn phòng của giám đốc nhà tù.

Giám đốc nhà tù, Arne Nilsen là một người đàn ông mảnh khảnh ở ngưỡng tuổi 60. Ông không mấy khi diện quân phục bởi chẳng muốn phơi bày cái quyền hành được trao. Vị giám đốc nhà tù này muốn đối xử với những phạm nhân được gửi tới đây một cách hòa bình, ông muốn họ cùng chung sống như những thành viên trong một ngôi làng, tự trồng lấy khoai tây và bón phân cho bắp cải. Nilsen muốn các tù nhân và quản giáo hãy tôn trọng lẫn nhau. Điều duy nhất ông không muốn là có những chiếc camera như trong siêu thị, song sắt và những bức tường của trại giam.

Buồng điện thoại để tù nhân buôn chuyện với gia đình, bạn bè, người thân.

Tù nhân được gửi tới Bastoy gồm nhiều loại, từ trộm cắp vặt cho tới lừa đảo, giết người, buôn ma túy - Nilsen cho biết. Một vài phạm nhân ở đây phải trải qua toàn bộ quãng thời gian thụ án của mình trên đảo. Những án nặng như giết người chỉ được gửi tới Bastoy sau khi đã thụ án tối thiểu hai phần ba khung hình của mình ở một nơi nào khác. Hiện có khoảng 116 phạm nhân tại Bastoy, rượu và gây lộn đều bị cấm, phạm nhân nào vi phạm lập tức sẽ bị đuổi khỏi đảo.

Bến phà vào đảo hoạt động theo một lịch trình đều đặn. Tù nhân hoàn toàn có thể bơi vào bờ, thậm chí vào mùa đông, nước biển nơi đây còn thường xuyên bị đóng băng. Nhưng tới nay vẫn chưa có tù nhân nào vượt ngục và họ vẫn ở lại đây, khi việc điểm danh được thực hiện bốn lần một ngày.

Phạm nhân Jorgen Eilersen đã từng là một tay buôn ma túy, cao to lực lưỡng. Hồi còn chưa vướng vào vòng lao lý ngay cả khi đi ngủ gã cũng luôn giữ vũ khí bên mình. Eilersen coi những tên du côn như người thân của gã. Phạm nhân này từng buôn ma túy, hút heroin, đua xe, xài thuốc lắc và thường xuyên "bay" ở các vũ trường. Giờ đây ở tuổi 41, gã đã tiêu tốn một phần ba cuộc đời của mình trong tù tội.

Nhưng Eilertsen đang có một giấc mơ đẹp, đầy hứa hẹn, đủ sức xoa dịu đi phần nào những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ. Gã có một cô bạn gái khá xinh, người vẫn thường ghé thăm gã ba lần một tuần. Một con người trong sáng và không giống bất cứ một ai trong cái quá khứ đục ngầu của gã. Cô gái thường mang đến cho gã chocolate. Cả hai đã đồng ý sẽ có với nhau bốn mặt con sau khi Eilersen mãn hạn tù.

Tù nhân tự chăn nuôi lấy thực phẩm.

Eilertsen thường gặp bạn gái của mình trong buồng số 6. Nơi tòa nhà dành riêng cho những người đến thăm. Một căn phòng không có gì đặc biệt, chỉ rộng vài mét vuông, vừa đủ cho một chiếc ghế dài, một tấm đệm phủ ni lông và một hộp giấy ăn.

Không may mắn như Eilertsen, Raymond Olssen, một phạm nhân khác, không có một cô bạn gái nào tới thăm nom. Gã trai này năm nay mới 28 tuổi, một tên du côn, trộm cắp vặt với khuôn mặt non choẹt. Olsen mới được gửi tới để thụ án tại đảo. Phạm nhân này mong muốn sau khi mãn hạn tù sẽ mở cho riêng mình một cửa hàng thực phẩm và một hiệu giặt là. Olssen chưa biết mình sẽ điều hành nó thế nào, nhưng gã có thể nhìn người khác làm và học theo.

