Những số phận trẻ thơ lay lắt ở Viện huyết học

Thứ Tư, 11/05/2011, 15:38
Không phải là chùa nhưng hầu như những đứa trẻ ở đó đều trọc đầu hoặc còn vài sợi tóc lơ thơ. Ở đó, có biết bao số phận nghiệt ngã đang từng ngày, từng giờ đấu tranh với thần chết…

Đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và những ngày cuối tháng 3 với cái nắng hanh hao, tôi như bước vào một thế giới khác. Ở đó cũng rộn rã tiếng cười đùa của con trẻ nhưng cũng lắm thay những lời than khóc của những người yêu thương chúng. Ở đó là thế giới của những đứa trẻ trọc đầu hay ốm yếu. Một cậu bé 3 tuổi với cái bụng trương to gấp 2 lần so với cơ thể cậu. Một người ông 70 tuổi ngày đêm tận tụy chăm sóc đứa cháu gái 12 tuổi bị ung thư mất cả cha lẫn mẹ. Một cậu bé ngày ngày lầm lũi trong phòng bệnh vì gia đình không có người chăm sóc… Tất cả những con người tôi đã gặp để lại cho tôi những ám ảnh sâu sắc.

Tuổi thơ đẫm nước mắt

Cả Khoa nhi ở Viện Huyết học này ai cũng biết và cảm thông cho hoàn cảnh của hai ông cháu em Hoàng Thị Linh. Nhìn cảnh ông già 70 tuổi gầy gò, đen đúa cần mẫn ngày đêm ở viện chăm sóc đứa cháu 12 tuổi bị ung thư máu cấp khiến không ít người động lòng. Thế nhưng khi nghe câu chuyện về tuổi thơ đã qua của Linh, tôi chắc chắn sẽ không ít người phải rớt nước mắt mà cảm phục…

Sinh ra tại Gia Bình - Bắc Ninh, gia đình Linh cũng từng hạnh phúc như bao gia đình khác. Bố mẹ em đều làm nghề thuần nông nhưng cuộc sống khá yên bình. Tuổi thơ của Linh có lẽ cứ thế bình lặng trôi qua. Nhưng năm 2002, mẹ em đi làm đồng bị sét đánh chết ngay trên ruộng, để lại Linh và đứa em 9 tháng tuổi. Khi ấy, Linh cũng mới được gần 3 tuổi nên ký ức của em về mẹ khá nhạt nhòa. Hỏi Linh có nhớ mẹ không, đôi mắt buồn rượi cụp xuống kèm cái lắc đầu: "Em chỉ được nhìn mặt mẹ qua ảnh trên bàn thờ thôi".

Một mình bố Linh tần tảo nuôi hai chị em, dù cuộc sống có nghèo khó và đầy thiếu thốn. Ông nội Linh trầm ngâm "Từ ngày mẹ cái Linh mất, bố nó cứ ở vậy nuôi con, chẳng mấy khi cười, chẳng mấy khi nói, cứ lầm lụi suốt ngày". Tưởng như cuộc sống của ba bố con Linh sẽ cứ thế êm đềm trôi đi, nhưng cuộc đời lại có quá nhiều điều bất ngờ và trớ trêu.

Ba năm sau ngày mẹ Linh mất, đứa em Linh lại ngã xuống ao và qua đời. Nỗi đau này chưa nguôi ngoai lại đến nỗi đau khác. Khi ấy Linh đã lên 6 tuổi, bắt đầu ý thức và cảm nhận được những nỗi đau. Linh bảo ngày em Linh mất, bố em thơ thẩn như người mất hồn, em lay gọi mãi mà không thấy bố trả lời. Có lẽ, nỗi đau quá lớn trong khoảng thời gian ngắn đã khiến người đàn ông nào cũng có thể khụy ngã và bố Linh cũng không ngoại lệ. Cũng từ năm ấy, bố Linh càng ngày càng ốm yếu, bệnh tật. Hai bố con cứ thế nương tựa vào nhau mà sống qua ngày.

Hai ông cháu em Linh.

