Những bức thư cuối cùng của tử tù và khát vọng gửi lại dương gian

Thứ Tư, 12/10/2011, 14:51
Trong thư gửi lại gia đình, tử tù N.V.H. đã viết kín hai mặt giấy với những dòng hối hận đến tận cùng: "Mẹ ơi con người ai cũng như nhau. Biệt ly chỉ là trước sau thôi mà; xin mẹ đừng buồn nhiều về con nữa mẹ nhé, tất cả là số phận rồi mẹ ạ, không tránh được đâu. Con đã chấp nhận từ lâu rồi mẹ ơi, con cảm ơn gia đình đã chăm sóc, chăm nuôi con từng ấy ngày con ở tù… Thôi mẹ ơi thời gian đã hết rồi con phải đi đây, mẹ ở lại đừng buồn nhiều mẹ nhé. Con thương mẹ nhiều lắm".

1. Đó là những bức thư được các tử tù viết vào lúc 5h sáng - giờ phút cuối cùng trước khi họ được đưa ra trường bắn. Vào những thời khắc cuối cùng được đón nhận ánh bình minh, những tử tù này mới cảm nhận được tột cùng giá trị của sự sống. Bởi vậy, trong tất cả những lá thư để lại cho người thân của họ đều có chung sự ân hận muộn màng trước khi về với đất.

Tôi đang cầm trên tay ba bức thư của những tử tù ở Trại tạm giam số 1 Hà Nội được thi hành án cách đây chưa lâu. Những bức thư viết vội trên những trang vở học sinh. Đó là những bức thư được viết bằng tất cả cảm xúc cuối cùng của một con người cận kề cái chết. Có những dòng chữ xô đẩy nhau, run rẩy và nhòe đi trong nước mắt. Giá như sự thức tỉnh lương tâm này đến với họ trước khi xuống tay gây tội ác, hẳn rằng sẽ chẳng có kết cục bi thảm ngày hôm nay.

Một trong những lá thư gần đây nhất là thư của tử tù N.V.H. trú tại Thạch Thất, Hà Nội. Chỉ vì đam mê cờ bạc, trò chơi điện tử mà đối tượng này đã gây ra hàng loạt vụ cướp xe ôm trên địa bàn. Trong đó có một vụ đối tượng đã giết chết người lái xe ôm để cướp đi chiếc xe máy, sau đó cắm quán  được 9 triệu đồng đem nướng gần hết vào chiếu bạc.

Trong thư gửi lại gia đình, tử tù này đã viết kín hai mặt giấy với những dòng hối hận đến tận cùng: "Mẹ ơi con người ai cũng như nhau. Biệt ly chỉ là trước sau thôi mà; xin mẹ đừng buồn nhiều về con nữa mẹ nhé, tất cả là số phận rồi mẹ ạ, không tránh được đâu. Con đã chấp nhận từ lâu rồi mẹ ơi, con cảm ơn gia đình đã chăm sóc, chăm nuôi con từng ấy ngày con ở tù… Thôi mẹ ơi thời gian đã hết rồi con phải đi đây, mẹ ở lại đừng buồn nhiều mẹ nhé. Con thương mẹ nhiều lắm".

Trong những lời cuối cùng gửi lại gia đình, H cũng không quên nhờ người thân chăm sóc giúp mẹ: "Anh chị ơi, em không còn sống nữa thôi thì anh chị ở lại sống vui vẻ... Em nhờ anh chị chăm sóc mẹ cho em với, em bất hiếu không báo hiếu được cho mẹ ngày nào mà đã gây ra tội lỗi giờ phải đền mạng cho người ta, mẹ đã khổ nhiều về em rồi, anh chị cố gắng giúp em chăm sóc mẹ anh chị nhé…".

Sự ân hận, ăn năn hối lỗi và những tình cảm, sự lo lắng dành cho mẹ và những người thân yêu trong gia đình luôn là cảm xúc thường thấy ở những tử tù vào giờ phút cuối cùng được sống. Đó cũng là lẽ thường tình. Tử tù N.Đ.T., quê ở Thanh Oai, Hà Nội can tội giết người cướp tài sản đã viết: "Con làm nên tội, tội con phải chịu, bố mẹ không phải buồn làm gì. Bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe không phải nghĩ ngợi nhiều ốm thì khổ… con đi rồi thì nhớ là đưa con về nằm cùng với bà, đừng để con ở ngoài này".

Bức thư của tử tù N.T.Đ. - đối tượng vì nghiện ma túy mà đã đang tâm tước đoạt mạng sống của người khác để cướp tài sản. Thư của tử tù này được viết khá dài trong những nỗi niềm chồng chất: "Mẹ và gia đình kính nhớ! Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình mãi mãi rồi. Con nhớ mẹ, thương mẹ và các cháu cùng em P nhiều lắm. Con ngàn lần xin gia đình tha lỗi cho con. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe để nuôi dạy các cháu cho con, đừng để các cháu phải khổ mẹ nhé. Sau khi con đi rồi, mẹ xin xác con về cho con ở gần bố mẹ nhé. P em! Anh thương nhớ em nhiều lắm, hãy tha thứ cho anh, thay anh phụng dưỡng mẹ và nuôi dưỡng 2 cháu cho anh em nhé. Ngày cưới của em anh không có mặt được, tha lỗi cho anh em nhé…".