Giúp tù nhân có lối thoát trong tương lai

Công việc của Eỉlertsen trên đảo là xây dựng những căn nhà gỗ. Công việc đó khiến phạm nhân này luôn bận rộn, đến mức hiếm khi có thời gian suy nghĩ về lý do hắn có mặt nơi đây. Gã hiểu cái cảm giác ngày được trả tự do, đứng trước cổng trại với một va li quần áo và dăm ba thứ lặt vặt. Lần trước khi được thả tự do,  Eilertsen đã xin vào làm việc tại một tổng đài điện thoại. Nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng được lâu. Gã sớm bỏ việc và lại phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội.

Tù nhân  luyện tập thể thao để rèn sức khỏe.

Cuộc sống cùng quẫn sớm biến gã thành công cụ cho những mưu toan bẩn thỉu. Khi lần nữa sa lưới pháp luật, phạm nhân này bị bắt quả tang đang vận chuyển 1 kg thuốc phiện. "Thật chẳng tự hào gì về việc đó"- Eilertsen nói trong khi đang quai búa lên mái nhà. Phạm nhân này cho biết, giờ đây sẽ là tốt hơn nếu tập trung để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi được mãn hạn tù. Eilertsen đã học được nghề mộc ở Bastoy và hiện đã có thể tự xây được những căn nhà nho nhỏ. Bây giờ gã đã ngủ ngon hơn hằng đêm.

Tự do giữ tư tưởng cực đoan?

Mỗi ngày thường có tới bốn lượt điểm danh, các phạm nhân tụ tập trước đồn cảnh sát, xếp hàng sau ký hiệu của mỗi nhà. Mọi người đều chuyện trò rôm rả với nhau. Ngoại trừ một người không cười đùa với bất kỳ ai.Vẻ lầm lỳ tách hắn khỏi đám đông ồn ã.

Hắn là Thorstein Hanssen, 31 tuổi - một tay anh chị, người đã từng cầm đầu một băng đảng Đầu trọc ở NaUy, một thành viên mẫn cán của tồ chức vị chủng Nauy có tên " Dòng máu danh giá". Hai chữ "đầu trọc" được xăm trên cánh tay gã. Nhưng phạm nhân này đang có kế hoạch sẽ tẩy hình xăm trên một khi rời khỏi Bastoy. Đầu gã luôn được cạo nhẵn thín. Chỉ còn vài cụm râu dê lơ phơ dưới cằm là bằng chứng cho mái tóc đỏ từng tồn tại ngày nào.

Gã ở đây vì bị kết án đã sát hại một người da đen. Tuy nhiên bản thân Hanssen luôn cho rằng,  người khác chứ không phải hắn đã sát hại cậu thiếu niên người Ghanna đó. Một tờ báo đã thuật lại, bọn đầu trọc sau khi cùng nhau tụ tập và nghe những bài hát rock kích động có tư tưởng vị chủng để lấy "tinh thần" đã cùng nhau đi tìm kiếm "con mồi".

Nhà tù không song sắt, không tường ngục.

Nạn nhân xấu số là chú bé người Ghanna 15 tuổi, bị phát hiện đã chết bởi hai nhát đâm trong một trung tâm mua sắm. Kẻ thủ ác đã lên kế hoạch từ trước, vô cùng hèn hạ và tàn nhẫn, đó là những gì vị quan toà đã nói. Và Hanssen, khi đó mới có 22 tuổi, đã bị kết án 18 năm tù.

Căn phòng của gã không có gì đặc biệt ngoài rất nhiều sách. Hanssen vẫn theo học Lịch Sử và Triết học tại Đại học Osle. Những bài thi sẽ được chấm điểm qua mạng. Tuy vậy, hằng ngày gã vẫn phải chịu trách nhiệm lau sàn căn nhà tập thể và phủi bụi trên giá sách. Hanssen đọc tất cả những gì có thể từ thời kỳ phá ngục Bastille cho tới tận thời Đức Quốc xã. Gã có tư tưởng chống lại sự toàn cầu hóa, cổ súy cho chủ nghĩa phân chia sắc tộc, văn hóa và những tư tưởng đặc biệt mà gã gọi là "Chủ nghĩa phát xít thần thánh". Hanssen nói, gã sẽ vẫn kiên trì tiếp tục cuộc chiến đấu của mình, dù chỉ bằng lời.

