Những mỹ nhân không son phấn

Thứ Hai, 14/03/2011, 09:35
Sài Gòn hơn 300 năm tuổi. Và Sài Gòn có biết bao nhiêu nhan sắc hội tụ. Từ thuở lập đất, Sài Gòn trên bến dưới thuyền, phố phường trù phú, người Sài Gòn phóng khoáng, đôn hậu, nhan sắc Sài Gòn cũng rộn ràng. Nhan sắc đàn bà có lẽ là niềm cảm hứng bất tận của trần thế. Có lẽ vì thế mà dường như, ở đâu và thời nào, trong khốn cùng cũng như lúc bình an, giữa loạn lạc hay thái hòa, người ta vẫn nhận diện được những mỹ nhân sắc nước.

Có biết bao nhan sắc đã đi vào huyền thoại. Nhưng, như các cụ thường nói, ở đâu có nhan sắc, ắt ở đó sinh họa. Có thể người đẹp là nạn nhân, nhưng cũng không hiếm khi là nguyên nhân. Bắt đầu từ số báo này, chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc những câu chuyện về nhan sắc tại Sài Gòn trong thế kỷ XX, gắn liền với những huyền thoại, giai thoại được nhiều người truyền tụng.

Năm 1927, ở Nha Trang có một hotel mà các bậc vương tôn công tử trên toàn cõi An Nam đều biết tới. Đó là khách sạn Terminus. Mọi tiện nghi và cơ sở vật chất đều đạt yêu cầu của thời ấy. Duy chỉ có một thứ mà những địa phương khác muốn có cũng không tài nào sở hữu. Đó chính là cô con gái rượu của ông chủ khách sạn có cái tên hơi lạ: Kỳ Nam! Cô chính là sức thu hút không thể cưỡng nổi đối với toàn bộ khách hào hoa lui tới.

Năm 1934, một vị hoàng tử đang theo học Cao đẳng Công chánh ở Hà Nội nổi hứng đi nghỉ mát ở vùng cát trắng. Ngay từ ngày đầu tiên, chàng đã bị hớp hồn bởi nhan sắc của Kỳ Nam. Kết cục là một đám cưới Lào-Việt mà sự hoành tráng có lẽ chỉ kém đôi chút so với đám cưới vương giả của hoàng đế An Nam Bảo Đại. Kỳ Nam trở thành phu nhân của vị hoàng tử mà tên tuổi đã gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Lào với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (Pathet Lào): hoàng thân Suphanouvong!

Nhan sắc của mỹ nhân An Nam theo từng thời gian và quan điểm thẩm mỹ của người đương thời thay đổi dần… Từ câu chuyện của Kỳ Nam, chúng tôi muốn cùng bạn đọc đi tìm lại những giai nhân một thời trên đất Sài Gòn xưa, những "hoa hậu không vương miện", như một cách lùi xa thời gian và nhớ về những hoài niệm đẹp.

Mỹ nhân đầu thế kỷ

Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập ở đường Quai de Cambodge (gần chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM) và nhanh chóng được đón nhận với một sản phẩm trở thành thương hiệu kéo dài cả 5-6 chục năm: Xà bông Cô Ba. Người phụ nữ đẹp được dùng làm nhãn hiệu cho sản phẩm là một phụ nữ miền Nam. Có người bảo, cô ta vốn là phu nhân của chính ông Trương Văn Bền.

Thực ra, cô là con gái thầy Thông chánh tỉnh Trà Vinh, đã từng là đề tài của khá nhiều hò-vè xuất hiện ở Nam Kỳ Lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ XIX. Nhan sắc của cô đẹp đến nỗi được sử dụng hình ảnh để in tem! Nhưng sau đó cô lấy chồng và sống một cuộc sống giản dị khiêm tốn đến tận cuối đời, khác xa những người đẹp đăng quang và nhiều tai tiếng của những thế hệ về sau. Cô Ba đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Người đẹp Người Việt tổ chức năm 1865, sau cuộc thi cho Pháp Kiều năm 1864.

Cô Ba Xà bông.

