Những nỗi đau lẻ bóng... tự kể chuyện đời

Thứ Tư, 16/03/2011, 10:30
Tôi không biết bắt đầu từ đâu khi đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên về các chị, bởi những số phận mà tôi gặp trong câu chuyện đời tự kể về những phụ nữ đơn thân như các chị khiến tôi thực sự bị ám ảnh. Đôi mắt buồn thẳm sâu của chị Tiếp, gương mặt già nua của chị Vân, hay cả nụ cười như cố tình che khuất nỗi buồn của chị Trọng, mỗi người là một cuộc đời, mà cuộc sống đã không thể trọn vẹn đối với họ.

Nhưng tôi biết, sau những mất mát, các chị đã biết đứng lên tìm hạnh phúc cho chính mình.

1. Người phụ nữ đầu tiên mà tôi gặp là chị Nguyễn Thị Tiếp, tôi bị ấn tượng bởi đôi mắt buồn thăm thẳm của chị, đến mức tôi có cảm tưởng lúc nào nước mắt chị cũng chỉ chực trào ra. Nhưng có lẽ chính đôi mắt buồn từ khi cha mẹ sinh ra đã vận vào cuộc đời, nên đời chị đầy nước mắt.

Chị Tiếp năm nay đã 48 tuổi,  chị là người phụ nữ có nhan sắc, và đến bây giờ vẫn có đàn ông theo đuổi chị. Nhưng chị đã lựa chọn cuộc sống độc thân. Chị bảo, có lẽ đó là duyên phận. Tôi và bạn có lẽ sẽ không hình dung nổi khi trong cuộc đời dài dặc của mình, chị chưa từng được nếm trải cảm giác có một người đàn ông ở bên cạnh, hay được một người chia sẻ bớt những gánh nặng của cuộc sống.

Gia đình bố mẹ chị không có con trai, nên 16 tuổi, cô bé Tiếp hăng hái ghi tên tham gia vào mặt trận biên giới phía Bắc. Lúc đó chị còn quá trẻ, và cũng chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng. 17 tuổi, tâm hồn con gái trong trắng của chị đã biết yêu, một người cùng đơn vị chiến đấu. Trái tim cô gái 17 tuổi ngây thơ, và tin tưởng vào tình yêu như một phép nhiệm màu. Nhưng đến khi chị biết tin người đàn ông mình yêu đã có gia đình, thì mọi chuyện đã quá muộn màng, chị đã trót trao thân gửi phận cho người mà chị tin sẽ lấy làm chồng.

20 tuổi, người con gái chưa từng va vấp như chị sẽ xoay xở như thế nào với một bào thai trong bụng. Chị Tiếp giải ngũ trở về quê, mang theo giọt máu tội lỗi và những lời thị phi nghiệt ngã của xóm làng. Khi chị nhập ngũ, bố mẹ chị có quyền ngẩng cao đầu tự hào về con, nhưng sự trở về của chị ngày đó, bị coi là một nỗi nhục của gia đình. Chị cố gắng nín nhịn trước những lời cay nghiệt của bố mẹ, làng xóm, thậm chí không dám ra ngoài gặp gỡ ai.

Những người mẹ đơn thân ở Tân Minh - Sóc Sơn - Hà Nội.

Chị Tiếp bảo, đến bây giờ, dù đã được hưởng niềm vui làm bà, nhưng nghĩ lại về cuộc đời mình, chị vẫn tưởng chừng như đó là một giấc mơ, một giấc mơ đầy đau đớn. Sinh con trong nỗi tủi cực, trong nghèo đói, trong sự miệt thị của xóm làng, chị đã phải chống chọi với tất cả những điều đó. Cơm không đủ ăn, những ngày mùa đông buốt giá chăn không đủ đắp, phải trải rơm làm đệm…

Được hai năm, hợp tác xã phân cho chị một mảnh đất nhỏ. Chị Tiếp vốn không muốn làm phiền ai, chị lẳng lặng đóng gạch, xin tre nứa dựng tạm một ngôi nhà, gọi là nhà nhưng chỉ vẻn vẹn 8m2 thôi. Mà hồi đó, tường làm bằng đất chứ không có xi măng hay vôi đá như bây giờ, nên xây gần xong, hôm đó một trận gió to, thế là đổ tan tành. Sáng ra nhìn thấy cơ ngơi của mình đổ xiêu vẹo, chị Tiếp đã bưng mặt khóc. Bao nhiêu nỗi tủi thân chị trút vào đó…

Nhưng rồi cuối cùng, ngôi nhà cũng được dựng xong. Đã 27 năm trôi qua, hai mẹ con chị sống lặng lẽ như vậy, chị dồn tất cả tình yêu cho cô con gái với chỉ một mong ước, mai này lớn lên, nó sẽ có một cuộc đời không bất hạnh như mẹ  nó.