"Tôi đã bị chuyển hết từ nhà tù này qua nhà tù khác trước khi tới đây" - Hanssen nói. Phạm nhân này cho biết, gần như toàn bộ thời gian giam giữ trước đây, gã đều bị cách ly. Đôi mắt gã đờ ra khi nói về quãng thời gian này. "Tôi từng có một thời thơ ấu rất êm đềm"- phạm nhân này thổ lộ. Bố của Hanssen sở hữu một công ty giao nhận vận tải trong khi mẹ gã là một nhà hoạt động xã hội. Bố mẹ Hanssen vẫn sống hạnh phúc bên nhau, họ rất thương yêu những đứa con của mình, nhưng họ chưa bao giờ hiểu được gã.

Phạm tội vì không được tham gia bảo vệ Tổ quốc

Khi là một cậu bé, gã đã muốn gia nhập quân đội để bảo vệ Tổ quốc mình. Nhưng khi đi khám sức khỏe trong một đợt tuyển quân, gã đã nói với những người phụ trách tuyển quân quan điểm của mình, Hanssen lập tức bị liệt vào thành phần có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia.

Các phạm nhân được gửi tới Bastoy đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau." Chúng tôi chung sống với nhau cũng dễ chịu"- Hanssen nói, gã đã phải đấu tranh để được giữ lại tại đây". Thật may mắn khi chúng tôi có một nhà tù như Bastoy"- phạm nhân trên tâm sự. Dù được hưởng nhiều đặc ân từ chính sách của nhà tù nhưng Hanssen vẫn nhất quyết không thay đổi quan điểm của mình. Trên thực tế gã còn ủng hộ việc áp dụng những khung phạt nặng hơn, vì theo gã, có thế mới đưa xã hội đi vào quy củ.

Hanssen muốn trở thành một nhà nghiên cứu xã hội sau khi ra trại. Phạm nhân này hy vọng sẽ tìm được một công việc phù hợp ở một giàn khoan nào đó. Thu nhập kiếm được, gã sẽ dùng để trang trải cho công việc nghiên cứu của mình. Hanssen vẫn kỳ vọng đến một lúc nào đó, xã hội sẽ phải nhìn nhận lại những tư tưởng "đặc biệt" của gã.

Nhà tù hay trại "an dưỡng"?

Đêm xuống, chỉ có 5 lính gác trên đảo. Ánh đèn hắt lên từ phía thành phố Horten  lấp lánh từ phía bên kia bờ nước. Nhà tù vào mùa hè lại là điểm đến của nhiều khách du lịch khi họ tới đây chơi quần vợt, cưỡi ngựa, nằm dài trên bãi biển. Mùa đông thì là điểm trượt tuyết lý tưởng của khách.

Người ta vẫn nói vui, Bastoy chẳng qua chỉ là một khu an dưỡng. Những tù nhân ở đây bắt đầu công việc của mình vào lúc 8h15 và kết thúc vào 2h30 chiều. Họ dành chủ yếu thời gian vào công việc nông trang, nuôi ngựa, trồng rừng. Nhà tù không duy trì án tử hình, khung nặng nhất cho tội giết người cũng chỉ 21 năm. Phạm nhân vẫn có quyền tham gia bỏ phiếu. NaUy hiện là quốc gia có tỷ lệ tù nhân thấp nhất châu Âu, với 66 người trên 100 ngàn dân so với 738 người ở Mỹ. Quốc gia này muốn người phạm tội được răn đe giáo dục hòa nhập vào cộng đồng hơn là đưa vào ngục.

Nhưng những phạm nhân nơi đây không nghĩ nhà tù là điểm an dưỡng. Vị quản ngục khi được hỏi về những trường hợp của Eilertsen hay Hanssen cũng đã tâm sự rằng, những chính sách của ông không phải bao giờ cũng có tác dụng với tất cả mọi người. Đôi khi có những người quá bảo thủ và không chịu thay đổi quan điểm của mình. "Sự tự giác ngộ của mỗi cá nhân là điều quan trọng"- quản ngục nhấn mạnh.

Tuy vậy, hình thức đối xử với phạm nhân kiểu trên cũng không được chấp thuận ở nhiều nước châu Âu. Trên thực tế mới chỉ có khoảng 17% phạm nhân được áp dụng hình thức cải tạo kiểu này

Lai Nguyên - Nguyễn Mạnh (theo Spiegel) – CSTC tuần số 60
.
.
.