Cuộc đời nhiều khi lại quá bất công, bệnh tình của bố Linh ngày càng trầm trọng. Đến khi đi khám và xét nghiệm mới phát hiện ra bố Linh bị ung thư tụy. Cảnh nhà không có, bệnh tình ngày càng nặng thêm, sức khỏe bố Linh ngày càng ốm yếu. Tháng 9/2010, bố Linh cũng theo mẹ và em ra đi bỏ lại Linh một mình cô quạnh. Nước mắt khóc cha khóc mẹ chưa nguôi, em lại phải hứng chịu những nỗi đau khác. Linh bắt đầu thấy mệt mỏi, nhiều khi đuối sức mà ngất đi.

Ông nội Linh ngậm ngùi: "Hai ông cháu đưa nhau đến bệnh viện huyện, người ta chẩn đoán bị viêm cơ nhưng lấy thuốc về nhà uống thì càng ngày càng yếu. Hai ông cháu lại dắt nhau lên bệnh viện tỉnh, làm hết xét nghiệm này đến xét nghiệm khác rồi được chuyển xuống đây. Nào ai ngờ nó mắc cái bệnh quái quỷ là ung thư máu này".

Gom góp cả tiền mai táng của bố và tiền đi chiến đấu của ông được gần 10 triệu, hai ông cháu lay lắt ở viện vài tháng trời. Hết chọc tủy đến điều trị hóa chất. Mái tóc đen dài ngang lưng của em giờ chỉ còn lơ thơ vài sợi trên đầu. Linh kể: "Hồi trước tóc dài em rất thích chải tóc, giờ nhiều khi không dám soi gương vì soi gương lại thấy tủi thân". Hết đợt điều trị thứ nhất, hai ông cháu dắt díu nhau về quê được 3 tuần lại tiếp tục khăn gói xuống Thủ đô điều trị. Lần đi thứ hai này ông Linh phải mang sổ đỏ đi thế chấp để vay được 10 triệu đồng chữa trị cho Linh.

Ông già 70 tuổi ấy rơm rớm nước mắt: "May mà cháu nó được điều trị theo bảo hiểm hộ nghèo, nếu không thì không biết lấy đâu ra tiền mà chữa bệnh. Nhưng riêng tiền thuốc đặc trị rất tốn kém, mỗi viên tận 9.500đ mà mỗi ngày phải có 3-4 viên. Bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài, mà có cái sổ đỏ cũng mang đi cắm rồi, không biết lần sau sẽ trông chờ vào đâu".

Đến bây giờ, cảnh ông già 70 tuổi gầy gò ôm đứa cháu 12 tuổi xanh xao ngồi trên chiếc giường xếp vẫn ám ảnh tâm trí tôi ghê gớm. Bởi cả phòng bệnh chỉ có Linh là nằm trên giường xếp, các em nhỏ khác ai cũng có giường nằm ngay ngắn. Khi tôi hỏi Linh sao chỉ có mình em nằm giường này, Linh cười bẽn lẽn không nói. Một bác trung niên ngồi giường bên cạnh với sang trả lời hộ em: "Em nó nhường giường cho bà cháu tôi đấy. Vì bé nhà tôi còn nhỏ quá, phải có người ngủ kèm nên chị Linh nhường cho hai bà cháu ngủ trên giường này".

Tôi bất chợt nhớ đến câu nói của ông giáo trong truyện "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa". Với nhiều người thì câu nói này rất đúng, như một biện minh cho những ích kỷ của người đời. Nhưng với Linh, câu nói này hoàn toàn sai lạc. Tôi nhìn thấy ở em không chỉ là một cô bé 12 tuổi đáng thương mất cả cha lẫn mẹ, không chỉ là sự kiên cường chống chọi bệnh tật mà hơn hết là đức tính hi sinh và sống vì người khác, một điều hiếm có ở một đứa trẻ 12 tuổi!

Khi chúng tôi đến, Linh vừa chấm dứt đợt điều trị truyền hóa chất nên khá mệt mỏi. Nhưng khi nhờ Linh mang bánh kẹo mời các bạn thì em nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm từng bạn trong phòng. Tôi thủ thỉ hỏi Linh: "Ước mơ của em bây giờ là gì?". Linh cười: "Em chỉ mong mau mau khỏi bệnh để được đi học, vì em rất nhớ các bạn và thầy cô". Bất chợt ông Linh quay sang bảo tôi: "Nó có được đi đâu bao giờ, đi Hà Nội là xa nhất đấy, nhưng đã bao giờ được đi ra khỏi cái bệnh viện này đâu".

