Những lệnh truy nã gây chấn động của Interpol

Thứ Tư, 02/11/2011, 15:48
Mặc dù luật sư Nick Kaufman của ông Saadi Gaddafi, một trong những con trai của Tổng thống bị lật đổ Libya Gaddafi lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng và đe dọa vũ trang theo lệnh truy nã của Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol), nhưng số phận của cựu cầu thủ bóng đá quốc tế này cũng không khả quan hơn cha và anh trai Saif al-Islam, người từng có biệt danh "thái tử" Libya.

Từ cha con cựu Tổng thống Libya

Trong bức thư gửi tới hãng thông tấn AP hôm 2/10, luật sư Nick Kaufman nhấn mạnh, ông Saadi Gaddafi lấy làm tiếc trước lệnh truy nã của Interpol và kịch liệt phủ nhận những cáo buộc chống lại anh ta bởi đây là một quyết định mang tính chính trị.

Cũng trong bức thư gửi AP, ông Saadi Gaddafi khẳng định đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nền bóng đá Libya và tự hào vì nước này từng được chọn để đăng cai Giải vô địch các quốc gia châu Phi năm 2013. Tuy là doanh nhân, từng đầu tư lớn vào rất nhiều bộ phim Hollywood và là cựu cầu thủ bóng đá quốc tế, nhưng với tư cách là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, bị cáo buộc ra lệnh cho lính xả súng vào những người biểu tình không vũ trang ở Benghazi nên ông Saadi Gaddafi đã bị Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) gửi thông báo tới Interpol, yêu cầu ra lệnh truy nã.

Ngày 29/9, Interpol đã phát lệnh bắt giữ ông Saadi Gaddafi với các tội danh phạm phải trong thời gian lãnh đạo liên đoàn bóng đá Libya. Theo cáo buộc của NTC gửi Interpol, ông Saadi Gaddafi đã biển thủ tài sản bằng vũ lực và đe dọa vũ trang khi lãnh đạo liên đoàn bóng đá Libya.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Niger cho phép NTC thẩm vấn ông Saadi Gaddafi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Niger Maru Amadou vẫn khẳng định, việc thẩm vấn chỉ diễn ra ở Niger và nước này không dẫn độ con trai cựu Tổng thống Gaddafi về Libya.

Trước đó (18/9), Ngoại trưởng Niger Marou Amadou đã loại trừ khả năng bắt, dẫn độ ông Saadi Gaddafi "về nơi không có một phiên tòa xét xử công bằng và bị tử hình". Được biết, ông Saadi Gaddafi đã xin cư trú chính trị và đơn này đang được cấp có thẩm quyền của Niger xem xét. Ngoài Saadi Gaddafi, cha và anh trai Saif al-Islam cũng đang bị Toà án Hình sự Quốc tế The Hague phát lệnh truy nã vì tội ác chống lại loài người.

Truy nã "con ông cháu cha"

Hơn 1,5 năm trước (5/4/2010), Interpol đã quyết định mở rộng cuộc truy lùng đối với con gái cả của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein bởi bà Raghad Hussein bị chính quyền Iraq truy nã về tội khủng bố. Trước đó (18/8/2007), Interpol đã cho đăng hình bà Raghad Hussein (Raghad Saddam Hussein al-Majid) lên trang web của tổ chức này bởi chính quyền Iraq cáo buộc người này về tội kích động bạo lực và hỗ trợ tài chính cho một mạng lưới khủng bố có liên quan đến hàng loạt vụ tấn công nhắm vào lực lượng liên quân ở Iraq.

Bà Raghad Hussein và ông Saadi Gaddafi.

Được biết, bà Sajida Khairalla Tulfa, mẹ đẻ của Raghad Hussein từng bị cảnh sát Iraq liệt vào danh sách những người Iraq ở nước ngoài bị truy nã gắt gao nhất vì bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng chống đối ở trong nước. Hãng tin CNN cho biết, bà Raghad Hussein sống ở Jordan dưới sự bảo hộ của Hoàng gia nước này. Có người cho rằng, Raghad Hussein nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Sunni tại Jordan, hơn nữa Quốc vương Jordan Abdullah II từng cho phép bà và em gái Rana Hussein tị nạn khi họ chạy từ Syria sang (từ giữa năm 2003).

Hơn nữa, không ai rõ hành tung của Raghad Hussein bởi bà rất ít khi xuất hiện trước công chúng cho dù có người nói rằng: Raghad Hussein sống rất vương giả, đi đâu cũng có vệ sỹ tháp tùng sau khi đồng ý lên xe hoa với thương gia người Jordan Mohammed. Trước đó, Interpol cũng ra lệnh truy nã đối với cháu của ông Saddam Hussein là Ayman Sabawi, người đào tẩu khỏi nhà tù gần Mosul, Iraq. Ayman Sabawi phải ngồi tù vì tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, sản xuất thiết bị kích nổ trong các cuộc tấn công khủng bố.

Gần 1,5 năm trước (6/5/2010), Interpol cũng phát lệnh truy nã đối với ông Maksim Bakiyev, con trai Tổng thống bị lật đổ Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev, với cáo buộc gian lận. Interpol phát lệnh truy nã sau khi nhận được yêu cầu của tòa án ở thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan cáo buộc ông Maksim Bakiyev gian lận đối với các hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho căn cứ Manas mà Mỹ thuê của nước này.

Tuy không thuộc diện "con ông cháu cha" nhưng ông chủ WikiLeaks cũng bị Interpol phát lệnh cảnh báo đỏ. Ông Julian Assange bị sờ gáy sau khi cho công bố hàng trăm ngàn tài liệu mật của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và nhiều tài liệu ngoại giao nhạy cảm khác. Mặc dù lệnh cảnh báo đỏ của Interpol không dẫn đến một lệnh bắt giữ, nhưng điều này cũng khiến ông Julian Assange "khó ở" cho dù kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc đưa ra.

