Nhà văn Lê Lựu - Níu vào cõi thiền để sống thực

Thứ Ba, 30/08/2011, 11:15
Dường như khi không còn gì… để mất, kể cả phần sức lực đang hao mòn giống ngọn nến cháy dở, thì Lê Lựu vẫn rất đau đáu với đời. Ông tâm sự với CSTC trong tư thế bán thân bất toại, trong căn phòng giống như một phòng đa chức năng của bệnh viện. Đó cũng là nơi ông đặt văn phòng, tiếp tục viết văn và điều hành công việc sản xuất 3 tạp chí của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân…

Lại bị lừa tiền

- Trung tâm văn hoá doanh nhân sao suốt ngày cửa đóng then cài im ỉm thế này, thưa nhà văn Lê Lựu?

- Thì tôi ốm quá, có sửa soạn gì được đâu. Đấy, căn phòng khi xưa tôi tiếp khách, ngủ, giờ cứ như bãi chiến trường vì bao nhiêu thứ. Tôi chuyển bộ salon ra ngoài rồi, bây giờ căn phòng này biến thành căn phòng đa chức năng nào là thiết bị phục hồi chức năng, xà đơn xà kép như ở bệnh viện. Tôi làm thế là để đi lại cho tiện, không có mấy thanh xà gắn từ giường ra đến phòng vệ sinh, tôi đi lại không an toàn.

- Thế còn cái bàn thờ rất to choán giữa phòng khách? Ông gõ mõ tụng kinh niệm Phật, như một cách tu thiền?

- Tôi lập bàn thờ được 2 năm rồi, nhưng lại vừa thay bát hương. Tôi vừa bốc lại bát hương nên sáng nào cùng thắp hương, cho được 100 ngày, cốt để ngày rằm, mùng một hoa quả thắp hương thôi. (Nói rồi ông ôm mặt khóc rưng rức).

Ôi, tôi là vậy, cứ động đến những vấn đề tâm linh là nước mắt lại chảy, động tí là tủi thân, động tí là cười, nhiều lúc lại còn cười vô duyên nữa, vừa cười vừa khóc loạn hết cả lên. Có khi đến đám tang người ta khóc mình lại nhệch miệng ra cười khằng khặc. Khổ thế, bệnh tật không sao kiểm soát được cảm xúc của mình. Với lại tôi ngồi tụng kinh, những lúc buồn, vắng người. Thì cũng vậy thôi, người già thường tìm về cõi Phật mà.

- Người ta tìm về cõi Phật để tìm lại sự bình an trong tâm hồn, còn Lê Lựu tìm gì ở chốn phiêu linh đó?

- Thì tôi cũng mong thanh thản và bình an. Thế mà tôi vẫn bị lừa đấy, vừa rồi lừa mất hết cả tiền bán nhà khi xưa ở Lý Nam Đế rồi.

- Trời ơi! Sao lại bị lừa, ai mà lừa tiền được nhà văn Lê Lựu chứ?

- Một kế toán trưởng của tôi, thế mà đi lừa tôi đấy. Nó là dân buôn bán từ Nam Định lên, chuyên cò mồi nhà đất, cố tình lừa tôi mà tôi không biết. Bây giờ nó chuyển đi nơi khác làm việc rồi, đi mất rồi, tôi không biết tìm nó ở đâu, có nhờ nhà văn Hồng Thái đi tìm hộ suốt một năm nay mà vẫn không tìm được. Hữu Ước cứ gặp tôi lại bảo vui: "Ở nhà vợ lừa, ra đường gái nó lừa". (Cười rất đau khổ).

- Mua nhà riêng ở tuổi 74? Nhà văn Lê Lựu lại làm lại cuộc sống mới chăng?

- Tôi mua cái nhà để ở. Đó là tiền bán cái nhà ở Lý Nam Đế tôi được phần tiền của mình. Nghĩ phải có cái nhà riêng để ở nên tôi đi mua nhà. Tôi mua hết 1 tỷ 9, một cái nhà năm tầng ở gần đây. Cuối cùng bị lừa chả có giấy tờ gì, giờ đang đóng cửa để đấy. Nhà mua bằng tiền thật của mình, nhưng đưa ra pháp luật thì chẳng có gì để chứng minh đó là nhà của mình.

- Cuộc đời trải qua nhiều chuyện bị thiên hạ tráo trở, vậy mà ông vẫn cả tin. Ông lạ thật!

- Nó là nhân viên của tôi, nó mua rồi bán lại, không tin nó thì tin ai, có ai nghĩ nó đi lừa một ông già đã mất hết mọi thứ như tôi đâu. Giờ nó biến đi đâu rồi ấy, chả tìm được nữa. Tôi cũng đã nhờ mấy nơi giúp đỡ, nhưng chưa thấy có hồi âm gì, không biết có ai giúp mình được không đây?

