Những "Đại đế" của bia hơi Hà Nội

Thứ Tư, 09/02/2011, 14:59
Đó là những ngày đầu Hà Nội tự "cởi trói" mình. Để thỏa cơn khát bia đằng đẵng mấy chục năm người Hà Nội ngây ngất đổ vào bụng bất kể thứ bia gì mình có. Khi cơn say tạm lắng người ta mới giật mình nhận thấy đám chai lọ, can nhựa, nồi nhôm Liên Xô nhem nhuốc chứa thứ chất lỏng gọi là bia mình uống.

Người Hà Nội vốn chăm chút ăn nhậu nhanh chóng nhận ra những "chum vại" kiểu đó bia sao lạnh, sao ngon. Vì vậy, những thùng, bom bia nhập khẩu mà tình cờ được thấy ở một vài khách sạn hạng sang là chủ đề rì rầm, là thước đo bia xịn của dân sành điệu Hà thành.

Những bom bia lập tức trở thành tình yêu cháy bỏng từ cái nhìn đầu tiên của Hoàng tử Lâm Vờ. Ngài quyết sở hữu chúng. Nhưng người đẹp đâu chỉ dành cho mình Hoàng tử. Tình yêu cũng lập tức đến với các Viện nghiên cứu thực phẩm, các nhà sản xuất quốc doanh và đáng sợ hơn nó cũng đến với các nhà sản xuất Trung Hoa, những người lọc lõi và chẳng thua ai trên đời về khoản copy và sản xuất đại trà. Hoàng tử biết mình phải hành động mau lẹ. Trong khi các viện sĩ mọt sách và bao cấp còn đang cãi nhau về tính khả thi của làm bom trong nước thì ngài đã nhanh chóng nhận ra rằng một thị trường rộng lớn toàn cõi Việt Nam sẽ đền bù cho những nỗ lực của ngài.

Thâu đêm Ngài tự tay tháo tung một quả bom nhập khẩu gần trăm chi tiết. Là nhà sản xuất chui lủi già đời, ngài biết mình tự làm được gì và những gì ngài cần hô hào anh hùng hào kiệt trong thiên hạ. Việc chế thử gặp không ít khó khăn. Ví như để chế tạo chi tiết quan trọng nhất là chiếc gioăng cho nút bom ngài đã ôm cả bọc tiền không thể to hơn đến các viện sỹ, kỹ sư: "Đây là tiền đặt trước. Nếu không làm được xin trả lại". Có tay kỹ sư quân đội mạnh mồm tuyên bố: "Gioăng cho thùng nhiên liệu tên lửa còn xong thì gioăng thùng bia cỏ của bác là cái đinh gì".

Nhưng trên đời này bom lại không phải là tên lửa! Bom không chỉ chứa chất lỏng có cồn mà còn chứa cả axit lên men. Việc chế tạo vì thế khó khăn hơn nhiều. Tay kỹ sư đeo sao đã không nuốt trôi món tiền to của ngài. Còn ngài thì phải sau nhiều lần ôm tiền đi về mới thành công.

Đúng lúc ngài bắt đầu sản xuất mẻ đầu tiên, thì cái Viện nghiên cứu bất tài nọ không muốn bỏ món lời khổng lồ và cũng không muốn mất mặt. Với cả trăm tiến sĩ, kỹ sư nhưng tay viện trưởng lại quyết diệt ngài bằng đòn bẩn "Cõng rắn, cắn gà nhà". Hắn cho mở liên doanh mà thực chất là môi giới, cầu viện các nhà sản xuất Trung Hoa hòng nẫng tay trên thị trường mênh mông đất Việt. Liên doanh cử người điều tra, quay phim chụp ảnh, mua bán gián điệp tay trong. Ngài cười ruồi phẩy tay cho thoải mái. Tất cả ở trong tay ngài: lộ đấy mà quân cơ tuyệt mật đấy. Mọi cách không xong, các nhà sản xuất Trung Hoa cũng vì vậy mà oải người rút chạy.

