Nhịn ăn - thử thách bản thân hay cuộc chơi nhiều cảm giác

Thứ Bảy, 04/06/2011, 16:13
Hiện nay có khá nhiều người sau khi đã tìm hiểu các tài liệu liên quan đã tiến hành việc nhịn ăn hay tiết thực theo nhiều phương cách khác nhau và cũng vì các mục đích khác nhau. Xung quanh chuyện nhịn ăn có khá nhiều điều đặc biệt và nhất là tác dụng của nó cũng được thêu dệt một cách lạ kỳ…

Nhịn ăn có rất nhiều hiệu quả?

Theo các nhà khoa học thì nhịn ăn để chữa bệnh có từ thời cổ ở Ấn Độ, Ai Cập, sau lan truyền sang Hi Lạp, La Mã và các nước phương Tây. Đó là một phép trị liệu và dưỡng sinh (Diététique). Còn ở châu Á thì y học phương Đông cũng đề cập thành một nguyên lý chữa bệnh "dùng thuốc không bằng giảm ăn" đã được nhiều danh y ứng dụng…

Về tuyệt thực trong tôn giáo cũng đã được thực hiện từ rất xa xưa. Các tôn giáo lớn như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo cũng rất chú trọng đến phép nhịn ăn và sự cầu nguyện. Chẳng hạn như các đạo sĩ Yoga Ấn Độ có chế độ mauna (gồm có nhịn ăn và tịnh khẩu - im lặng, không nói) vào hai ngày: mồng một và rằm âm lịch, nhằm mục đích để thanh lọc cơ thể. Sau này người ta chú ý nhiều đến sự tuyệt thực khi thánh Gandhi nhịn ăn để tranh đấu bất bạo động giành độc lập cho Ấn Độ…

Cho đến nay chữa một số bệnh bằng phương pháp nhịn ăn đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như ở Pháp, Đức, Nga, Mỹ… Còn ở Việt Nam, hiện cũng chưa ai trả lời rõ ràng việc tuyệt thực và tiết thực du nhập vào trong nước xuất phát từ đâu. Có người cho rằng khái niệm "tiết thực" bắt đầu được người Việt Nam biết đến thông qua cuốn "Tuyệt thực đi về đâu" của tác giả Thái Khắc Lễ. Cũng có người bảo rằng "tiết thực" bắt nguồn từ phương pháp thực dưỡng Ohsawa (xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000) vốn là một phương pháp ăn uống theo thuyết cân bằng âm dương để điều hòa khí huyết, giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể.

Cuốn sách "Tuyệt thực đi về đâu" của tác giả Thái Khắc Lễ chỉ dẫn phương pháp nhịn ăn để tăng cường sức khỏe được nhiều người tìm đọc.

Chuyện nhịn ăn chữa bệnh hiện đang được khá nhiều người quan tâm, thực hiện theo, bằng chứng là chỉ cần vào Google, gõ từ khóa "nhịn ăn chữa bệnh", trong vòng 0,05 giây đã cho khoảng 163.000 kết quả.

Theo BS. Huỳnh Nguyễn Liên, Viện Y dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh, có thể hiểu nôm na tuyệt thực là nhịn ăn và chỉ uống ít nước lọc, còn tiết thực là nhịn ăn và uống nước một hai loại trái cây với đường..., giống như một loại nước sinh tố. Hai phương pháp này khác nhau nhưng các đối tượng tìm hiểu và thực hiện thường nhằm mục đích chữa bệnh, thanh lọc cơ thể và giảm béo.

Như chúng ta đã biết, trong mỗi tế bào, mỗi cơ quan trong cơ thể người đều có phần dự trữ để sử dụng khi đói. Việc thường xuyên tiếp thêm thức ăn, năng lượng cho các tế bào trong khi chúng không thể sử dụng hết sẽ tạo ra những độc tố có hại và sinh ra bệnh tật. Chính vì điều này, nhiều người cho rằng khi nhịn ăn, bên ngoài cơ thể sẽ gầy dần đi, còn bên trong cơ thể sẽ "đốt" những thức ăn thừa thãi, vô bổ, thậm chí có hại ấy để nuôi các cơ quan trọng yếu và tích cực bài thải cặn bã ra ngoài.

Ở Việt Nam hiện tại cũng đã có một vài cơ sở điều trị và nhiều người trong nước đã áp dụng nhịn ăn để chữa được một số bệnh.

Anh Châu Quang Phước, phụ trách truyền thông Công ty BHD, người có hơn 5 năm nay theo đuổi phương pháp tiết thực - nhịn ăn và uống nước chanh đường để chữa bệnh và thanh lọc cơ thể. Trước khi thực hành phương pháp này, anh Phước đã từng tiếp cận, nghiên cứu nhiều tài liệu khoa học, y học về các cách nhịn ăn khác nhau.

