Những sự thật bất ngờ và trớ trêu ở phòng xét nghiệm ADN

Thứ Hai, 28/03/2011, 16:01
Xét nghiệm ADN bao gồm chẩn đoán bệnh di truyền và xác định đặc trưng cá thể, trong đó có xác định huyết thống. Nhưng kể từ khi thành lập đến nay, hầu hết các khách hàng khi tìm đến dịch vụ xét nghiệm ADN tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền lại chỉ nhằm mục đích xác định huyết thống để làm sáng tỏ một sự thật nào đó mà bấy lâu họ nghi ngờ.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm, người trực tiếp tư vấn và trả kết quả cho khách hàng trong suốt 6 năm qua ở Trung tâm này đã chứng kiến không biết bao nhiêu những vui buồn, éo le của cuộc đời thông qua tờ kết quả xét nghiệm huyết thống. Bà bảo, có những câu chuyện làm bà bất ngờ vì nó trớ trêu đến mức khó tin nhưng lại là sự thật…

"Không phải con của bố nhưng cũng chẳng phải con của mẹ"

Người đàn ông đã trạc tuổi ngũ tuần nhưng trông vẫn còn rất phong độ. Ông đến Trung tâm. Vẻ mặt đầy căng thẳng. Đi theo ông là một cô gái nom còn trẻ, chỉ độ ngoài 20 tuổi, trên tay bồng một đứa trẻ. Đứa bé là con trai, gương mặt bụ bẫm, trắng trẻo. Trong chăn ấm, thằng bé ngủ ngon lành, má ửng hồng, phúng phính. Cô gái thi thoảng lại cưng nựng, hít hà đứa trẻ, xem chừng đó là hai mẹ con.

Người đàn ông, vẫn với bộ mặt căng thẳng ngồi phịch xuống ghế. Ông đứng đơn xin xét nghiệm ADN với nội dung xác định huyết thống xem đứa bé trên tay cô gái kia có phải là con ruột của ông không.

Bà Nga tiếp nhận đơn, không mấy ngạc nhiên vì những yêu cầu như thế bà đã gặp quá nhiều ở phòng xét nghiệm này. Chỉ có điều - bà nói với người đàn ông - nếu có cả mẹ đứa bé thì chi phí xét nghiệm sẽ giảm. Người đàn ông quay sang chỉ vào cô gái, thay cho câu trả lời. Cô gái chìa tay ra lấy máu để làm xét nghiệm, gương mặt hoàn toàn bình thản, thi thoảng lại nhoẻn cười, liếc về phía người đàn ông đầy tình tứ. Đáp trả, người đàn ông vẫn cau có và căng thẳng. Nhìn thế, thốt nhiên bà thấy thương cô và hình dung ra bi kịch "khôn ba năm dại một giờ" của người phụ nữ này...

Mười ngày sau, theo hẹn, người đàn ông trở lại Trung tâm để lấy kết quả. Vẫn với vẻ mặt căng thẳng như lúc đến, ông hối thúc bà Nga phải trả ngay cho ông tắp lự. Hình như, ông quá căng thẳng đến mức không đủ bình tĩnh để xếp hàng thứ tự chờ đến lượt mình.

Lần theo mã số in trên giấy hẹn, bà Nga đã tìm thấy tờ kết quả được đóng trong một chiếc phong bì trắng toát. Nhưng, không giống như các khách hàng khác, ông phải nộp một khoản tiền… phạt rồi mới được nhận tờ kết quả này, bà Nga nói.

Các kỹ sư thuộc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền đang tiến hành xét nghiệm AND.

Người khách nhìn bà Nga tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu vì sao. Đáp lại, bà Nga cười, lấy ra tờ kết quả, chỉ vào dòng kết luận. Người đàn ông ồ lên kinh ngạc, gương mặt đang căng thẳng bỗng trở nên rạng rỡ. Kể từ khi ông bắt đầu xuất hiện ở căn phòng này, bây giờ bà Nga mới thấy ông cười. "Anh đã đưa tới đây một người phụ nữ không phải là mẹ cháu bé vào xét nghiệm. Anh có nhớ là trước khi anh đặt bút điền vào đơn xin xét nghiệm cha - con, chúng tôi đã lưu ý anh rằng, nếu có thêm mẹ đứa trẻ thì sẽ được giảm lệ phí. Nhưng nếu người phụ nữ đó không phải là mẹ thật của đứa trẻ thì anh sẽ bị phạt gấp đôi chi phí xét nghiệm", bà Nga từ tốn giải thích.

