Những người gắn đời mình với tàu thống nhất Bắc – Nam

Thứ Ba, 30/08/2011, 16:12
Gắn bó với nghề lái tàu mấy chục năm nay nên giờ đây những người như anh Ngôn cảm thấy yêu con tàu và yêu đường sắt hơn chính bản thân mình, dù cuộc sống có khó khăn vất vả. Điều mong muốn nhất của những lái tàu như anh là không để xảy ra tai nạn.

1. 15h45’ chiều 9/7, lái tàu SE5 Trần Văn Ngôn kéo ba hồi còi dài tạm biệt sân ga Hà Nội. Từng nhiều lần làm hành khách trên những chuyến tàu khách Bắc - Nam nhưng mỗi lần nghe những hồi còi tàu kéo dài lưu luyến rời ga, những hành khách như tôi vẫn có cảm giác thật xao xuyến.

Tổ lái tàu hôm nay ngoài lái chính là Trần Văn Ngôn còn có lái phụ là Cao Ngọc Hiền năm nay mới 25 tuổi. Trên toa đầu máy, bên cạnh vô số những công tắc, nút điều khiển điện tử, là một ấm chè đặc luôn được châm đầy nước.  Đối với những người lái tàu thì đoạn đường sắt đi qua địa phận Hà Nội với họ là vất vả nhất - tập trung căng thẳng quan sát phía trước, tay liên tục nhấn còi, lái chính Trần Văn Ngôn bắt chuyện với tôi như phân bua.

Phải được ngồi trên đầu máy, mới thấy hết được đầy đủ sự căng thẳng của nghề lái tàu. Dù mới chỉ chạy với tốc độ 30km/h nhưng 15 toa xe với trọng tải hơn 580 tấn vẫn ầm ầm lao về phía trước. Đoạn đường sắt qua địa phận Hà Nội nổi tiếng là lắm đường ngang với nhà cửa, hàng quán nhô ra sát sạt với đường tàu.

Tàu chạy đến đâu, phía trước bà con mới chịu thu dọn đồ đạc, hàng quán đến đó. Tùy theo từng cung đường, đoạn nào được chạy bao nhiêu km/h đều đã được quy định rất rõ. Chỉ vào chiếc hộp đen trước mặt, anh Ngôn cho biết: chỉ cần chạy nhanh quá một vài kilomet khi về xí nghiệp mở hộp đen kiểm tra ra phát hiện được là bị phạt rất nặng.  Đang vào giờ cao điểm buổi chiều nên mặc dù ấn còi liên tục nhưng tại nhiều đường ngang người và phương tiện vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại.

Sắp vào ga Thường Tín, bỗng phía trước mặt xuất hiện hai đứa trẻ con khoảng 7-8 tuổi đuổi nhau nhao ra sát đường ray, anh Ngôn vội giật phanh hãm và nhấn còi liên tục. Ngồi trên đầu máy với tốc độ vun vút không ít lần tôi phải thót tim và nín thở trước những pha tưởng chừng như xảy ra tai nạn đến nơi.

Chưa hết khi đến đoạn vào gần ga Đỗ Xá, mặc dù đã có tín hiệu đường ngang nhưng một xe ba gác chở gạch vẫn rướn dốc vượt qua khi cách tàu chỉ vài chục mét. "Hôm trước khi đến gần ga Phủ Lý, gặp một xe tải chở đầy đất mắc kẹt, kéo phanh hết cỡ vẫn không kịp, may gần đến nơi thì nó rướn qua được". Riêng mác tàu SE5 này, có những đoạn đường  được chạy tốc độ 70-80 km/h. Với tốc độ đó khi phát hiện chướng ngại vật phía trước dù có hãm phanh khẩn cấp cũng phải mất tới 500 - 600 mét mới dừng tàu lại được.

Tôi hơi ớn lạnh khi nghe anh Ngôn kể cũng chính chiếc đầu máy này, hôm đó do lái tàu khác điều khiển đã đâm vào chiếc xe khách chở người đi ăn hỏi làm 9 người trên xe thiệt mạng tại địa phận huyện Thường Tín - Hà Nội hôm 30/3/2011.

Chiều dần buông, phía trước đường ray mờ dần trong ánh nhập nhoạng. Trong tiếng rít ầm ầm của bánh sắt, lái tàu Trần Văn Ngôn kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm trong suốt đời lái tàu. Đời lái tàu vất lắm chú ạ. Cứ nghe lái tàu là oách. Thế nhưng cuộc sống khó khăn lắm. Vào ngành từ năm 1984, lái tàu từ hồi còn sử dụng đầu máy hơi nước, tính đến nay anh cũng đã gần 30 năm trong nghề. Nhiều năm ngồi sau vô lăng, thuộc nằm lòng từng đoạn đường, nói không ngoa bây giờ nếu nhắm mắt anh cũng biết được tàu đang đi qua đâu.