27 năm lạnh lẽo và đơn độc, người đàn ông đó chưa một lần hỏi han hay ghé thăm. Và trong chị cũng chồng chất những oán giận, đến mức chị không còn niềm tin vào những người đàn ông đến với mình sau này, ngay cả bây giờ, con gái chị đã có cuộc sống riêng và chị có thể sống cho riêng mình. Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi đôi mắt buồn của chị, dù ngay cả khi chị cười, hay khi chị ở giữa đám đông. Có lẽ đôi mắt định mệnh đó đã hằn vết lên cuộc đời chị những vất vả nhọc nhằn.

Giờ thì đã qua hết rồi những ngày gian khó, chị vẫn lựa chọn cuộc sống đơn thân, chị tâm sự, "tôi nghĩ mình phải thay đổi, không để người ta chê cười, phải sống thế nào để nuôi con nên người, anh em bố mẹ khỏi khinh rẻ, nếu mình làm nên, nuôi con cái học hành nên người thì làng xóm cũng không chê cười".

Chị Ngô Thị Vân.
2. Còn chuyện của chị Ngô Thị Vân lại là một câu chuyện buồn khác, khi chị Vân có chồng và cưới xin hẳn hoi, nhưng trong cuộc đời làm vợ của mình, chị chưa từng biết đến một ngày hạnh phúc. Chị bảo, chị là người phụ nữ đơn thân ngay từ những phút đầu tiên bước chân về nhà chồng. Chị Ngô Thị Vân sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 11 anh chị em, ở làng Vệ Sơn Đông, xã Tân Vinh, Sóc Sơn.

Nhà chị nghèo lắm, nên chị bươn bả với ruộng đồng từ ngày còn nhỏ mà không được đến trường. Cuộc đời vất vả đã hằn vết lên gương mặt già nua của chị. Chứ thời con gái chị khỏe mạnh và làm việc nhiều lắm. Nào là trồng rừng, tham gia đội thủy nông. Cô gái quê hiền lành chân chất là chị lại không có cái may mắn được hưởng  một cuộc sống bình yên như bao người phụ nữ quê khác.

21 tuổi, chị lấy chồng, một anh làm thợ xây ở làng bên. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên ấy, khi chị mang bầu, cuộc sống đã báo hiệu những bất trắc. Bố mẹ chồng mất sớm, chị phải sống chung với gia đình nhà chồng vốn rất đông anh chị em, mà chồng chị thì đi biền biệt, chẳng ngó ngàng gì đến vợ, đến khi chị sinh đứa con đầu lòng, cái thai 7 tháng tuổi, ốm yếu quặt quẹo khiến chị cảm giác mình kiệt sức nhưng chồng vẫn hờ hững. Chị linh cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Nhưng chồng đi miết, chị biết cậy nhờ ai.

Trong những ngày nuôi đứa con ốm đau vất vả đó, chị phát hiện ra chồng mình có quan hệ, thậm chí đã có con với người đàn bà khác ở Lạng Sơn và trở về ruồng rẫy mẹ con chị.

Lúc đó chị cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng ở nhà chồng, chị ôm đứa con ốm đau quay trở về nhà mẹ đẻ. Tủi nhục và đau đớn. Chị nuốt nước mắt vào trong. Và biết chồng cố tình bỏ rơi mẹ con chị, chị vẫn ra sức níu kéo, với một hy vọng mỏng manh, biết đâu ông ta nghĩ lại. Giằng néo đến tận hai năm, chồng chị vẫn cố tình đoạn tuyệt, chị Vân mới chấp nhận ký vào tờ đơn li hôn.

28 năm chị sống độc thân, mà chưa từng một giây nào nghĩ đến chuyện chị sẽ đi bước nữa. Không phải không có đàn ông đến hỏi chị, mà chị sợ. Những vết thương quá lớn trong tâm hồn chị, có lẽ không thể nào lành miệng. Và ký ức đầy sợ hãi khi cuộc đời làm vợ đầy nước mắt của chị đã khiến chị co lại trong vỏ bọc của chính mình. Và điều chị thấm thía hơn, đó là chị không muốn con mình khổ, khi chung sống với một người đàn ông khác.