Người đàn ông vẫn cười, gương mặt vui khôn tả rồi rút ví sẵn sàng nộp phạt. Chưa bao giờ kể từ khi làm Giám đốc Trung tâm này, bà Nga gặp trường hợp khách hàng vui vì được … nộp phạt như ông. Linh cảm thấy có điều gì bất thường, bà Nga tiếp lời: "Hay là anh thừa tiền, định dùng đồng tiền để thử độ chính xác của công nghệ ADN". Nghe thế, người đàn ông vội vàng xua tay: "Không, chị đừng nghĩ thế. Chuyện của tôi dài lắm. Chính tôi cũng nghĩ rằng thằng bé là con của cô ấy. Không ngờ nó không phải là con tôi đã đành, nhưng lại cũng chẳng phải là con của "mẹ nó".

Và rồi, đầy ngượng ngập, người khách hàng bắt đầu kể câu chuyện "dài lắm" của một cuộc tình mà ông đã trải qua chớp nhoáng và rồi đắng cay lâu dài vì nó.

Là kỹ sư xây dựng, công việc khiến ông thường xuyên phải xa nhà, đi theo các dự án. Không giống như nhiều người đàn ông khác có cơ hội vắng vợ là trăng hoa, ông là người chồng khá thuỷ chung với gia đình. Hai con ông đều đã lớn. Cậu con trai đầu vừa tốt nghiệp đại học, đứa con gái thứ hai đang học phổ thông. Vợ ông cũng là một phụ nữ giỏi giang, đang làm quản lý trong một công ty uy tín. Tóm lại, gia đình ông là một gia đình mẫu mực, năm nào cũng được tuyên dương là gia đình văn hoá ở khu dân cư.

Nhưng cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ. Ai dè, giữ mình ngần ấy năm để rồi đến tuổi già, sắp về hưu thì ông lại phạm phải sai lầm. Trong một lần đi giám sát thi công cho một dự án ở một tỉnh miền núi, ông đã nhận lời mời chiêu đãi của phía đối tác. Cuộc vui đó có mấy cô văn công đến múa hát và rồi ông say, không phải say mấy cô đó mà là say rượu. Để rồi, khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang ở trần trong một nhà nghỉ và một trong mấy cô văn công ấy thì nằm ngay bên cạnh.

Hốt hoảng, ông lục túi, dốc ra tất cả số tiền mà khi ấy ông có được để đưa cho cô ta, mong cô ta đi ra khỏi cuộc đời của ông càng sớm càng tốt. Như chỉ cần có thế, cô ta chuồn êm. Suốt từ bấy cho đến khoảng một năm sau, ông không một lần nhận được bất kỳ một sự quấy rối nào từ phía cô. Mặc dù ông vẫn làm việc ở một công trường trong tỉnh và ông chắc rằng cô ta biết rất rõ điều đó.

Thế rồi bất ngờ khi ông vừa trở lại Hà Nội thì nhận được điện thoại của cô. Không hiểu sao cô ta lại lần ra. Trong điện thoại cô khóc nức nở. Cô kể rằng cuộc vui đêm ấy ông đã để lại trong cô một mầm sống. Nhưng vì tự trọng mà trong suốt thời kỳ mang thai, dù biết ông ở rất gần nhưng cô không dám gọi điện cho ông. Và, cô định bụng sẽ mãi mãi không bao giờ gọi điện cho ông nếu như không có sự cố này.

Sau khi cô sinh thằng bé thì chồng cô linh cảm đó không phải là con anh ta nên đã hắt hủi, bắt cô phải bế thằng bé vào trại mồ côi. Thương con, cô không nỡ nên đành gửi con sang nhà một người bà con ở cách thị xã khoảng 20 cây số nhờ nuôi hộ. Bây giờ, không biết kiếm đâu ra tiền để duy trì cuộc sống cho thằng bé nên cô mới đành muối mặt gọi điện cho ông. Cô bảo rằng, cô không dám vòi vĩnh ông, cô chỉ mong hoặc là ông mang thằng bé về Hà Nội nuôi hoặc là ông cấp đỡ một chút tiền để người bà con kia nuôi giúp thằng bé cho cô.

Sau cú điện thoại trời giáng đó, ông mất ăn mất ngủ cả tuần liền. Ông gần như phát điên phát dại khi nghĩ đến cảnh gia đình đang rất yên ấm của ông rất có thể sẽ tan vỡ vì đứa bé này, vì người đàn bà này. Giả vờ ốm, ông giam mình trong phòng riêng cả tuần liền, vò đầu bứt tai chỉ với một câu hỏi tại sao ông sai lầm, tại sao ông lại để mọi chuyện ra nông nỗi này.

