Những phận người không mong chờ tết

Thứ Bảy, 05/02/2011, 14:20
Tết với người này có thể là những ngày ấm áp và hạnh phúc nhất thì với những con người trắng đêm mưu sinh này thì tết như là một nỗi ám ảnh tiền bạc áo cơm khi mà cả một toa tàu gia đình ở quê đang chờ họ mang những đồng bạc lẻ gom góp từ mồ hôi nước mắt nơi phố thị trở về. Nhiều khi, nói ra nghe có vẻ đắng lòng nhưng với những phận người mưu sinh này, tết chưa chắc đã là nỗi mong chờ của họ.

Chưa bao giờ, các tỉnh thành phía Bắc lại xác xơ trong cái rét đậm rét hại kéo dài như những ngày đầu tiên của năm 2010 này. Hà Nội đang vào cữ rét đậm, cái lạnh tê buốt thấu xương da khiến mọi người thành những rô bốt di động trong những lớp lớp áo len dạ, quấn trong, choàng ngoài. Thời tiết quá lạnh, nhưng dường như thời gian của những ngày cuối năm khi cái Tết Nguyên đán cận kề thường chạy nhanh hối hả hơn thường ngày.

Mọi người vẫn phải đổ lao ra đường, vẫn chạy sô với hàng bao nhiêu công việc cuối năm. Không có ai được nghỉ ngơi hay bình yên phía sau cánh cửa để trốn mùa đông giá. Mọi người đều mong kết thúc công việc của một ngày sớm hơn thường lệ để được trở về căn nhà ấm áp của mình, để được ngồi cạnh bếp lửa hay vùi mình trong chăn ấm trong giấc ngủ mệt nhoài.

Nhưng có những phận người không có đêm ấm áp, không có giấc ngủ thảnh thơi. Càng cuối năm, càng gần tết, họ càng phải trắng đêm lặng lẽ, oằn mình trong cái lạnh tê tái để mưu sinh mong kiếm chút tiền về trang trải tết. Tết với người này có thể là những ngày ấm áp và hạnh phúc nhất thì với những con người trắng đêm mưu sinh này thì tết như là một nỗi ám ảnh tiền bạc áo cơm khi mà cả một toa tàu gia đình ở quê đang chờ họ mang những đồng bạc lẻ gom góp từ mồ hôi nước mắt nơi phố thị trở về. Nhiều khi, nói ra nghe có vẻ đắng lòng nhưng với những phận người mưu sinh này, tết chưa chắc đã là nỗi mong chờ của họ.

1. Hà Nội, 11h đêm,  nhiệt độ thấp xuống kỷ lục, 6 độ C. Tôi trong chiếc áo khoác to sụ, xách máy ảnh ra đường. Những ám ảnh về thân phận người mưu sinh nhọc nhằn trong đêm Hà Nội lạnh giá khiến tôi có cảm giác buồn tê tái, và muốn viết một điều gì đó về họ. Bởi, đằng sau cái vẻ xa hoa, ồn ào của phố xá, vẫn còn đó, những cảnh ngộ thật thương tâm, mà vì mưu sinh, họ đã phải bỏ lại con cái cho ông bà, bố mẹ, lên Hà Nội kiếm sống. Và khi mọi người đang bình yên trong giấc ngủ say, thì công việc của họ mới bắt đầu, mặc cho đêm giá rét, mặc cho gió cứ rít từng hồi lạnh lùng. Họ, ở một góc khuất nào đó của đời sống, đã làm nên vẻ đẹp đa màu sắc của cuộc sống chốn thị thành.

Một người đồng nát ngủ vùi ở góc phố Bà Triệu.

Một chị bán ngô dạo run rẩy trong giá lạnh, một bác thu gom giấy lộn ngủ vùi trên một góc phố Bà Triệu trong chiếc chăn mỏng manh được làm bằng nilon mỏng, và ngoài đê sông Hồng hun hút gió, nhịp sống của những người lao động nghèo ở khu chợ Long Biên dường như mới chỉ bắt đầu. Tết đối với họ, là ngày được trở về sau một năm đi lao động biền biệt, nhưng tết đối với họ, còn là những lo toan cơ cực, nhọc nhằn.