Người đẹp được xem là kiểu mẫu nhan sắc của miền Nam thì lại là là một phụ nữ có nguồn gốc xuất thân thế gia vọng tộc: Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan. Là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt tức Huyện Sỹ, người đứng đầu trong tứ đại danh gia: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định, cô được dân miền Nam gọi là "đẻ bọc điều". Năm 1932, sau khi tốt nghiệp tú tài ở Pháp về nước, cô tình cờ quen biết với Vĩnh Thụy. Khi Vĩnh Thụy đăng cơ trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, cô trở thành Nam Phương Hoàng Hậu vào ngày 20/3/1934, và cũng trở thành biểu tượng nhan sắc của cả nước.

Thứ đến, ở Sài Gòn xuất hiện một mỹ nữ nức tiếng toàn cõi Nam kỳ: Cô Ba Trà (Yvette Trà). Cô sinh năm 1906, được mệnh anh là "Étoile de Saigon" (ngôi sao Sài Gòn). Với nhan sắc hiếm có của mình, cô lần lượt, thậm chí "đốn ngã" hàng loạt những tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài gòn như lưỡng vị Hắc-Bạch công tử, công tử Bích (người dám một lúc tặng cho cô 70.000 đồng trong lúc vàng 60 đồng/lượng).

Thậm chí những tay trí thức, máu mặt chốn quan trường thời Pháp thuộc cũng đổ gục vì cô: quan tòa Trần Văn Tỷ, trạng sư Dương Văn Giáo, bác sĩ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, chủ sòng bạc Paul Ngọ tức Sáu Ngọ… Ngay cụ Vương Hồng Sển cũng đem lòng yêu thầm và kể lại rất rõ về cuộc đời cô Ba Trà trong quyển "Sài Gòn tả pí lù". Những ai được quen biết hay cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp, đủ để hiểu ngoài việc xinh đẹp cô còn là một thương hiệu hiếm có, có lẽ do thông minh và hiểu tâm lý đàn ông!

Một đàn em nối gót theo cô Ba Trà do chính cô đào tạo, nuôi dưỡng cho đến khi thành đối thủ cạnh tranh là Marianne Nhị hay còn gọi là Tư Nhị. Vốn cha Khmer - mẹ Việt nên cô Tư Nhị có nhan sắc đậm đà và hoang dã hơn cô Ba Trà. Từ Phnompênh về Sài Gòn, Tư Nhị trú tại nhà chị Ba Phò ở khu vực chợ Thái Bình (quận 1, TP HCM bây giờ).Từ ngày được cô Ba Trà dìu dắt, Tư Nhị lao vào cuộc chơi với giới thượng lưu Sài Gòn và nhanh chóng trở thành tình nhân của Fanchini, một trùm giang hồ gốc đảo Corse chuyên buôn thuốc phiện toàn cõi Đông Dương và tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ).

Với bản tính man dại và chủ trương cạnh tranh với bà chị đỡ đầu Ba Trà, Tư Nhị lao vào các cuộc chơi như một con thiêu thân. Người tình của Tư Nhị thay xoành xoạch và thú hút thuốc phiện đã nhanh chóng đẩy Tư Nhị vào bi kịch. Chỉ sau vài năm, trong lúc cô Ba Trà vẫn còn là một bông hoa đầy hương sắc, Tư Nhị biến mất. Sau nhiều năm, chính cụ Vương Hồng Sển đã bất ngờ gặp lại Tư Nhị trong bộ dạng một bà hành khất!

Cùng thời của Ba Trà có một mỹ nhân khác, êm đềm và kín đáo hơn mặc dù nhan sắc có thể xem là số một thời ấy. Đó là bà Nguyễn Thị Huệ, tức Marie Huệ. Xuất thân từ vùng đất Lạc Quần-Bùi Chu, cô Huệ vào Sài Gòn từ những năm 30. Cô hùn vốn với một người Pháp để mở một nơi tụ tập các sĩ quan, viên chức là Pháp kiều sống tại Sài Gòn có tên Đông Pháp Lữ Quán. Sở dĩ người Việt ít biết đến cô Huệ chỉ vì cô chủ trương không qua lại với người bản xứ dẫu đó có là ai, giàu có đến đâu đi nữa. Cô Marie Huệ mất sớm vì bệnh ung thư buồng trứng khi đương độ xuân sắc khiến giới ăn chơi Sài Gòn không khỏi bất ngờ!