Lâu rồi chị không muốn kể về những nỗi buồn của mình nữa, nỗi buồn mà có những lúc làm chị tưởng chừng như ngã khụy xuống, trong đau khổ, trong tủi cực, trong cả nghèo đói. Ngày ấy, chị từng phải đi bới đất bới cỏ, được ngày nào hay ngày ấy. Khổ đến thế rồi chị cũng vượt qua, thì giờ đây không có gì làm cho chị gục ngã được nữa.

Con trai chị đã lớn, và đang có nghề nghiệp ổn định. Tôi nhìn thấy niềm hy vọng đang ánh lên trong đôi mắt ướt đẫm nước mắt của chị… Một niềm hy vọng phải trải qua rất nhiều mất mát mới có được…

Chị Lê Thị Trọng.
3. Chị Lê Thị Trọng, lại mang một gương mặt khác của số phận, khi chị lựa chọn cuộc sống đơn thân mà không lấy chồng. Sự lựa chọn cách đây 20 năm của chị là một sự dũng cảm. Nhưng với Trọng, thì đó là số phận, khiến một người đàn bà có nhan sắc như chị phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc. Trọng yêu một người cùng làng.

Năm đó chị 23 tuổi. Chị đã nghĩ đến chuyện sẽ lấy người đàn ông đó làm chồng. "Đàn bà khi đã yêu thì mù quáng và dại khờ lắm, có biết đâu người ta lừa mình". Khi biết tin chị có thai, gã đàn ông yêu chị đã bỏ chạy, dù gã ở ngay làng bên. Cay đắng và tủi nhục, chị Trọng về nhà quỳ gối xin bố tha thứ. Chị đã có một tuổi thơ tủi nhục khi bố mẹ li dị và hai chị em phải sống cùng bố và người phụ nữ khác. Chị không muốn đứa con của mình sinh ra lại có một số phận bất hạnh như vậy.

Nhưng cuộc sống đã không cho chị lựa chọn. Ông bố cay nghiệt không chấp nhận cô con gái không chồng mà chửa đã đuổi chị ra khỏi nhà nếu chị không chấp nhận phá bỏ cái thai. Chị ngậm nước mắt vào trong và lê bước ra khỏi nhà, may mắn có một người chú họ cho ở nhờ. Nhưng không thể ở nhờ mãi được, chi xin xã một miếng đất ở trong làng và cắm cúi đi xin từng thanh tre, thanh nứa.

Hơn một tháng lang thang đi xin tre và rơm, chị đã có đủ vật liệu để dựng nhà thì đến tháng sinh con. Lúc đó, chị Trọng vừa tủi phận, vừa cô độc, chị tránh gần như không giao tiếp với ai. Sinh con được một tháng, chưa qua kỳ ở cữ, người mẹ trẻ đã phải gượng dậy tự tay dựng nhà. Điều đau khổ nhất đối với chị là người đàn ông đó vẫn sống hạnh phúc với gia đình mới của mình ở làng bên mà không đoái hoài đến mẹ con chị.

Chị nhớ, lần đầu tiên khi con gái chị hỏi về bố, chị đã lặng người đi rất lâu khi kể lại cho con gái nghe câu chuyện mà chị đã muốn lãng quên về người bố của nó. Và điều chị lo sợ nhất đã không xảy ra khi con gái chị rất hiểu và cảm thông cho mẹ, để tự tin bước vào cuộc sống mới của mình, mà không bị mặc cảm…

Ba người mẹ đơn thân mà tôi gặp đều sống ở xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn  Hà Nội. Họ vừa xuất hiện trong triển lãm Chuyện những bà mẹ đơn thân tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Mỗi người họ đều có một số phận, một hoàn cảnh éo le.

Nhưng tôi biết, họ phải lựa chọn cuộc sống đơn thân như là sô phận, nhưng trong trái tim những người phụ nữ bất hạnh này, vẫn khao khát về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Dù với họ, niềm hạnh phúc cũng chỉ  giản dị và nhỏ nhoi thôi, khi họ nhận được sự chia sẻ chung tay của mọi người, và con cái họ được lớn lên trong sự đùm bọc của cộng đồng.

Và họ đã không ngã gục trước số phận, biết vượt qua những định kiến để tìm hạnh phúc trong chính sự đổ vỡ của mình

Khánh Linh - CSTC tuần số 49
.
.
.