Tôi dừng chân rất lâu trước quầy ngô luộc và khoai nướng của chị Nhung, quê ở Thạch Thất. Năm nay chị vừa 26 tuổi, trông chị thật gầy gò và bé nhỏ so với chiếc xe chở đầy ngô và khoai nướng kềnh càng  của mình. 5 năm nay, hai vợ chồng chị bỏ quê xuống Hà Nội thuê phòng trọ đi bán dạo đêm như thế này. Thu nhập nhiều lúc phụ thuộc vào thời tiết. Mắt chị Nhung buồn xo. Trời lạnh quá, chả mấy ai ra đường, khiến xe ngô luộc của chị cũng chả có ai ghé thăm. Chị đầu Cầu Giấy, còn anh, tận Cầu Diễn. Đêm nào đông khách chị cũng kiếm được 50-60 ngàn. Nhưng đêm nay thì công cốc rồi. Nói rồi chị Nhung chìa chiếc vé phạt vệ sinh của phường Dịch Vọng, đi tiêu 50 ngàn, đi tiêu một buổi tối vất vả.

1h đêm, chị Nhung lại lọ mọ đạp xe về phòng trọ Cầu Diễn, và bắt đầu cho một ngày tiếp theo. Trông chị thật bé nhỏ và mỏng manh trong cái lạnh tê người của Hà Nội đêm. Chiếc áo khoác đã sờn vai, cái mũ len cũ kỹ và đôi găng tay len nhiều chỗ sờn rách. Tôi sợ rằng chị không đủ ấm. Nhưng đối với người mẹ trẻ này, thì điều đó không quan trọng với chị. Mà chỉ có một mối bận tâm đến những vị khách ghé qua hàng của chị. Khói từ ngồi ngô luộc bốc lên nghi ngút, nhưng có lẽ không đủ để xua tan đi nỗi nơm nớp lo ế hàng đêm nay. "Trời lạnh thế này, chả mấy ai ra đường ngoài mấy cô cậu thanh niên trẻ, ế hàng coi như là lỗ, vì ngô và khoai luộc rồi chả để được vào đâu".

Chị Nhung với số tiền bán ngô đêm.

Hai con của chị Nhung, một đứa lên sáu, một đứa lên ba, đều gửi lại cho ông bà nội, thuận tiện thì vài tuần, không phải tháng một lần vợ chồng chị mới về quê thăm con. Không bươn xuống đây kiếm sống, anh chị cũng chẳng có cách nào khác để lo được 4 miệng ăn trong gia đình. "Chị đã chuẩn bị gì cho ngày tết chưa?". "Có gì mà chuẩn bị hả cô, mấy ngày tết của tôi và gia đình còn phụ thuộc vào những đêm bán hàng đây này, đêm nào cũng như đêm nay thì coi như đi tiêu cả tết". Tôi đã đứng tần ngần bên chiếc xe đẩy của chị rất lâu. Hà Nội càng đêm càng lạnh thấu xương.

2. 12 giờ đêm, chúng tôi sà vào một hàng ngô nướng hiếm hoi giữa đêm vắng lạnh. Cái lạnh khiến cho tay chân không còn cảm giác. Chị chủ hàng ngô nướng đang gom những bắp ngô cuối cùng cho vào túi, vừa vui vẻ đếm những đồng tiền lẻ, sau một ngày lao động mệt nhoài. Đợt rét kéo dài này, khiến quán ngô nướng của chị đông khách hẳn.