"Chuyện nhịn ăn từng bước, từng cấp một thời gian trước chính là những lần anh thử nhịn ăn để xây dựng lòng tin vào việc này. Và trong những lần thực hiện nhịn ăn, anh thấy có những hiệu quả nhất định, như lần đầu tiên anh nhịn ăn trong bảy ngày. Lúc đầu anh cũng chưa nghĩ tới hiệu quả chữa bệnh của nó nhưng qua việc khi ấy chân anh có một vết trầy xước rồi tiến triển thành vết loét có cả mủ, anh đã rắc thuốc ambi như nhiều người vẫn thường làm, song có thể do đi giày và đi lại nhiều nên vết loét mãi không lành. Khi nhịn ăn đến ngày thứ tư, tình cờ anh nhìn lại thì vết loét lúc đó gần như khô, ráo, vết thương liền miệng. Thấy hiệu quả như vậy, anh cảm thấy rất phấn khởi và có lý do "trợ lực" để có lòng tin hơn", anh Phước kể lại.

Trên cơ sở lòng tin này, anh Phước tiếp tục thực hiện hai lần nhịn ăn nữa - một lần 14 ngày để trị vết thương bệnh giời leo ở trên trán lan xuống cả tới mắt trái; lần gần đây nhất năm 2010 là nhịn ăn 21 ngày để chữa mắt bị đỏ, xung huyết.

Hỗn hợp nước chanh đường anh Phước dùng để uống được pha theo cách là pha thật nhiều chanh so với lượng nước dùng để pha và lượng đường tương ứng. Bên cạnh đó, trong thời gian nhịn ăn, anh Phước cũng có những giải pháp hỗ trợ những lúc mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt như ngồi thiền tĩnh tâm, tập dưỡng sinh, hít thở sâu…

"Với anh, ngoài việc chữa bệnh thì anh còn xem đó là việc làm để thử thách, khám phá bản thân, thử tính kiên nhẫn và ý chí của mình. Kể cả những giai đoạn bị áp lực công việc nhiều quá, bị stress nhiều, việc nhịn ăn sẽ giúp anh đằm tính trở lại, học được tính kiên nhẫn, không nóng nảy…", anh Phước vui vẻ bộc bạch.

Một trường hợp thực hiện phương pháp tiết thực khá đặc biệt nữa, đó là đạo diễn, nhiếp ảnh gia Đoàn Minh Tuấn. Từ ba, bốn năm nay, anh Tuấn thường nhịn ăn một tháng một lần, từ một ngày nhịn một hai bữa ăn rồi khi cơ thể quen dần, anh tăng nhịp độ lên một ngày không ăn gì chỉ uống nước lọc.

Sau đó, khi tiếp xúc, trao đổi với một vài người bạn uy tín, có hiểu biết từng thực hiện việc nhịn ăn và cả qua những thông tin khoa học anh tiếp cận được về việc này, anh Tuấn có thêm sự tự tin với phương pháp tiết thực mỗi năm một lần hơn 10 ngày - nhịn ăn và uống hỗn hợp nước gồm nước mía, chanh vàng của Mỹ và ớt bột của Ấn Độ.

Anh Tuấn cho hay: "Liều lượng của hỗn hợp nước uống này là cứ bốn ly nước mía là một ly nước chanh vàng, sau đó tiếp tục cho ớt bột Ấn Độ vào. Hỗn hợp nước này tựa như một dạng cocktail uống rất ngon, dễ chịu". Hỗn hợp nước này được anh Tuấn uống một ngày ba lần vào sáng, trưa, tối giống như ba bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, trong kỳ nhịn ăn 12 ngày vừa rồi, thì trong ngày thứ năm và thứ chín của kỳ nhịn ăn, anh Tuấn còn uống một ly nước muối pha độ mặn vừa phải. Với anh Tuấn thì uống hỗn hợp nước này mang lại nhiều hiệu quả khác nhau, không đơn thuần chỉ nhằm giảm cân, hỗn hợp này còn dùng để thanh lọc cơ thể bằng cách sát trùng, thanh lọc, rửa sạch những chất cặn bã trong mọi bộ phận.

Cuộc chơi để thử thách bản thân

BS. Huỳnh Nguyễn Liên là người đã có thời gian nghiên cứu về vấn đề này và cũng đã thử nghiệm khá thành công trên một số bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa lipid, cao huyết áp, thừa cân… Đồng thời bản thân bác sĩ Liên cũng thực hiện việc tiết thực kết hợp với tập dưỡng sinh để thanh lọc cơ thể. BS. Liên cho biết, khi nhịn ăn thì cơ thể như một vị "bác sĩ" hay một bộ máy biết gạn lọc những cái thừa, cặn dư, tự thanh lọc, qua đó có thể phòng và trị một số bệnh.