Con bụng to, mẹ khóc ròng

Linh dẫn chúng tôi đi chia quà cho các bạn. Chẳng nhiều nhặn gì, chỉ dăm gói bim bim nhưng cũng đủ rộn ràng cả phòng. Thế nhưng có một cậu bé với cái bụng trương to cứ thế ngồi giương đôi mắt ngây tròn nhìn tôi chăm chú. Ánh mắt ấy vừa mang nét buồn sâu thẳm, vừa mang nét ngây thơ thánh thiện. Em không nói gì, chỉ ngồi lặng nhìn những người lạ vào phòng. Người mẹ đang bón cơm cho con ăn niềm nở mời chúng tôi ngồi. Chị là Hà Thị Hoa - quê ở Hưng Hà - Thái Bình, chỉ đứa con ngồi bên cạnh chị giới thiệu. Bé là Nguyễn Đức Trung nay đã được 26 tháng tuổi nhưng thời gian nằm viện của em đã là 16 tháng.

Nhìn người mẹ gầy gò đang bón từng thìa cơm cho con mà không khỏi cám cảnh. Bát cơm chỉ là đôi miếng thịt ba chỉ xé nhỏ chan nước canh rau ngót lõng bõng nước mà chị mua được ở bệnh viện. Một suất cơm hai mẹ con cùng ăn mà chẳng hết. "Hôm nào cũng chỉ được một tí cơm dính bát mà nó chẳng chịu ăn. Nhìn con như vậy mà mình cũng chẳng muốn ăn luôn", chị Hoa buồn rầu buông bát cơm xuống giường.

Thấy người lạ, cậu bé lém lỉnh giơ tay trái chỉ xuống ghế tỏ ý mời chúng tôi ngồi, còn tay phải vẫn đang cắm kim truyền hóa chất. Chị Hoa cho biết bé Trung không may mắc phải căn bệnh quái ác là Hội chứng thực bào máu. Đây là một dạng của căn bệnh ung thư máu. Bệnh này sẽ dẫn đến việc giảm tiểu cầu bị kéo dài, nách trướng to, suy giảm miễn dịch và gây tổn thương da. Nếu như không được truyền máu để tăng tiểu cầu thường xuyên thì khó có thể giữ được tính mạng. Khi Trung lên 8 tháng tuổi, gia đình phát hiện ra em có những biểu hiện khác thường: Xanh xao, sút cân, xuất huyết máu ngoài da, sốt cao nên đưa em đi khám. Hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh rồi lên bệnh viện Trung ương, gia đình chị đã khó nay càng thêm túng bấn.

Từ khi biết Trung mắc căn bệnh này, hai vợ chồng chị Hoa chuyển xuống ở hẳn dưới Hà Nội. Ngày ngày chị ở bệnh viện trông con, còn anh lao đi kiếm tiền để nuôi vợ con. Cũng may, anh tìm được việc làm bảo vệ tại một công ty tư nhân, lương tháng được 3 triệu cũng đủ tiền ăn cho hai mẹ con. Còn tiền thuốc, tiền chữa trị lại phải chạy vạy vay anh em bạn bè. Hai vợ chồng chị có hai đứa con, giờ gia đình cũng tan đàn xẻ nghé, đứa lớn phải gửi ông bà nuôi để hai vợ chồng xuống đây chăm đứa út. Hơn một năm nay, Trung nằm viện là chủ yếu vì nếu về nhà sẽ không được truyền thuốc và máu thì sẽ chẳng thể sống nổi.

Nhắc đến đây, chị Hoa rơm rớm nước mắt "Từ khi chữa bệnh cho Trung đến nay đã tốn hơn 100 triệu mà toàn tiền đi vay, vậy mà bệnh của cháu không biết đến khi nào mới khỏi. Bác sĩ bảo nếu được truyền máu thường xuyên và uống thuốc thì vẫn có thể duy trì. Nghe thế vừa mừng vừa lo, vì hai vợ chồng cũng chỉ trông vào mấy sào ruộng. Nhiều đêm nằm thương con, thương chồng mà không ngủ được". Thấy mẹ rơm rớm, Trung chăm chăm nhìn và luôn mồm gọi "Mẹ!Mẹ!" rồi lấy tay sờ mặt mẹ. Hóa ra tâm hồn nhỏ bé kia đã quá nhạy cảm với nỗi đau và những giọt nước mắt đến vậy!

