Nhật Bản: Mafia khét tiếng từng làm giàu trên sự đổ nát của động đất

Thứ Năm, 28/04/2011, 15:58
Yamaguchi-gumi là băng đảng lớn và khôn ngoan nhất ở Nhật, kiểm soát một nửa trong tổng số gần 90.000 gangster ở nước này, khoảng 45.000 người. Thu nhập của tổ chức này khoảng 20 tỷ USD/năm với 23 ngành kinh doanh phi pháp, tàn bạo ở châu Á, Mỹ…

Yamaguchi-gumi từng tận dụng sự đau thương của nước Nhật để làm "từ thiện" nhằm mua quan hệ chính trị, khẳng định vị thế số 1 của mình. Những kiểu làm ăn lắt léo thông minh mang đặc phong cách Nhật được các chuyên gia phân tích dưới đây.

Hàng trăm cảnh sát vây bắt một lãnh đạo băng đảng

Khoảng 140 cảnh sát thành phố Kobe ở miền Tây Nhật Bản cách đây không lâu  tham gia vào cuộc vây bắt tên Takayama, quyền lãnh đạo tập đoàn tội phạm lớn nhất quốc gia, lớn hàng đầu thế giới Yamaguchi-gumi. Việc bắt giữ nhân vật quan trọng này diễn ra khi hắn tìm cách tống tiền 400.000 USD một doanh nhân 65 tuổi trong lĩnh vực xây dựng.

Nhà của tên tội phạm 63 tuổi này ở Chuo Ward, Kobe, đây cũng là trụ sở của Yamaguchi-gumi, là nơi để nhiều tập đoàn tội phạm quy tụ. Một thân tín của Takayama là Omi-ikka, 53 tuổi ở Otsu cũng vừa bị bắt giữ vì gửi thư đen cho việc tống tiền trên. Lãnh đạo Yamaguchi-gumi trước đây là Kenichi Shinoda hiện đang ngồi tù. Shinoda bị bắt giam trong chiến dịch truy quét và phá các băng đảng trong thế giới ngầm của cảnh sát Nhật hồi tháng 9/009 và dự kiến tên này sẽ được trả tự do vào năm 2011.

Rất nhiều nhà quan sát tin tưởng rằng, việc tấn công Yamaguchi-gumi sẽ làm suy yếu băng đảng Kodo-kai đồng thời phá hủy nhiều tổ chức tội phạm khác. Kodo-kai là tập đoàn tội phạm có 4.000 thành viên với doanh thu dồi dào, hỗ trợ tài chính không chỉ cho riêng Yamaguchi-gumi. Nhiệm vụ của cảnh sát thời gian tới là cắt giảm các khoản thu nhập của Kodo-kai, việc làm này phải được tiến hành nhanh chóng để đập nát băng đảng này trước khi nó có khả năng phục hồi trở lại. Cảnh sát bắt đầu điều tra Kodo-kai từ tháng 9/2009.

Cảnh sát vào cuộc vây bắt lãnh đạo Yamaguchi-gumi, Takayama.

Để đối phó với sự mở rộng của các thành viên mafia, Nhật Bản có kế hoạch gia tăng lực lượng cảnh sát thêm 10.000 người trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không thoát khỏi những hành động bạo lực của yakuza (mafia trong tiếng Nhật) và đã có những phản đối kịch liệt khi những người vô tội bị bắt trong các cuộc đọ súng. Một nha sĩ đã bị thiệt mạng bởi đạn lạc trong cuộc đọ súng của yakuza ở khách sạn Kobe năm 1997. Ngoài ra, dân chúng còn lo ngại về xung đột bạo lực ngày càng gia tăng giữa các băng nhóm yakuza với các băng nhóm tội phạm người nước ngoài.

Sát hại lãnh đạo chính trị, chặt ngón tay thành viên nếu kém cỏi

Trong hàng chục năm qua, Yamaguchi-gumi luôn là băng đảng lớn nhất ở Nhật.  Số điện thoại của tổ chức này còn được liệt kê trong niên giám điện thoại quốc gia.

