Nhà văn Ngô Thảo: Ngạo nghễ trước tật bệnh, hồn hậu với tai ương

Thứ Ba, 08/03/2011, 10:40
Cái mũ lưỡi trai kiểu một thời nước Nga Xô viết mặc định trên đầu, che bớt mớ tóc đã nhiều phần rụng vì phản ứng của thuốc, chỉ điệu cười tủm tỉm cố hữu luôn thường trực, nhà văn Ngô Thảo bảo ông đang "hoàn lão", chấp nhận tháng ngày an dưỡng, không còn bị ám ảnh bởi những chuyến đi, và cả những thù tạc bạn bè vốn cấp tập suốt dọc dài từ Nam ra Bắc chưa dứt được bao giờ.

Trở về nhà sau đợt hóa trị dài ngày, vắt qua cả tháng Tết, để tiêu diệt các tế bào ung thư ở Singapore, nhà văn Ngô Thảo đã thực sự "hiện nguyên hình" là một lão ông tuổi vừa 70, bước chậm, và dáng đi thì không còn nhanh nhẹn vững chãi nữa.

Cái mũ lưỡi trai kiểu một thời nước Nga Xô viết mặc định trên đầu, che bớt mớ tóc đã nhiều phần rụng vì phản ứng của thuốc, chỉ điệu cười tủm tỉm cố hữu luôn thường trực, nhà văn Ngô Thảo bảo ông đang "hoàn lão", chấp nhận tháng ngày an dưỡng, không còn bị ám ảnh bởi những chuyến đi, và cả những thù tạc bạn bè vốn cấp tập suốt dọc dài từ Nam ra Bắc chưa dứt được bao giờ.

Trước Tết con Mèo, nhà văn Ngô Thảo đi chữa bệnh ở Singapore. Từ xứ sở lạ xa đó, ông nhắn tin về, nhẩn nha thông báo và còn chúc an lành cho những người đang vùi đầu trong cái bộn bề tất tả thường nhật, những kẻ mà vì "trời chưa kêu" nên vẫn còn chưa biết sợ.

Tin tức lan truyền, nhiều người ngơ ngác mới đây ông còn ngồi nhậu, vẫn hoạt bát và phong độ lắm, chỉ hóm hỉnh là chân hay trở chứng nổi đau vì bệnh gout (gút), căn bệnh lạ một điều ít thấy phổ biến ở các nước giàu. Điện thoại sang, ông tường thuật vừa qua ca mổ, đang tập đi, giọng yếu và nằng nặng chất Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhưng vẫn líu ríu niềm vui vì đã vượt được thời khắc nước sôi lửa bỏng.

Thực hiện xong một phác đồ điều trị, kịp sụt đi tới 15kg, người xác xơ và nước da xạm xịt, riêng thần thái thì vẫn như xưa, ông vẫn hồn nhiên tươi tỉnh như không hề có chuyện, đang còn phải trải qua hai công đoạn truyền hóa chất nữa. Bệnh tật cứ bất thình lình đến, đường đột, chẳng hề báo trước, và con người, thường yếu ớt, đơn côi trong khả năng chống đỡ.

Ơn trời, con cái ông, hai gái một trai, thêm cả dâu cả rể đều là những doanh nhân quảng giao, nhiều quan hệ, làm ăn "siêu" giỏi, lại lắm thân hữu bên ngoài lãnh thổ, nên khi cần, hình thành ngay một guồng quay tức thì chuyển động, sắp đặt kế hoạch cho ông trị bệnh ở xa đất nước.

Ngô Thảo bật mí ông bị ung thư hành tá tràng, vừa cắt đi "từng khúc ruột", đúng nghĩa đen, nên rượu, bác sỹ hẹn một năm sau mới được quyền uống lại. Nói là nói vậy, chứ ông, giờ ăn uống cũng phải tuân thủ một chế độ riêng, nghiêm ngặt và đúng chỉ định. Tết vừa qua, cả nhà Ngô Thảo, cả vợ cả em gái, cháu nội cháu ngoại đều mừng năm mới ở Singapore, cho ông được trọn vẹn hưởng không khí gia đình, nơi chốn mà ông yêu thương và coi trọng hơn tất thảy.

Cháu nội, cháu ngoại của ông đã có thể thay phiên nhau, phiên dịch tiếng Anh, làm cầu nối giữa Ngô Thảo và các bác sỹ vốn không hề biết một chữ nào tiếng Việt. Con gái lớn của ông, Ngô Thị Bích Hiền, người ngay khi mới 3 tuổi, lẫm chẫm bước đi, lóc cóc theo mẹ đội bom vào tận tuyến lửa miền Trung, thăm cha là binh nhì đang huấn luyện, chuẩn bị ra chiến trường, đã vội vàng bỏ hết mọi công việc, túc trực kề cận bên ông.