Có lẽ nằm viện lâu, chịu đau nhiều và được tiếp xúc với nhiều người mà Trung có nét gì đó già hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bé Linh chìa gói bim bim đưa em, Trung nhất định không cầm, đến khi tôi rút ra trong bịch một gói khác đưa Trung mới chịu lấy, không quên nói cảm ơn. Hành động ấy của em thật hiếm thấy ở một đứa trẻ hơn hai tuổi. Khi đã thân quen hơn, Trung chìa tay ra bắt tay chúng tôi. Đôi bàn tay nhỏ bé hằn lên những vệt đỏ, nhìn xa như bàn tay đẫm máu. Nhìn kỹ hơn chút nữa, trên bàn tay ấy không chỗ nào không có vết tím. Chỉ chỗ tay đau, rồi chỉ lên đầu, Trung líu lo gọi tên từng bác sĩ điều trị cho em. Có lẽ, với em những người mặc blu trắng ấy cũng là những người thân thiết không thể thiếu.

Chỉ tay lên chai thuốc truyền treo ở đầu giường, Trung gọi mẹ tíu tít "Mẹ ơi, thay bình, thay bình". Hóa ra mải nói chuyện, không ai để ý bình truyền của em đã hết. Chị Hoa thành thục như một y tá chuyên nghiệp, tháo dây truyền cho Trung dễ dàng. Chị cười: "Có khi sau này đi học thêm để làm y tá mất, mình thạo việc gớm rồi đấy". Không biết bé Linh chọc gì mà Trung cười toe toét, tiếng cười giòn tan đầy hồn nhiên khiến những người lớn không khỏi nhức lòng…

Một mình trong bệnh viện

Hàng ngày, những người bán hàng tại căng tin tại Viện Huyết học đã quá quen thuộc với hình ảnh một cậu bé trọc đầu gầy gò, dáng người dong dỏng vẫn tự mua cơm và ăn một mình. Ngày hai bận, em đều có mặt ở căng tin, họa hoằn lắm mới gặp em đi cùng mẹ. Cậu bé đó là Nguyễn Hùng Cường năm nay 11 tuổi. Cũng giống như hầu hết các bệnh nhân ở đây, Cường mắc bệnh ung thư máu từ năm em 7 tuổi. Đó là khi em bắt đầu học lớp 1. Thấy em thường xuyên bị đau nhức chân tay, bố mẹ liền cho em đi khám. Nhận định ban đầu của bác sĩ là em bị bệnh khớp. Nhưng đến khi xét nghiệm và thử máu mới phát hiện ra Cường bị ung thư máu. Từ đấy đến nay, hết đợt điều trị này đến lượt điều trị khác, em đều một mình xoay xở trong bệnh viện.

Gia cảnh của Cường rất đặc biệt, bố em bị bệnh tâm thần, suốt ngày lang thang, không đoái hoài gì đến vợ con. Một mình mẹ em là chị Thơm tần tảo nuôi hai con cùng chồng. Cả gia đình trông chờ vào gánh rau củ hàng rong của mẹ Cường nên cuộc sống rất cơ cực. Đứa em gái nhỏ của Cường đáng ra năm nay học lớp 3 nhưng cảnh nhà không có, lại thêm Cường ốm đau nằm viện triền miên nên vẫn chưa được đi học. Vừa rồi, chị Thơm mới xin được cho em vào học tại trường SOS, năm nay mới bắt đầu vào học lớp 1. Gia đình có 4 người, giờ mỗi người một nơi.

Ông bố tâm thần của Cường ngày đêm tha thẩn quanh khu chợ Khâm Thiên. Hết lê la hàng quán lại về căn nhà lụp xụp chưa đầy 12m2 mà ủ ê một mình. Chị Thơm bùi ngùi nói: "Thương chồng mà cũng thương con nhưng không biết làm thế nào". Ngày ngày, cứ sáng sớm chị lại đạp xe từ Viện Huyết học về ngõ chợ Khâm Thiên để trông chồng và bán hàng ở chợ cóc kiếm vài chục nghìn nuôi chồng, nuôi con. Một mình gặm chiếc bánh mỳ đôi ba nghìn là xong bữa nhưng lúc nào chị cũng thấp thỏm lo lắng cho Cường ở viện, không biết em có bị mệt không, có tự đi mua cơm được không. "Có những hôm lo quá, buổi trưa tôi lại phải đạp xe về viện xem tình hình nó thế nào. May mà có các cô, các chị ở cùng phòng giúp nếu không thì không biết xoay xở ra sao".