Đến những cảnh báo mang tầm quốc tế

Hơn 4 tháng trước (7/6/2011), Tổng thư ký Interpol, ông Ronald Noble đã kêu gọi các hãng hàng không thế giới cần nhanh chóng lập ngân hàng hộ chiếu quốc tế để ngăn chặn những hành động khủng bố tương tự như vụ tấn công nước Mỹ 11/9/2001. Theo ông Ronald Noble, việc chia sẻ ngân hàng hộ chiếu sẽ cho phép cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện những hộ chiếu giả, bị thất lạc hay bị đánh cắp và Interpol coi đây là nguy cơ số 1 đối với an ninh thế giới. Tổng thư ký Interpol cho rằng, bọn tội phạm có thể nhanh chóng và dễ dàng tẩu thoát từ nước này sang nước khác bằng hộ chiếu giả.

Khuyến cáo của Interpol được đưa ra trong bối cảnh hộ chiếu giả đang là mối lo ngại ở nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Gần 1 năm trước (tháng 11/2010), Interpol đã phát lệnh báo động nhằm giúp lực lượng tại các nước thành viên phát hiện những quả bom ngụy tạo mà Al-Qaeda gửi từ Yemen qua đường bưu kiện hàng không.

Trước đó (1/12/2009), tại hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về chống hàng giả do Interpol tổ chức ở thành phố Cancun, Mexico, hơn 800 đại biểu đến từ 80 quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả nhất trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Tổng thư ký Ronald Noble khi đó đã nhấn mạnh, tệ nạn hàng giả, hàng nhái đã gây ảnh hưởng nặng đến tình trạng việc làm, đẩy chi phí y tế và chi phí thực thi luật pháp tăng cao, gây thất thoát thuế của các quốc gia và làm giảm đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái xuyên quốc gia đã thu được 200 tỉ USD/năm.

Hai năm trước (trung tuần tháng 10/2009), Interpol bắt đầu cấp hộ chiếu đặc biệt (hộ chiếu điện tử) cho các điều tra viên cao cấp nhằm cho phép họ nhập cảnh bất cứ quốc gia thành viên nào của tổ chức với 188 quốc gia mà không cần xin thị thực. Khi đó, Tổng thư ký Ronald Noble cho biết, Pakistan và Ukraine là 2 nước đầu tiên chấp nhận những hộ chiếu mới này và tin rằng, các nước còn lại cũng sẽ đồng ý với loại hộ chiếu kể trên. Theo ông Ronald Noble, khoảng 1.000 điều tra viên gồm lãnh đạo các văn phòng Interpol trên thế giới và các nhân viên của họ sẽ được cấp các hộ chiếu này, tương tự như hộ chiếu của nhân viên ngoại giao và nhân viên Liên hợp quốc.

Tổng thư ký Interpol nhấn mạnh, mục đích của hoạt động này là nhằm đảm bảo cho các điều tra viên Interpol có thể tiếp cận khu vực bị khủng bố tấn công hay bị thiên tai hoành hành mà không bị chậm trễ bởi các thủ tục thị thực rườm rà.

Tháng 7/2007, các chuyên gia về ADN của Interpol và nhóm G8 đã thành công trong việc thử nghiệm mạng thông tin điện tử giúp các quốc gia có thể trao đổi trực tiếp về ADN từ các phòng nghiên cứu pháp y của G8. Thành công này giúp cho các thành viên của Interpol thuận lợi hơn trong công tác điều tra, khám phá tội phạm. Khi đó đã có 42 quốc gia thành viên Interpol thiết lập trung tâm dữ liệu ADN quốc gia. Trước đó (trung tuần tháng 9/2005), tại khóa họp lần thứ 74 của Interpol tổ chức ở Berlin đã thông qua quyết định lập ngân hàng nhân thân phát hiện khủng bố.

Theo đó, bất ai xuất nhập cảnh qua biên giới các nước như Nga, Tây Ban Nha, Mỹ... đều tự động được lưu vào hồ sơ đặc biệt của Interpol. Khi đó, ông Timur Lakhonin, Giám đốc Interpol quốc gia Nga cho biết, ngân hàng hồ sơ nhân thân không có gì đáng lo bởi tấm thẻ từ cấp cho mọi người qua lại biên giới chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là chống khủng bố.

Interpol Nga cho biết, nhờ chương trình này họ đã phát hiện 75 nghi can khủng bố. Tại trụ sở Interpol ở thành phố Lyon, Pháp người ta đã thành lập nhóm "11 tháng 9" để điều phối thông tin về các tổ chức khủng bố. Ngoài ra, Interpol còn soạn thảo chương trình phân tích nhằm phát hiện những phần tử khủng bố.

Interpol được thành lập ngày 7/9/1923 tại Viên, thủ đô của nước Áo, nhưng lại đặt văn phòng thường trực ở Saint Cloud, Paris, Pháp và từ ngày 1/5/1989, Interpol dọn về Trung tâm Quốc tế Lyon. Interpol hoạt động độc lập theo tôn chỉ tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên. Tạp chí "Cảnh sát hình sự quốc tế" xuất bản hàng tháng bằng 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Arab và cho đến nay Interpol vẫn sử dụng 4 ngôn ngữ chính kể trên trong các giao dịch, cũng như thông báo tới những quốc gia thành viên.

Lê Quỳnh Trang - Lê Tuấn Cường (tổng hợp) – CSTC tuần số 80
.
.
.