Yamaguchi-gumi được cho là có tham gia tới tất cả các ngành kinh doanh bất hợp pháp, từ nạn mại dâm cho tới ngành xây dựng công nghiệp, thị trường chứng khoán, đâm thuê, chém mướn, bắt cóc, tống tiền, buôn người... với số tiền thu nhập hàng năm vào khoảng 20 tỷ USD.

Yamaguchi-gumi là tập đoàn tội phạm mafia có tổ chức, được đặt theo tên người sáng lập với nguồn gốc từ một công đoàn lao động lỏng lẻo ở Kobe trước chiến tranh thế giới 2. Đây là một trong những tổ chức tội phạm lớn, giàu nhất thế giới, sống khỏe. Ngoài trụ sở ở Kobe và các tỉnh thành, Nhật Bản thì tập đoàn tội phạm này có văn phòng ở nhiều nước châu Á, Mỹ, cho dù cảnh sát các nước liên tục truy quét nhưng không làm tập đoàn tội phạm này yếu đi mà mạnh thêm.

Từ năm 1925, kể từ khi sáng lập tới năm 1981 thì lãnh đạo tập đoàn đều là con trai của nhà sáng lập Yamaguchi-gumi. Các lãnh đạo của tập đoàn tội phạm này sau đó đều là những nhân vật máu mặt do những nhân vật cốt cán dựng lên. Đã có nhiều cuộc thanh trừng và ám sát các lãnh đạo của Yamaguchi-gumi trong năm 1985, 1997…

Nội chiến trong băng đảng này cũng từng diễn ra với những cuộc tàn sát đẫm máu lớn. Năm 1984, khi những thành viên có tuổi chọn Masahisa Takenaka làm lãnh đạo thì đã xảy ra cuộc nội chiến khi Hiroshi Yamamoto cùng với một số nhân vật quyền lực khác mang theo 3.000 người chống lại Yamaguchi-gumi rất quyết liệt. Những người chống đối cũng đã lập ra Ichiwa-kai. Cả hai băng đảng này luôn xảy ra chiến tranh ác liệt mà giới giang hồ Nhật Bản gọi là cuộc chiến Yama-Ichi.

Đáng nhớ nhất là vụ sát hại lãnh đạo Masahisa Takenaka của Yamaguchi-gumi  do Ichiwa-kai gây ra vào năm 1985. Những nhân vật chủ chốt Kazuo Nakanishi, Yoshinori Watanabe, Yamaken-gumi của Yamaguchi-gumi cũng đã chống trả kẻ thù của mình rất mạnh mẽ và sau này những người trên đều trở thành lãnh đạo của băng đảng.

Cuộc chiến tranh giữa hai băng đảng chỉ chấm dứt khi Yoshinori Watanabe lên nắm quyền Yamaguchi-gumi giai đoạn 1989-2005, người đã giúp băng đảng cực thịnh nhờ đường lối khôn khéo. Sau khi nhân vật này nghỉ hưu thì Tsukasa được chọn là lãnh đạo thứ 6 của Yamaguchi-gumi. Dưới sự lãnh đạo của nhân vật này thì tập đoàn tội phạm vẫn ngày càng lớn mạnh, thâu tóm được cả băng đảng khác có tiếng ở Tokyo là Kokusui-kai, cả hai cùng nhau kiếm được nhiều khoản tiền lớn.

Tsukasa đã bị bỏ tù năm 2005 với cái án 6 năm. Năm 2007, Tetsuya Shiroo, một nhân vật cao cấp của Suishin-kai, liên minh mafia gia đình với Yamaguchi-gumi, đã gây ra chuyện tày đình khi ám sát thị trưởng thành phố Nagasaki, Iccho Itoh bằng việc phá hủy chiếc xe hơi của ông khi ông đi tiếp xúc công chúng.

Năm 2008, Tetsuya Shiroo bị kết án tử hình. Tuy vậy, tòa tối cao đã hủy bản án tử hình này vào năm 2009 và chuyển tội giết người của Tetsuya Shiroo thành án chung thân. Các băng đảng thân tín khác của Yamaguchi-gumi là Yamaken-gumi, Kodo-kai, Takumi-gumi, Goto-gumi, Kokusui-kai và Yamasai-ka.