Vẫn kẽo kẹt làm những việc "khủng"

- Ốm thế này, Lê Lựu còn làm được gì nữa đây với cái chức danh Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân và gánh nặng tiền bạc?

- Tôi vẫn đang làm ba tạp chí Văn hóa doanh nhân, Thế giới doanh nhân, Thương hiệu và sản phẩm, và quản lý website. Hai tờ, giao cho một công ty truyền thông làm, người ta trả mỗi số 10 triệu đồng, nhưng tôi phải đọc duyệt từng bài. Hiện nay tôi có khoảng 20 nhân viên nằm rải rác các nơi, ở đây chỉ có chục người thôi, lương chỉ có khoảng 2 triệu, cao nhất là 3 triệu đồng.

Hằng ngày ông vẫn tập đi.

Còn một số báo chúng tôi vẫn tự làm, nhưng có những số chỉ đủ tiền in. Ngoài ra còn đốc thúc làm nhà tưởng niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chúng tôi đứng ra kêu gọi mọi người quyên góp, mất hai năm mới có được hơn 300 triệu đồng, giờ vẫn thiếu nhưng tôi phải đi vay mà làm nhà tưởng niệm là trong khuôn viên của Hội mà.

- Sau những biến cố của gia đình và bệnh tật, nhà văn Lê Lựu có còn viết nữa không?

- Năm ngoái tôi có tiểu thuyết "Thời loạn" và vừa rồi là tiểu  thuyết "Ở quê ngày ấy", một tiểu thuyết tư liệu về giai đoạn 1996-1997 ở Thái Bình.

- Trời đất, ốm thế này mà vẫn mê đắm với văn chương, vẫn sống chết với văn chương và làm việc bằng gấp mấy lần các nhà văn trẻ khoẻ khác. Ông viết bằng cách nào khi tay ông không còn cầm được bút, chân ông không đứng vững nữa?

- Tôi đọc cho các cô nhân viên ở đây viết, nghĩ gì thì đọc nấy thôi, viết như thế không thể sâu được, cứ viết ào ào, chả có thời gian nghiền ngẫm gì nữa, mà cũng không thể bắt các cô ấy ngồi đợi mình nghiền ngẫm nữa (thở dài). Văn chương là máu thịt, thiếu một ngày sống sao nổi. Tôi viết tự nhiên như dòng chảy của cuộc đời nhà văn Lê Lựu chưa hề ngưng trệ, chưa tắt lụi. Viết để không thấy mình đã nằm ngoài dòng chảy hối hả của đời sống. Viết để biết được mình vẫn còn tồn tại. (Lại khóc). Nhưng tự thấy sức viết không còn được như trước nữa.

- Lần này ông ra sách có phần lặng lẽ. Tưởng sách của nhà văn Lê Lựu thì các nhà xuất bản phải đổ xô săn tìm chứ?

- Chuyện đó xưa rồi, tác phẩm của tôi bây giờ như ngọn gió đã dừng ở chỗ khuất nẻo rồi, ai quan tâm nữa đâu. Tôi còn phải bỏ tiền ra để in sách cho nhanh đấy, chứ để sách ở nhà xuất bản lâu quá, sốt ruột lắm.

- Ông có thấy buồn vì điều đó không, vì nhân tình thế thái đã quên nhà văn Lê Lựu nổi tiếng, hay vì văn chương của ông giờ không còn đủ sức hấp dẫn nữa?

- Buồn chứ, nhưng biết làm sao được, không bỏ tiền thì sách phải đợi lâu. Cuốn “Ở quê ngày ấy” sắp tái bản lần 2. Tôi bây giờ không viết được kỹ như ngày xưa nữa rồi. Còn nhớ, hồi trước, có những chữ tôi phải mất cả ngày đau đớn với nó mới nghĩ ra.

- Tôi được biết ông có trong danh sách đề cử xét giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, ông có quan tâm không?

- Tôi thấy họ đang cãi nhau ỏm tỏi, tôi có làm gì đâu, ốm thế này nên nhà văn Nguyễn Tri Huân đứng ra làm hồ sơ giấy tờ cho tôi. Cụm tác phẩm của tôi gồm có Sóng ở đáy sông, Hai nhà, và Đại tá không biết đùa. Mà thực tế không nhà văn nào viết tác phẩm hay hơn những tác phẩm đã được xét giải trước đó cả, nên chả biết thế nào. Đáng lẽ phải có một hội đồng chuyên môn đứng ra đề xuất cho hội viên mình, chứ ai bắt nhà văn đứng ra làm, chả ai quan tâm đâu.

- Xin hỏi nhà văn một chút riêng tư, lâu rồi, con cái ông có ai qua đây chăm sóc bố không?