Cuối cùng, ông quyết định ngược đường trở lại chốn cũ. Ông sẽ đưa thằng bé về Hà Nội xét nghiệm ADN. Nếu đúng là con ông, ông sẽ đưa nó về nhà, cầu xin vợ ông tha thứ để thằng bé được sống sung sướng như anh chị nó. Ông thắt lòng khi nghĩ đến núm ruột của ông phải sống trong sự hành hạ của chồng cô ta, một thằng đàn ông mà theo lời cô ta là quanh năm nát rượu. Tính vậy nhưng trong lòng ông, ông vẫn tin thằng bé có thể là con ông và cô ta trong ông đến tận giờ phút ấy vẫn là người đàn bà đầy tự trọng. Bởi, nếu cô chỉ là dạng gái qua đường thì trong suốt thời gian ông ở lại công trường trong cái thị xã bé nhỏ này, nhất định cô sẽ tìm đến, nhất định cô sẽ vòi vĩnh ông chứ chẳng thể để cho ông yên ổn thế…

Khi ông đến thị xã, ông điện thoại ngỏ ý muốn gặp con và muốn đưa hai mẹ con về Hà Nội. Cô đón ông, tiều tụy và u sầu. Ông nhìn cô và dù rất giận nhưng vẫn thấy thương cô.

Cô thuê xe ôm đưa ông đến một ngôi nhà nhỏ nằm trên sườn đồi cách thị xã chừng hơn 20 cây số. Người đàn bà mà cô giới thiệu là chị họ đang chăm sóc thằng bé nhìn ông đầy cảnh giác và lạ kỳ là trong suốt cuộc gặp gỡ kéo dài cả giờ đồng hồ, chị ta không hề nói một lời nào, kể cả lúc ông rút ra một xấp tiền dúi vào tay chị ta để trả công.

Xong xuôi, ba người ra thị xã rồi xuôi về Hà Nội. Về tới nơi, ông yêu cầu người lái xe chở thẳng đến Trung tâm của bà Nga. Bây giờ khi đã có trong tay tờ kết quả xét nghiệm kết luận thằng bé không phải là con của ông cũng không phải là con của cô thì ông mới nhớ lại thái độ của cô khi ấy. Khi lên xe về Hà Nội cô vui mừng lắm, trò chuyện ríu rít nhưng khi xe đỗ ở trước Trung tâm, ông thoáng thấy hình như cô hốt hoảng. Nhưng rồi, cô trấn tĩnh lại rất nhanh. Cũng bởi vậy mà ông không nghi ngờ gì cô cả.

Hôm sau, khi tiễn mẹ con cô về trên đó, ông đã đưa cho cô 20 triệu đồng và hẹn sẽ có ngày quay trở lại đón thằng bé về Hà Nội. Nhưng cô khóc, cô bảo rằng ông đừng ác thế, đừng bắt mẹ con cô phải xa nhau. Cô muốn thằng bé được ở trên đó để cô còn có dịp được nhìn thấy nó. Tóm lại là cô chỉ muốn ông chu cấp tiền chứ cô không muốn ông đưa thằng bé rời khỏi cái thị xã này. Nào ngờ, thằng bé không phải là con cô. Chính ông cũng không hiểu tại sao và ngay cả ông, một người trong cuộc vẫn thấy có điều gì đang ẩn khuất đằng sau cô và đứa trẻ này.

Bà Nga tiễn ông ra về và đọc được vẻ ưu tư trong mắt người khách hàng đặc biệt này. Rõ là ông ta đã trút được gánh nặng khi kết quả xét nghiệm khẳng định thằng bé không phải là con ông nhưng có vẻ như với ông câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Hai tháng sau, vào một buổi sáng, bất ngờ bà Nga thấy ông quay trở lại Trung tâm. "Anh lại muốn xét nghiệm thêm một đứa con rơi nữa à?", bà Nga đùa. Người đàn ông, cứ tưởng sẽ tự ái, nhưng ông vẫn vui vẻ. "Không, đời tôi chỉ sai lầm có một lần thôi. Tôi muốn quay lại đây để kể nốt cho chị câu chuyện hôm trước còn dang dở".

