Nhà văn Mạc Can: 700 đêm nằm khóc trên đất Mỹ

Thứ Ba, 29/03/2011, 14:11
Ông trở về Việt Nam, òa khóc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc trở về sau 700 đêm nằm khóc ở Texas, thèm nghe những tiếng rao, những câu gọi dân dã của phố xá Sài Gòn, thèm ly nước trà, thèm điếu thuốc thơm. Ở tuổi ông, dường như không còn chấp nhận sự nhập cuộc nào nữa. Ông trở về, sau khi dành dụm đủ tiền vé máy bay. "Chắc không bao giờ quay lại bên đó nữa. Vì chẳng còn gì vui" - ông nói.

- Ông đột ngột đi Mỹ, và đi suốt hai năm trời. Có điều gì bí ẩn chăng?

- Thì tôi cũng là một người bình thường, có đi thì có đến, thế thôi. Tôi đâu phải ngôi sao sân khấu mà cờ giong trống mở cho thiên hạ theo dõi. Chỉ chào hỏi những người thân thiết thôi.

- Vậy mà có người nói ông đi bí mật vì… trốn nợ!

- Bậy! Tôi đi theo đứa con, nó học hành bên đó. Giờ nó ổn rồi, thì tôi trở về.

- Quả là không dễ dàng để nhập cuộc với một người lớn tuổi với nhịp sống quá nhanh tại Mỹ. Nhất là với ông, kẻ lơ ngơ ngay giữa Sài Gòn. Ông đã bắt đầu như thế nào?

- Thực sự là chẳng biết nói thế nào. Nó quá xa lạ với tôi. Mình tuổi thì già, đi đứng chậm chạp, lại chẳng hiểu tiếng Anh. Chính vì thế mà tôi cảm thấy lúng túng và cảm thấy lo lắng, hoảng loạn. Nhiều khi cuộc sống nó làm cho mình phải thay đổi, chứ mình có muốn đâu. Nhưng đi được cũng là một cách biết thêm về cuộc sống. Vì thế mà tôi xuất bản được mấy cuốn như "Ba… ngàn lẻ một đêm", "Quỷ với bụt và thần chết". Cuốn tạp bút "Nhớ" thì đang chuẩn bị in. Tôi đi nhưng mà vẫn còn hợp đồng 10 năm với NXB Trẻ, thành ra vẫn được in sách đều đều. Dẫu vậy, cũng không thể nói đó là những ngày vui. Phải nói thật, tôi rất buồn.

- Bước vào một cuộc sống mà ông phải đối mặt với đủ chuyện, tất nhiên là buồn nhiều hơn vui. Nhưng dù sao ông cũng đã tồn tại được hơn 700 ngày ở bên đó rồi…

- Qua bên đó, việc đầu tiên là phải đối diện với việc kiếm nhà để ở. Phận tôi nay đây mai đó đã quen. Nhưng ở Sài Gòn, cái gì cũng thấy quen, ở đâu cũng thấy vui. Qua bên này, thấy sao mà nó nhiêu khê, nó xa vời vợi. Kiếm được một căn hộ ở khu chung cư rồi, hai ba con ở, tiền thuê phòng hết 500 đô la. Mà mình lo kiếm tiền không đủ, có khi được người ta thương, tính có phân nửa.

Có nhà rồi, tôi bị nhốt ở trong đó mỗi khi con đi học. Tôi không có biết tiếng, lại không có xe chạy, đường sá cũng chẳng biết gì nên cứ quanh ra quẩn vào vậy đó. Về sau, kiếm được cái xe bãi thải, chạy ra chợ mua đồ ăn. Đó là khi tôi nhìn mấy món đồ Tây mà sợ xanh cả mặt, cứ nhìn là muốn ói. Cuộc sống kỳ cục nhỉ, lắm khi mình chỉ thèm một cái gì đó rất nhỏ, như một chén cơm với kho quẹt hoặc đậu hũ chấm chao, chứ chẳng thèm cao lương mỹ vị hay nhà cao cửa rộng gì cả.

- Tôi được biết, ông có tham gia biểu diễn tại Mỹ. Trong những chương trình băng đĩa hải ngoại, người ta gọi ông là… John Mạc Can?

- (Cười). Tại người ta… dốt tiếng Việt đó, nên gọi thêm chữ John cho nó dễ thôi, chứ tôi thì chỉ là Mạc Can như xưa. Thì qua đó, cũng có bầu show gọi tôi đi diễn ảo thuật hài, ở Sài Gòn sao thì mang qua đó diễn y như vậy. Ngày thường, tôi vẫn diễn ảo thuật ở nhiều nơi và người ta cũng ủng hộ. Nhưng qua đây thì đi diễn show và đi diễn ở một số trường học nơi đám trẻ con học tiếng Việt. Chúng nó thích lắm.