- Các con tôi, biết đâu mà chăm. Thỉnh thoảng con gái dưới quê lên mang theo mấy quả dưa, cái đùi vịt. Chứ các con trên này, giờ tôi không có thông tin gì về chúng nó cả. Nhưng chúng nó cũng có cái lý của chúng nó, cho rằng tôi có lỗi. Mai này chúng nó sẽ hiểu tôi luôn dành những đồng lương ít ỏi của mình, dành bổng lộc của mình để góp phần nuôi chúng nó nên người như hôm nay. Người bố nào mà không thương con của mình chứ.

- Người ta nói, trước khi trách người khác hãy tự trách mình đã. Chuyện gia đình con cái, ông có tự trách bản thân không?

- Không có gì phải ân hận hay thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm. Có chăng, chỉ là tôi thấy có lỗi khi không tìm được tiếng nói chung với vợ, để cảnh ly thân giữa hai vợ chồng xảy ra khi con đang còn bé. Cha mẹ không hạnh phúc cũng ảnh hưởng tới các con nhiều.

- Cô nhân viên của ông vẫn nói rằng, nhà văn Lê Lựu trông thế mà vẫn ghê lắm đấy, cái gì cũng quán xuyến hết?

- Lớp trẻ bây giờ sống tùy tiện lắm, tôi mà không quán xuyến thì lấy gì mà ăn, tôi chỉ ghê trong công việc thôi, mỗi lần chi cái gì, tôi bắt chúng nó phải giải trình đầy đủ. Chứ ai thiếu tiền đến vay tôi vẫn cho vay đấy, dù nhiều khi chả có tiền.

Nhà văn trẻ giờ như gió lướt qua trên đầu cuộc sống

- Sắp tới hội nghị các nhà văn trẻ, ông có quan tâm đến tác phẩm của các nhà văn trẻ không?

- Hội trẻ giờ rất thông minh, rất có tài. Nhưng họ mới chỉ là những ngọn gió lướt qua trên đầu cuộc sống thôi. Tôi có đọc một số truyện ngắn của họ, nhưng không nhớ ai cả. Trẻ thì tôi chỉ nhớ mỗi cô Nguyễn Ngọc Tư thôi, nhớ tích cực. Còn nhớ tiêu cực thì tôi nhớ cái cô gì viết "Bóng đè" ấy. Tôi nói thẳng thừng rằng, cô ấy ăn cắp của Nguyễn Huy Thiệp một ít, và Nguyễn Việt Hà viết "Cơ hội của Chúa" một ít. Tôi không chấp nhận thứ văn đi ăn cắp. Nhưng cái cô ấy có lần gọi điện chửi tôi là ông có quyền gì mà nói thế. Tôi có bảo với thầy của nó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuyện này. Ông Thiệp hứa sẽ bảo lại với cô ấy. Nhà văn trẻ giờ cái gì cũng hát được, làm cái gì cũng làm được, nhưng chả ai nhớ đâu.

- Ngày xưa giải thưởng của Văn nghệ Quân đội đã phát hiện ra nhiều cây bút trẻ và giờ họ đều thành danh đấy chứ, mà hình như lâu nay, giải thưởng này cũng ít được người viết trẻ quan tâm?

- Vì thiếu tài năng thôi. Tôi vẫn nhớ một lớp nhà văn trưởng thành từ Văn nghệ Quân đội mà tôi khá gắn bó trong từng bước đi của họ, từng dự trại viết cùng họ, và có thời gian góp ý cho từng tác phẩm của họ: Những Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Sương Nguyệt Minh, Trần Thanh Hà, Như Bình, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú.

À, vừa rồi tôi có dự cái Đại hội Nhà văn trẻ của quân đội tôi có phát biểu đấy. Các nhà văn trẻ bây giờ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều, và họ đang có một sức mạnh vô cùng, đó là tuổi trẻ, nhưng viết phải rút ruột ra mà viết. Văn chương tinh lắm, không thể lẫn với những thứ khác được. Tôi viết Thời xa vắng hồi 34 tuổi, Mở rừng còn sớm hơn. Trần Đăng Khoa còn thích Mở rừng hơn cả Thời xa vắng đấy.

-Vậy trong số những cây bút trẻ của quân đội, ông nhớ ai?Ai ấn tượng đối với ông nhất?

- Tôi thích Đỗ Bích Thúy, văn của Thúy đặc sắc hơn. Còn Nguyễn Đình Tú thì viết khỏe, nhưng văn ít đặc sắc hơn. Văn chương là phải tinh lắm. Lúc tôi đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, mặc dù tôi có biết cô ấy là ai đâu, nhưng tôi nói, giải nhất đây rồi. Khi đó tác phẩm của Tú đang nằm trên bàn xét giải nhất, Sương Nguyệt Minh có đưa thêm cho tôi bản thảo của Thuý, tôi đọc xong sướng quá bảo đây mới là giải nhất. Không biết Tú có giận tôi không. Vấn đề là phải chính xác về văn chương.

-Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lê - CSTC tuần số 73
.
.
.