Thì ra, sau hôm lấy kết quả ở đây về, ông đã quay trở lại trên đấy, gặp cô một lần cuối cùng. Biết không thể lừa được ông, cô đã thú nhận thực thà tất cả. Hoá ra, thằng bé con đó là con ruột của người đàn bà câm mà cô lừa ông rằng đó là người chị họ cô nhờ nuôi dưỡng đứa bé. Cô đã cho người đàn bà câm một khoản tiền để chị ta cho cô mượn đứa bé để tống tiền ông mà không hay biết rằng ở Hà Nội lại có dịch vụ xét nghiệm ADN để xác định huyết thống. Thế nên, khi chiếc taxi dừng lại ở đây, cô mới bàng hoàng. Kể từ giây phút đó, cô hiểu rằng, cô không thể lừa được ông nhưng cô không đủ can đảm để thú nhận…

Người nói dối nhân hậu

Người đàn ông này tìm đến Trung tâm hai lần, chỉ với một yêu cầu xét nghiệm xác định cha - con. Sở dĩ bà Nga nhận ra ông ngay dù hàng ngày bà phải tiếp rất nhiều khách hàng. Lẽ vì, không giống với đa số khách hàng khác, ông cởi lòng mình với bà Nga ngay từ buổi đầu tiên khi ông đến đây yêu cầu được xét nghiệm chứ thông thường thì khách hàng chỉ chịu sẻ chia những bí mật của đời mình khi họ đã có kết quả xét nghiệm trong tay. Ông vui chuyện và hóm hỉnh. Ông lịch lãm và an nhàn. Nhìn ông, không ai nghĩ cuộc sống riêng của ông lại buồn đến vậy…

Vào chiến trường từ khi còn trẻ, biết đến mùi khói súng trước khi biết đến mùi của nụ hôn đầu. Ông đã đi qua chiến tranh ở những chiến trường khốc liệt nhất. Rất nhiều đồng đội của ông đã phải nằm lại ở chiến trường, ông trở về được cũng là một may mắn lớn. Cũng bởi vậy mà sau này, dù trong cuộc sống riêng có nhiều thiệt thòi, ông vẫn lấy đó làm niềm an ủi để lạc quan mà sống vui, sống khoẻ, sống có ích.

Bà Nguyễn Thị Nga đang tư vấn cho khách hàng.

Rời chiến trường, ông về quê, tiếp tục sống đời quân ngũ. Quân đội lo cho ông một căn hộ trong một khu tập thể quân nhân chỉ cách nơi làm việc của ông có vài ba bước chân. Ông cứ sống như vậy, độc thân, dù bạn bè, hàng xóm, đồng đội hối thúc ông lập gia đình, mai mối cho ông rất nhiều đám. Nhưng ông chỉ cười. Ông từ chối tất cả và bảo rằng, đó là cuộc sống mà ông đã lựa chọn. Không ai biết lý do vì sao và ông cũng không chịu tiết lộ bí mật đó với bất cứ một người nào.

Chỉ có duy nhất một người biết. Đó là một bác sỹ ở trạm quân y trong cánh rừng xác xơ vì bom đạn ngày ấy. Sau cuộc phẫu thuật bởi vết thương vì đạn pháo quân thù, người bác sỹ ấy đã cầm tay ông và trong nước mắt chứa chan báo cho ông một tin buồn. Vết thương hiểm ác đã vĩnh viễn cướp đi khả năng làm cha của ông từ ngày ấy. Đối với ông, lúc bấy giờ, một chàng trai chưa vợ, đó thực sự là một cú sốc lớn. Nhưng rồi, ông đã quên đi để sống, để vui nốt quãng đời còn lại.

Nhưng đến năm ông 60 tuổi thì có một sự kiện làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của ông. Tình cờ, trong một cuộc gặp mặt cựu chiến binh tổ chức ở Thủ đô, ông gặp lại bà, người đồng đội mà ông đã từng yêu say đắm ở chiến trường. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi và bà, trong niềm vui quá độ đã buột miệng nói ra: "Con trai anh giờ đã có vợ". Sau đó, thấy ông gặng hỏi, bà vội vàng xua đi: "Không đâu, em đùa, anh không có đứa con nào cả". Khi ông ngỏ ý muốn được về quê thăm bà, bà tỏ vẻ ngại ngần.

Sau đận ấy trở về bỗng ông trở nên ưu tư khác thường. Lời nói của bà lúc nào cũng ám ảnh ông, thúc giục ông đi tìm cái đứa con đang ở nơi rất xa ấy. Ký ức chiến trường chưa bao giờ lại trở về nguyên vẹn, chi tiết và mãnh liệt đến thế trong ông. Hai người yêu nhau trong bom rơi đạn lửa và giống như nhiều mối tình khác ở chiến trường, không có kết thúc bằng đám cưới. Chiến tranh đang thời kỳ khốc liệt. Hai người tiếp tục hành quân ở hai ngả chiến trường.