Hoàng tử Lâm Vờ trở thành nhà cung cấp bom bia lớn nhất An Nam từ đấy. Bom bia của ngài có mặt khắp nơi. Thành thị, nông thôn, xe máy, ôtô, xe thồ, đâu đâu ta cũng gặp các chiến sĩ cảm tử ôm bom của ngài.

Khi mà từ hộp sữa cho trẻ sơ sinh đến quần sịp ta mặc hằng ngày đều là hàng Trung Hoa thì một người Việt nhỏ bé, xiêu vẹo, cuộc đời "ba chìm, bảy nổi", ngôn từ bốc đồng nhưng dám bỏ của cải và sức lực đương đầu sản xuất và cung cấp bom bia cho toàn cõi Việt Nam liệu có xứng được người đời ngưỡng mộ?

Trong mắt tôi và nhiều bạn bè, Hoàng tử Lâm là một đại cao thủ Việt.

Bia hơi Tứ trụ Triều đình

Sự thật là có rất ít người biết đến "Tứ trụ hội họa", "Tứ trụ thi ca", "Tứ trụ sử học", "Tứ trụ thày bói", nhưng lại có rất nhiều người ở Hà Nội biết đến "Tứ trụ bia hơi": Xôm - Beo - Tái - Hói.

Xôm có lẽ nổi ngay từ khi mới xuất hiện nhờ cái tên "Xôm Xổm Xồm" gợi nhớ một võ quan "râu hùm, hàm én, mày ngài". Tuy nhiên, giờ Xôm đầu tóc nhẵn thín thời thượng như nhiều nghệ sĩ và luật sư sành điệu. Đối với Xôm, bia rót phóng khoáng chứ không lắt nhắt giật cục "tắt mở", thụt ra, thụt vào như nhiều quán bia cùng thời. Món bê tái chanh trong các quán của Xôm là điểm nhấn đáng kể từ khi mới khởi nghiệp. Bia không thực sự xuất sắc, nhưng chạy bàn chu đáo, giá cả phải chăng và những không gian đắc địa làm cho Xôm hút khách và giàu lên nhanh chóng.

Sớm chuyển động ồ ạt và quan hệ khéo, Xôm giành được nhiều địa điểm lý tưởng vừa để địa ốc vừa để bia hơi. Một tòa nhà nhiều tầng dát đá xẻ đường Giảng Võ, dáng dấp nhà hàng nhưng vẫn phục vụ bia hơi càng làm cho thương hiệu Xôm trở nên khác lạ. Duy chỉ có điều đã quen bia kiểu lê la nên nhiều người lên gác, xuống nhà, bàn ghế trịnh trọng cũng cảm thấy kém dân dã gần giống như phải vào bia Hoa Viên đắt lè lưỡi. Xôm cho mở một trung tâm bia khổng lồ tại phố Lê Trọng T. Thật là cao kiến. Nhiều khách là tướng tá, sĩ quan và thân nhân. Quân nhân giờ đã vượt xa giới xây dựng thầu khoán về khoản lê la hàng quán.

Tái thực sự là một nữ tướng của Hai Bà trong "khởi nghĩa bia hơi". Cho tới tận giờ nàng vẫn là đối trọng khác giới của Xôm. Chồng nàng tuy không là Lạc Tướng Giao Chỉ nhưng lại là "Lạc Tướng Chủ tịch" một quận, huyện quan trọng Hà thành. Nhiều người bảo vợ Lạc tướng mà làm ăn không phát thì mới gọi là lạ. Những người nói vậy thực có mắt nhưng mờ. Thiếu gì phu nhân còn oai hơn vợ Lạc tướng mà có cho bà con uống được thứ gì đâu ngoài việc đóng mở cửa hậu, thì thầm quà biếu phong bao.