Mỗi tháng chạy khoảng 4 chuyến cả vào lẫn ra. Suốt ngày rong ruổi trên đường nhưng thu nhập hiện cũng chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Lái chính đã thấp, lái phụ còn thấp hơn. Hỏi chuyện lái phụ Cao Ngọc Hiền, Hiền cười gãi đầu cho biết: "bọn em chạy ăn theo chuyến, mỗi chuyến đi được tính 200 ngàn đồng, tháng đi 7 chuyến được 1,5 triệu. Cộng thêm các khoản phụ cấp làm đêm, tăng ca.. tất tần tật mỗi tháng được khoảng 2,5 triệu". Thu nhập thấp nên lấy vợ xong Hiền vẫn phải để vợ đi làm ở quê tận Hưng Yên.  Trên tàu lái phụ không được phép lái mà chỉ làm nhiệm vụ quan sát đường, hỗ trợ tài xế… đồng thời tay phải liên tục nhấn nút cảnh báo chống buồn ngủ. "Chỉ cần sau 5 phút một trong hai người quên nhất nút cảnh báo chống buồn ngủ, lập tức cả đoàn tàu sẽ tự động dừng lại" - Hiền giải thích…

Gắn bó với nghề lái tàu mấy chục năm nay nên giờ đây những người như anh Ngôn cảm thấy yêu con tàu và yêu đường sắt hơn chính bản thân mình, dù cuộc sống có khó khăn vất vả. Điều mong muốn nhất của những lái tàu như anh là không để xảy ra tai nạn. Anh Ngôn cũng chính là người điều khiển đầu máy tàu hỏa gây vụ tai nạn giao thông với  chiếc ô tô mang biển kiểm soát 52Z-7324 hồi sáng sớm ngày 16/2/2008 tại điểm giao cắt đường sắt đoạn Văn Điển - Giáp Bát (Phường Hoàng Liệt - Hoàng Mai - Hà Nội). Cú va chạm mạnh khiến chiếc ôtô bị lật úp xuống ao, cả 3 người trên xe đều thiệt mạng… Chuyến nào đi về an toàn là vui lắm. Mỗi một lần để xảy ra tai nạn, dẫu biết rằng lỗi không thuộc về mình nhưng luôn cảm thấy day dứt - anh Ngôn tâm sự.

Hàng chục năm ngồi trên đầu máy, lái tàu hàng, sau chuyển sang tàu khách, anh Ngôn không nhớ hết bao nhiêu lần đầu máy mình điều khiển gặp tai nạn và cũng có không ít những trường hợp anh đã cứu sống được người đi đường. Cách đây khoảng 3 tháng khi tàu chạy gần đến khu gian Núi Gôi (Phủ Lý) thì anh phát hiện phía trước có một chiếc xe tải nặng chở xi măng đổ ụp lên đường sắt. Với sự quan sát và xử lý kịp thời, anh đã lập tức kéo phanh hết cỡ để dừng tàu. Sau những nỗ lực đó, đoàn tàu đã kịp dừng lại khi đầu máy vừa gần chạm đến chiếc xe tải đang nằm ngang đường sắt. Không có nỗ lực cứu tàu thì không chỉ tổ lái mà hàng trăm hành khách trên chuyến tàu hôm đó sẽ chịu nhiều thiệt hại khôn lường.

Nhắc đến nỗ lực cứu hành khách, hẳn nhiều người nhớ đến trường hợp của lái tài Trương Xuân Thức - người vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm với hành động quên mình để cứu đoàn tàu với 300 hành khách. Đó là lúc 1h30’ sáng 6/8/2010, khi đang điều khiển đầu máy ký hiệu 921 tàu thống nhất TN6 đi qua khu gian Phủ Lý - Đồng Văn về ga Hà Nội thì một chiếc xe tải biển kiểm soát 90T-6816 bất ngờ băng qua đường sắt. Trong nỗ lực cứu đoàn tàu và hơn 300 hành khách, tài xế Trương Xuân Thức đã dũng cảm đứng nguyên tại vị trí  ghì chặt cần giảm tốc để ngăn chặn thảm họa và anh đã bị dập nát cánh tay trái.