Thế rồi, ít lâu sau, ông cũng đã tìm được nơi ở của bà, ở một ngôi làng cách thành phố Việt Trì chừng hai chục cây số. Khi ông về quê bà thì người chồng của bà đang lâm bệnh. Vợ chồng bà đang ở cùng nhà với gia đình anh con trai cả. Thấy bạn mẹ đến chơi, vợ chồng anh con trai cả đón tiếp rất niềm nở. Ông nhìn đứa con trai bà, nắm lấy bàn tay nó mà lòng bỗng thấy xốn xang…

Đận đà mãi rồi cuối cùng ông cũng lấy hết cam đảm để nói ra cái điều cần nói, dù ông biết có thể bà sẽ nổi giận. Nhưng không, bà bảo ông cứ về đi, khi nào lấy được mẫu tóc của người con trai cả thì bà sẽ báo cho ông lên nhận với cam kết ông phải tuyệt đối giữ bí mật.

Một tuần sau, có một người đàn ông chuyển tới cho ông một bao thư. Bên trong là một nhúm tóc. Ông hiểu đó là thư của bà và lập tức đến Trung tâm lấy máu xét nghiệm. Nhưng kết quả thật đáng buồn: không phải cha - con.

Dù vậy, kể từ bấy ông vẫn liên lạc với bà và thi thoảng vẫn lên thăm vợ chồng bà. Cho đến khi chồng bà mất, ông cũng có mặt tại đám tang chia buồn với bà và gia quyến.

Nhưng tròn một năm sau, trong đám giỗ đầu của chồng bà, trước khi ông tạm biệt bà để trở về quê, bà đã đưa cho ông một ít móng tay đã được bà gói bọc cẩn thận. Bà bảo, ông hãy về làm xét nghiệm lại đi, đây mới là mẫu thật của con. Cái mẫu tóc lần trước là mẫu giả. Bà đã phải làm thế vì bà sợ biết đâu khi nhận ra con, ông sẽ vui quá mà quên mất lời cam kết là giữ bí mật cho bà. Bà không muốn làm tổn thương người chồng, cũng là một đồng đội năm xưa của bà, bao nhiêu năm qua đã yêu quí thằng bé như con đẻ. Bây giờ, ông đã về với tổ tiên và đêm qua trước vong linh của ông, bà đã xin chồng cho phép bà được tiết lộ một sự thật mà bấy lâu bà đã giấu ông…

Theo di truyền học, 23 nhiễm sắc thể có trong tế bào trứng của người mẹ và 23 nhiễm sắc thể có trong tinh trùng của người cha kết hợp với nhau để sinh ra người con. 46 nhiễm sắc thể này có trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta - 23 lấy từ mẹ và 23 lấy từ bố. Xét nghiệm ADN cho phép kiểm tra xem có đúng người con lấy nhiễm sắc thể của người bố nghi vấn hay không. Xét nghiệm huyết thống bằng ADN là cách xét nghiệm chính xác nhất hiện nay.

Nếu các mẫu ADN của mẹ, con và bố nghi vấn khớp với nhau trong từng phép thử thì độ chính xác của quan hệ huyết thống đạt tới trên 99,99% hoặc cao hơn. Điều đó có nghĩa là trên thực tế người đàn ông được xét nghiệm ở đây chính là bố của người con.

Nếu các mẫu ADN giữa người con và bố nghi vấn, về lý thuyết, không khớp với nhau chỉ một mẫu thử, thì người đàn ông này đích thực không phải là cha đứa trẻ. Nhưng trên thực tế, các tổ chức xét nghiệm quốc tế qui định phải có từ hai mẫu không khớp trở lên mới được kết luận.

Theo GS. Lê Đình Lương, người sáng lập ra Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền thì ý tưởng ứng dụng một công nghệ cao vào thực tiễn Việt Nam nảy sinh trong ông từ năm 1988, khi ông mua được máy PCR tại Moskva trên đường trở về Việt Nam từ Hội nghị Di truyền học XVI ở Toronto, Canada. Trong suốt gần hai mươi năm qua, kể từ khi có được chiếc máy này, ông và các cộng sự đã thực hiện trên 1.500 thí nghiệm để hoàn thiện và thích ứng từng khâu của qui trình vào điều kiện Việt Nam. Cho đến năm 2005 thì Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền mới chính thức được thành lập và dịch vụ xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Nguyễn Quí Duy Anh
.
.
.