Nhiều người kể, khoảnh khắc Ngô Thảo mới phát hiện bệnh tình, gọi điện cho Hiền, rất khó. Chuông reo, nhưng chị thường không nhấc máy, vì có ai đó hỏi thăm, Hiền lại mất bình tĩnh, khóc òa. Ngô Thị Bích Hiền từng làm MC sóng đôi cùng nhà báo Vũ Mạnh Cường trong chương trình "Những bài hát còn xanh", một chương trình vừa "hot", vừa ân tình đĩnh đạc của Đài Truyền hình Việt Nam 15 năm trước, thời kỳ mà truyền hình cũng đang mày mò vật vã vào cơn "chuyển dạ", tìm tòi xã hội hóa, hiện là Giám đốc chi nhánh phía Nam của Công ty BHD, một nhà sản xuất phim đã "máu mặt" mát tay lại xinh đẹp.

Hiền, lúc phim "Cánh đồng bất tận" chị đứng tên sản xuất, vừa ra ràng, tiếng khen cũng lắm lời chê cũng nhiều, bỗng dưng vấp phải sự bàn ra tán vào nghiệt ngã của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, đã đáo để và đanh đá phản hồi tắp lự bằng một bài viết đúng kiểu… con gái Ngô Thảo. Nhà văn Ngô Thảo vốn có niềm tự hào không giấu giếm về vợ con, và cô con gái cả, được giải thưởng thơ thiếu nhi quốc tế Ấn Độ lúc còn tiểu học, thừa hưởng ở cha chất văn nhân lãng mạn, tận bây giờ, dẫu đảm đương việc lớn, nhưng vẫn "búp bê", trong sáng, hồn hậu đến kỳ lạ.

Ngô Thảo hề hà, nói chuyện chữa bệnh, liệt kê những khoản viện phí rồi chi tiêu tính bằng USD, nghe đến choáng cả người. Tiền, vô cùng nhiều người dư thừa. Nhưng sự hiếu thảo và trân quý bố một cách hết mực của con cái, thì không phải ai cũng có diễm phúc được hưởng như nhà văn Ngô Thảo.

Ông vài năm trước, dẫn một đoàn các nhà văn, nhà thơ, những người bạn từ thành phố HCM ra thăm Hà Nội đi "mát xa chân", cho những tay viết cự phách phía Nam nghỉ ngơi, thư giãn cả ngày trời, đến công đoạn tính tiền, điện thoại cho con gái, Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc Công ty BHD, ra lệnh rằng "đến chuộc bố về". Ngày thường ham chơi, lại ưa đối đãi bạn bè và những người sa cơ lỡ vận như kiểu một "Mạnh Thường Quân" chả bao giờ tính toán, nhiều bằng hữu thân thiết nhất với Ngô Thảo nếu có đùa với các con ông, "gia đình cháu nuôi bố cháu tốn hơn nuôi… con nghiện", thể nào cũng gặp phải sự phản bác mạnh mẽ.

Những đứa con luôn lên tiếng bảo vệ ông, như trông giữ một nhà tư tưởng của cả gia đình, một người cực đoan đến không bao giờ chịu thỏa hiệp. Không thỏa hiệp trước những điều chướng tai gai mắt, không thỏa hiệp trước sự giả dối, và ông, chấp nhận trả giá chỉ để bảo vệ quan điểm của mình, bảo vệ chân lý mà ông cho là duy nhất đúng: "Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì. Một nửa sự thật không còn là sự thật". Ông, cũng vì tôn thờ điều duy nhất đúng ấy, chăm bẵm cho cái sự thật tuyệt đối ấy, nên đã lao đao không ít đận trong đời. 

Tuổi rắn, sinh năm Tân Tỵ 1941, nhà văn Ngô Thảo lại dường như bị cột vào cái vó ngựa, ngay lúc bệnh trọng, trừ thời khắc không thể nhấc mình ra khỏi giường, chứ ông tuyệt đối không chịu ngồi yên một chỗ. Về nhà tĩnh dưỡng, bồi bổ sức lực chuẩn bị đón đợt hóa trị thứ hai, Ngô Thảo vẫn đội mũ, thân chinh đến thăm cơ quan cũ, số nhà 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, đặt trụ sở Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, nơi ông đã có hơn kém 30 năm ngược xuôi gắn bó.

Ông đến, lại rạng rỡ, hào hoa, và tất cả mọi người, từ bác bảo vệ lâu năm đến anh lái xe trẻ, thấy ông cười, là nhẹ lòng, vì người lính già đã qua được cửa ải khó khăn, không hề chùn bước. Ngô Thảo nổi tiếng đông bạn, cả thân sơ, trừ những ai ông lỡ ghét, mà ghét là cũng xúc đất đổ đi, còn đã quen, tức đều yêu quý và quan tâm thiết thực.