Tử tù N.T.Đ. là đối tượng nghiện ma túy, vợ đã bỏ đi 10 năm trước. Anh ta sống cùng 2 cô con gái. Chỉ vì lòng tham, N.T.Đ. đã xuống tay giết chết bà lão bán ma túy để cướp đi một nhẫn vàng. Trong lá thư gửi lại, N.T.Đ. cũng không quên dành những lời dặn dò chan chứa tình cảm cho 2 đứa con nhỏ dại: "2 con thương! Bố ân hận khi không không giúp gì các con trong quãng đường còn lại của các con lắm, các con tha thứ cho bố nhé, bố thương 2 con nhiều, 2 con nhớ phải nghe lời bà, các bác, các chú nhé, ở cõi khác bố sẽ luôn phù hộ cho 2 con. Hai con phải thương yêu đùm bọc nhau nhé"…

2. Thượng tá Vũ Xuân Hồng - Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 Hà Nội, một trong số những người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với đơn vị này cũng là người đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần thi hành án tử hình nhớ lại: Mỗi một vụ thi hành án tử hình có những cảm xúc khác nhau. Hầu hết những tử tù vào giờ phút cuối cùng đều thể hiện cảm giác ăn năn hối hận và muốn được làm lại từ đầu.

Thượng tá Hồng cho biết: Tất cả các vụ tử hình từ trước đến nay đều được tiến hành từ sáng sớm. Lý do đơn giản là để tránh tình trạng ùn tắc đường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho quá trình thi hành án. Thời gian trước khi Trại tạm giam số 1 Hà Nội còn đóng ở phố Hỏa Lò mỗi lần thi hành án tử hình tử tù được đưa xuống trường bắn Yên Sở. Từ nội thành xuống Yên Sở phải qua nhiều nút giao thông nên anh em thường đi rất sớm.

Sau khi chuyển về Xuân Phương thì việc thi hành án tử hình cũng theo nếp đó thực hiện. Bắt đầu từ 5h đến 5h30’, Hội đồng thi hành án sẽ vào làm việc. Những tử tù đến lượt chịu án sẽ được đánh thức dậy trước đó. Tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ. Khá nhiều đối tượng khi biết mình phải chịu án tỏ ra hoảng loạn, thậm chí cán bộ phải xốc nách dìu đi. Mỗi tử tù sẽ được ăn bữa cuối cùng gồm xôi gà, bánh mỳ hoặc một bát phở và viết thư gửi lại cho gia đình. Theo quy định của trại thì sau khi thi hành án 3 ngày, Trại mới thông báo về cho gia đình tử tù được biết.

Mỗi tử tù sau khi trở về buồng giam từ án phúc thẩm đều sống trong tâm trạng chờ đợi lo lắng đến lượt thi hành án. Tử tù thường tập cho mình thói quen ngủ ngày, còn đêm xuống họ chong mắt nằm trong im lặng và thót tim bởi tiếng cửa lách cách lúc 3h sáng. Dù nằm trong buồng biệt giam nhưng nhiều tử tù vẫn rèn luyện cho mình được thói quen biết được từng bước chân của quản giáo đang dừng lại buồng nào. Chỉ khi nào nghe tiếng bước chân lướt qua phòng mình và tiếng khóa cửa lách cách ở buồng bên cạnh, những tử tù này mới thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng mình sẽ lại được sống thêm một ngày nữa.

Thượng tá Hồng tâm sự: Trong quá trình giáo dục phạm nhân, kể cả những phạm nhân đã mang án tử hình, các anh luôn lấy những câu chuyện cảm động, những trường hợp phạm nhân điển hình để giúp cho các phạm nhân hiểu hơn giá trị của sự sống. Và dường như khi đã cận kề cái chết thì hầu như phạm nhân nào cũng quý trọng sự sống.

Nhiều năm ở Trại, anh Hồng nhận thấy đa số các trường hợp phạm tội đều do học hành không đến nơi đến chốn và hậu quả của những quan hệ gia đình không lành mạnh như bố mẹ ly hôn, ly thân… Cũng có những trường hợp gia đình khá giả và do ăn chơi đua đòi, thiếu giáo dục dẫn đến phạm tội. Điều đáng báo động là độ tuổi của các đối tượng tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ.

Thống kê của đơn vị này theo từng năm cho thấy độ tuổi của các đối tượng phạm tội phải vào tù ngày càng trẻ hóa. Tình trạng các loại tội phạm về ma túy cũng tăng lên nhanh chóng. Điều đặc biệt đáng báo động là thời gian gần đây các đối tượng tội phạm ngày càng manh động, côn đồ hơn, thậm chí sẵn sàng tấn công cả những người thi hành công vụ.

Có rất nhiều bức thư của các tử tù được lưu giữ ở Trại tạm giam số 1 Công an TP Hà Nội. Những bức thư được viết lúc 5h sáng. Mỗi bức thư là một cung bậc cảm xúc của những người trước khi trả án về với đất. Đó không chỉ là những lời nhắn gửi, tâm sự cuối cùng của họ với gia đình và người thân. Những bức thư đó còn là thông điệp gửi đến những ai đang nuôi ý định có hành vi vi phạm pháp luật biết thức tỉnh trước khi quá muộn

Đức Thọ - số 53
.
.
.