Chị Hạnh quê Nam Định, lên Hà Nội đã 3 năm nay, chồng chị cũng đi làm thêm bên tận Gia Lâm, mấy tháng một lần, hai người mới gặp nhau, "vì ai cũng mải lo đi làm, chả có thời gian", chị Hạnh vừa đếm tiền vừa kể. "Trời rét quá, nhiều người ngại đi làm, thế nên quán tôi đông khách hơn hẳn. Rét lắm, buốt hết cả tay rồi, nhưng tôi cũng cố tranh thủ, mấy khi tôi đắt hàng thế này. Tranh thủ làm thêm còn kiếm tiền về lo tết cô à. Làm miết rồi cũng quen, chả thấy lạnh nữa". "Nhà chị ở tận đâu?". "Tôi thuê tận Cầu Diễn, nhà cửa gì đâu, một góc cho có chỗ ngủ qua đêm thôi, chứ cô tính đi làm thế này mà còn thuê nhà lấy đâu ra tiền". Nói rồi chị Hạnh lẩm nhẩm tính, thế là đêm nay chị lãi những 80 ngàn, mừng rơn.

Tôi thấy mình ứa nước mắt trước niềm vui hồn nhiên của chị, và lặng im không biết nên chia sẻ với chị điều gì. Khi phía sau cuộc sống này, chỉ cách một gang tấc thôi, bao nhiêu người hằng ngày đã đốt gấp hàng ngàn lần số tiền chị kiếm được vào những cuộc vui vô bổ. Nhưng cũng chính nụ cười hồn nhiên trong cái lạnh tê buốt của Hà Nội sắp bước sang một ngày mới của chị mới làm nên vẻ đẹp của cuộc sống. Một vẻ đẹp hồn hậu đủ xua tan đi nỗi lạnh giá của mùa đông. Tôi đứng tần ngần nhìn chiếc xe máy cà tàng của chị Hạnh mất hút trong đêm đông vắng ngắt…

3. 1 h đêm. Hà Nội trở mình sang ngày mới. Lạnh thấu xương. Tôi phóng xe máy đi trong tiếng gió rít lạnh lùng qua từng kẽ hở. Đêm ở phố vắng tanh. Chúng tôi ra chợ đầu mối Long Biên, nơi hàng đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày ấm áp cũng như đêm lạnh giá, nhịp sống ở đây chưa bao giờ dừng lại. 

Ngồi thu lu trong một góc nhỏ trong chợ Long Biên lẫn trong mùi pha tạp của chất bảo quản, lẫn trong đám thùng giấy thùng xốp ngổn ngang, bà Hảo rót nước mời tôi. Bà có thâm niên gần 20 năm bán nước ở chợ này. Mà hôm nay, bà may mắn được ngồi vào chỗ đẹp đẽ này, vì chủ sạp hàng nghỉ, chứ ngày thường, bà lang thang hết chỗ nọ sang chỗ kia. Làm gì có tiền để thuê một góc cố định, nên quán nước chè của bà di động theo. Bà năm nay đã ngoài 60 tuổi. Tuổi già như ngọn đèn heo hắt trước gió, vậy nhưng bà Hảo vẫn không một ngày nghỉ ngơi. Quán nước chè của bà bắt đầu từ 6h chiều cho đến 2h sáng, kể cả những ngày lạnh buốt thế này, bà cũng không cho phép mình nghỉ sớm hơn. Bà bảo, có lẽ bà đã quen với nhịp sống về đêm của khu chợ này rồi. Giờ này đáng lẽ bà đang đoàn tụ cùng con cháu chứ, sao còn lọ mọ ở chốn xa xôi này để mưu sinh.

Bà Hảo cười: "Tôi bán nước ở đây gần 20 năm, từ ngày các con tôi còn nhỏ đến bây giờ chúng nó đã có gia đình. Chồng tôi mất sớm, mọi sinh hoạt của gia đình trông cậy cả vào quán nước chè này đấy cô ạ. Con cái cũng không muốn tôi đi làm, nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào chúng nó, đời tôi vất vả quen rồi". Trong chợ có khá nhiều quán nước chè, nhưng quán bà Hảo bao giờ cũng đông khách hơn cả, vì bà pha chè ngon, bà lại là người tếu táo, biết kể nhiều chuyện hài, vì thế thu nhập mỗi đêm của bà nhiều khi lên đến cả triệu. 28 tết bà Hảo sẽ về quê, ăn tết cùng con cháu, mồng 4 lại lên Hà Nội. Dù chỉ là một góc nhỏ trong cái phòng trọ chật hẹp với hơn 20 người tứ xứ, làm thêm bốc vác, bán hàng ở chợ Long Biên này, nhưng có lẽ bà đã quen với cuộc sống đó, như một phần không thể thiếu của mình.