Đúng là nhờ oai chồng, Tái giành được những vị trí đẹp như tiên ở nội thành ví như mấy tòa nhà ngã tư phố Tăng Bạt Hổ. Nhưng phải nói là tài thao lược và sự uyển chuyển trong ứng xử của Tái mới là đáng kể. Bia ổn định, chỗ ngồi sạch sẽ, giá cả hữu nghị, món ăn phong phú, khiến cho bia của Tái ngày càng đông khách. Nhiều người nhớ món dưa cải bẹ muối giòn của Tái. Người ta chỉ không rõ khi Lạc tướng, chồng nàng gác kiếm nghỉ hưu nay mai thì nàng có còn là nữ tướng không. Nghĩ cho cùng cũng chẳng sao vì ít nhất lúc đó nàng vẫn còn biết muối dưa.

Beo tuy ở tầm tứ trụ nhưng thực chất phải phong Beo là vua của thời cơ. Từ một quán sập sệ, xiêu vẹo trong một thời gian ngắn, do may mắn, quan hệ và tính toán giỏi Beo thuê và quản lý được những địa điểm trứ danh. Trung tâm bia hơi quốc gia nếu được bình chọn thì Quán Beo ở đường Xã Đ. mới mở phải nằm trong danh sách tranh cử. Một địa điểm mênh mông, khách bia nườm nượp, mùi bia, đồ ăn, thức nhắm hương khói ngào ngạt. Giống như 19C phố Ngọc H., Quán Beo không tới mức ngồi bụi vỉa hè vì có khuôn viên riêng biệt lại có mặt bằng đủ rộng để không phải leo cao ngã đau như nhiều quán bia chật chỗ khác. Anh bạn tôi còn đặc biệt ấn tượng với nhân viên của Beo, anh rơi ví với đủ loại giấy tờ tiền nong, nhưng người của Beo đã trả lại đầy đủ mà không om sòm nhiêu khê như ta thường gặp.

Hói xây dựng cơ nghiệp của mình không phải từ bia hơi mà từ cát sỏi. Vốn là nhà cung cấp vật liệu xây dựng nghiền bia, sau một thời gian kinh doanh vật liệu xây dựng và uống bia đều đều, Hói nhận ra một điều rất giản dị là người ta không thể nhét cát vào mồm hàng ngày nhưng bia hơi thì có. Việc xuất hiện muộn vừa là thiệt thòi vừa là ưu thế của Hói. Thiệt vì thị phần đã bị các đại ca giành chiếm, còn ưu thế là cùng số tiền đầu tư, Hói có nhiều hơn chọn lựa để kinh doanh hiệu quả.

Tại những quán của Hói luôn có những tấm biển cực lớn đập vỡ mắt dân chúng với khẩu hiệu quen thời thanh niên xung phong "Lý tưởng là sự cống hiến!". Không chỉ kêu gọi suông như nhiều tác giả của khẩu hiệu, Hói còn hành động. Ví như suốt nửa tháng 6 năm 2010 Hói khuyến mại giật mình với giá bia chỉ còn 2000đ/vại. Vào những ngày đó, khách đông vui đến mức có cậu thanh niên chuyên câu cá trộm cạnh nhà say khướt: "Bác ạ, đúng là 10 năm nay em mới đủ tiền uống say đến vậy". Con đường L. Giai nối dài đang hoàn tất, trung tâm Bia Hói Phố Thụy sẽ là vô đối: Hồ Tây lồng lộng, ôtô, xe máy đậu thả thong dong. Hói đúng là một "Trụ" đầy thách thức.

Đã là triều đình thì đương nhiên "Tứ trụ" đầy quyền uy nhưng cũng đầy cạnh tranh, mưu mô, gièm pha, chống đối. Cuộc sống bia hơi không chỉ nổi tăm lăn tăn, mát lạnh mà nó còn sôi sục sóng cồn. Những cao thủ bia xuất hiện rồi lặng lẽ mất tăm. Đã từng có những tên tuổi vang bóng một thời với các biển hiệu lẫy lừng như "Bia Q. Sửu" phố Phan Trinh, "Bò Tùng xờ" Trung tâm chiếu bóng Hà thành. Cũng có những ngôi sao đang lên như "Bia Tháo Thể" hẻm Gầm Cầu hay "Bia Vĩnh" phố Lý Nam Đế…

Anh hùng quần hội. Thời thế đổi thay. "Triều đình Bia" chỉ là một phần của cuộc sống bia hơi rất riêng Hà Nội.