Dù đi lại chưa phải đã tự nhiên như vài ba tháng trước, dáng dấp chưa kịp hoàn hồn như thuở chưa vướng vất tật bệnh, Ngô Thảo vẫn đến dự đám giỗ một người bạn cùng giới sân khấu, nhà báo, NSƯT Vũ Hà, người nhiều năm chủ xị tiết mục "Sân khấu truyền thanh" vốn nổi tiếng trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thời bao cấp khốn khó.

Nhà văn Ngô Thảo có thể quên gọi điện chúc mừng một người bạn vừa lên chức, đang đảm nhiệm cương vị lớn lao, chứ chả bao giờ xao nhãng chuyện liên quan đến những bằng hữu đang gặp tai ương, hoạn nạn. Ngô Thảo không hay lẫn vào cái đám đông bầy đàn, a dua và xu thời, ông thuộc tuýp "phù suy", thích quan tâm, chở che những người yếu thế. Hồ hởi giúp đỡ, thi thoảng "dấm dúi" cho ai đó đang cơn khốn khó ít tiền, kể cả đám sinh viên tỉnh lẻ có dính dấp tới văn chương chữ nghĩa, chân ướt chân ráo ra trường, rồi lý luận là, nếu túng thiếu quá, người ta có thể nghĩ quẩn, lao mình vào những chỗ thiếu lành mạnh, thì uổng phí một đời.

Thế mới có chuyện, Ngô Thảo, luôn bị mang tiếng lắm "bồ", và người nhà ông, nghe những điều đó, chỉ cười, vì quá hiểu cái tâm tính quý bạn, hết lòng vì người khác đến chả nề hà ở ông. Bởi vậy, ông, không nơi chốn nào là không có bạn, và cũng đinh ninh, đấy là tài sản lớn nhất mà ông vô cùng hãnh diện, san sẻ cho các con.

Mùng 7 tháng 3 này, Ngô Thảo quay trở lại Singapore, tiếp tục đợt thứ 2 của quá trình hóa trị. Thêm một đợt như thế nữa, mầm bệnh mới bị tiêu diệt tận gốc. Tận dụng những ngày nghỉ ngơi ít ỏi, nhà văn Ngô Thảo lại gặp gỡ bạn bè, xăng xái tới nơi này nơi nọ, như để "truy lĩnh" cho khoảng thời gian buộc phải khép mình bên trong khuôn cửa ngăn cách với cuộc sống ồn ào. Vợ chồng ông mời tới nhà chơi người bạn già, một phụ nữ góa bụa đơn thân đang phải gửi gắm những năm tháng cuối đời trong Viện Dưỡng lão, cậy nhờ các nhà hảo tâm.

Bà Phương Thúy ái nữ của nhà văn Hoài Chân, đồng tác giả thi nhân Việt Nam, vợ góa của nhà thơ Tuân Nguyễn, nhân vật trong bài viết "Rằng nơi sắp tới có mình em thôi" đăng trên tờ An ninh thế giới cuối tháng mới rồi, nấn ná mãi trước khi ra về, để chỉ nói đi nói lại: "Cô chơi với vợ chồng nhà Ngô Thảo từ ngày còn trẻ, mấy chục năm rồi. Vợ chồng nhà này tử tế lắm, suốt từ xưa, tới bây giờ, vẫn vậy".

Anh về đi, chúng tôi sẽ tổ chức Tết lại

Thành lệ, nhiều chục năm nay, cứ mùng 4 Tết, NSND Doãn Hoàng Giang lại tổ chức tiếp đón bạn bè trong giới sân khấu tại nhà. Giới sân khấu, nhiều người, từ những cá nhân nổi tiếng nhất, đáng kính trọng nhất như các bậc trưởng thượng, lão lành, như NSND Trần Tiến, NSND Đình Quang, đến cả các nữ nghệ sỹ đang nổi như NSƯT Lan Hương, Ngọc Bích, nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái… hay những người trẻ, đang còn rụt rè, ngấp nghé, đều (mong muốn) có mặt tại nhà NSND Doãn Hoàng Giang.

Năm nay, Tết Tân Mão, cuộc tụ họp thường lệ vắng mặt nhà văn Ngô Thảo, vì ông bận chữa bệnh ở Singapore, không về kịp. Nhiều người đã thay nhau, điện thoại cho ông, động viên và hứa hẹn: sẽ có một cái Tết muộn để đón Ngô Thảo trở về.

Ngô Hương Sen – CSTC tuần số 48
.
.
.