- Ông đi diễn nhiều như vậy, mà lại lo không đủ tiền sống sao? Vậy mà nhiều nghệ sỹ đi lưu diễn về Việt Nam đều nói rằng, họ kiếm được rất nhiều tiền…

Làm bánh mỳ tại Mỹ.

- Nói nhiều là cỡ… 6 tháng mới có một show lớn của các trung tâm. Họ diễn và tổ chức ghi hình, phát hành DVD, mà đĩa vừa ra thì người ta cũng in lậu tràn lan hết. Đi diễn show lớn như vậy họ trả ngàn rưỡi, có khi ngàn hai (1.200 USD). Đi diễn ở trường thì vui, nhưng tiền không bao nhiêu. Mà nói thật, tôi thấy suy thoái kinh tế, không có nhiều hoạt động giải trí đâu. Ở Mỹ ai cũng quần quật đi làm từ sáng tới tối khuya, chỉ có cuối tuần là được rảnh. Họ rảnh thì họ đi siêu thị hay các khu vui chơi.

Người Việt mình chỉ là cộng đồng thiểu số ở bên đó, chính vì thế cũng chẳng có nhiều sân khấu để biểu diễn, lâu lâu có buổi diễn ở sòng bài vậy thôi. Ngay cả như trong sòng bài, hoạt động giải trí cũng được thu hẹp. Ví dụ như trước đây, họ chi 10 ngàn đô la cho một gói chương trình ca nhạc, hài kịch, nhằm kéo khách tới chơi bài, thì giờ họ sẽ giảm xuống chỉ còn phân nửa hoặc có khi chỉ còn 1/3. Tôi không biết mọi người diễn sao, kiếm tiền dư dả thế nào, chứ tôi thì không có bao nhiêu. Ngoài đi diễn, tôi còn phải đi làm đủ nghề, mới mong tồn tại nổi ở bên Mỹ.

- Làm đủ nghề?

- Chứ sao! Tôi vào xưởng làm bánh mì, ra tiệm phở bưng bê, được 3 đô la mỗi giờ. Nói 3 đô la thì chẳng là gì, nhưng nó cũng là một… bánh mì, mình no bụng thì làm gì mới làm được. Nói chung tôi đã làm qua hầu hết các việc tay chân bên đó. Kiếm tiền nhưng cũng là thử cách sống. Bên Mỹ hay lắm nha, có những cái tiệm, mình bỏ 15 đô la ra mình vô đó ngồi ăn uống thoải mái, ngủ trong đó cũng được, từ sáng tới tối. Nhưng hễ bước ra cửa rồi là vô lại không có được nữa. Thành ra có bữa tôi ngồi trong đó cả ngày, vừa đỡ hao tiền mà lại được mát mẻ (cười).

- Xem ra ông cũng thích nghi rất nhanh đó chứ? Hình như ông đang… thi vị hóa nỗi buồn!

- Đi làm là kiếm cơm. Là đủ tiền để sống. Là tích tiền đủ để mua vé máy bay về Sài Gòn đó. Thực tình, người ta nói nhiều về nước Mỹ, mình qua thấy cũng có nhiều cái hay. Tôi đi diễn ở nhiều nơi, thấy nhiều người già đi coi. Họ đến và gặp tôi, bắt tay và nói vài câu tiếng Việt. Tâm trạng chung của người già bên ấy là muốn về Việt Nam sống lúc cuối đời. Đúng là lá rụng về cội.

Qua Mỹ thì người này người kia, nhưng tôi thấy người nghèo cũng chẳng thiếu. Họ làm lụng quanh năm mà không có dư nhiều. Tôi cũng bất ngờ là cuốn "Tấm ván phóng dao" đã được phát hành ở bên đó. Và tôi tình cờ gặp lại một người bạn chung trong gánh hát năm xưa bôn ba giang hồ lục tỉnh. Chúng tôi gặp nhau, trào nước mắt. Cô ấy nói, cô ấy buồn lắm, thèm được về nhà ăn bát bún mắm, rồi đi cũng được.

- Vâng, nỗi nhớ nào cũng day dứt cả. Với một người viết như ông, chắc sẽ vật vã hơn?

- Nói tiếp chuyện bạn cũ. Cô ấy nói, nhờ "Tấm ván phóng dao" mà cô ấy biết tôi viết văn. Cô ấy nói, không ngờ anh viết được như vậy. Em đọc xong rất thích. Những chuyện xưa, chuyện cũ của anh em mình đều có ở trong này hết. Cô ấy hỏi tôi có tính ở lại Mỹ luôn không? Tôi nói không! Bởi vì tôi nhớ Sài Gòn quá. Chiều nào tôi cũng ra hành lang, nghe người ta nói tiếng Mỹ, tiếng Miên xì xà xì xào mà cứ nghĩ người ta nói tiếng Việt, người ta nói chuyện với mình.