Hai mẹ con bé Cường.

Phải tự chăm sóc bản thân từ bé nên Cường rất tự giác. Cứ đến 11h trưa và 6h tối là em lại lên căng tin mua cơm ăn một mình. Đến nỗi tất cả các cô bán hàng ở căng tin Cường đều quen mặt. Có lẽ vì là khách quen, lại là khách đặc biệt nên bao giờ Cường cũng được ưu tiên. Khi thì được gắp thêm miếng thịt, khi thì được gắp thêm món rau. Cường tươi cười nói: "Các cô bảo cháu là khách hàng đặc biệt nên được khẩu phần đặc biệt".

Nhìn Cường khi nào cũng tươi tỉnh, đôi mắt ánh lên sự lém lỉnh thông minh. Vì mới học hết lớp 1 đã phải vào viện nên Cường rất thích học. Thấy quyển sách, quyển truyện nào là Cường cắm cúi đọc chăm chú. Chỉ đôi quyển truyện đã nhàu nát trên giường, em khoe: "Đây là thú vui của cháu đấy. Thực ra có một mình ở viện nhiều khi cháu buồn lắm, tủi thân mà cũng thương mẹ nữa. Chỉ cố gắng ở đây thật ngoan để mẹ khỏi lo lắng".

Cứ đến 9h tối, chị Thơm lại có mặt ở bệnh viện để ngủ với Cường. Cả ngày chỉ có khoảnh khắc ấy là hai mẹ con được gần nhau nên em liến thoắng đủ thứ chuyện. Những câu chuyện tưởng như vô vị như trưa nay con ăn gì, mẹ ăn gì, hôm nay con làm gì, mẹ bán được nhiều hàng không… nhưng cũng đủ để sưởi ấm trái tim của cậu bé 11 tuổi.

Chị Thơm kể, có những đêm mình trằn trọc không ngủ được, tưởng nó ngủ rồi, ai dè nó ôm chặt mình mà nói: Con không sao đâu, con còn sống lâu lắm. Sau này lớn lên con sẽ làm nghề kế toán, sẽ kiếm cho mẹ thật nhiều tiền". Lúc ấy, chị chỉ biết lặng lẽ khóc thầm vì thương con. Hết thương con rồi lại nghĩ đến căn nhà lụp xụp với ông chồng tâm thần và đứa con gái nhỏ mà khóc ròng, nước mắt không biết đến khi nào nguôi…

Sống trên đời cần có một tấm lòng

Một thanh niên dáng người hơi đậm, miệng bịt khẩu trang, chân bước tấp tểnh đứng ở cửa phòng. Anh vừa cất tiếng, tất cả trẻ em trong phòng ào ra đón rồi xúm xít vây quanh hỏi đủ thứ chuyện. Tôi đã được gặp Vũ Trường An trong hoàn cảnh như thế. Anh cũng là bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học nhưng thường xuyên đến thăm các em nhỏ. Tất cả những bệnh nhân nhí ở đây, mỗi người đều có một số phận, một cuộc đời sóng gió khác nhau. Nhưng tất cả các em đều yêu quí "chú An", coi "chú An" như tấm gương, là niềm tin và hi vọng để sống tiếp và vươn lên.

Vũ Trường An năm nay 26 tuổi. Khi là sinh viên năm cuối của Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula (Nga), chỉ còn 2 tháng nữa ra trường, anh phát hiện mình mắc bệnh máu trắng. Căn bệnh như con đập cản lại tất cả mọi ước mơ và hoài bão của một chàng trai trẻ. Bỏ dở học hành, bỏ dở ước mơ hoài bão, anh về nước điều trị. Bệnh tình trở nên trầm trọng, bác sĩ lắc đầu, trả về. Nhưng dường như có một nghị lực phi thường tiềm ẩn bên trong người thanh niên trẻ đó. An tỉnh dậy sau 8 ngày hôn mê sâu trước sự ngỡ ngàng của các bác sĩ Viện 103, họ đã phải thốt lên rằng: "Sự kì diệu của khoa học!".