Dân Hà Nội dễ lừa

Hóa ra, lừa dân Hà Nội là dễ nhất. Ít nhất thì cũng trong chuyện bia.

Khoảng mươi năm trước, vào thời khắc chuyển giao Thiên niên kỷ, dân Hà Nội đã ê chề bia cỏ. Người sành điệu ngóng những bia khá hơn ví như bia tươi, bia chai nhập khẩu. Có cung có cầu, nhất là lại cầu cho một thị trường mênh mông các tín đồ bia hơi như Hà Nội. Những tay cung cấp "bia ngoại" lập tức chọn sản xuất bia tươi ngoại rởm mà bỏ qua bia chai vì giá thành quá cao và dễ lố. 

Để lừa bán được bia "nhập khẩu" các nhà bia đã khai thác triệt để hai điểm yếu chết người của dân Hà Thành đó là tính tự phụ và tính sính ngoại. Một quán bia được bài trí "ngoại" ở phố Ngô Thì Nhậm rầm rộ bán bia tươi "nhập khẩu". Hầu như khách mới nào cũng được giới thiệu đủ loại giấy tờ xuất xứ nhập khẩu. Các bom bia ngoại chính Hãng Brezen Cộng hòa Séc lăn lóc, lổng chổng như đám lợn con. Thực ra thì "Bia Brezen" này có xuất xứ Nông Cống - Thanh Hóa, được vận chuyển và gửi vào kho lạnh sân bay Ngoại Bái và hằng ngày "khắc nhập, khắc xuất" tem mác đầy đủ trước mắt bàn dân thiên hạ.

Dù phải trả giá trên giời vào thời đó (50 nghìn đồng/cốc) nhưng những tay chơi Hà thành tự phong sành điệu nhất quả đất vẫn ngây ngất thưởng thức "Bia tươi Tiệp nhập khẩu" mặc cho những rì rầm bàn tán về lai lịch của bia. Thực ra, loại bia "nhập khẩu" này thuộc loại "Hai quốc tịch" và cũng không hoàn toàn rởm. Tuy làm ở Việt Nam nhưng lúa mạch, men, công nghệ xử lý nước đều dính đến Séc và được gọi chung một cái tên là "Bia Tiệp". Sau này khi người uống chấp nhận bia "chất lượng ngoại, giá nội" thì quán trên mới dẹp trò "Bia tươi nhập khẩu".

Tuy vậy, ngày nay trong các quán bia lớn đông người ở cả Hà Nội, Sài Gòn như Hoa Vờ, Lạc Vờ, Le Vờ v.v. người ta lại tạo ra không khí  "Nhà máy bia ngoại" ở ngay chính nhà hàng bằng hệ thống nấu bia bằng đồng, inoc sáng long lanh. Hệ thống được giới thiệu là "nguyên chiếc" từ Séc lại được tô điểm phụ họa bởi các em sinh viên Nga lộng lẫy yêu kiều. Thực ra hệ thống này được chính người trong cuộc tố là chỉ có hai nồi chính, hoành tráng là nhập còn lại thì cũng "cây nhà, lá vườn". Mục đích chính của "lò nấu bia" là tạo cảm giác bia "xịn" và trang trí rộn ràng bắt mắt.

Động cơ tôi viết bài này là vì cách đây mấy hôm, tình cờ gặp tay từng đạo diễn vụ "bia tươi ngoại nhập" trong lúc say sưa đã thổ lộ: "Hồi đó có mà điên mới nhập bia tươi bằng máy bay. Dù bán giá Ngọc Hoàng cũng không kéo lại. Bia tự chế thế mà các "gà" đến nộp mạng đông nghẹt thở. Sao hồi đó kiếm tiền dễ thế!". Tay này chắc không để ý một con "gà" đang ngồi cạnh hắn. "Gà" đã từng loạng quạng quán Ngô Thì Nhậm vài lần, nhưng do được may mắn uống bia Brezen dưới tầng hầm ở Praha, nên âm thầm biết mình "gà" nặng

Tản văn của Đỗ Huân
.
.
.