Chị Hạnh bên hàng ngô luộc của mình.

Tôi dừng lại bên một quầy hàng cam Canh. Những sạp hàng được bày bán rất đều mắt, như thể đêm đang là ngày vậy. Người phụ nữ đội chiếc mũ len đỏ này đon đả mời khách. Thì ra chị là người bán thuê, làm công ăn lương cho chủ sạp hàng này. Chị tên là Lương, quê ở Hưng Yên. Năm năm rồi, chị lặn lội lên Hà Nội kiếm sống, chỉ vì một lý do duy nhất, kiếm tiền cho ba cô con gái của chị học đại học. Trong ký ức giản đơn của người phụ nữ này vẫn nhớ lần đầu tiên, chị quyết định lên Hà Nội như thế nào. Ngày đó, cô con gái đầu nhận được giấy báo vào đại học, nhưng nó ngồi buồn xo một góc nhà, vì nghĩ sẽ không có cơ hội đi học vì nhà nghèo quá. Lúc đó, Hà Nội còn là một khái niệm xa vời với chị, và chị cũng chưa từng đặt chân đến đó. Nhưng nhìn thấy nói thiệt thòi của con gái, chị đã không ngần ngại quyết định, lên Hà Nội làm thêm. Lần đầu tiên, một bà già quê mùa chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng là chị lên Hà Nội, vào ngay chợ Long Biên này, nhận gánh hàng thuê. Chị nhớ, bữa đó, chị kiếm được 27 ngàn. Nhưng đi tiêu 10 ngàn vì lỡ đụng vào xe của một vị khách khó tính phải bắt đền.

Giờ thì chị đã quen với từng ngõ ngách ở đây. Một ngày chị chỉ ngủ chừng ba, bốn tiếng đồng hồ. Đêm gần như thức trắng. Lạnh buốt thế này, mà chị vẫn phong phanh trong chiếc áo len mỏng, chân không  đi tất. Vậy nhưng suốt cuộc nói chuyện với tôi, chị cười rất nhiều. Chị khoe, "cô con gái đầu đã học xong đại học, và lấy chồng ở quê, hai cô em đang học cao đẳng. Tiền tôi làm ở đây, chỉ đủ để nuôi chúng nó, làm gì còn mà mua quần áo hả cô. Lạnh thế này, khách vắng hẳn, thu nhập của chúng tôi cũng giảm theo. Ông trời mà cứ làm khổ thế này, thì tết này chết đói cả hội". Thì ra khu nhà chị thuê ở sâu trong ngõ chợ Long Biên này có đến 20 người trong một phòng. Gọi là có chỗ tá túc chứ mấy khi ngủ đâu. Họ đều là dân tứ xứ, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình… và đêm đêm lại chờ xe về, người gánh hàng, kẻ bán thuê. Và không biết bao nhiêu người trong số họ, oằn mình trong giá rét như chị Lương, để kiếm tiền nuôi con ăn học, với chỉ một mong ước duy nhất, được thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

2h sáng, sương đêm và giá lạnh trùm kín cả không gian Hà Nội. Đường phố vắng không một bóng người. Tôi thả xe máy đi dọc đường Bà Triệu trở về nhà… Ngoài kia, mặc cho gió mùa đông gào rít và lạnh giá, những con người kia vẫn lặng lẽ mưu sinh, họ đã vẽ nên một khuôn mặt khác của chốn phù hoa…

Khánh Linh – CSTC tuần số 44
.
.
.