Nằm trên giường bệnh, đau đớn và giày vò bởi sự sống có thể dừng lại bất cứ lúc nào (bệnh của An thuộc thể L2-thể chưa có thuốc đặc trị) nhưng An vẫn luôn trăn trở và tìm mọi cách để giúp đỡ những trẻ em bị ung thư tại Khoa Nhi, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Sau một lần tình cờ gặp các em đang phải gồng mình chịu đựng những đau đớn của bệnh tật quá sức. Sau mỗi đợt điều trị hóa chất, các em không ăn được, không nói được, mọi việc học hành đều phải dừng lại. Mỗi ngày, thường trực những mũi kim chọc vào da thịt, anh bảo: "Đến người lớn như mình còn nhiều lúc không chịu được nữa là những đứa trẻ còn quá ngây thơ". Nhìn các em đau đớn trong bệnh tật, An nghĩ mình phải làm một điều gì đó để làm vơi đi những đau đớn cả thể xác và tinh thần cho các em, mặc dù chính An cũng đang phải đối mặt với căn bệnh đó.

Đồng cảm sâu sắc trước những đau đớn mà các em phải chịu hơn ai hết, hàng ngày anh lại xuống các phòng bệnh chơi đùa với các em, dùng laptop mở phim hoạt hình cho các em xem để giúp chúng quên đi những đau đớn đang giày vò. Mọi người ở đây bảo: "Chú An chính là điểm tựa tinh thần cho các cháu". Thân thiết và chia sẻ, An biết được các em có hoàn cảnh khó khăn ở đây, từ đó luôn có một suy nghĩ thường trực trong anh: Làm sao để giúp đỡ các em này, làm sao để các em bớt đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần?

Nhiều đêm trăn trở và suy nghĩ, An đã lên kế hoạch xây dựng một dự án để kêu gọi mọi người cùng chung tay "thắp lên niềm tin và hi vọng" cho các em bé tại đây. Dự án của An là nhằm kêu gọi những người hảo tâm đóng góp, gây quỹ để giúp những em bé bị ung thư vẫn còn cơ hội sống nhưng có hoàn cảnh quá khó khăn, không có điều kiện chữa trị, để các em còn có hi vọng. Trước mắt, An muốn kêu gọi mọi người ủng hộ tài chính để xây dựng tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương một phòng vui chơi và học tập, lắp đặt tivi tại các phòng bệnh nhi cho các em bị ung thư để giúp các em vơi bớt nỗi đau tinh thần và thể xác.

Bây giờ đối với An, từng giây, từng phút đều rất quý giá, anh phải cố gắng để mỗi giây phút đó đều là những giây phút thật ý nghĩa. Có những lúc đau như rút xương tủy, hai mắt chỉ cần nhìn máy tính một lúc là đã chảy nước mắt nhưng anh vẫn kiên trì ngồi hàng giờ trước laptop, lên kế hoạch chi tiết để giúp đỡ các em. An mong muốn mọi người sẽ ủng hộ cho tâm nguyện của An và tiếp tục phát triển nó để cho những bệnh nhân bị ung thư, đặc biệt là những em bé còn quá ngây thơ đã phải chịu nhiều bất hạnh vơi bớt những nỗi đau và có thêm niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Đặc biệt, An mong muốn có sự giúp đỡ của cộng đồng để những trường hợp của các em còn cơ hội sống mà điều kiện khó khăn sẽ được giúp đỡ, có cơ hội được sống.

An chia sẻ: "Mình đặt tên dự án là Niềm tin và Hi vọng với mong muốn đem đến cho các em những điều tốt nhất có thể. Không biết mình sẽ thực hiện được đến đâu vì bệnh của mình sống chết trong gang tấc. Nhưng mình sẽ cố gắng hết sức vì sống trên đời sống cần có một tấm lòng mà…".

Hiện tại, An đang tích cực liên hệ với các nhóm tình nguyện mong muốn làm được điều gì tốt đẹp cho các em và cố gắng thực hiện dự án của mình một cách hoàn thiện, chi tiết nhất. Một người đang đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết như An còn có một tấm lòng như thế, khiến tôi không khỏi cảm phục mà tự hỏi, những người khỏe mạnh và lành lặn như chúng ta thì sao?

Nhóm PV
.
.
.