Rồi đêm nào cũng nằm nhớ nhà mà khóc. Cũng phải tới 700 đêm, đêm nào cũng nghĩ mà nhớ từng thói quen của mình ở nhà, cứ nhớ rồi dấm dứt khóc. Cô ấy nói: Điều kinh khủng nhất không chỉ là như vậy. Mà là mỗi sáng tỉnh dậy, anh bàng hoàng nhận ra, hóa ra anh vẫn còn ở nước Mỹ! Cái cảm giác thiếu quê hương nó thật là kinh khủng. Tôi nghĩ, nhiều người lớn tuổi vì hoàn cảnh mà phải theo con cháu qua đây, chứ ít ai mà ham cái cuộc sống này. Với người già, nước Mỹ không phải là thiên đường.

- Hình như qua Mỹ ông viết được nhiều hơn. Cảm xúc của ông có nhiều đổi thay?

- Trước ở Sài Gòn mình bận rộn, rảnh lúc nào viết lúc đó thôi. Qua đó ngày rộng tháng dài, không viết thì chắc buồn mà chết. Vì thế câu chữ cũng nhiều hơn, mình cũng kỹ càng gọt giũa hơn. Và cũng nhờ đó, tôi thử nghiệm được những gì mình nghĩ, viết khác hẳn so với những gì mình đã viết. Mà hay lắm, qua đó tôi mới biết, ở Mỹ gửi cái vèo là Hà Nội hay Sài Gòn nhận được liền.

Ngày xưa ở Việt Nam, viết xong tôi lóc cóc mang tới NXB gửi chứ đâu biết có Internet nó tiện lợi như vậy. Qua Mỹ tôi cũng có bạn đọc, có người hâm mộ đó nha. Có cậu này thấy tôi không có máy tính, vì cái máy cùi bắp ngày trước nó nặng quá, tôi bỏ lại Việt Nam.

Qua đó, cậu ấy nói tặng tôi cái máy tính, giá 200 đô la. Tôi ra tiệm mua hết 180 đô la, gửi lại trả cậu ấy 20 đô la. Nhờ cậu ấy mà có cái máy này xài tới giờ, xài riết đến mức nó bong bàn phím, phải dán băng keo. Hình như số tôi dính nhiều tới… băng keo. Nhờ viết nhiều nên cũng in được hai cuốn rồi, thêm cuốn nữa sắp in. Cuốn sắp tới là viết trong những cơn nhớ vật vã đó, nhớ người nào viết người đó, nhớ gì viết đó. Chính vì thế tôi nghĩ nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy tự dưng tôi… nhớ về họ.

- Viết xong cuốn tạp bút "Nhớ" là ông quyết định về Việt Nam?

- Không có hạn định nào cả. Thằng con tôi nó ổn định việc học rồi. Và khi nó ổn định là tôi muốn về ngay. Nhưng phải canh, xem lúc nào có vé xe đò, í lộn, vé máy bay một chiều về Việt Nam mà… giá rẻ là mua. Canh được rồi, người ta cứ hỏi sao không mua khứ hồi, tôi nói mua khứ hồi làm chi, mua một lượt thôi, tôi về quê rồi đâu có ý định qua nữa. Mà thiệt tình, biết nước Mỹ đến thế thôi, chẳng còn gì hay hơn nữa để mình phải tìm kiếm. Về 81 Trần Quốc Thảo uống nước trà, gặp bạn bè và đi đóng phim, thế là vui.

- Ông có dự định gì mới không?

- Khi về tôi liền ra phòng xuất nhập cảnh đó, đưa hộ chiếu cho họ và xin nhập hộ khẩu trở lại, vì mình đi mất hai năm mà. Mấy ông công an đó vui tính lắm, ổng nói hộ khẩu ông vẫn ở đây chứ có cắt đi đâu mà nhập lại, ông vẫn người Việt Nam mà. Tôi vui trào nước mắt. Sau nữa, tôi kiếm được nhà người quen ở nhờ. Sài Gòn này đi đâu tôi cũng có người quen, nhưng sắp tới sẽ kiếm chỗ nào vui thì ở. Và tôi ước ngộ lắm nha, cứ thích có căn nhà lá ở xa xa cũng được, mình được nằm võng coi bầy gà nó ăn trong sân, có cây bầu leo ngoài vườn, dưới ao cá lội. Mà giờ mình còn nghèo, mơ chi xa xôi vậy, phải không?

- Ông có tính hoạt động nghệ thuật trở lại?

- Có chứ. Nhiều đạo diễn gọi rồi, sẽ đóng phim. Còn diễn ảo thuật vẫn diễn. Và viết văn nữa. Nói đúng ra là Mạc Can vẫn vậy. Chỉ có khác là ông ta không còn chuyến đi Mỹ nào nữa cả! 700 đêm là đủ lắm rồi!

- Xin cảm ơn ông!

PV (thực hiện) - CSTC tuần số 50
.
.
.