Mặc dù hiện nay các thành viên băng đảng đều thể hiện như là những thương gia hiện đại song vẫn còn bị trói buộc sâu sắc bởi truyền thống. Trong lễ nghi, một thành viên phạm lỗi hoặc kém cỏi nhất thì phải tự chặt đứt ngón tay út và đưa nó cho tên trùm. Đến ngày nay những hành động mang tính dã man như vậy vẫn không thay đổi. Một bác sĩ ở Tokyo từng bị cảnh sát bắt giữ vì giúp đỡ một tên tội phạm chặt ngón tay hắn bằng thuốc gây mê cục bộ.

Mua sợi dây chính trị và sự thịnh vượng từ sự đau thương của đất nước

Ít ai ngờ thảm kịch động đất ở Kobe, Nhật Bản năm 1995 lại là cơ hội cho bố già Yoshinori Watanabe củng cố tài chính và đưa tập đoàn Mafia Yamaguchi-Gumi trở thành một thế lực trong thế giới ngầm.

Khi những chấn động 7 độ richter bắt đầu tàn phá Kobe thì nhánh Yakuza khu vực này dường như đang trên bờ vực sụp đổ tựa số phận thành phố. Từ năm 1981, sau cái chết của thủ lĩnh Gấu Taoka, nhân vật đứng đầu thế giới ngầm ở Nhật suốt 35 năm, Yamaguchi-Gumi đã mất quyền kiểm soát cảng Kobe. Các nhóm ly khai hình thành trong nội bộ đẻ ra hai cuộc thanh trừng, thực hiện hàng loạt vụ bắt bớ, kể cả thủ lĩnh kế nhiệm Taoka cũng xộ khám rồi qua đời.

Tình cảnh rắn mất đầu quá lâu khiến bà quả phụ Taoka phải thân chinh lãnh đạo. Quyền lực chuyển sang Tanaka rồi Nakanishi cũng chẳng khá hơn. Một người bị ám sát, một người tra tay vào còng cảnh sát liên bang Mỹ. Cơn suy thoái của thế giới ngầm càng tệ hại khi giới chủ nhà băng trở mặt cúp nguồn vốn vay. Họ không những chẳng chịu chi tiền bảo kê mà còn đòi cho được các món nợ cũ. Yamaguchi-Gumi tung đòn trả thù như đặt bom ám sát nhưng không ăn thua gì vì giới ngân hàng đã đứng lại với nhau sau luật chống Yakuza được biểu quyết năm 1992, nhất định "xù" tiền cống nạp.

Lực lượng an ninh "cầm luật" mở các cuộc hành quân càn quét. Không ít Yakuza chịu không thấu phải ra đầu thú. Có người muốn hoàn lương phải bí mật nhờ giải phẫu thẩm mỹ ghép ngón chân thay ngón tay đã từng bị thủ lĩnh chặt đứt theo luật xử nội bộ. Dư chấn nhỏ đã thành chấn động lớn khiến Yakuza vùng cảng sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào.

May cho Watanabe, ngày 17/1/1995, đất rung chuyển ở Kobe! Gần 6.000 người bỏ mạng. Thành phố tan hoang, ngổn ngang gạch ngói. Những hố rộng toang hoác cắt nát các cao ốc để lại những cột bê tông xám xịt. 20.000 thị dân mất nhà chen chúc trong các khu lều bạt tiền chế tạm bợ.

Việc dọn dẹp và công cuộc tái thiết thành phố nằm cả trong phương án Phượng hoàng của chính phủ với tổng chi phí 840 tỉ franc. 2 - 3% số tiền khổng lồ đó, tức khoảng 17 đến 25 tỉ franc là mục tiêu mà mafia ở Kobe nhắm đến. 13.000 thành viên của Yamaguchi-Gumi liền có mặt chờ hiệu lệnh của bố già Yoshinori Watanabe.

Chỉ vài giờ sau thảm kịch, các bãi đậu xe rộng lớn bao quanh dinh cơ bố già đã biến thành trung tâm cứu tế. Những ngày kế tiếp, trong lúc nhà chức trách đang loay hoay như gà mắc tóc thì các Yakuza vùng cảng này đã thiết lập xong hệ thống gian hàng để phân phối hàng chục ngàn khẩu phần mì và những chồng chăn, màn, quần áo đến các nạn nhân. Họ mướn xe buýt đưa viên chức, công nhân tới sở làm, trẻ em đến trường học tạm. Một số tay chân thân tín được bố già cử đi liên hệ các tổ chức nhân đạo trong vai trò "hiệp sĩ" hỗ trợ tiền bạc vật lực cho quỹ từ thiện.