2. Hơn 19h ghé xuống toa ăn dịch vụ cuối đoàn tàu SE5 chúng tôi bắt gặp Trưởng tàu Nguyễn Đức Ngũ thuộc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội đang trò chuyện và tận tình giải đáp những thắc mắc nho nhỏ cho một nhóm khách đang ăn tối tại đây. "Nghề bọn em là nghề phục vụ, làm dâu trăm họ anh ạ". Nhiều khi chỉ một câu nói, một lời giải thích đầy đủ khách sẽ hài lòng. Đã qua rồi cái thời cơm đóng hộp sẵn từ trước. Bây giờ khách có nhu cầu xuống phòng ăn sẽ được phục vụ cơm nóng hổi, rau xào, canh và thịt kho đang bốc khói,  ăn đủ no mà chỉ vài chục ngàn đồng/suất. Nâng cao chất lượng bữa ăn chỉ là một trong số những cải tiến và nâng cao công tác phục vụ của nhà tàu.

Đang là đợt cao điểm phục vụ hè nên khách lúc nào cũng đông kín. Tàu SE hôm nay có tới 869 hành khách. Mỗi chuyến tàu phải có khoảng 30 CBCNV phục vụ các khâu từ ăn uống, đảm bảo an toàn và công tác bảo vệ. Trên tàu ngoài 1 trưởng tàu còn có 1 phó tàu và 5 trưởng tàu an toàn. Nhiệm vụ của những trưởng tàu an toàn này là thay nhau túc trực để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn tàu theo từng chặng từ Hà Nội  đến TP HCM và ngược lại.

Chúng tôi được gặp anh Dương mạnh Tuấn- một trong hai nhân viên bảo vệ chuyến tàu hôm nay. Anh Tuấn kể năm 1985, sau khi xuất ngũ anh xin vào làm bảo vệ trong ngành Đường sắt. Tham gia vào lực lượng bảo vệ trên tàu từ năm 1994 đến nay anh không nhớ hết những chuyến tàu mình đã trực tiếp tham gia bảo vệ. Anh Tuấn kể, so với ngày xưa, công tác bảo vệ trên tàu bây giờ nhàn nhã hơn. Tuy nhiên tùy vào từng thời điểm vẫn có những đặc thù của nó. Làm công việc này là phải có con mắt quan sát và đánh giá. Phải biết phân loại hành khách, nắm được đặc điểm từng cung đường…

Trưởng tàu Nguyễn Văn Tiến - người đã có hơn 31 năm phục vụ trong ngành Đường sắt tâm sự: 22 năm làm trưởng tàu, bắt đầu từ tàu hàng đến tàu khách anh không nhớ hết mình đã có bao nhiêu giao thừa xa nhà, bao nhiêu cái Tết trên đường sắt. So với ngày trước, bây giờ đã là sướng chán - anh Tiến nhớ lại hồi còn làm trưởng tàu hàng, để đón giao thừa anh chỉ lo được 3 cân gạo, một cái cặp lồng xách lên tàu. Tàu chạy, cho gạo vào cặp lồng đặt vào nồi hơi nước của đầu máy chờ chín ăn cho xong bữa. "Thời đó rau cũng chả kiếm được chứ đừng nói đến thịt cá, anh em chúng tôi chỉ có mỗi muối vừng mang theo ăn thôi em ạ"…

Tiến sỹ Huỳnh Cường-  Giám đốc Xí nghiệp vận dụng Toa xe khách Hà Nội cho biết: Công tác nâng cao chất lượng phục vụ hành khách luôn được đơn vị này quan tâm đặc biệt với khẩu hiệu "Đường sắt Việt Nam, nụ cười trong suốt hành trình của bạn". Chính vì vậy việc đào tạo đội ngũ CBCNV  từ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, vệ sinh, ăn uống trên tàu… luôn được đơn vị này chú trọng.

Tôi trở về Hà Nội trên chuyến tàu thống nhất. Trong giấc ngủ chập chờn lúc mờ sáng, đã nghe thấy tiếng loa phát thanh và những âm thanh quen thuộc vang lên: "Kính thưa quý khách, đoàn tàu thống nhất sắp đưa quý khách về đến ga Hà Nội - chặng cuối của cuộc hành trình…".  Giọng cô phát thanh viên ấm áp, truyền cảm rủ rỉ vang lên xen lẫn tiếng còi tàu, tiếng bánh xe đang hối hả xuyên đêm về ga cuối. Đã nghe đi nghe lại hàng chục lần, thuộc hết từng âm sắc lên xuống của câu chữ nhưng mỗi lần nghe lại vẫn xúc động bởi đơn giản là nó gợi nhớ lại kỷ niệm của những chuyến tàu năm cũ. Chợt thấy yêu những con người đã gắn bó cuộc đời mình với hành trình của những chuyến tàu thống nhất xuyên thời gian

Xuân Luận – số 51
.
.
.