Một cuốn sách về phương pháp Ohsawa.

Tuy nhiên, bà cũng khuyến cáo người nhịn ăn phải có nhận thức rõ ràng với những kiến thức và hiểu biết về vấn đề này. Đặc biệt cần có những công trình khoa học nghiêm túc nghiên cứu để cung cấp những kiến thức cơ bản về lợi ích và những điều cần lưu ý về những phương pháp đặc biệt này.

"Điều quan trọng là khi nhịn ăn xong phải chú ý việc ăn lại, nếu ăn ào ào sẽ nguy hiểm cho cơ thể, cho nên khi tiết thực 7 ngày thì sau kỳ này cũng phải có thời gian chuyển tiếp 7 ngày để cơ thể quen dần. Và phải nhớ rằng sau khi nhịn ăn thanh lọc cơ thể thì phải giữ chế độ ăn thanh đạm để duy trì kết quả giảm cân", BS. Liên lưu ý.

Cùng ý kiến với BS. Liên, BS. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết: "Tôi cũng biết hiện nay có một số người nhịn ăn một vài ngày chỉ uống nước để "nhịn ăn rửa ruột" với niềm tin là muốn rửa sạch đường ruột để tạo sự thông thương dễ dàng, thải hết phần bẩn và độc chất, giống như lâu lâu phải súc rửa ống nước. Ngoài ra cũng có một số người thực hiện phương thức "ngồi thiền và tuyệt thực" 1 tuần, 2 tuần… để giết các tế bào ung thư nếu có nảy sinh trong cơ thể (giúp phòng ngừa ung thư). Tuy nhiên, đây là những lý luận và niềm tin chưa có cơ sở khoa học tin cậy vì hiện chưa thấy công bố các nghiên cứu khoa học nào chứng minh các hiệu quả này.

Nhịn ăn chỉ có thể chữa được bệnh ăn không tiêu (trúng thực) hay béo phì nhưng chỉ là nhịn ăn ngắn hạn. Điều trị béo phì thì không phải nhịn ăn mà là giảm năng lượng ăn vào bằng cách ăn ít thực phẩm giàu năng lượng và ăn nhiều thực phẩm ít năng lượng".

Như vậy, đúng như những lời chia sẻ của anh Phước và anh Tuấn thì việc có thực hiện phương pháp nhịn ăn hay không phụ thuộc vào quan niệm hay mục đích của người thực hành. Và trên hết hãy coi việc này như một cuộc chơi, như niềm vui để thử thách bản thân. Hơn nữa, nhịn ăn theo phương pháp nào, lâu hay mau cũng phải tùy theo cơ địa của từng người, nhất là biết lượng sức mình, không nên phải nhất nhất phải theo một phương pháp nào đó. Đặc biệt trước khi thực hiện, cần tìm hiểu thật kỹ càng mọi điều xung quanh phương pháp ấy, nếu không sẽ gây những hậu quả không tốt cho bản thân.

Theo anh Phước và anh Tuấn thì người nhịn ăn là người phải thực sự lắng nghe và hiểu được cơ thể của mình bởi trong khi nhịn ra thì mọi thứ trong cơ thể sẽ nhạy cảm hơn, các cơ quan thụ cảm, các giác quan của cơ thể cảm nhận tốt hơn với mọi thứ xung quanh. Thường ngày nhiều khi chúng ta luôn bận rộn và bị chi phối quá nhiều thứ trong cuộc sống do đó nhịn ăn chính là thời gian tạm dừng lại để lắng nghe cơ thể mình.

BS. Huỳnh Nguyễn Liên: "Có người nói rằng khi tiết thực, nhịn ăn là tự mình "ăn thịt" mình, tức là khi nhịn ăn thì cơ thể tự động sử dụng những phần dư thừa như mỡ hay gạn lọc hay chuyển hóa những chất cặn, bã làm cho người mình nhẹ nhàng, giảm cân tốt, nhưng việc duy trì này cũng rất quan trọng từ người nhịn ăn và sự hướng dẫn hay tư vấn của bác sĩ".

BS. Đào Thị Yến Thủy: "Theo tôi, thực hiện hay không việc nhịn ăn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nếu chịu đựng được sự khó chịu khi đói, xót ruột… và thấy khỏe khoắn sau đợt nhịn ăn, cân nặng thay đổi theo chiều hướng tốt, có thể sinh hoạt bình thường, làm việc tốt… thì có thể thực hiện tiếp. Nhưng nếu bị đau dạ dày, mệt xỉu, choáng váng, lừ đừ không khỏe, không sinh hoạt bình thường được… thì không nên theo đuổi nữa".

Phạm Phú Lữ - CSTC tuần số 60
.
.
.