Những Yakuza khác tỏa đi thăm hỏi cư dân trong những ngôi nhà bị thiệt hại nặng nhất. Tất cả đều có mục đích. Hoặc để cho vay tiền với lãi nhẹ, hoặc đề nghị mua thẳng mảnh đất ấy bằng tiền mặt. Phi vụ đầu tư địa ốc kiểu gia ơn này giá quá hời (từ 30% đến 70% so với giá thị trường trước thảm kịch 17/1). Với bố già Watanabe đó mới chỉ là món tráng miệng...

Gặt vàng thỏi

Đầu óc Yoshinori Watanabe còn nhiều nước đi khác. Ông ta cung cấp cho phương án Phượng hoàng của chính quyền vật tư xây dựng, thầu công trình hoặc sang tay để ăn hoa hồng và hỗ trợ lực lượng công nhân. Cách Kobe một giờ ô-tô, Watanabe khoanh vùng kiểm soát khu Kamagasaki, nơi tạm trú của hàng chục ngàn con người đang khao khát việc làm.

Với các chủ thầu, bố già đặt ra nguyên tắc ai xây dựng trên "lãnh địa" của Yakuza phải chịu một khoản phí. Nếu bất phục các xe tải sẽ bị chặn ở lối vào công trường, trang thiết bị "tự nhiên hư hỏng", nhân công "bỗng nhiên" bỏ việc. Thế là người ta cứ lẳng lặng nộp tiền mà không dám hé răng. 6 năm sau, khi một Kobe tái sinh dần hình thành, cơn sốt đất đai lại là cú địa chấn mới và bố già Watanabe, với các cơ ngơi thâu tóm, nghiễm nhiên trở thành một đại tài phiệt thế lực.

Bước vào tuổi 64, Watanabe thoái vị nhường quyền lực cho Kenichi Shinoda trong một buổi lễ đẫm nước mắt. Yakuza vẫn là một tổ chức bán hợp pháp ở Nhật nên người ta biết tỏng Watanabe nghỉ là nhằm âm thầm điều hành công việc kinh doanh phần nửa công khai hợp pháp ngoài ánh sáng của Yamaguchi-Gumi để từ Nhật vươn vòi bạch tuộc ra châu Á, tỏa đến cả Mỹ lẫn châu Âu. Lợi nhuận thu được từ các công trình xây dựng Kobe ngày ấy đến nay đã thành siêu khổng lồ. Chúng được bố già mang đầu tư công khai vào các khu liên hợp buôn bán, địa ốc, học viện và cả thể thao.

Tiền cũng chảy đi góp vốn ở các công ty hợp pháp thuộc nhiều ngành nghề khác. Watanabe từng rót 255 triệu USD thu gom cổ phiếu của Tokyo Kyuko Electric Railway để bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán Nhật và thế giới. Đó chỉ là miếng bánh lợi nhuận nhỏ có chịu thuế. Tảng bánh vĩ đại hơn là lượng tiền đổ vào các công nghiệp đen của thế giới ngầm, những phi vụ và ngành nghề làm ăn trong bóng tối đem lợi nhanh và nhiều gấp hàng chục lần ngành nghề hợp pháp.

Đó là công nghiệp tình dục, buôn bán phụ nữ, bài bạc. Chân rết của bố già Watanabe đang kín đáo bảo kê hàng chục phố đèn đỏ ở nhiều quốc gia, làm chủ những đường dây buôn người từ Nhật sang Âu-Mỹ và ngược lại. Thoạt trông vào, kiểu làm ăn chết chóc như những tay anh chị xưa dường như không còn tồn tại ở thế giới do bố già Watanabe chi phối. Nhưng thực ra đó chỉ là ban ngày. Còn khi đêm về, vẫn có những nạn nhân nghe đến tên Yakuza cũng thảng thốt như nghe các dư chấn từ lòng đất Kobe năm nào

Nguyễn Lai - Mạnh Nguyễn (theo The Yomiuri Shimbun/Asia , AFP) – CSTC tuần số 53
.
.
.