Sau thời Ba Trà, Tư Nhị, Marie Huệ… có thể nhắc đến một người, chúng ta có thể xem là hoa hậu sớm nhất của miền Nam, dù đoạt giải trong một cuộc thi không mang tên là cuộc thi hoa hậu mà lấy tên Concours Elegant Saigon (thi tuyển người lịch sự Sài gòn) vào năm 1937. Đó là cô Nguyễn Thị Liễu, sinh năm 1912, quê ở Hóc Môn. Cô lấy chồng năm 17 tuổi nhưng chỉ được 6 tháng thì chồng cô vắn số qua đời. Tình cờ gặp chủ tiệm may Phúc Thịnh, người đỡ đầu cho cuộc thi về trang phục, ông khuyến khích cô Liễu đi thi.

Tại vườn Tao Đàn, với sự chủ tọa của trạng sư Kim và bác sĩ Lê Quang Trinh, 19 cô gái lần lượt khoe nhan sắc. Chưa đầy nửa giờ, tất cả đều chỉ vào cô Liễu mà hoan hô. Cô Liễu trở thành hoa hậu đầu tiên trong một cuộc thi nhan sắc của người Việt (cũng đầu tiên) trên toàn cõi thuộc địa Nam Kỳ! Sau cuộc thi, con gái ông Lê Trương Biểu mời cô Liễu đi dự thi ở Paris, nhưng cô không dám đi xa nên từ chối. Nếu không, cũng chưa biết chừng Việt Nam có danh hiệu hoa hậu quốc tế đầu tiên từ thập niên 30-40 thế kỷ XX…

Nhưng nếu là người đẹp đã từng dự tranh với quốc tế thì đó lại là cô Vũ Thị Thu Minh. Năm 1957, Ngô Đình Diệm tổ chức một cuộc thi hoa hậu với sự tham gia của nhiều nước như Ấn Độ, Hồng Kông, Campuchia, Lào… và 48 người đẹp Việt Nam. Kết quả hoa hậu Việt Nam là cô Vũ Thị Thu Minh và hoa hậu quốc tế là cô Nan, quốc tịch Campuchia. Rất tiếc, tư liệu và hình ảnh của cô Minh, hoa hậu Việt Nam đầu tiên một cách chính thức có quá ít nên chúng ta không thể tìm được gì thêm.

Thẩm Thúy Hằng.

Thẩm Thúy Hằng, một hoa hậu không chính thức nhưng toàn bộ người miền Nam không ai không gọi bà với danh xưng "Người đẹp Bình Dương". Bà tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941, nguyên quán ở Hải Phòng. Theo gia đình và lớn lên ở An Giang đến năm 16 tuổi, bà vượt qua 2.000 thí sinh trong một cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh do Hãng phim Mỹ Vân tổ chức.

Nghệ danh Thẩm Thúy Hằng cũng là do chủ hãng phim Mỹ Vân đặt cho. Năm 1958, với vai Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương, bà được khán giả ái mộ gọi theo tựa phim và gần như trở thành biệt danh. Suốt thời trước năm 1975, có thể nói bà được xem là mẫu của nhan sắc miền Nam và cũng hiếm có phụ nữ xinh đẹp nào đóng phim nhiều hơn bà, đóng một cách xuất sắc hơn là "một bình hoa biết đi" như hiện nay chúng ta thường phải thốt lên khi xem phim!

Năm 1972 - 1973, một phim do Liên Ảnh công ty thực hiện với vai chính là Hùng Cường-Phương Uyên, đã giới thiệu với khán giả Sài Gòn một mỹ nhân xuất sắc: Phương Uyên. Là một vũ công sexy sau thời nữ hoàng sexy Thu Thủy, nhưng cô nhanh chóng trở thành người đẹp nhất Sài gòn lúc bấy giờ. Thời đó chưa có photoshop và các phương tiện hiện đại để nâng cấp nhan sắc, nhưng tất cả khán giả miền Nam khi nhìn thấy Phương Uyên đều phải trầm trồ theo kiểu "tượng đá cũng đổ mồ hôi".

Có thể nói vào thời điểm đó, cô vượt xa những Kim Vui, Kiều Trinh và cả Thẩm Thúy Hằng về nhan sắc và sự nổi tiếng. Sau giải phóng, bà về sống với con gái và có một cuộc sống khá êm đềm không tai tiếng

Song Minh - CSTC tuần số 48
.
.
.